Đức Chúa Trời, Đấng được Hiểu Biết Bao Nhiêu, được Thấy Bấy Nhiêu

16,061 lượt xem

Theo những bước chân cần cù sốt sắng của những người giúp việc giao ước mới rao truyền lời lẽ thật, bây giờ, thật nhiều gia đình Thiên Đàng mới trong và ngoài nước đã tìm thấy lẽ thật và quay trở về Siôn. Truyền đạo của các thánh đồ không bị hạn chế về địa điểm. Nghe nói rằng bất kể trong nước hay ngoài nước, các anh chị em đều sốt sắng truyền đạo, đi máy bay thì truyền đạo ngay trong máy bay, lại có những người ngay cả trong tàu bay mẫu hạm cũng vừa trung thành với cuộc sống quân đội, vừa sốt sắng truyền đạo. Trên mặt đất, dưới lòng biển, hay trên không trung cũng vậy, các anh chị em đều chăm chỉ truyền lời của Đức Chúa Trời, nên lịch sử Tin Lành của Đức Chúa Trời đang nhanh chóng được ứng nghiệm.

Rất nhiều anh chị em được vào lẽ thật, trong đó có những anh chị em mang đức tin hiểu biết ngay về Đức Chúa Trời lần đầu tiên, cũng có những anh chị em vốn tò mò về vấn đề Đức Chúa Trời xuất hiện trong áo xác thịt. Chúng ta hãy cùng xem lời Kinh Thánh với chủ đề “Đức Chúa Trời, Đấng được hiểu biết bao nhiêu, được nhìn thấy bấy nhiêu” để nhận ra chúng ta phải theo con đường đức tin như thế nào nhằm nhận biết Đức Chúa Trời một cách đúng đắn.

Đức Chúa Trời tỏ ra Ngài tùy theo đức tin mọi người

2000 năm trước, các môn đồ của Đức Chúa Jêsus cũng có đức tin khác nhau. Có những người ngay lập tức hiểu ra và có đức tin vào Đức Chúa Jêsus, lại có những người không như vậy.

Một lần, Philíp đã yêu cầu Đức Chúa Jêsus chỉ cho thấy Đức Chúa Trời Cha. Nhưng Đức Chúa Jêsus đã đáp rằng: “Hỡi Philíp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi?” (Giăng14:6-9). Philíp đã suy nghĩ rằng Đức Chúa Jêsus là đấng tiên tri giỏi giang hơn người bình thường, nhưng lúc đó người không hiểu ra sự thật rằng Đấng luôn ở cạnh mình chính là Đức Chúa Trời Cha.

Tuy là các môn đồ cùng nhận sự dạy dỗ đồng nhất từ Đức Chúa Jêsus, nhưng thị giác nhìn vào Đức Chúa Jêsus rất khác nhau. Phierơ đã nhìn ở phương diện Đấng Christ ban lời của sự sống (Giăng 6:68-69). Khi nghe tin Đức Chúa Jêsus phục sinh, Thôma đã nghi ngờ, nhưng sau khi nhìn thấy dấu đinh trong lòng bàn tay, và vết giáo đâm nơi sườn Ngài, Thôma đã thốt lên rằng “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!”, và từ đó đã giữ vững tín ngưỡng trọn vẹn về Đức Chúa Jêsus (Giăng 20:24-29). Còn Giuđa Íchcariốt không nhìn thấy hình dáng thật sự của Đức Chúa Jêsus, mà chỉ nhìn vào mỗi hình dáng phần thể xác Ngài, nên rốt cục đã phản lại Ngài.

Chỉ khi lau sạch tất cả những thứ làm mờ, nhòe thị giác phần linh hồn, chúng ta mới phát hiện thấy Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Đối với những người hiểu ra, Đức Chúa Trời lại càng cung cấp nhiều yếu tố để họ càng được hiểu sâu sắc hơn. Nhưng đối với những người không hiểu ra, Ngài chỉ cung cấp những yếu tố khiến họ càng nghi ngờ hơn. Điều này được ứng nghiệm theo lời “Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa”.

