Trứng là thực phẩm rất quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, vì bản thân quả trứng là một tế bào sống, nên trong trường hợp trứng đã thụ tinh, nếu gà mẹ ấp trứng cẩn thận trong ba tuần, thì một chú gà con sẽ được sinh ra một cách kỳ diệu bên trong trứng. Một sự sống được sinh ra từ quả trứng không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống.
Quả trứng bao bọc lấy sự sống cũng chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu từ cấu trúc bên trong quả trứng. Nếu nhìn đại khái vào bên trong quả trứng thì đó là một cấu trúc rất đơn giản được chia thành lòng đỏ, lòng trắng và vỏ. Nhưng quả trứng thực sự có hình dạng khá phức tạp, được bao quanh bởi nhiều lớp màng. Lớp vỏ cứng có thành phần chủ yếu là canxi cacbonat, cũng là thành phần chính của đá vôi. Nếu thử bóc vỏ trứng, bạn có thể thấy một lớp mỏng trong suốt, đục mờ khá phức tạp. Đây là lớp vỏ được tạo thành từ hai lớp, ở trong lớp vỏ ngoài. Lớp màng vỏ trông mỏng và yếu nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thêm độ bền cho lớp vỏ bên ngoài. Bên trong màng vỏ có lớp lòng trắng lỏng bao quanh lòng đỏ, được bao bọc bởi màng. Lòng đỏ được cố định bằng sợi dây để nằm ở chính giữa. Có một buồng không khí ở một bên, giữa các màng vỏ trứng.
Trông như thể vỏ trứng hoàn toàn không có lỗ hổng nào, nhưng có khoảng 7.000 khí khổng để gà con có thể hô hấp thông qua những lỗ thở này. Vỏ trứng được bao phủ bởi một lớp màng mỏng gọi là lớp biểu bì giúp điều tiết hô hấp và ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài. Đặc biệt, có nhiều túi khí tập trung trên bề mặt phần phình ra quả trứng. Túi khí trong quả trứng mới đẻ có kích thước nhỏ hơn, nhưng theo thời gian, chúng lớn dần lên khi khí được tạo ra bên trong trứng được thải ra.
Nếu vậy thì phần nào của tế bào trứng sẽ trở thành gà con? Liệu lòng đỏ trứng cùng màu với gà con có trở thành gà con không? Câu trả lời không phải lòng trắng hay lòng đỏ mà là đĩa mầm phôi bào (đĩa mầm). Khi phôi bào rất nhỏ bên trong lòng đỏ được bao quanh bởi lớp màng lặp lại quá trình phân chia tế bào bằng cách sử dụng lòng trắng và lòng đỏ làm nguồn dinh dưỡng thì nó sẽ trở thành gà con. Hầu hết những quả trứng chúng ta ăn là trứng do gà mẹ tự đẻ ra, không được thụ tinh. Vì không có phôi nên gà con không thể sinh ra cho dù gà mẹ có ấp bao nhiêu lần chăng nữa. Chỉ những quả trứng được thụ tinh giữa gà trống và gà mái mới có thể trở thành gà con. Động vật có vú có thể nhận chất dinh dưỡng qua dây rốn khi còn trong bụng mẹ, nhưng trứng thì không thể. Vì vậy, chúng được sinh ra cùng lúc với các chất dinh dưỡng từ gà mẹ để sử dụng cho đến khi trở thành gà con.
Nếu quan sát trứng kỹ hơn thì thấy đó không phải hình tròn hoàn chỉnh hay hình elip cân. Hầu hết trứng chim đều có hình bầu dục không cân, tù ở một đầu và nhọn ở đầu còn lại. Điều này là vì trứng thay đổi hình dạng khi đi qua ống dẫn trứng của gà mái.
Khi lăn trứng trên sàn nhà, vì hình dáng đặc biệt nên không thể tiếp tục lăn theo một hướng nhất định mà bị uốn cong về phía đầu nhọn. Nếu sàn nhà bằng phẳng, trứng có thể lăn một vòng rồi quay về đúng vị trí của nó. Vì trứng có hình bầu dục lệch nên trọng tâm khác với tâm chuyển động. Nếu trứng có hình cầu hoàn hảo hoặc hình bầu dục cân đối, chúng sẽ lăn ra khỏi tổ. Tuy nhiên, vì quả trứng có hình bầu dục lệch nên nó không thể di chuyển xa, phải dừng lại hoặc quay trở lại vị trí ban đầu. Hình dạng của quả trứng là cấu trúc tối ưu để đảm bảo an toàn cho con non được sinh ra.
