Chọn ngôn ngữ

Close

Tình yêu thương và truyền đạo

1908 Xem

Khi bước đi trên con đường đức tin, có thể có những lúc chúng ta biết rằng hy sinh trên thập tự giá là kết tinh biểu hiện tình yêu thương của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta chưa hiểu hết bề sâu, bề rộng và độ lớn của tình yêu thương ấy. Người chưa nhận thức được rằng Cha phần linh hồn và Mẹ phần linh hồn đã hy sinh như thế nào cho chúng ta, thì đành chỉ dừng lại trong phạm trù đức tin ở mức độ và tầm cỡ nhỏ bé thôi.

Mong rằng các quý vị đều trở thành các anh em chị em Siôn biết chia sẻ với mọi người trên thế gian tình yêu thương mà Cha Mẹ đã ban cho chúng ta, cũng hãy hiểu biết rằng Cha Mẹ đã đến đất này và sống cuộc đời hy sinh, thậm chí chịu đựng sự khổ nạn thảm thiết đến thế để cứu rỗi chúng ta. Chúng ta hãy xem sự dạy dỗ về tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Đức Chúa Trời, Đấng hầu về sau ban phước

Nếu một người chỉ nhìn vào hiện thực trước mắt và nài xin những thứ thuộc về xác thịt như quyền lực thế gian hay vật chất, thì có những lúc Đức Chúa Trời sẽ ban cho sự ứng đáp khác với suy nghĩ của người đó. Hoặc có vị băn khoăn rằng “Tôi tin Đức Chúa Trời mà sao lại đau đớn thế này?”, “Sao hoàn cảnh tôi lại nghèo?”, “Sao Đức Chúa Trời không ứng đáp lời cầu nguyện của tôi?”, nhưng thật ra không phải là Ngài không ứng đáp đâu. Ngài luôn luôn ứng đáp.

Đức Chúa Trời luôn coi các con cái là toàn bộ cuộc sống của Ngài và là toàn bộ sự quan tâm của Ngài. Ngài đã tạo ra chúng ta theo hình ảnh của Ngài, và vẫn đang làm việc để hoàn thành công việc này (Giăng 5:17). Đôi khi Đức Chúa Trời hạ chúng ta xuống và đặt chúng ta vào tình huống khó khăn, nhưng chúng ta không được bỏ qua sự thật rằng hết thảy mọi điều đó đều là vì lợi ích của linh hồn chúng ta, vì yêu thương chúng ta nên Ngài đã làm vậy để hầu về sau ban phước cho chúng ta.

Tôi tin rằng chúng ta phải luôn dâng cảm tạ và vinh hiển lên Cha Mẹ, Đấng đã để lại vinh hiển trên trời mà đến tận trái đất này, và đang dẫn dắt chúng ta đến con đường Nước Thiên Đàng, lại cầu nguyện trong nỗi thương xót mỗi khi các con cái không hiểu biết mà bị lầm đường lạc lối. Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh rằng tình yêu thương là trọng hơn cả và yếu tố cần thiết nhất trong tín ngưỡng của chúng ta chính là tình yêu thương.

“Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự sâu nhiệm và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được,… lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi. Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ… Nên bây giờ còn có ba điều này: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.” I Côrinhtô 13:1-13

Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ ràng rằng đức tin không với tình yêu thương, hay sự trông cậy mà không có tình yêu thương thì không có ý nghĩa gì. Nếu có một thứ mà chúng ta sẽ mang theo lên Nước Thiên Đàng thì ấy chính là tình yêu thương. Vương quốc của Đức Chúa Trời chẳng phải là vương quốc của tình yêu thương hay sao? Dù biết lời tiên tri và nói tiếng lạ, hay có nhiều tri thức đi chăng nữa, thì cũng sẽ đến khoảnh khắc tất cả những điều này biến mất, nhưng tình yêu thương còn tồn tại đời đời.

Tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tình yêu thương này đến từ Đức Chúa Trời.

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau… ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy… Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước. Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được. Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình.” I Giăng 4:7-21

Câu “vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời” được biểu hiện trong Kinh Thánh tiếng Anh NIV rằng “tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời (love comes from God)”. Đã được phán rằng tấm lòng yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Chẳng phải việc chúng ta luôn có tấm lòng yêu thương chính là bằng chứng sống về sự Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta hay sao? Hãy nghĩ đến Cha Mẹ đã hy sinh như thế nào để cứu sống tôi, là kẻ không tránh khỏi sự chết nếu bị bỏ mặc. Xin đừng quên hoặc quay lưng lại với tình yêu thương ấy, nhưng hãy bước theo những bước đi vĩ đại ấy, và trở thành các con cái Siôn đồng hành cùng Đức Chúa Trời. Tôi mong rằng các con cái trên trời đã nhận được sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời An Xang Hồng và Đức Chúa Trời Mẹ Giêrusalem Mới, sẽ luôn thực tiễn và trao tặng tình yêu thương trong khi lấy tình yêu thương mà đối đãi với anh chị em, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và người quen.

