Chọn ngôn ngữ

Close

Người nào sẽ kính sợ Đức Chúa Trời?

6,657 lượt xem

Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, các biện pháp phòng dịch ở các nước cũng đang được tiếp tục. Các hoạt động Tin Lành kể cả việc thờ phượng cũng được tiến hành trong khi tuân thủ theo hướng dẫn phòng dịch, nên đã có nhiều sự khó khăn. Khi bị đặt vào tình huống thể này, tôi nghĩ rằng sẽ có một số thánh đồ cảm thấy tiếc nuối vì trước đây đã không làm việc chăm chỉ hơn, trong khi nhìn lại quá khứ đã từng có thể hoạt động một cách tự do.

Điều quan trọng chính là từ bây giờ. Thay vì hối tiếc rằng “Lẽ ra lúc đó tôi nên làm tốt hơn”, thì kể từ bây giờ, chúng ta hãy có lòng sốt sắng và dâng nhiều vinh hiển lên Đức Chúa Trời dù ở trong bất cứ tình huống nào. Tôi tin rằng nếu chúng ta chuẩn bị cho tương lai trên Nước Thiên Đàng đời đời thật ân huệ trong khi kính sợ Đức Chúa Trời một cách ngay thẳng, thì dù ở trong sự khó khăn, Đức Chúa Trời cũng sẽ dẫn dắt chúng ta đến hoàn cảnh Tin Lành tốt đẹp hơn.

Hãy tập kính sợ Đức Chúa Trời

Khi dò xem sự dạy dỗ của 66 quyển sách Kinh Thánh thì biết được rằng, chúng ta là những thiên sứ bị đuổi xuống trái đất này do phạm phải tội lỗi không thể vãn hồi, đáng phải chịu tội tử hình trên Nước Thiên Đàng (Rôma 6:23). Đây là vận mệnh không thể tránh khỏi việc đi vào địa ngục vì đã làm trái mạng lịnh của Đức Chúa Trời và đứng về phía những kẻ đối địch với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã không đưa ra phán quyết địa ngục ngay lập tức đối với chúng ta, mà lại ban cho chúng ta cơ hội một lần nữa. Ngài đã mở ra con đường để chúng ta có thể trở về Nước Thiên Đàng vĩnh cửu bằng cách cho chúng ta học cách kính sợ Đức Chúa Trời trong những ngày chúng ta còn sống trên đất này.

“Hãy nhớ ngày ngươi chầu Giêhôva Ðức Chúa Trời ngươi tại Hôrếp, khi Ðức Giêhôva phán cùng ta rằng: Hãy nhóm hiệp dân sự để ta khiến chúng nghe lời ta, hầu cho tập kính sợ ta đương lúc họ còn sống nơi thế thượng, và dạy lời đó cho con cái mình.” Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:10

“Ồ! chớ chi dân nầy thường có một lòng kính sợ ta, hằng giữ theo các điều răn ta như thế, để chúng nó và con cháu chúng nó được phước đời đời!” Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:29

Đức Chúa Trời đã ban các luật lệ, điều răn và phép đạo hầu cho chúng ta học cách kính sợ Đức Chúa Trời trong khi chúng ta đang sống trên thế gian này. Đức Chúa Trời khiến chúng ta giữ các điều răn thể này không phải vì Ngài muốn nhận được sự thờ lạy và hầu việc từ loài người đâu. Ngài chỉ mong muốn chúng ta biết cách kính sợ Đức Chúa Trời bằng việc giữ gìn mọi mạng lịnh của Ngài, nhờ đó chúng ta được nhận phước lành đời đời. Đây chính là tấm lòng của Đức Chúa Trời.

Salômôn, người được biết đến là vị vua khôn ngoan đã từng nói rằng việc kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài là “phận sự của loài người”, tức là nghĩa vụ của chúng ta. Sau khi được tận hưởng sự vinh hoa phú quý vô cùng và làm mọi việc theo lòng mình ao ước, ông đã than thở rằng mọi thứ trong cuộc đời nhân sinh đều là hư không. Tất thảy mọi việc loài người làm ở dưới trời cũng giống như đuổi theo ảo ảnh trong sa mạc và không khác gì cố bắt lấy mây trôi. Tuy nhiên, duy chỉ một việc không phải là hư vô. Ông nhấn mạnh rằng việc kính sợ Đức Chúa Trời là phận sự và nghĩa vụ mà loài người nhất định phải thực hiện.

“Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến nỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy.” Truyền Đạo 12:13

Sự hiểu biết của người kính sợ Đức Chúa Trời

Vậy, người như thế nào thì sẽ kính sợ Đức Chúa Trời? Người kính sợ Đức Chúa Trời có một số đặc trưng như sau. Khi dò xem những sự dạy dỗ của Kinh Thánh thì thấy rằng, thứ nhất, người nhận ra sự thật rằng mình là tội nhân ở vương quốc trên trời thì sẽ kính sợ Đức Chúa Trời. Thứ hai, đó là người nhận ra tình yêu thương cao cả của Đức Chúa Trời, Đấng đã hy sinh để cứu rỗi chúng ta vốn phải đi vào địa ngục. Thứ ba, người nhận thức sự cao cả và vĩ đại của Đức Chúa Trời, cùng địa vị thấp hèn của bản thân. Chính những người như thế mới kính sợ Đức Chúa Trời.

“Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pharasi và một người thâu thuế. Người Pharasi đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Ðức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Ðức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.” Luca 18:9-14

Trong lời ví dụ của Đức Chúa Jêsus, người Pharisi đã tự cho mình là công bình và khoe khoang về bản thân trước mặt Đức Chúa Trời. Thế nhưng, người thâu thuế vừa đấm ngực thú nhận với Đức Chúa Trời rằng bản thân là kẻ tội nhân, vừa cầu xin sự nhân từ và lòng thương xót của Ngài. Đó là bởi người thâu thuế đã nhận ra rằng dù mình có làm điều tuyệt vời đến thế nào ở trên đất này đi chăng nữa, thì cũng không thể thay đổi sự thật rằng bản thân là tội nhân ở trên trời, và những thành tựu ấy cũng không thể so sánh với tội lỗi rất lớn mà bản thân đã gây ra trong quá khứ.

Như thế, người nhận biết đúng đắn về sự thật rằng bản thân là tội nhân ở trên trời thì có thể kính sợ Đức Chúa Trời. Những người thể này sẽ cố gắng hết sức để đi theo Đức Chúa Trời đến bất cứ nơi nào Ngài dẫn dắt. Nếu Ngài phán rằng hãy hạ mình xuống, thì họ hạ mình xuống, nếu Ngài phán rằng đừng ước ao sự cao sang, thì họ sẽ không kiêu ngạo. Vì biết rằng trái đất này là thành ẩn náu phần linh hồn mà các tội nhân đang sinh sống, nên dù phải chịu đựng biết bao khó khăn và gian khổ, họ cũng không lằm bằm mà biết thỏa lòng; họ làm hết sức mình trong mọi hoàn cảnh được ban cho và sống cuộc đời ăn năn. Người như vậy là người nhận biết trọn vẹn tình yêu thương và sự hiến thân của Cha Mẹ trên trời, Đấng đã đến đất này để cứu rỗi linh hồn chúng ta.

Trái lại, nếu sinh hoạt tín ngưỡng như một thói quen mà không nhận thức được điều này, thì sẽ trở nên xa rời cuộc sống của Cơ Đốc nhân chân thật. Với tư cách là tội nhân, lẽ ra mỗi ngày chúng ta phải sinh sống trong khi cảm tạ lên ân huệ mà Đức Chúa Trời ban cho, thế nhưng lằm bằm và bất bình lại tuôn ra dù chỉ phát sinh một chút khó khăn. Khi lòng kính sợ hướng về Đức Chúa Trời biến mất, thì sẽ coi thường luật pháp của Đức Chúa Trời, và để mắt đến thế gian hơn là vâng phục lời Đức Chúa Trời. Người như thế rốt cuộc sẽ không nghĩ đến vinh hiển sáng láng của tương lai mà Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta, rồi không thể không sa vào cám dỗ nhất thời vào một lúc nào đó.