Gà con có thể dễ dàng làm vỡ quả trứng này, nhưng nếu cầm phần trên và phần dưới quả trứng rồi ra sức bóp thì cũng không dễ gì để đập vỡ nó ngay cả đối với người đàn ông trưởng thành. Một số người từng biểu diễn động tác nhào lộn khi bước trên những quả trứng. Có vẻ như trứng sẽ vỡ dưới sức nặng thể ấy, thế nhưng nó lại đã có thể dễ dàng chịu được sức nặng của một người. Bí mật của sức mạnh to lớn ẩn giấu trong quả trứng yếu ớt này rốt cuộc là gì?
Vỏ ngoài mỏng và nhẹ, dày 0,3mm, nhưng đủ mạnh để bảo vệ gà con khỏi áp lực bên ngoài trong khi gà mái ấp trứng. Nếu vậy thì trứng có thể chịu được trọng lượng ngần nào? Khi cắt đôi 2 quả trứng, xếp bốn vỏ rỗng hình vòm vào bốn góc và đặt từng cuốn sách lên trên, dù vỏ trứng mỏng manh có vẻ dễ vỡ, nhưng bốn vỏ trứng ấy có thể chịu được trọng lượng hơn 12kg. Khi được thử nghiệm theo cách tương tự, một quả trứng chim cút nhỏ có thể chịu được hơn 4kg, và một quả trứng đà điểu lớn hơn, cứng hơn có thể dễ dàng chịu được đến 200kg.
Cấu tạo kỹ thuật của quả trứng có rất nhiều điểm thần bí. Bởi mặt cắt ngang của quả trứng là hình cánh cung và ấy là hình vòm ba chiều. Nguyên lý về sức chịu đựng sức nặng của quả trứng có thể dễ dàng hiểu được khi chúng ta liên tưởng đến cây cầu đá hình vòm. Cấu trúc của vỏ trứng phân tán lực từ áp suất bên ngoài thay vì tác động lực vào bên trong giống như cây cầu đá hình vòm. Nhờ thiết kế kỹ thuật này của quả trứng, bạn sẽ cần sức lực lớn hơn bạn nghĩ để bóp nát và đập trứng bằng một tay. Nhưng bạn không cần phải lo lắng về việc gà con chui ra từ trong trứng. Trứng kém sức chịu đựng khi lực tập trung vào một chỗ chẳng hạn như khi va phải vật sắc nhọn. Vậy nên gà con có thể phá vỡ vỏ trứng bằng cái mỏ nhỏ của nó và chui ra.
Vì quả trứng có hình cánh cung và mái vòm, ổn định để chịu được trọng lượng lớn nên từ lâu chúng thường hay được sử dụng trong xây dựng. Hình cánh cung có thể dễ dàng nhìn thấy trong các cổng đá truyền thống của Hàn Quốc như cổng Namdaemun và cổng Heunginjimun, trong các cây cầu đá trong các cung điện quý tộc, và trong các đường hầm hoặc cấu trúc ngầm cần chịu được sức nặng của đất. Kết cấu mái vòm chịu lực tốt được sử dụng trong các phòng tập hoặc phòng triển lãm cần không gian rộng và không có cột chống.
Quả trứng vô cùng hoàn hảo để gà con sống một cách an toàn và thoải mái cho đến khi chào đời. Từ cấu trúc đến hình dạng của quả trứng đều rất khoa học như thể có ai đó đã thiết kế và chuẩn bị sẵn vậy. Quả trứng đủ nhỏ để chúng ta có thể cầm trên tay, nhưng lại ẩn chứa những bí mật giấu kín mà chúng ta không hề hay biết.
- Tham khảo
- Ẩm thực vui vẻ và khoa học ngon miệng (tác giả Choi Jin)
- Trí tuệ của trứng (tác giả Gisela Lück)
- Giao hưởng cuộc sống (tác giả Gwon Oh Gil)
- EBS Sci-teen “Sức mạnh của trứng: Sự phân tán sức mạnh” (Phát sóng 14/11/2013)