
Nhân vật chính của Thế vận hội Rome năm 1960 là Abebe Bikila, một vận động viên marathon người Ethiopia. Ông đã lập kỷ lục thế giới khi trở thành người da đen đầu tiên xuất thân từ châu Phi giành được huy chương vàng. Nhưng hơn hết, ông đã đạt được mọi điều đó bằng “chân trần”.
Vào thời điểm đó, Bikila tham gia thi đấu muộn để thay thế người đồng đội bị thương, nên ông đã không có giày thể thao riêng. Ông đã chọn chạy bằng chân trần thay vì đi đôi giày không thoải mái, rồi vụt trở thành ngôi sao được biết đến với cái tên “Abebe chân trần”. Làm thế nào mà ông ấy có thể chinh phục đường đua marathon chủ yếu là nhựa đường và sỏi chỉ với đôi chân trần mà không có đế mềm hoặc đệm lót chức năng?
Bàn chân tinh xảo và vững chắc
Bàn chân ở vị trí thấp nhất của cơ thể và hầu như nằm ngoài tầm mắt của chúng ta. Mặc dù không dễ để nhìn thấy hình dạng thực sự của bàn chân vì nó được che phủ bởi tất và giày, nhưng thực chất bàn chân là cơ quan có cấu trúc tinh xảo không kém gì bàn tay.
Cơ thể con người bao gồm 206 chiếc xương, và mỗi bàn chân có 26 chiếc xương, tương đương 10% trong số đó. Những xương này kết nối với 30 khớp xương, tạo nên sự chuyển động mềm mại và đa dạng. Nếu xét đến việc bàn tay di chuyển linh hoạt được cấu tạo bởi 27 chiếc xương và 25 khớp xương thì có thể thấy bàn chân là cơ quan tinh xảo đến mức nào. Hơn nữa, bàn chân có nhiều dây thần kinh ngoại biên không kém gì tay, nên nếu rèn luyện thì bàn chân cũng có độ nhạy cảm vượt trội đến mức có thể thay thế vai trò của bàn tay ở một mức độ nào đó. Đặc biệt, lòng bàn chân tập trung các dây thần kinh cấp cao và các thụ thể cảm giác, giúp truyền phản hồi cảm giác đến não khi bàn chân chạm đất, từ đó điều phối việc chuyển động.

Xương lớn nhất ở bàn chân là xương gót chân. Xương gót chân là phần đầu tiên chạm đất khi đi bộ, đóng vai trò là trung tâm nâng đỡ trọng lượng cơ thể và giữ thăng bằng. Xương ngón chân gồm có 2 xương ở ngón cái, chịu 60% trọng lượng cơ thể khi đi bộ, và 3 xương ở mỗi ngón còn lại. Nhờ đó, các ngón chân đóng vai trò như một đòn bẩy linh hoạt khi di chuyển, tạo lực đẩy xuống đất để cơ thể tiến về phía trước.
Các xương được kết nối chặt chẽ với nhau bằng 107 dây chằng có hình dạng như băng dính. Các dây chằng đủ chắc để chịu được tải trọng lên tới 100 kg khi đứng yên và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hình dạng của bàn chân. Gân kết nối xương và cơ để truyền lực co của cơ đến xương. Gân gót chân (gân Achille) kéo dài từ cơ bắp đùi đến gót chân, là gân chắc khỏe nhất trong cơ thể chúng ta. Chúng dài và khỏe hơn nhiều so với các loài linh trưởng khác, co giãn như lò xo đàn hồi khi chạy, tạo đệm và giúp cơ thể bật nhảy.
Khi đi bộ hoặc chạy, thông thường bàn chân phải chịu áp lực gấp ba đến bảy lần trọng lượng cơ thể. Trong suốt cuộc đời, con người đi bộ hơn 160.000 km, gấp khoảng ba vòng rưỡi quanh trái đất, và co duỗi bàn chân khoảng 300 triệu lần. Khoảng 20 cơ được kết nối chặt chẽ từ mắt cá chân đến đầu ngón chân và có thể chịu được áp lực tích lũy lên tới gần 1000 tấn mỗi ngày, đồng thời có độ bền không hề suy giảm ngay cả khi chuyển động liên tục.
Hàng trăm mạch máu phân bố đều khắp bàn chân giúp đưa máu, oxy và chất dinh dưỡng đến tận đầu ngón chân. Đây là lý do nhiệt độ da và cơ thể ở bàn chân, nơi xa tim nhất, vẫn được duy trì ổn định. Bàn chân với vô số mạch máu, là bộ phận thấp nhất của cơ thể và hoạt động như một máy bơm để đưa máu trở về tim, nên chúng còn được gọi là “trái tim thứ hai”.
Vòm bàn chân – cấu trúc hoàn hảo nhất
Một trong những đặc điểm chính phân biệt con người, được gọi là chúa tể của muôn loài, với các loài động vật khác là khả năng đi đứng thẳng. Trong số khoảng 220 loài linh trưởng, duy chỉ có con người là loài đi đứng thẳng. Nhờ bước đi bằng hai chân mà con người có thể sử dụng cả hai tay một cách tự do, dẫn đến sự phát triển của nhiều nền văn minh đa dạng, bao gồm cả công cụ.
Để đứng thẳng, vai trò của bàn chân trong việc giữ cân bằng và nâng đỡ cơ thể là quan trọng hơn hết. Mặc dù bàn chân chỉ chiếm 2% diện tích bề mặt cơ thể, nhưng chúng lại nâng đỡ 98% trọng lượng còn lại và hoạt động như bộ đệm tuyệt vời để hấp thụ hầu hết các lực sốc mà con người gặp phải khi chạy. Lý do Abebe Bikila có thể hoàn thành đường đua 42,195 km bằng chân trần là vì bàn chân được tối ưu hóa cho việc đi bộ và chạy.

