Cộng sinh – sự khôn ngoan để cùng chung sống

3393 Xem

Tất cả các sinh vật đều sống trong mối quan hệ với các sinh vật khác. Có những mối quan hệ cộng sinh trong đó các sinh vật đem lại lợi ích cho nhau, và cũng có những mối quan hệ ký sinh trong đó một bên được lợi nhưng bên kia chịu thiệt hại. Đây là quy luật bí ẩn của tự nhiên khiến không chỉ con người mà cả động, thực vật cũng không thể sống đơn độc.

Việc chung sống giữa các sinh vật thuộc các loài khác nhau bằng cách trao đổi sự giúp đỡ được gọi là “cộng sinh”. Cộng sinh gồm tương sinh – trong đó các bên được hưởng lợi từ nhau, và hội sinh – trong đó một bên được lợi nhưng bên kia không nhận được lợi ích cũng như không mất mát gì cả.

Tương sinh cùng có lợi

Trong trường hợp động vật sống chung với các loài động vật khác, chúng thường hình thành mối quan hệ tương sinh. Loại quan hệ này có thể dễ dàng được tìm thấy dưới biển.

Hải quỳ sống ở biển có màu sắc sặc sỡ giống như một bông hoa. Tuy nhiên, nếu tiếp cận một cách bất cẩn vì vẻ đẹp lộng lẫy của chúng, bạn sẽ phải trả giá đắt. Đó là bởi các xúc tu của hải quỳ có “thích ty bào” có khả năng bắn châm độc vào kẻ xâm nhập hoặc con mồi. Tuy nhiên, cá hề – vốn nổi tiếng là nhân vật chính của bộ phim “Đi tìm Nemo (Finding Nemo)” lại có màng nhầy chuyên biệt nên không bị tổn hại bởi chất độc trong các xúc tu của hải quỳ. Khi bị kẻ săn mồi đe dọa, cá hề ẩn náu trong hải quỳ. Khi đó, hải quỳ đóng vai trò là người bảo vệ cho cá hề bằng cách dùng xúc tu đốt những kẻ săn mồi đang đuổi theo cá hề và làm chúng tê liệt. Ngoài ra, hải quỳ còn là nơi làm tổ và cung cấp thức ăn tuyệt vời cho cá hề với những mảnh vụn thức ăn thừa. Đổi lại, cá hề đóng vai trò tẩy rửa, thu hút con mồi và làm sạch cặn thức ăn. Vì vậy, trong tiếng Anh, cá hề được gọi là “cá hải quỳ” (anemone fish) theo tên hải quỳ (sea anemone).

Cá bống và tôm cũng rất hợp nhau. Cá bống sống cùng trong hang do tôm đào, canh chừng cho những con tôm khi chúng mạo hiểm sửa chữa hang trong lúc không thể nhìn rõ phía trước. Khi kẻ săn mồi của tôm xuất hiện, cá bống sẽ báo hiệu nguy hiểm bằng cách dùng đuôi đánh vào đầu của râu tôm rồi nhanh chóng trốn xuống một cái hố trên cát.

Hầu hết các động vật ăn xác chết làm sạch cơ thể của các động vật khác cũng có mối quan hệ tương sinh. Cá bàng chài – loài cá ăn xác chết, tự làm sạch bằng cách cọ xát cơ thể chúng vào cơ thể của những con cá khác, hoặc cắn nhẹ vào da của những con cá khác để ăn chất bẩn hoặc ký sinh trùng trên cơ thể chúng. Ngoài ra, chìa vôi vàng, bò rừng châu Phi, chim sẻ từ Quần đảo Galapagos, rùa và cự đà cũng hình thành mối quan hệ cộng sinh thông qua việc làm sạch.

Có rất nhiều ví dụ về các loài côn trùng tồn tại nhờ nương tựa lẫn nhau. Khi kiến dùng râu chạm vào cơ thể con rệp, cơ thể con rệp tiết ra chất lỏng giàu đường giống như mật ong, kiến sẽ lấy dinh dưỡng từ chất này, đổi lại, chúng di chuyển trứng rệp về nhà và bảo vệ trứng rệp trong suốt mùa đông. Cây keo sừng bò là nơi an toàn cho kiến cây keo làm tổ và cung cấp thức ăn cho chúng bằng nhựa ngọt và mô giàu protein gọi là thân Beltian (Beltian body). Đổi lại, khi kiến cây keo nhìn thấy dấu hiệu của những cây khác mọc gần đó, chúng sẽ dùng hàm răng sắc nhọn cắt bỏ chồi và tiêu diệt cây đó. Chúng kéo thành đàn đến những con vật cố gắng ăn lá cây keo sừng bò, cắn và đâm chúng cho đến khi con vật bỏ chạy.

