Người trồng, kẻ tưới và Đấng làm cho lớn lên

13,757 lượt xem

Toàn bộ vũ trụ đều đang được vận hành trong sự quan phòng của Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo vật thấy được và vật không thấy được (Côlôse 1:16). Song, dù đang sống trong quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng dường như nhiều khi người ta nhận thức sai lầm rằng những gì mình thấy là tất cả và mọi sự được thành là bởi năng lực của loài người.

Chúng ta phải có đức tin trông cậy vào Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, thay vì nhờ cậy vào năng lực của loài người dựa trên những giá trị và phán đoán phần xác thịt. Đức Chúa Trời không cần năng lực của chúng ta, điều Ngài mong muốn duy chỉ là đức tin của chúng ta mà thôi. Chúng ta hãy một lần nữa ghi nhớ sự thật này và cùng có thời gian nghĩ đến Đức Chúa Trời là Đấng chủ thể của lịch sử cứu rỗi.

Đức Chúa Trời, Đấng làm cho lớn lên

Kinh Thánh ví dụ lời của Đức Chúa Trời với hạt giống tốt (Mathiơ 13:3-23, I Phierơ 1:23-25). Có thể nói rằng sứ mệnh của chúng ta, những người tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời trước và rao truyền lời ấy chính là vai trò của người trồng và kẻ tưới.

“Tôi đã trồng, Abôlô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm. Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng của Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây.” I Côrinhtô 3:6-9

Đức Chúa Trời đã lựa chọn chúng ta làm người giúp việc của Tin Lành và giao phó cho chúng ta vai trò làm người trồng và kẻ tưới cho những hạt giống của Tin Lành. Người trồng và kẻ tưới cũng đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Nếu không có người gieo hạt giống thì không thể kỳ vọng bất kỳ sự biến hóa hay kết quả nào. Và nhất định cũng phải có người chăm sóc, quản lý và tưới nước cho.

Thế nhưng, trong nông nghiệp mà chỉ bấy nhiêu đó thôi thì chưa đủ. Nhất định phải có Đấng làm cho lớn lên. Dù người trồng kẻ tưới có trồng và tưới nước hàng trăm lần đi chăng nữa, nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có sự tác động bởi quyền năng của Đức Chúa Trời là Đấng làm cho mọi sinh vật được lớn lên, chẳng phải vậy sao? Theo đó, chúng ta phải cầu khẩn ân huệ và ân sủng từ Đức Chúa Trời, là Đấng làm cho lớn lên, hầu cho những hạt giống mà chúng ta đã gieo trồng trong ruộng Tin Lành được trưởng thành tốt và đơm hoa kết trái.

Sức mạnh không trông thấy dẫn đến thắng lợi

Tuy có thể xem thấy sự vất vả của người trồng và kẻ tưới, nhưng công việc của Đức Chúa Trời, Đấng làm cho lớn lên, thì không thể trông thấy bằng mắt thường. Song, sức mạnh ẩn giấu đang làm hoàn thành công cuộc cứu rỗi đều đến từ Đức Chúa Trời mà mọi người không trông thấy. Đức Chúa Trời cho thấy sự thật này thông qua lịch sử của các tổ phụ đức tin.

“Vả, khi đó, dân Amaléc đến khiêu chiến cùng Ysơraên tại Rêphiđim. Môise bèn nói cùng Giôsuê rằng: Hãy chọn lấy tráng sĩ cho chúng ta, ra chiến đấu cùng dân Amaléc; ngày mai ta sẽ đứng nơi đầu nổng, cầm gậy của Ðức Chúa Trời trong tay. Giôsuê bèn làm y như lời Môise nói, để cự chiến dân Amaléc; còn Môise, Arôn và Hurơ lên trên đầu nổng. Vả, hễ đương khi Môise giơ tay lên, thì dân Ysơraên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân Amaléc lại thắng hơn. Tay Môise mỏi, Arôn và Hurơ bèn lấy đá kê cho người ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay động cho đến khi mặt trời lặn. Giôsuê lấy lưỡi gươm đánh bại Amaléc và dân sự người Đức Giêhôva bèn phán cùng Môise rằng: Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ niệm, và hãy nói cho Giôsuê biết rằng ta sẽ bôi sạch kỷ niệm về Amaléc trong thiên hạ. Môise lập nên một bàn thờ đặt tên là “Giêhôva cờ xí của tôi”; và nói rằng: Bởi vì Amaléc có giơ tay lên nghịch cùng ngôi Đức Giêhôva, nên Đức Giêhôva chinh chiến với Amaléc từ đời nầy qua đời kia.” Xuất Êdíptô Ký 17:8-16