Xung quanh quý vị có thể có những người nhà hành động hơi khác so với suy nghĩ của quý vị và khiến quý vị cảm thấy bất tiện. Tuy nhiên, chỉ vì chúng ta có cách sống khác nhau mà thôi, chúng ta không nên cảm thấy khó chịu hay ghen ghét nhau vì điều đó. Chúng ta hãy công nhận những khác biệt, và một lần nữa tôi xin dặn dò tất cả các người nhà Siôn hãy gắng sức và nỗ lực để hoàn thành Tin Lành cuối cùng trong sự liên hiệp và hòa thuận, bằng tấm lòng trở nên một với tư cách là con cái mà Cha Mẹ đã đổ huyết để cứu sống, là các chi thể trong một thân của Đấng Christ.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời cứu các linh hồn khỏi sự chết

Khi sống trên thế gian này, chúng ta cũng phải thực tiễn tình yêu thương bằng cách giúp đỡ những người gặp khó khăn. Toàn bộ tình yêu thương đều đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy dò xem lời ví dụ của Đức Chúa Jêsus Christ, trong đó Ngài nhắc nhở chúng ta rằng các Cơ Đốc nhân phải dành tình yêu thương đã học được từ Đức Chúa Trời cho những người xung quanh, cả về phần xác thịt lẫn phần linh hồn.

“Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và yêu người lân cận như mình. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống… Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Giêrusalem xuống thành Giêricô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lêvi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Samari đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơniê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả. Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy.” Luca 10:25-37

Thầy tế lễ hay người Lêvi là những người biết rõ điều răn, luật lệ và phép đạo. Song, hai người này đã không nỗ lực gì để cứu người sắp chết mà chỉ nghĩ đến thể diện hay sự bất tiện của bản thân. Tuy nhiên, người Samari đang đi du hành đã nỗ lực cứu người đó, thậm chí còn trì hoãn lịch trình chuyến đi của mình. Đức Chúa Jêsus dạy rằng trong ba người này, người đã tỏ lòng thương xót với người bị cướp, tức người thực hành và thực tiễn tình yêu thương, mới thật sự là người lân cận. Đây chẳng phải là lời dạy rằng chúng ta phải trở thành các con cái trên trời giống như người Samari đã dốc sức trong việc cứu sống một người sao?

Các điều răn, luật lệ và phép đạo của Đức Chúa Trời đều quý báu. Song, Kinh Thánh tiếp tục nhấn mạnh rằng nếu loại bỏ tình yêu thương ra khỏi đó thì không có ý nghĩa gì cả. Dù chúng ta là các con cái đã phạm tội trên trời nên phải xuống đất này và không có cách nào thoát khỏi sự chết, nhưng ngày nay, nhờ huyết báu hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Trời, chúng ta đang ở vị trí vinh hiển với sự trông mong Nước Thiên Đàng. Không phải vì chúng ta thông minh nên đã nhận biết Kinh Thánh và bước vào lẽ thật giao ước mới đâu, nhưng ấy là vì chúng ta được mời đến dự bữa tiệc của tình yêu thương và lòng nhân từ mà Đức Chúa Trời ban cho. Chúng ta tuyệt đối không được xem nhẹ sự hy sinh trên thập tự giá vào 2000 năm trước, hay tình yêu thương của Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh đã cho chúng ta biết trong suốt 6000 năm dài đằng đẵng.

Truyền đạo là thực tiễn tình yêu thương lớn nhất

Tặng một bộ quần áo cho người không có quần áo, chia sẻ thức ăn ít ỏi mình có cho người không có gì để ăn như câu nói “chia sẻ kể cả một hạt đậu”, những việc đó cũng là một phần trong tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dạy dỗ. Song, bởi lẽ thật sự sống mà hầu cho một linh hồn sẽ chết được sống đời đời, hoặc làm cho nhân sinh đang đi đến địa ngục được quay trở lại và dẫn dắt đến Nước Thiên Đàng, ấy là tình yêu thương vĩ đại và cơ bản nhất được nói đến trong Kinh Thánh.