Người chỉ hiểu Đức Chúa Trời một nửa thì chỉ nhìn thấy được một nửa hình dáng của Đức Chúa Trời mà thôi, còn người nào hiểu một cách trọn vẹn thì sẽ thấy được hình dáng Ngài một cách trọn vẹn. Khi đức tin của con cái trọn vẹn 100% thì Đức Chúa Trời cho thấy trọn vẹn 100% hình dáng của Ngài; khi đức tin của con cái chỉ là 50%, thì Ngài chỉ đến gần và cho thấy 50% hình dáng của Ngài mà thôi. Ví dụ điển hình là khi Đức Chúa Jêsus đem Phierơ, Giacơ và Giăng đi lên núi biến hoá, Ngài đã cho họ thấy hình dáng vốn lẽ của Ngài (Mathiơ 17:1-8). Nhưng Giuđa Íchcariốt thì tuyệt đối không thể nhìn thấy hình dáng đó.

Các môn đồ được ban phước lành lớn hơn vì lòng đức tin

Để được gặp gỡ Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn, chúng ta phải hiểu Ngài một cách trọn vẹn. Đức Chúa Trời ban thêm nhiều chứng cớ để chúng ta tin và hiểu ra, Ngài cũng ban nhiều sự khôn ngoan để chúng ta được nhận ra; nhưng đối với những người không có sự thấu hiểu, và đầy dẫy nghi ngờ trong lòng thì Đức Chúa Trời lại giấu kín tất cả (Tham Khảo: Êsai 45:15). Đức Chúa Trời đang làm ra lịch sử phép lạ diệu kỳ rằng Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy Ngài tùy theo sự hiểu biết về Ngài của chúng ta.

“Theo lời người ta nói thì Con người là ai? Môn đồ thưa rằng: Người nói là Giăng Báptít; kẻ nói là Êli; kẻ khác lại nói là Giêrêmi, hay là một đấng tiên tri nào đó. Ngài phán rằng: Còn các ngươi thì xưng ta là ai? Simôn Phierơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus phán cùng người rằng: Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy… Ta sẽ giao chìa khoá nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời. Đoạn, Ngài cấm môn đồ đừng nói cho ai biết rằng Ngài, Đức Chúa Jêsus, là Đấng Christ.”Mathiơ 16:13-20

Đức Chúa Trời đã dặn các con cái mà nhận ra Ngài rằng đừng nói cho ai biết về Ngài. Bởi đó là phước lành phần linh hồn chỉ dành riêng cho những người đã hiểu ra Đấng Christ mà thôi. Phierơ đã phát hiện ra đúng đắn rằng Đức Chúa Jêsus chính là Đấng Christ xuống đất này, thế nên Ngài đã đánh giá cao tín ngưỡng của Phierơ. Chính vì vậy, Ngài giao cho Phierơ món quà ân huệ lớn lao, đó chính là chìa khóa Nước Thiên Đàng, và còn cho người thấy thêm nhiều lịch sử năng lực diệu kỳ. Cho thấy hình dáng biến hóa của Ngài, giúp cho Phierơ và các đồng bạn bắt được nhiều cá đến nỗi thuyền gần chìm (trong khi họ làm suốt đêm mà không bắt được chi hết). Tất cả là để Phierơ tin một cách chắc chắn rằng Đức Chúa Jêsus chính là Đấng Christ, là Đức Chúa Trời. Giống như vậy, Đức Chúa Trời càng ban thêm sự hiểu biết cho những người hiểu ra Ngài.

Đức Chúa Jêsus mà sứ đồ Phaolô nhìn thấy, Đức Chúa Jêsus mà Phierơ nhìn thấy, Đức Chúa Jêsus mà Giăng nhìn thấy, vốn có hình của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng giống như họ, khi chúng ta không nghi ngờ mà tin rằng Đức Chúa Trời Êlôhim Cha Mẹ là Đức Chúa Trời Đấng Sáng Tạo dựng nên muôn vật và trời đất, thì Đức Chúa Trời sẽ liên tiếp cho chúng ta xem thấy lịch sử năng lực diệu kỳ.