Bí quyết chính là phần “vòm” ở lòng bàn chân. Vòm bàn chân là cấu tạo kiến trúc được xây dựng theo đường cong hình cánh cung trên cửa sổ, cửa chính hoặc trên cầu, thường được sử dụng để chịu tải trọng bên trên một cách ổn định. Nếu nhìn bàn chân của một người từ bên cạnh, thì có thể thấy cấu trúc hình vòm lõm ở giữa lòng bàn chân. Vòm bàn chân giao nhau theo hai hướng: một hướng chạy ngang qua mu bàn chân và một hướng chạy theo chiều dọc từ gót chân đến ngón chân.
Các vòm này mở ra khi bàn chân chạm đất, hấp thụ lực tác động và tác động vào cơ thể một phần lực từ bàn chân trong khi trở về hình dạng ban đầu. Ngoài ra, nó cũng ngăn ngừa bàn chân bị cong hoặc hỏng do va chạm và áp lực tác động liên tục. Lúc này, xương mắt cá chân đóng vai trò như một hòn đá nêm ở đỉnh của vòm chân, giúp cân bằng lực.
Bên dưới vòm là cân gan chân. Cân gan chân là một dải mô xơ dạng dải dày trải dài từ gót chân đến lòng bàn chân; trong số các loài linh trưởng thì chỉ có ở người. Cân gan chân hoạt động như một sợi dây cao su nối phần trước và sau của bàn chân, giúp vòm bàn chân trải ra rồi lại trở về trạng thái ban đầu . Nó cũng giúp giảm tải trọng tác động lên gót chân khi đi bộ, hấp thụ lực sốc, bảo vệ khớp và giúp nâng bàn chân lên.
Nếu hình dạng của vòm bàn chân biến đổi, tình trạng đau hoặc bất thường có thể xảy ra ở khắp nơi trên bàn chân. Bàn chân bằng phẳng không có vòm thì dễ bị mỏi khi đi bộ đường dài và thường bị bong gân mắt cá chân vì gót chân nghiêng ra ngoài. Ngược lại, nếu vòm quá cao, lực tác động sẽ không được hấp thụ đều trên khắp bàn chân, tạo áp lực quá mức về phía trước lòng bàn chân, gây đau ngón chân và chai sạn. Nếu nghiêm trọng, cơn đau có thể lan tới đầu gối. Một số người cho rằng vòm bàn chân có cấu tạo góc rất tinh xảo để ngăn ngừa tình trạng bất thường như vậy xảy ra. Họ cũng gọi đó là “cấu trúc hoàn hảo nhất trong vũ trụ”.

Leonardo da Vinci đã sớm nói rằng bàn chân là “một kiệt tác của công nghệ và một tác phẩm nghệ thuật”. Song, ở thời điểm mà sự hiểu biết về cơ thể người vẫn còn hạn chế, bàn chân bị coi là bộ phận thấp hèn nhất và xấu xí nhất của cơ thể. Chỉ đến gần đây, với sự tiến bộ của y học, bàn chân mới được coi là nền tảng của cơ thể chúng ta và cần được chăm sóc để có sức khỏe tốt.
Cho dù đó là bàn thắng đẹp quyết định kết quả của một trận đấu bóng đá, hay những chuyển động của một vũ công đẹp như những cánh hoa nhẹ nhàng rơi, tất cả đều bắt đầu từ mũi chân. Dẫu không chỉ ra những hoạt động mang tính chuyên môn như vậy, bàn chân vẫn luôn ở vạch xuất phát khi chúng ta thức dậy khỏi giấc ngủ, chuẩn bị ra ngoài và rời khỏi nhà để bắt đầu một ngày.
Kể cả ngày nay, vô số người vẫn đang sống trong khi bước đi bằng “kiệt tác hoàn hảo nhất trong vũ trụ”. Suốt cuộc đời, chúng ta đang sinh sống trong khi bước đi trên đôi chân – điểm tựa vững chắc âm thầm nâng đỡ cuộc sống hằng ngày từ nơi thấp nhất.