Thần kinh gương phản ánh “Bản thân tôi”

13,171 lượt xem

Tại sao khi oẳn tù tì, chúng ta thường vẽ trong tâm trí? Tại sao chúng ta ngay lập tức và vô thức quyết định đưa ra một hình giống hình vẽ trong suy nghĩ của chúng ta?

Về vấn đề này, các nhà khoa học nghiên cứu về thần kinh tại Đại học College London ở Anh đã công bố kết quả của một thí nghiệm vui. Họ yêu cầu những người tham gia chơi oẳn tù tì nhiều vòng và trong mỗi hiệp thì một hoặc cả hai người chơi đều bị bịt mắt. Khi cả hai đều bị bịt mắt, tỷ lệ hòa là 33%, tương đương với xác suất được tính theo toán học. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên 36% khi chỉ có một trong hai người chơi bị bịt mắt; đó là vì người không bị bịt mắt bắt chước thế tay của người kia.

Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi ai đó ngáp trong lớp học, các học sinh khác cũng ngáp như thể bị lây lan vậy. Khi nói chuyện trực tiếp với nhau, nếu một người chống cằm hoặc thay đổi tư thế thì người kia cũng vô tình làm giống như vậy. Đôi khi, bạn cũng cười theo nếu có ai đó cười thành tiếng cho dù điều đó không buồn cười đến thế. Tại sao lại xảy ra những hiện tượng này?

Nhà thần kinh học Rizzolatti tình cờ phát hiện ra các tế bào thần kinh gương. Đúng như tên gọi, tế bào thần kinh gương là tế bào thần kinh phản chiếu hành vi của đối phương như thể chính người quan sát đang thực hiện hành động đó. Nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Parma đang nghiên cứu các tế bào thần kinh trong não chịu trách nhiệm kiểm soát hành vi của khỉ Macaque khi chúng dùng tay để cầm đồ vật.

Trong thí nghiệm, họ phát hiện ra các tế bào thần kinh hoạt động khi con khỉ duỗi tay ra và nắm lấy thức ăn. Nhưng thật ngạc nhiên, các tế bào thần kinh ấy cũng hoạt động giống như vậy khi con khỉ quan sát một nhà nghiên cứu đang cầm thức ăn. Đây là hệ thần kinh gương. Hiện tượng này xảy ra khi con khỉ theo dõi cử chỉ của nhà nghiên cứu và cảm giác như thể chính nó đang hành động.

Vì không thể nghiên cứu riêng biệt các tế bào thần kinh trong não người nên các nhà khoa học sử dụng Hình ảnh Cộng hưởng Từ Chức năng [fMRI] để quan sát phản ứng của não bộ. Kết quả cho thấy não người cũng hoạt động tương tự như vậy; phần não tương ứng sẽ hoạt động khi chính người đó thực hiện hành động và cả khi họ nhìn thấy người khác làm hành động tương tự. Vì lý do này, các nhà thần kinh học cho rằng con người cũng có các tế bào thần kinh gương. Tuy nhiên, vì khó có thể nhìn thấy từng tế bào thần kinh riêng lẻ, nên phải gọi là hệ thần kinh gương thì chính xác hơn là các tế bào thần kinh gương.

Nhà tâm lý học Dimberg người Thụy Điển đã chỉ ra hệ thống thần kinh gương của con người thông qua một thí nghiệm đơn giản. Ông cho những người tham gia xem nhiều bức ảnh có biểu cảm khuôn mặt khác nhau và yêu cầu họ không được thể hiện bất kỳ cảm xúc nào trên khuôn mặt khi xem những bức ảnh đó. Và ông quan sát cơ mặt của họ thay đổi ra sao. Khi một khuôn mặt hạnh phúc hiển thị trên màn hình trong 0,03 giây, các cơ chịu trách nhiệm mỉm cười trên khuôn mặt của mọi người chuyển động. Tương tự như vậy, khi họ nhìn thấy một khuôn mặt giận dữ, các cơ có một chút cử động để cau mày. Mặc dù những bức ảnh được chiếu trong thời gian ngắn đến mức khó có thể nhận ra đó là ảnh của loại cảm xúc gì, nhưng những người tham gia đã vô thức biểu cảm theo khuôn mặt trong hình.

Một thí nghiệm tương tự khác cho thấy mối quan hệ giữa hệ thần kinh gương và cảm xúc. Trong thí nghiệm này, những người tham gia được cho xem những bức ảnh về các biểu hiện khác nhau trên khuôn mặt và não của họ được chụp fMRI. Điều thú vị là phần não phản ứng khi những người tham gia ngửi thấy mùi hôi cũng được kích hoạt tương tự như khi họ nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông khó chịu vì ngửi thấy mùi hôi. Chỉ cần nhìn vào khuôn mặt của ai đó, họ đã cảm nhận được sự trải nghiệm và những cảm xúc của đối phương.