“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng… Sự sáng này là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người. Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài…”Giăng 1:1-14

Giăng đã hiểu ra rằng Ngôi Lời mà tồn tại lúc ban đầu tức là Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta với hình dáng của Đức Chúa Jêsus. Dù trong con mắt những kẻ chẳng tin, Đức Chúa Jêsus chỉ được nhìn thấy như là một người đàn ông bình thường làm nghề thợ mộc; nhưng trong con mắt của Giăng thì Đức Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật.

Cùng được hít thở trong một bầu không khí với Đức Chúa Trời, được tham dự vào lịch sử vĩ đại của Ngài, nên Giăng, là người có được sự hiểu biết, đã rất vui mừng và cảm tạ Đức Chúa Trời. Những đứa trẻ thường quanh quẩn xung quanh mẹ để lôi kéo sự quan tâm của mẹ chúng. Giống như vậy, Giăng thường hay dựa vào ngực Đức Chúa Jêsus, và luôn luôn ở cạnh Đức Chúa Jêsus như một môn đồ yêu dấu. Vả, Giăng còn tỏ ra phẫn nộ đối với những người vô lễ cản trở đường đi của Đức Chúa Jêsus nữa (Tham khảo: Giăng 13:23, Luca 9:51-56).

Vì có sự hiểu biết rằng Đức Chúa Trời trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta, và luôn hướng về Đức Chúa Jêsus, luôn quan tâm đến từng hành động của Ngài, thế nên Giăng đã hiểu ra rằng Đức Chúa Jêsus yêu thương và nâng niu nhân loại chúng ta đến nhường nào, và càng hiểu thêm về phước lành mà những người vâng lời Ngài sẽ nhận được. Thế nên, dù có bị bắt bớ hoặc bị chết vì danh của Đấng Christ, thì Giăng cũng vẫn vui mừng mà trông cậy về vinh hiển của Nước Thiên Đàng. Là sứ đồ có đức tin vững chắc như vậy, nên dù đã bị đày ra đảo Bátmô, sứ đồ Giăng đã được ghi chép sách Khải Huyền, là ý muốn cuối cùng của Đức Chúa Trời, và còn được nhận cả phước lành ghi chép về vợ của Chiên Con, tức là Đức Chúa Trời Mẹ.

Những kẻ dầu nhìn Đức Chúa Trời mà chẳng hiểu Ngài

Tuy sự dạy dỗ về sự sống của Đức Chúa Jêsus đã được rao truyền ra khắp các làng của Giuđe, có người hiểu ra nhưng cũng có những người không hiểu ra, có người tin nhưng cũng có những người không tin và đối nghịch cùng Ngài.

Đức Chúa Trời đã đến với từng người với các hình dáng khác nhau. Đối với những người chẳng tin, Ngài luôn cho thấy những điều không thể tin nổi, đối với các con cái tin Ngài, thì Ngài luôn cho thấy lịch sử vinh hiển có thể tin được, thấy được sự sắp đặt của Đức Chúa Trời thật ngạc nhiên và đáng sợ.

“Ta với Cha là một. Người Giuđa lại lượm đá đặng ném Ngài. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta? Người Giuđa trả lời rằng: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn: Ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời.”Giăng 10:30-33

Dù Đức Chúa Jêsus có trải bày ra lịch sử ân huệ đáng ngạc nhiên thì những người Giuđe không thể trông thấy hình dáng của Đức Chúa Trời trong đó. Vì tiếp cận với sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus với đôi mắt và cửa sổ tấm lòng đã bị đóng chặt, và với lòng không tin ngay từ ban đầu, nên khi Đức Chúa Jêsus cho biết rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời mặc áo xác thịt mà đến, thì chúng không những không tin mà còn nuôi mối phản cảm, và bị lôi cuốn bởi suy nghĩ về phần xác thịt ác độc hơn. Rốt cục Đức Chúa Trời còn ban cho chúng cơ hội đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên cây thập tự nữa. Đức Chúa Trời để yên cho kẻ ác làm những điều ác độc hơn.