Hãy vui mừng mãi mãi và phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa

Trong khi sinh hoạt trong đồng vắng suốt 40 năm sau khi ra khỏi xứ Êdíptô, người dân Ysơraên đã lằm bằm rằng không có lương thực mỗi khi thiếu lương thực, lại lằm bằm rằng không có nước mỗi khi không có nước. Chỉ chưa đầy một tháng, họ đã tuôn ra những lời lằm bằm đối với Đức Chúa Trời, Đấng đã giải phóng họ khỏi sự rên siết và than khóc dưới ách nô lệ cùng sự áp bức của Êdíptô suốt hàng trăm năm. Họ không nghĩ rằng cuộc sống tại xứ Êdíptô đã từng thống khổ hơn cả sinh hoạt trong đồng vắng, và cứ thế lằm bằm và bất bình kể cả trong sự bất tiện nhỏ nhặt mà họ gặp phải trên đồng vắng. Họ đã không biết cảm tạ ân huệ của Đức Chúa Trời đã giải thoát họ khỏi đời sống nô lệ, coi bản thân như một dân tự do từ ban đầu trong khi quên mất sự thật rằng họ đã làm tôi mọi tại xứ Êdíptô.

Nếu chúng ta cũng không nhận ra sự thật rằng mình là tội nhân đã phạm tội ở trên trời, thì tình huống giống như thế cũng sẽ diễn ra. Sinh hoạt của người bị giam trong nhà tù vì phạm trọng tội thì khác với cuộc sống của xã hội bên ngoài. Có nhiều trường hợp dù muốn đi đâu đó cũng không thể đi được, hoặc muốn làm gì đó cũng không thể làm được. Cuộc sống trên trái đất này, là thành ẩn náu về phần linh hồn, cũng giống như vậy. Có nhiều hạn chế hơn là tự do, cũng có nhiều việc không như ý muốn, lại luôn có đau đớn, buồn rầu và thống khổ.

Thế nhưng, nếu nghĩ đến những tội lỗi đã phạm ở trên trời, thì vốn dĩ chúng ta đáng phải ở nơi đau đớn gấp hàng ngàn, hàng vạn lần so với trên trái đất này. Hãy giả sử rằng chúng ta đã gặp tai nạn nghiêm trọng đến mức chết người, thế mà lại chỉ bị một vết thương nhỏ trên cánh tay, còn toàn bộ thân thể lại lành lặn như một kỳ tích. Sẽ không có ai lằm bằm với Đức Chúa Trời rằng tại sao Ngài lại khiến cho bị thương chỗ này. Đây chính là lập trường của chúng ta trong khi sống trên trái đất. Dầu chúng ta là những tội nhân đáng phải đi đến nơi có hình phạt đau đớn hơn thế này, nhưng Đức Chúa Trời đã đặt để chúng ta ở trong hoàn cảnh tốt hơn nhiều so với tội lỗi của chúng ta. Hơn nữa, Đức Chúa Trời không bỏ mặc chúng ta trong thành ẩn náu phần linh hồn này, mà Ngài đã đích thân đến tận đất này và lập ra giao ước mới để mở ra con đường có thể nhận được sự tha tội và trở về Nước Thiên Đàng cho những kẻ tội nhân.

Khi nghĩ đến sự thật này, thì cho dù sinh hoạt hiện tại của chúng ta có như thế nào chăng nữa cũng không có gì phải lằm bằm hay bất bình cả. Vì vậy, Kinh Thánh đã giáo huấn rằng miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng (I Timôthê 6:7-8). Khi nhìn biết được điều này thì thấy mọi sự đều là việc đáng cảm tạ.

“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” I Têsalônica 5:16-18

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta lời giáo huấn rằng hãy vui mừng mãi mãi, và phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa. Không chỉ lời phán rằng “Hãy giữ ngày Sabát” và “Hãy giữ Lễ Vượt Qua”, mà lời này cũng là điều răn chúng ta phải giữ gìn. Trong những việc đáng cảm tạ thì đương nhiên sẽ thốt lên lời cảm tạ, nhưng làm thế nào để chúng ta có thể cảm tạ trong tình huống thật khó để cảm tạ? Chỉ khi nhận ra rằng chúng ta đã phạm phải tội lỗi thật lớn biết bao ở trên trời, và nghĩ đến ân huệ của Đức Chúa Trời Cha Mẹ đã cứu vớt chúng ta khỏi nỗi thống khổ của địa ngục, thì chúng ta mới có thể cảm tạ Ngài trong mọi sự. Với nhận thức thể này, chúng ta hãy dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời trong mọi tình huống bằng tấm lòng kính sợ Ngài.