Đương thời Môise, dân Ysơraên đã phải giao chiến với dân Amaléc tại Rêphiđim. Giôsuê đã tiếp nhận mạng lịnh của Môise mà dẫn dắt quân đội xuất trận. Song, dù chính quân đội của Giôsuê là những người đã cầm gươm và giáo để chiến đấu với quân địch, nhưng trận chiến ngày hôm đó đã không phụ thuộc vào mưu lược của Giôsuê hay là sức mạnh của quân đội. Sự thắng bại của cuộc chiến không được quyết định ở chiến trường, mà là ở trên đầu nổng. Được cho biết rằng hễ khi Môise đứng trên đầu nổng giơ tay lên thì dân Ysơraên thắng hơn, nhưng khi người xụi tay xuống thì dân Amaléc lại thắng hơn.

Rốt cuộc, khi Arôn và Hurơ đỡ tay của Môise hầu cho tay người không hạ xuống suốt cả ngày, thì dân Ysơraên đã đánh bại dân Amaléc và giành được thắng lợi. Duy chỉ sự tay Môise giơ lên hay hạ xuống đã trở thành yếu tố quyết định sự thắng bại của cuộc chiến.

Điều mà người ta trông thấy là cuộc chiến giữa quân đội Amaléc và quân đội Ysơraên do Giôsuê chỉ huy, nhưng sự thắng bại đã phụ thuộc vào việc Môise giơ tay lên hay hạ tay xuống ở trên núi. Giống như vậy, chúng ta tuyệt đối không được quên sự thật rằng công việc Tin Lành được giao phó cho chúng ta trên thực tế đang được vận hành bởi Đức Chúa Trời là Đấng đang làm công việc ở phía sau.

Mọi lịch sử trong Kinh Thánh đã được ghi chép để làm bài học cho chúng ta ngày nay (Rôma 15:4). Vậy, Đức Chúa Trời đã cho ghi chép những nội dung thể này để ban cho chúng ta giáo huấn gì? Chẳng phải điều này có nghĩa là không nên chỉ tập trung vào những điều thấy được bằng mắt, mà phải luôn nghĩ đến Đức Chúa Trời, là Đấng ban sức mạnh và năng lực cho chúng ta ở thế giới không trông thấy, và dâng cầu nguyện cùng cầu khẩn lên Ngài nhiều hơn nữa hay sao?

“Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giêhôva, Là Đấng đã dựng nên trời và đất.” Thi Thiên 121:1-2

Trong tất thảy giai đoạn của cuộc đời chúng ta, luôn có vô vàn sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời trong khi chúng ta không trông thấy. Vua Siru cũng đã như vậy. Vua đã từng nghĩ rằng việc giành chiến thắng trong các cuộc chiến và chinh phục được nhiều nước là bởi mưu lược và sự dũng mãnh của bản thân. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thì thấy rằng mọi lịch sử ấy đã được thành là bởi Đức Chúa Trời đã đi trước Siru và dẫn dắt cuộc đời ông đến con đường thắng lợi, theo như lời Ngài đã tiên tri thông qua các đấng tiên tri (Êsai 45:1-4, Êxơra 1:1-4).

Lịch sử được vận hành trong sự quan phòng của Đức Chúa Trời

Trong cuộc sống đức tin của chúng ta cũng vậy, chúng ta không nên nhìn trông vào duy chỉ người trồng và kẻ tưới, mà phải nhớ đến Đức Chúa Trời, là Đấng làm cho lớn lên, đang giúp đỡ trong khi chúng ta không trông thấy. Khi ở cùng Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ luôn được thắng lợi. Trong cuộc sống không có Đức Chúa Trời ở cùng, thì dù có bao nhiêu người xung quanh giúp đỡ đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ không thể đạt được kết quả mà bản thân mong đợi.