Đối với Giuđa Íchcariốt hay nghi ngờ, Đức Chúa Jêsus chỉ cho thấy những việc khiến không thể tin được, khiến Giuđa nghĩ rằng “Liệu đó có phải là Đấng Christ không?”, “Liệu Đấng đó có cứu rỗi nổi chúng ta không?”. Vì nhìn bằng con mắt nghi ngờ như thế nên chỉ thấy Đức Chúa Jêsus như một cái chồi, như một cái rễ ra từ đất khô, không có sự tốt đẹp đáng để ưa thích được. Đức Chúa Jêsus là người chưa từng học, cũng chẳng nắm quyền lực to lớn như những kẻ có thế lực thời đó. Những lời phán ra từ miệng Ngài nghe có vẻ rất vĩ đại, nhưng dù nhìn thế nào đi chăng nữa thì cũng không thấy Ngài có vẻ giống Đức Chúa Trời, chỉ thấy Ngài chẳng có năng lực gì đặc biệt cả.

Vì mang theo suy nghĩ như vậy, nên Giuđa Íchcariốt đã bị ma quỉ ám vào lòng, bị cài cho suy nghĩ ác độc giao nộp Đức Chúa Jêsus. Rốt cục, Giuđa Íchcariốt đã hiệp sức với những kẻ về mặt thể xác thì trông có vẻ mạnh mẽ có thế lực, và đóng vai trò chủ yếu trong việc đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên cây thập tự.

“Khi Ngài còn đương phán, xảy thấy Giuđa là một người trong mười hai sứ đồ đến với một bọn đông người cầm gươm và gậy, mà các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân đã sai đến… Và nầy, có một người trong những người ở với Đức Chúa Jêsus giơ tay rút gươm ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt một cái tai của người. Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm. Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao? Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến.” Mathiơ 26:47-54

Dù đương mặc lấy xác thịt và ở tại trên đất này, nhưng Đức Chúa Jêsus vẫn có quyền thế sai hơn mười hai đạo thiên sứ. Tuy Đức Chúa Trời đang thay áo thiên thượng bằng áo thế gian, nhưng Thần tánh và quyền phép của Ngài không thay đổi đâu.

Vì Đức Chúa Trời ở lại trong xác thịt này hoàn toàn giống như chúng ta, lại cùng sinh hoạt trong không gian hạn chế của thể xác; cho nên kể cả Phierơ, người đã hiểu biết Đức Chúa Trời, cũng bị lung lay đức tin trong tình huống cấp bách. Dầu vậy, đối với các môn đồ có đức tin thì sau khi phục sinh, Ngài đã ban cho họ đức tin lớn hơn và sự xác tín rằng Ngài yêu thương họ cho đến cuối cùng. Ngài tỏ cho họ thấy hình ảnh Ngài phục sinh khỏi vòng kẻ chết sau ba ngày, cùng cảnh thăng thiên của Ngài nữa. Ngài cứ tỏ những chứng cớ cho những người tin càng tin chắc chắn hơn và tiếp tục nữa, nhưng Giuđa Íchcariốt, kẻ không có đức tin, chưa hề bao giờ nhìn thấy những cảnh ấy mà cuối cùng phản bội Ngài và đi đến hủy diệt, ấy là hình ảnh thật đáng tiếc mà Kinh Thánh miêu tả.

Thế gian không hề nhìn biết Đức Chúa Trời đương mặc xác thịt loài người mà đến với mình. Kẻ phỉ báng chỉ thấy được những sự việc khiến chúng phỉ báng hơn nữa. Cho nên Đức Chúa Jêsus cũng phán rằng “Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!” vậy (Mathiơ 11:6). Người nào nhìn biết Đấng Christ một cách đúng đắn và được thấu hiểu về Ngài chính là người có phước đó!