Các tổ phụ đức tin kính sợ Đức Chúa Trời

Kinh Thánh có ghi chép việc làm của các tổ phụ đức tin được nhận phước lành nhờ kính sợ Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy dò xem một vài trường hợp điển hình trong số đó.

“Bởi đức tin, Nôê được Chúa mách bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế gian, và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin vậy.” Hêbơrơ 11:7

Nôê đã được Đức Chúa Trời cảnh báo rằng cả thế gian sẽ bị hủy phá bởi nước lụt, và người đã đóng một chiếc tàu với tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Các học giả có nhiều ý kiến về thời gian cần thiết để đóng một con tàu khổng lồ đến mức có thể chứa được tất cả các loài động vật trên mặt đất, cả đực và cái, nhưng ước tính có thể mất đến 120 năm. Lý do Nôê có thể thực tiễn và làm theo những điều mà Đức Chúa Trời đã phán cùng mình trong suốt thời gian dài như vậy là vì đối với ông, tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời đã luôn đầy tràn. Kết quả là Nôê đã trở thành nhân vật chính trong việc cứu sống gia đình mình và các loài sinh vật trên mặt đất.

Người kính sợ Đức Chúa Trời thì vâng phục lời của Đức Chúa Trời. Dù ở trong hoàn cảnh và điều kiện khó khăn thế nào đi chăng nữa, thì cũng không có lý do gì để lằm bằm và đánh mất lòng cảm tạ. Giống như Nôê, Ápraham cũng vâng phục lời phán của Đức Chúa Trời bằng lòng kính sợ nên đã được nhận phước lành lớn lao từ Đức Chúa Trời.

“Thiên sứ của Đức Giêhôva từ trên trời kêu xuống mà rằng: Hỡi Ápraham, Ápraham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Thiên sứ phán rằng: Ðừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Ðức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi.” Sáng Thế Ký 22:11-12

Đức Chúa Trời đã phán lệnh cho Ápraham dâng con một của mình là Ysác làm của lễ trên núi Môria. Đối với Ápraham thì Ysác, con trai mà ông có được khi 100 tuổi, còn quý báu hơn cả máu thịt của bản thân. Nếu xét theo quan điểm của loài người, thì Đức Chúa Trời đã yêu cầu một việc khó khăn nhất đối với ông. Kể cả trong tình huống như thế, Ápraham đã vâng phục lời phán của Đức Chúa Trời mà không hề lằm bằm. Trông thấy Ápraham lặng lẽ lên đường để thực hiện mạng lịnh của Đức Chúa Trời với tấm lòng kính sợ Ngài, Đức Chúa Trời đã ban phước lành lớn lao cho Ápraham và khiến người trở nên một nguồn phước và tổ phụ của đức tin (Sáng Thế Ký 22:16-18).

Giôsép, người đã trở thành quan cai trị cả xứ Êdíptô, cũng là một người kính sợ Đức Chúa Trời.

“Ngày thứ ba, Giôsép nói cùng họ rằng: Ta kính sợ Ðức Chúa Trời; hãy làm như điều nầy, thì được sống.” Sáng Thế Ký 42:18

Cho đến trước khi trở thành quan cai trị, Giôsép đã trải qua hành trình cuộc đời đầy sóng gió khi bị các anh mình ghét bỏ và bị bán làm nô lệ. Thế nhưng, Giôsép đã không đánh mất tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời kể cả trong khó khăn. Mặc dù bị bán sang Êdíptô và trở thành đầy tớ trong gia đình của Phôtipha, nhưng bởi có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, Giôsép đã trung tín hoàn thành công việc được giao cho mình nên đã được chủ công nhận. Ngay cả khi vợ của chủ đến cám dỗ Giôsép, ông cũng kiên quyết từ chối và đáp rằng mình tuyệt đối không thể phạm tội trước Đức Chúa Trời.