Kết quả cho thấy, các tế bào thần kinh gương ảnh hưởng đến cảm xúc cũng như hành vi. Đồng cảm là khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác. Từ đồng cảm trong tiếng Anh (empathy) được ghép bởi từ “em” có nghĩa là “trong”, và “pathy” có nghĩa là “cảm xúc”, khi kết hợp với nhau thì có nghĩa là khả năng phản chiếu cảm xúc của một người lên một người khác. Do đó, sự đồng cảm có liên quan mật thiết đến các tế bào thần kinh gương.

Khi nhìn thấy ai đó bị kim đâm, chúng ta cảm thấy đau đớn và cau mày như thể chính chúng ta bị kim đâm vậy. Đây là lý do chúng ta có thể cảm thông với nỗi đau hoặc cảm xúc của người khác. Chúng ta sao chép hành động của người khác mặc dù trước đây chúng ta chưa bao giờ trải qua điều đó hoặc cảm nhận được cảm xúc của người khác nhờ vào hệ thần kinh gương trong não của chúng ta.

Ở loài khỉ, các tế bào thần kinh gương hầu hết nằm ở những phần não phụ trách hoạt động, nên chúng chỉ có thể bắt chước các hành động đơn giản. Ngược lại, hệ thần kinh gương của người cũng được kết nối với hệ viền – là hệ thần kinh hỗ trợ cảm xúc. Cho nên, khi chúng ta nhìn thấy nét mặt của người khác, chúng ta sẽ sao chép một cách vô thức nhờ vào hoạt động của hệ thần kinh gương. Khi hệ thần kinh gương hoạt động, hệ viền kết nối với hệ thần kinh ấy cũng được kích hoạt, do đó chúng ta cảm thấy cùng một cảm xúc với người kia. Sự đồng cảm có thể xảy ra là vì hệ thần kinh gương giúp chúng ta sao chép hành động của người khác.

Hệ thần kinh gương có ảnh hưởng lớn đến việc học tập. Trẻ em học các hành động mới bằng cách bắt chước người khác. Trẻ nhỏ bắt chước nét mặt của mọi người, hoặc há miệng khi thấy mẹ mở miệng lớn để cho bé ăn. Qua đây, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được mối quan hệ giữa mô phỏng và học hỏi. Khi em bé bắt chước hành động của mẹ, mẹ cũng bắt chước hành động của em bé và nhờ đó có thể giao tiếp tình cảm với nhau.

Cường độ hoạt động của hệ thần kinh gương ở nữ giới hoạt động mạnh hơn ở nam giới và tỷ lệ thuận với sự gần gũi của các mối quan hệ — từ các thành viên trong gia đình, bạn bè, người quen đến người lạ. Kết quả này rõ ràng cũng cho thấy vai trò trọng yếu của hệ thần kinh gương trong mối quan hệ giữa mẹ và con. Vì có quan hệ mật thiết với nhau hơn bất cứ ai khác nên khi con ốm, người mẹ càng cảm thấy đau đớn hơn.

Cảm nhận hành động và cảm xúc của người khác thông qua não là một khả năng huyền bí của con người. Giống như khi chúng ta nhìn mình trong gương, chúng ta hãy phản chiếu bản thân qua hệ thần kinh gương của những người xung quanh. Niềm hạnh phúc và nụ cười trên khuôn mặt của họ chính là niềm hạnh phúc và nụ cười của chúng ta được phản chiếu qua hệ thần kinh gương của họ. Lý do chúng ta có những tấm gương phản chiếu bản thân trong bộ não của mình có thể chính là ý muốn của Đấng Tạo Hóa, Ngài muốn chúng ta nhìn thấy bản thân mình thông qua những người khác.

Tham khảo
Ryu In-gyun, Sự đồng cảm, Chìa khóa mở cửa tấm lòng (tiếng Hàn), Donga Ilbo, ngày 19/03/2013
Won Ho-seop, Tại sao chúng ta thường vẽ khi chúng ta chơi oẳn tù tì? (tiếng Hàn), Khoa học Donga, ngày 26/07/2011
Lee Jeong-mo, Lý do chúng ta có thể khiến người khác bắt chước chúng ta (tiếng Hàn), KISTI Science Scent, ngày 09/04/2007
Nhóm nghiên cứu thần kinh học, Vượt qua giới hạn của thần kinh học (tiếng Hàn), Công ty xuất bản Bada, 2012
Choi Hyeon-seok, Mọi cảm xúc của con người (tiếng Hàn), Seohaemunjib, 2011