Hãy nhìn Hình Ảnh thật của Đức Chúa Trời

Khi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá 2 ngàn năm trước, những kẻ không tin Ngài chỉ nhìn và quan tâm rằng “Liệu Jêsus này sẽ sử dụng phép lạ gì để thoát được sự ấy?”. Tuy nhiên, dù bị đau đớn trên cây thập tự, đổ huyết quý báu, nhưng Đức Chúa Jêsus chỉ im lặng mà chịu đựng hết thảy sự đau đớn ấy. Trong mắt kẻ không có đức tin thì Đức Chúa Jêsus không có năng lực cho nên bị đau đớn như vậy mà thôi. Tuy nhiên, trong mắt những người thấu hiểu về Ngài thì ấy là Đấng Christ đương mang sự đau ốm của chúng ta, đương bị thương vì sự gian ác chúng ta, bị vết vì tội lỗi chúng ta. Đối với những người ấy Ngài lại hầu cho nhìn thấy lịch sử quyền năng Đấng Christ phục sinh giữa kẻ chết sau ba ngày.

Ở thời đại này cũng vậy, nếu chúng ta được thấu hiểu rằng Kinh Thánh thật là lời của Đức Chúa Trời, thì cũng phải đón nhận sự dạy dỗ lẽ thật về Đức Chúa Trời Êlôhim trong Kinh Thánh bằng lòng cởi mở. Đức Chúa Trời không cần ai làm chứng về người nào, bởi Ngài tự hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta (Giăng 2:25). Nếu Kinh Thánh làm chứng về Đức Chúa Trời thì chúng ta cứ tin chứng cớ ấy là được. Khi tin sự dạy dỗ Kinh Thánh và trông điều ấy thì chúng ta phát hiện ra được Hình Ảnh thật của Đức Chúa Trời.

“Chúng ta khá nhìn biết Đức Giêhôva; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai, Ngài sẽ đến cùng chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất… Vì ta ưa sự nhân từ mà không ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu.”Ôsê 6:3-6

Kinh Thánh chép rằng khá nhìn biết Đức Chúa Trời, khá gắng sức nhìn biết Ngài. Nếu không nhìn biết Đức Chúa Trời, thì cho dù có dâng lên hàng nghìn, hàng vạn tế lễ hoặc thờ phượng cũng chẳng có ích gì cả. Nếu không phải là thờ phượng dâng lên Đức Chúa Trời trong đức tin đúng đắn, thì chẳng khác nào những người dại dột thờ chúa mà mình không biết, là những kẻ mà sứ đồ Phaolô tận mắt chứng kiến ở Arêôba (Tham khảo: Công Vụ Các Sứ Đồ 17:22-23).

Hãy mang theo đức tin mà nhìn vào Đức Chúa Trời đang ở cùng chúng ta. Nếu nhìn bằng con mắt của đức tin, thì giống như việc Đức Chúa Jêsus đã cho các môn đồ thấy cảnh Ngài hóa thân, thấy lịch sử Ngài dùng năm cái bánh mạch nha và hai con cá cho năm ngàn người ăn, chúng ta cũng đang thấy những khoảnh khắc kỳ diệu như vậy. Lẽ ra phải nhìn thấy, nhưng có những anh chị em không thấy được là vì mắt kính mà họ đang đeo bị mờ. Trong Đức Chúa Trời chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào (Giacơ 1:17). Đức tin của mỗi người nhìn vào Đức Chúa Trời đang làm phân tán hình dáng thật sự của Ngài.

Đức Chúa Trời vui mừng bởi việc nhận biết Đức Chúa Trời hơn là việc dâng tế lễ, nên chúng ta phải gắng sức để nhận biết và hiểu Ngài. Hãy luôn nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ mở đường nhận phước cho những ai tin và hiểu biết Ngài. Chúng ta cũng hãy như Phierơ hay Giăng, hiểu biết và nhận ra Đức Chúa Trời một cách đúng đắn để nhận phước lành Nước Thiên Đàng.

Đức Chúa Trời của chúng ta nắm giữ quyền năng vĩ đại có thể cứu rỗi cả thế gian. Mong tất cả chúng ta đều trở thành con cái Siôn mang theo đức tin, cùng tham gia vào lịch sử Tin Lành đáng ngạc nhiên mà Đức Chúa Trời Êlôhim Chí Thánh đang điều khiển, để dẫn dắt nhân loại đi vào con đường đúng đắn.