Ngay cả trong lịch sử của thời đại các vua Ysơraên, chúng ta cũng có thể phát hiện ra rằng thứ thuộc về thế giới không thấy được là nguồn gốc và bản chất của sức mạnh thực tế, hơn là những thứ thấy được.

“Khi Êlisê, người của Đức Chúa Trời, hay rằng vua Ysơraên có xé quần áo mình, thì sai nói với người rằng: Cớ sao vua xé quần áo mình? Naaman hãy đến tôi, ắt người sẽ biết rằng trong Ysơraên có tiên tri. Vậy, Naaman đến với ngựa và xe, dừng tại cửa nhà Êlisê. Êlisê sai một sứ giả nói với người rằng: Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giôđanh, thịt người tất sẽ trở nên lành, và ngươi sẽ được sạch. Nhưng Naaman nổi giận, vừa đi vừa nói rằng: Ta nghĩ rằng chính mình người sẽ đi ra đón ta, đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giêhôva Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa lành kẻ phung. Abana và Bạtba, hai sông ở Đamách, há chẳng tốt hơn các nước trong Ysơraên sao? Ta há chẳng tắm đó cho được sạch hay sao? Vậy, người trở đi và giận dữ. Những tôi tớ đến gần người, mà thưa rằng: Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: “Hãy tắm, thì được sạch.” Người bèn xuống sông Giôđanh, và tắm mình bảy lần, theo như lời truyền của người Ðức Chúa Trời. Người liền được sạch, và thịt người trở nên như trước, giống như thịt của một đứa con nít nhỏ.” II Các Vua 5:8-14

Naaman, quan tổng binh của vua Syri, đã mắc bệnh phong cùi mà người đương thời đó gọi là bệnh phung (II Các Vua 5:1). Nếu là quan tổng binh của một quốc gia, tức là bộ trưởng phụ trách quốc phòng thì ông ấy ở tầng lớp cao nhất. Người thể ấy đã nghe tin đồn và đích thân tìm đến tận nhà, nhưng Êlisê thậm chí đã không gặp Naaman mà chỉ sai người truyền lời cho Naaman rằng “Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giôđanh”.

Tấm lòng Naaman đã tổn thương và muốn quay về vì ông đã kỳ vọng rằng đấng tiên tri sẽ chữa lành bệnh của mình bằng cách tiến hành một nghi lễ hoành tráng có thể nhìn thấy được. Khi ấy, các đầy tớ của Naaman đã can ngăn và khuyên ông nên làm theo như lời. Naaman đã thay đổi suy nghĩ và đi tắm mình bảy lần dưới sông Giôđanh theo lời của Êlisê, rồi thịt người đã được sạch giống như thịt của một đứa con nít nhỏ. Việc được chữa khỏi bệnh phung, căn bệnh nan y không có thuốc chữa lúc bấy giờ chính là công việc được hoàn thành bởi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời trong thế giới không thấy được.

Chúng ta hãy nhớ rằng ngay cả trong thời đại Đức Thánh Linh ngày nay thì hết thảy sự giúp đỡ cũng đều đến từ Đức Chúa Trời. Mong rằng chúng ta sẽ trở thành các thánh đồ biết cảm tạ trong mọi sự và không quên mất sự thật rằng để có được chúng ta của ngày hôm nay, Đức Chúa Trời đã lựa chọn chúng ta từ trước khi sáng thế, dẫn dắt và gìn giữ chúng ta mọi lúc như con ngươi trong mắt Ngài.

Thế giới vật chất và thế giới không thấy được

II Các Vua chương 19 là cảnh về lịch sử thời đại vua Êxêchia của nước Giuđa, khi Asiri định xâm chiếm Giêrusalem. Asiri là cường quốc mạnh nhất ở khu vực Cận Đông đương thời đó. Asiri vốn đã chinh phục nhiều nước và hủy diệt Bắc Ysơraên, lúc này lại tràn xuống để xâm lược Giuđa nên vua Êxêchia đã vô cùng sợ hãi. Trong tình huống hoàn toàn không thể đánh bại họ bởi sức mạnh của đất nước mình, Đấng mà vua Êxêchia có thể trông cậy vào duy chỉ là Đức Chúa Trời.