“Sau các việc nầy, vợ chủ đưa mắt cùng Giôsép, mà nói rằng: Hãy lại nằm cùng ta. Chàng từ chối và đáp rằng: Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cũng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” Sáng Thế Ký 39:7-9

Vì kính sợ Đức Chúa Trời, nên dù bị mê hoặc thế nào đi chăng nữa, Giôsép cũng không làm trái với ý muốn của Đức Chúa Trời. Tuy sau đó, Giôsép đã bị buộc tội oan và bỏ tù, nhưng kể cả khi ở trong đó, ông vẫn luôn nghĩ đến Đức Chúa Trời thay vì lằm bằm, và nỗ lực để không làm trái điều răn và phép đạo mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Đức Chúa Trời đã dẫn dắt Giôsép thể ấy đến con đường ân huệ và cuối cùng đã hầu cho người trở thành quan cai trị cả xứ Êdíptô.

Con đường đức tin bước đi bằng lòng cảm tạ và vâng phục

Dù bất cứ tình huống nào xảy đến hay có sự thử thách hoặc cám dỗ nào đi chăng nữa, người nào tuyệt đối không làm trái với điều răn, luật lệ và phép đạo mà Đức Chúa Trời ban cho, chính là người kính sợ Đức Chúa Trời. Nôê cũng vậy, Ápraham và Giôsép cũng vậy. Chúng ta cũng phải kính sợ Đức Chúa Trời với trọng tâm giống như họ. Đức Chúa Trời đã lập nên giao ước mới bằng huyết hy sinh của Ngài để cứu rỗi chúng ta là những kẻ không thể tránh khỏi đi vào địa ngục. Chúng ta hãy trở thành con cái biết tự nhận bản thân là tội nhân giống như người thâu thuế, và luôn dâng cảm tạ lên ân huệ cứu rỗi của Ngài, cũng như biết vâng phục tất thảy mọi lời phán mà Đức Chúa Trời đã ban cho.

Cuộc sống và toàn bộ nền kinh tế đang lung lay do hậu quả của COVID-19. Kinh Thánh cũng đã tiên tri rằng sẽ đến thời kỳ mà sự lo lắng đời nầy làm cho lòng mê mẩn (Luca 21:34). Nhiều người đang khốn khổ trong sự hỗn loạn mà không biết mình là tội nhân trên trời, lại vẫn theo đuổi những thú vui thế gian mà sống cuộc đời hư không. Càng là những lúc như thế này, chúng ta càng phải nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc hãy cảm tạ trong mọi sự, đồng thời chúng ta cũng phải trung tín giữ gìn tất thảy mọi điều răn bằng tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Cha Mẹ trên trời đã phán dặn chúng ta hãy nhiệt tình rao truyền Tin Lành tới xứ Samari, cho đến cùng trái đất, và dạy cho nhân loại đang không biết Đức Chúa Trời được biết cách kính sợ Ngài, hầu cho họ ăn năn và cùng nhau trở về Nước Thiên Đàng. Chúng ta hãy ghi khắc sâu sắc lời dạy dỗ và mạng lịnh ấy vào lòng và nỗ lực hết sức rao truyền Tin Lành của Nước Thiên Đàng, dù người ta nghe hay chẳng khứng nghe.

Thời gian khổ nạn trên đất này chỉ là tạm thời, nhưng Nước Thiên Đàng sắp đến là đời đời mãi mãi. Chúng ta hãy chiến thắng khó khăn nhờ cầu nguyện trong khi nghĩ đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu và đứng vào hàng ngũ của những người kính sợ Đức Chúa Trời bằng tấm lòng hối cải. Tôi mong tất thảy quý vị sẽ trở thành các anh chị em Siôn, mở to đôi mắt phần linh hồn và hình dung được thế giới vinh hiển mà Đức Chúa Trời sẽ trải bày ra cho chúng ta để khắc phục được mọi khổ nạn trên đất này và đạt đến Nước Thiên Đàng một cách rộng rãi.