Chính Đức Chúa Trời đã đích thân làm gương cho chúng ta phương pháp yêu thương thế gian thông qua việc truyền đạo. Nhắc đến “truyền đạo”, có khi chúng ta hiểu nhầm rằng đó là chia sẻ nhiều kiến thức cho mọi người trên thế gian. Song trên thực tế, truyền đạo là một trong những biểu hiện mà các tội nhân đã phạm tội và bị đuổi ra khỏi Nước Thiên Đàng bày tỏ sự ăn năn trước Đức Chúa Trời, và là quá trình thể hiện và cho mọi người trên thế gian biết đến tình yêu thương, là thuộc tính vĩ đại của Đức Chúa Trời.

Chẳng phải Kinh Thánh biểu hiện rằng thuộc tính của Đức Chúa Trời là tình yêu thương hay sao? Tình yêu thương của Đức Chúa Trời được chứa đựng trong từng câu Kinh Thánh. Vì vậy, chúng ta rao truyền tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Đấng muốn cứu rỗi nhân loại, được chứa đựng trong Kinh Thánh. Đây chính là truyền đạo. Có thể nói chúng ta đang truyền đạo thực sự khi rao truyền tin tức Nước Thiên Đàng bằng lòng yêu thương, muốn dẫn các linh hồn vốn phải đi vào địa ngục được lên Nước Thiên Đàng một cách ngay thẳng, chứ không chỉ với mục đích chịu phép Báptêm là bước chân đầu tiên của sự cứu rỗi.

Đương thời Hội Thánh sơ khai, các sứ đồ đã nhận lãnh Thánh Linh mưa đầu mùa vào Lễ Ngũ Tuần và siêng năng rao truyền Tin Lành. Khi dò xem sách Công Vụ Các Sứ Đồ, từ chương đầu tiên đến chương cuối cùng, không có nội dung nào không liên quan đến việc truyền đạo. 3000 người, 5000 người được chịu phép Báptêm trong một ngày, ngày nào các thánh đồ cũng nhóm lại, và dù ở trong đền thờ hay ngoài đường, họ đều không ngừng rao truyền rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ… Công việc của các sứ đồ được Thánh Linh cảm động trước sau như một, là cầu nguyện và rao truyền lời, khoe khoang về Đức Chúa Trời và thực tiễn tình yêu thương của Đấng Christ để cứu rỗi thế gian.

Vì sao những người được Thánh Linh cảm động đã có thể truyền đạo như thế? Đó là vì họ đã có một tấm lòng đồng nhất với Đức Chúa Trời là Sự Yêu Thương. Đức Chúa Trời đến thế gian này để tìm và cứu kẻ bị mất (Luca 19:10). Ý muốn của Ðức Chúa Trời và tình yêu thương của Ngài đối với những linh hồn đang lang thang lạc lối, cũng như vô số nhân sinh đang sống mà không biết mục đích của cuộc sống là gì, chính là làm thức tỉnh họ về sự thật rằng có Nước Thiên Đàng mà mỗi người sẽ trở về, là “quê hương mà mình từ đó đi ra”, bởi đó khiến họ không phải đi đến nơi đau đớn là địa ngục nữa. Vì thế, Ngài đã giao phó công việc vĩ đại này cho các con cái trên trời, là những người có đặc quyền con trưởng.

“Tin Lành nầy về nước Ðức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân…” Mathiơ 24:14

“Ðức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Mathiơ 28:18-20

Tin Lành Nước Thiên Đàng là tin tức phước lành cho phép các tội nhân trên trời, những người không tránh khỏi sự đi vào địa ngục, lại được quay trở về Nước Thiên Đàng. Chúng ta phải ghi khắc những lời chứa đựng tình yêu thương ấy của Đức Chúa Trời vào trong lòng, vâng theo và rao truyền cho cả thế gian. Khi chúng ta dạy họ giữ hết cả phán lệnh của Đấng Christ, thì sẽ làm dấy lên lịch sử các linh hồn đáng thương buộc phải đi xuống địa ngục nay lại được trở về Nước Thiên Đàng.

Chẳng phải chúng ta cũng đã nhận được tình yêu thương lớn lao của Đức Chúa Trời nên mới được sự tha tội, và con đường vinh hiển để trở về Nước Thiên Đàng đã được mở ra cho chúng ta hay sao? Đấng Christ đã đích thân dặn chúng ta hãy mở con đường ấy cho những người khác nữa. Đôi khi, những người không biết có thể bắt bớ hoặc gây trở ngại cho chúng ta, nhưng trong số họ, sẽ có những người nghe được giọng tiếng của Đức Chúa Trời và quay trở lại, nên chúng ta càng phải nỗ lực hơn nữa để rao truyền Tin Lành. Khi rao truyền với tấm lòng yêu thương của Đấng Christ mong muốn cứu rỗi một linh hồn, thì sẽ kết được trái Tin Lành trọn vẹn mà Đức Chúa Trời mong muốn.