“Êxêchia tiếp đặng thơ ở nơi tay các sứ giả, bèn đọc. đoạn, người đi lên đền thờ của Đức Giêhôva, và mở thơ ra trước mặt Đức Giêhôva. Êxêchia cầu nguyện Đức Giêhôva rằng: Ôi, Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên! Ngài vẫn ngự ở giữa các chêrubim, chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời của các nước thế gian. Chính Ngài đã làm nên trời và đất. Hỡi Đức Giêhôva! Hãy nghiêng tai Ngài và nghe. Hỡi Đức Giêhôva! Hãy mở mắt Ngài ra và xem. Cầu Chúa hãy nghe các lời mà Sanchêríp sai nói, đặng phỉ báng Đức Chúa Trời hằng sống. Đức Giêhôva ôi! Quả thật các vua Asiri đã diệt các dân tộc, và phá hoang địa phận chúngnó, ném các thần chúng nó vào lửa; nhưng chẳng phải là thần, chẳng qua là công việc của tay người ta làm ra bằng gỗ và bằng đá; nên chúng hủy diệt các thần ấy. Vậy bây giờ, hỡi Giêhôva Đức Chúa Trời của chúng tôi ôi! Hãy giải cứu chúng tôi khỏi tay Sanchêríp, hầu cho muôn nước trên đất biết rằng chỉ có một mình Giêhôva là Đức Chúa Trời.” II Các Vua 19:14-19

Khi nhìn trông từ thế giới vật chất thì thấy được hiện thực là nước Giuđa không thể nào đương đầu với sự xâm lược của Asiri. Dù nhìn vào số lượng binh sĩ, sức mạnh vũ trang hay bất kỳ khía cạnh nào đi nữa, thì Giuđa cũng đều thua kém. Song, vì Đức Chúa Trời, là Đấng khởi nguồn của mọi thắng lợi, giúp đỡ cho Êxêchia, nên sự việc đáng ngạc nhiên đã xảy đến chỉ trong một đêm.

“Hễ giống gì thoát khỏi, còn lại của dân tộc Giuđa, dưới sẽ châm rễ xuống, trên sẽ kết bông trái lên. Vì sẽ có phần sót lại từ Giêrusalem mà ra, kẻ thoát khỏi từ núi Siôn mà đến; lòng sốt sắng của Ðức Giêhôva sẽ làm nên việc ấy. Bởi cớ đó, Ðức Giêhôva phán về vua Asiri như vầy: Nó sẽ không vào thành này, chẳng xạ tên trong nó, cũng chẳng kéo đến giơ khiên lên trước mặt nó, và chẳng đắp lũy nghịch nó. Ðức Giêhôva phán: Nó sẽ trở về theo con đường nó đã đi đến, không vào trong thành này. Vì tại cớ ta và Ðavít, kẻ tôi tớ ta, ta sẽ binh vực thành này đặng cứu nó. Trong đêm đó, có một thiên sứ của Ðức Giêhôva đi đến trong dinh Asiri, và giết một trăm tám mươi lăm ngàn người tại đó. Sáng ngày mai, người ta thức dậy, bèn thấy quân ấy, kìa, chỉ là thây đó thôi. Sanchêríp, vua Asiri, bèn trở về, ở tại Ninive. Một ngày kia, người thờ lạy tại trong chùa Nítróc, thần của mình, thì Atramêléc và Sarếtse giết người bằng gươm; đoạn chúng nó trốn trong xứ Ararát. Êsạthađôn, con trai người, kế vị người.” II Các Vua 19:30-37

Dù nước Giuđa yếu kém hơn về hoàn cảnh vật chất, nhưng Đức Chúa Trời đã ở cùng họ trong thế giới không thấy được. Nếu thế giới thấy được là tất cả, thì nước Giuđa nhỏ và yếu đã không thể tránh khỏi tình huống đáng tiếc là bị diệt vong bởi sự xâm lược của Asiri. Song, vì Đức Chúa Trời, Đấng chỉ huy ngàn ngàn vạn vạn đạo quân trên trời cùng chủ quản sinh tử họa phúc tại thế giới không thấy được, đang ở cùng họ nên một thiên sứ đã hủy diệt 185.000 quân Asiri trong đêm, còn nước Giuđa thì được giải cứu.