Bọ chôn cất và bọ ve cũng có mối quan hệ tương sinh. Khi một con bọ chôn cất tìm thấy xác của động vật nhỏ, nó chôn xuống đất và đẻ trứng ở đó. Tuy nhiên, có trường hợp các loài côn trùng khác đã đẻ trứng thậm chí trước khi xác được chôn xuống đất. Ấu trùng bọ chôn cất sau đó phải cạnh tranh thức ăn với ấu trùng của các loài côn trùng khác. Để ngăn điều này xảy ra, nhiều loại bọ ve bò lên cơ thể bọ chôn cất. Khi một con bọ chôn cất phát hiện ra xác chết, bọ ve sẽ bám vào xác chết và ăn trứng do côn trùng khác đẻ ra. Rồi sau đó bọ chôn cất mới đẻ trứng trên xác chết. Bọ ve cưỡi trên bọ chôn cất và ăn thức ăn do bọ chôn cất tìm thấy, ấu trùng của bọ chôn cất có thể phát triển tốt vì chúng không phải cạnh tranh với ấu trùng của các loài côn trùng khác và có nguồn thức ăn riêng.

Hội sinh mà chỉ một bên được nhận

Trong số các loài động vật có mối quan hệ hội sinh có cá bống trắng san hô và san hô. Cá bống trắng san hô làm nhà từ nhiều loại sinh vật biển, gồm san hô, bọt biển và nhím biển có gai. Trong đó, cá bống trắng san hô có màu sắc cầu vồng chỉ sống ở những bãi san hô mà nó ưa thích. Cá bống trắng san hô chỉ dài khoảng 2,5cm, có mút ở mặt dưới bụng nên bám rất chắc vào san hô. Trong khi cá bống trắng san hô có được ngôi nhà an toàn từ san hô thì san hô không được lợi cũng không mất gì cả. Vì cá bống trắng san hô có thể thay đổi màu sắc cơ thể sang màu cam, vàng hoặc hồng với các đốm xanh để phù hợp với màu của san hô, nên những kẻ săn mồi không thể dễ dàng phân biệt được khi cá bống trắng san hô ẩn náu trong san hô.

Huệ biển có hình dáng giống cái cây, là họ hàng của sao biển hoặc nhím biển và trông giống như một bông hoa lớn. Dù huệ biển đóng vai trò là nhà cho nhiều loài động vật nhưng chúng không tạo ra bất kỳ lợi ích hay mất mát nào. Đặc biệt, tôm huệ biển chỉ sống trong huệ biển nhưng chúng thay đổi màu sắc cơ thể giống màu với huệ biển và sống ẩn mình trong đó. Huệ biển tiết ra các chất có mùi vị khó chịu và có phần thịt cứng nên cá không thích, khiến chúng trở thành môi trường sống tuyệt vời cho các sinh vật biển khác.

Những động vật quá giang dựa vào các động vật khác để di chuyển và động vật vận chuyển mà chúng dùng để di chuyển thường hình thành mối quan hệ hội sinh. Cá ép di chuyển quãng đường dài bằng cách bám vào cơ thể của cá mập lớn, cá lớn, rùa và thậm chí cả thuyền chở người. Các giác hút trên đỉnh đầu cho phép chúng bám chắc vào động vật vận chuyển, di chuyển đến những địa điểm mới và ẩn náu an toàn dưới động vật vận chuyển, ngay cả khi chúng gặp phải kẻ săn mồi.

Mọi sinh vật trong thế giới tự nhiên không có lựa chọn nào khác ngoài việc chung sống với các sinh vật khác. Những loài động vật được liệt kê ở trên chỉ là một vài ví dụ cho sự “cùng nhau chung sống”.

Ngày nay, khi môi trường đang bị hủy hoại, các sinh vật cũng đang dần biến mất. Theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), có 20.219 loài động và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Một nửa số loài lưỡng cư, 1/3 rạn san hô, 1/4 loài động vật có vú, 1/5 loài thực vật và 13% loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng. Khi một sinh vật biến mất, những sinh vật khác có quan hệ với chúng cũng biến mất theo. Thông qua mối quan hệ cộng sinh giữa các sinh vật, Đức Chúa Trời – Đấng sáng tạo muôn vật đã dạy chúng ta rằng nếu con người không chung sống hòa hợp với nhau thì chắc chắn sẽ bị diệt vong. Đây là thời điểm cần có sự khôn ngoan để cùng chung sống trong cả thế giới tự nhiên và thế giới loài người.

Tham khảo
“Chim chìa vôi làm sạch ký sinh trùng khỏi cơ thể bò rừng” (Tác giả Bridget Giles)
“Bọ ve di chuyển trên lưng bọ chôn cất” (Tác giả Kieren Pitts), v.v…