Các con cái trên trời thực tiễn tình yêu thương

Nơi nào có tình yêu thương thì luôn có ân huệ và cảm động. Tình yêu thương đóng vai trò như ốc đảo trong sa mạc, mang lại sự nghỉ ngơi kể cả trong cuộc sống khó khăn và khắc nghiệt.

Tình yêu thương tồn tại ngay cả giữa những người không có đức tin, thế thì các thánh đồ đức tin đang hầu việc Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ, là nguồn của tình yêu thương, càng phải bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời bằng tình yêu thương lớn hơn nữa.

“Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ. Hãy chăm chỉ đọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ, cho đến chừng ta đến.” I Timôthê 4:12-13

Vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương, nên chúng ta là con cái Ngài cũng hãy thực tiễn tình yêu thương đối với gia đình và người lân cận trong cuộc sống hàng ngày. Dường như gia đình là mối quan hệ khó thể hiện tình yêu thương nhất vì không thể thổ lộ dù có tấm lòng với nhau chăng nữa. Tôi mong rằng chúng ta đều trở thành các gia đình Siôn luôn sống yêu thương như các con cái của Đức Chúa Trời và bày tỏ tình yêu thương lẫn nhau, chồng đối với vợ, vợ đối với chồng, con cái đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con cái. Ngay cả khi xảy ra việc đáng giận chăng nữa, chúng ta hãy nhịn nhục và nhẫn nại thêm chút nữa theo lời dạy “Hãy chậm nóng giận” (Châm Ngôn 16:32, Êphêsô 4:26-32). Trong Hội Thánh, chúng ta cũng hãy liên hiệp và thực tiễn tình yêu thương của Đấng Christ bằng cách sửa chữa những lỗi lầm và bù đắp những khuyết điểm của anh chị em trong đức tin. Chúng ta hãy trở thành các con cái trên trời luôn tỏa sáng bởi tình yêu thương dù ở bất cứ đâu, ở gia đình, ở Hội Thánh hay ngoài xã hội, và hãy làm biến hóa thế giới, từ thế giới ích kỷ chỉ biết quan tâm đến bản thân thành thế giới tuyệt vời được liên hiệp bằng tình yêu thương.

Khi hành động bởi tấm lòng yêu thương muốn cứu một linh hồn, thì việc truyền đạo có thể trở nên thời gian thực tiễn chia sẻ tình yêu thương của Đấng Christ thay cho Ngài, và là thời gian hối cải khi một người hiểu ra Cha Mẹ đã nỗ lực biết bao để cứu một linh hồn. Khi suy ngẫm về lời đã ví công việc cứu một linh hồn với việc “chịu đau đớn của sự sanh nở (Galati 4:19)”, thì thấy rằng việc truyền đạo tuyệt đối không có trường hợp nào là dễ dàng. Dường như việc dễ dàng kết được trái Tin Lành là vì Đức Chúa Trời đã mở cánh cửa ngay lập tức lúc bản thân rao truyền, nhưng thực ra, ấy là điều được ban cho nhờ vô số nỗ lực của các người nhà Siôn trên khắp thế giới từ trước đó.

Chúng ta đang truyền tải, dù chỉ là một phần nhỏ tình yêu thương lớn lao của Cha Mẹ, Đấng mong muốn cứu rỗi toàn nhân loại trên khắp thế giới. Chúng ta hãy chia sẻ tình yêu thương của Đức Chúa Trời với mọi người, dù là người quen hay không quen, để dẫn dắt mọi người một cách đúng đắn đến Nước Thiên Đàng vinh hiển. Chúng ta cũng hãy để họ cảm nhận và trải nghiệm tình yêu thương Ngài đã cứu chúng ta bởi đích thân Ngài bị đóng đinh và hy sinh trên thập tự giá. Đừng mệt mỏi mà hãy gắng sức lên! Công việc chúng ta đang làm rõ ràng là công việc đúng đắn. Đó không phải là điều gây hại cho thế gian, mà mang lại lợi ích cho thế gian và lan tỏa hạnh phúc cho thế gian. Vì Đức Chúa Trời đã làm như vậy nên chúng ta cũng đang đi theo con đường ấy. Mong các quý vị sẽ làm hoàn thành thời gian Tin Lành đẹp đẽ này một cách ân huệ trong sự cầu nguyện. Chúc các quý vị kết trái Tin Lành dư dật và nhận lãnh phước lành cùng ân điển lớn lao của Đức Chúa Trời.