Trong Kinh Thánh cũng có sự các tổ phụ đức tin đã có thể sinh sống bình an vô sự vào mỗi thời đại nhờ sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Thời đại này ngày nay cũng giống như vậy. Mặc dù đôi mắt phần xác của chúng ta chỉ có thể nhìn thấy thế giới vật chất, nhưng ngoài thế giới vật chất ấy nhất định có tồn tại thế giới phần linh hồn. Khi chúng ta có đức tin luôn tin chắc rằng Đức Chúa Trời, Đấng làm cho lớn lên, đang quan phòng và tác động đến thế giới không thấy được, thì chúng ta sẽ có thể chứng kiến những công việc thắng lợi đáng ngạc nhiên.

Đức Chúa Trời, lời đáp để hoàn thành Tin Lành thế giới

Mỗi khi người dân Ysơraên gặp khó khăn, Đức Chúa Trời đều lắng tai nghe lời cầu nguyện của các vua, lời cầu nguyện của các đấng tiên tri cũng như lời cầu nguyện của dân sự. Ngài không hề ngoảnh mặt với giọng tiếng của những người đang tìm kiếm và kêu cầu Đức Chúa Trời trong khi giữ giao ước của Ngài. Vào thời đại này cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ nhậm lời mỗi khi chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời, kêu cầu và gõ cửa lên Ngài để làm hoàn thành Tin Lành thế giới.

Cho đến ngày nay, Đức Chúa Trời Cha Mẹ đang giữ gìn cho mỗi Hội Thánh của Đức Chúa Trời được thành lập ở mỗi nơi trên thế giới được bình an, Ngài cũng khiến cho nhiều người nhà Nước Thiên Đàng tìm đến để hầu cho Hội Thánh được phát triển và tăng trưởng. Hơn nữa, Ngài cũng giúp đỡ nhiều người bằng việc làm thiện lành trên các quốc gia và hầu cho được nhận nhiều giải thưởng. Chúng ta ngày nay phải luôn dâng cảm tạ vì được sống một cuộc đời hạnh phúc như thế trong Đức Chúa Trời.

Không có Đấng nào khác giúp đỡ chúng ta ngoài Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Chúa Trời thêm cho nhiều đức tin, sự khôn ngoan và năng lực để hầu cho Tin Lành có thể được nhanh chóng rao truyền tới xứ Samari cho đến cùng trái đất.

“Nếu Đức Giêhôva không cất nhà, Thì những thợ xây cất làm uổng công. Nhược bằng Đức Giêhôva không coi giữ thành, Thì người canh thức canh luống công.” Thi Thiên 127:1

Cho dù một người có nhiều tri thức Kinh Thánh, thông minh và có khả năng lãnh đạo đến đâu, thì sự kết trái và tăng trưởng của Hội Thánh cũng không phải là bởi những điều ấy. Dù người lính canh có canh gác giỏi đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu Đức Chúa Trời không coi giữ thành ấy thì mọi công sức của người cũng trở nên vô nghĩa. Nếu Đức Chúa Trời không giúp đỡ, thì không có một sự gì có thể được dựng nên và bảo tồn một cách trọn vẹn.

Người trồng, kẻ tưới đều không là gì cả, duy chỉ việc Đức Chúa Trời, Đấng làm cho lớn lên, đang ở cùng với chúng ta mới là điều quan trọng nhất, chẳng phải vậy sao? Tất thảy chúng ta hãy hoàn thành công cuộc truyền đạo Tin Lành bằng cách trở thành các thánh đồ của Siôn, nơi Đức Chúa Trời ngự cùng và đồng hành cùng chúng ta. Mong chúng ta sẽ trở thành các con cái Siôn biết ghi khắc sâu sắc trong tấm lòng về Đức Chúa Trời là Đấng giúp đỡ chúng ta ở nơi không trông thấy, và dâng hết thảy tán dương cùng vinh hiển lên Đức Chúa Trời.