WATV.org is provided in English. Would you like to change to English?

Thế Giới của Người Công Bình và Thế Giới của Tội Nhân

14,330 lượt xem

Xem xét điểm khác biệt giữa thế giới của người công bình và thế giới của tội nhân thì trong thế giới của người công bình không hề có câu “Xin lỗi”. Ngược lại, trong thế giới của tội nhân thì luôn luôn được nghe câu “Xin lỗi. Tất thảy đều là lỗi của tôi.”

Vậy thì các anh chị em muốn sống ở thế giới của người công bình, hay muốn sống ở thế giới của tội nhân? Đương nhiên sẽ rất tốt nếu được sống ở thế giới của người công bình chân chính, tuy nhiên đây là việc chỉ có thể xảy ra trên Nước Thiên Đàng mà thôi. Vì trên thế gian này có rất nhiều người sống mà tự cho rằng mình là người công bình, nên thế giới của người công bình mà tôi nhắc đến ở đây là thế giới của những người sống mà tự coi mình là người công bình. Nếu là thế giới của người công bình như vậy thì sẽ ra sao?

Gia đình chỉ toàn người công bình và gia đình chỉ toàn tội nhân

Gia đình chỉ toàn người công bình sẽ xảy ra việc tương tự như sau. Một ngày, người cha mua một bình gốm đắt tiền và rất nâng niu quý trọng nó. Thế nhưng vài ngày sau, đứa con trai nhỏ chơi đùa trong phòng, rồi chạm phải bình gốm đặt trên bàn khiến nó vỡ thành nhiều mảnh vụn. Trông thấy cảnh này, bà của cậu bé đùng đùng nổi giận. “Thằng bé này! Bà đã bảo cháu ra ngoài mà chơi, thế mà cháu cứ chơi trong phòng nên mới đến nỗi này!” Bà vừa mắng mỏ vừa đánh đòn cháu trai, thì mẹ cậu bé từ trong bếp liền chạy ra. “Thật là không phải! Tại sao mẹ lại mắng mỏ cháu như vậy? Nếu mẹ trông cháu tốt thì đã chẳng có việc này xảy ra.” “Cái gì, mày giỏi giang thế nào mà lại lớn tiếng với ta như vậy?” cuối cùng bà và mẹ đã cãi nhau quyết liệt . Người cha trở về sau khi tan sở, thấy bình gốm bị vỡ, và mẹ cùng vợ đang cãi nhau vì chuyện ấy, nên rất tức giận và cũng thét lên rằng “Tôi không cần ai hết. Tất cả hãy ra khỏi đây!”

“Tôi không không có lỗi lầm gì cả. Tất thảy mọi lỗi lầm đều là do bạn.” Đây chính là suy nghĩ cố hữu của những người tự cho mình là người công bình. Vì không có tội nhân mà chỉ toàn là người công bình nên cãi vã và bất hoà không ngừng xảy ra.

Ngược lại, hãy nghĩ đến gia đình chỉ toàn tội nhân sống. Người cha của gia đình này cũng mua một bình gốm đắt tiền, và đứa con trai làm vỡ bình gốm ấy trong khi chơi đùa. Người bà liền chạy đến dỗ dành cháu rằng “Ôi! Cháu có sao không? Bà có lỗi vì đã không trông cháu tốt. Lẽ ra bà đã phải dặn trước cháu rằng hãy cẩn thận. Tất thảy đều là lỗi của bà.” Người mẹ đứa bé chạy vào phòng do nghe thấy tiếng bình gốm vỡ “Thưa mẹ! Đó là lỗi của con. Hôm qua con đặt bình gốm hơi dốc một chút, con đã tự nhủ rằng sẽ đặt cho cân bằng, nhưng lại quên mất nên mới xảy ra chuyện này. Đó là lỗi của con ạ!” Người cha dõi theo bên cạnh cũng tự nhận phần lỗi về mình “Con thật có lỗi vì đã khiến người nhà phải đau lòng vì chuyện này. Giá như con đã không mua bình gốm thì đã chẳng sao… Tất thảy đều là lỗi của con.” Vì vậy, gia đình này càng được hoà thuận hơn nữa bởi việc bình gốm bị vỡ.

Các anh chị em thấy thế nào? Các anh chị em muốn sống ở thế giới của người công bình, hay sống ở thế giới của tội nhân?

Đức Chúa Jêsus đến để kêu tội nhân

Đức Chúa Jêsus cũng phán rằng Ngài đến tuyệt đối không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội, tức tội nhân.

“Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.”Mathiơ 9:13

Trong thế giới của người công bình, người ta chủ yếu dùng các câu như “Tôi đã làm rất tốt, thế mà vì bạn sai lầm nên mới xảy ra việc này.” Còn trong thế giới của tội nhân, người ta thường hay dùng câu “Chỉ cần tôi để tâm thêm một chút nữa thì đã không xảy ra việc như thế này. Tất thảy đều là lỗi của tôi. Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi.”

“Tôi không có lỗi gì cả. Tất thảy mọi lỗi lầm đều là do bạn.” Suy nghĩ này làm trầm trọng thêm mối bất hoà trong nội bộ Hội Thánh, mối bất hoà trong địa vực và khu vực, và rốt cục mang lại ảnh hưởng xấu đến các thánh đồ. Khi chúng ta hiểu ra rằng mình là tội nhân, và luôn suy nghĩ rằng tất thảy mọi vấn đề đều xảy ra do lỗi lầm của bản thân thì mới có được đức tin đúng đắn và thực tiễn được ý muốn của Đức Chúa Trời. Bản thân chúng ta phải trở thành tội nhân thì lúc ấy mới có thể cứu rỗi được linh hồn nhờ tiếp nhận được ý muốn của Đức Chúa Trời, là Đấng đến để kêu tội nhân.

“Lúc ấy, Giăng Báptít đến giảng đạo trong đồng vắng xứ Giuđê, rằng: Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần!”Mathiơ 3:1-2

“Từ lúc đó, Đức Chúa Jêsus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.”Mathiơ 4:17

Những người cần phải ăn năn hối cải là những tội nhân. Nếu chúng ta hy vọng và mong ước Nước Thiên Đàng thì trước tiên phải đứng ở lập trường của tội nhân. Đương nhiên chúng ta không chỉ phải ăn năn hối cải tội lỗi trầm trọng đã gây ra trên Nước Thiên Đàng, mà còn phải ăn năn hối cải tất thảy mọi tội lỗi khi chúng ta sống giả vờ làm người công bình trên thế gian này. Đức Chúa Trời đã phán rằng Nước Thiên Đàng càng đến gần thì càng cần phải ăn năn hối cải. Vậy chúng ta phải ăn năn hối cải và sửa đổi tất thảy những lỗi lầm đã phạm do tự coi mình là người công bình mặc dù sống với tư cách là Cơ đốc nhân.

Để sống cuộc sống của tội nhân thì phải hạ thấp bản thân mình

“Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và kinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pharisi và một người thâu thuế. Người Pharisi đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống; ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.” Luca 18:9-14

Chúng ta đều biết rõ rằng chúng ta phải trở thành người tự hạ mình xuống, thế nhưng chúng ta không biết phương pháp làm thế nào để tự hạ mình xuống. Bước đầu tiên để trở thành người tự hạ mình xuống là phải trở thành tội nhân biết nói rằng “Tôi xin lỗi.” “Tất thảy đều là lỗi của tôi.” Cho nên, Đức Chúa Jêsus cũng giải thích cho chúng ta về phương pháp tự hạ mình xuống thông qua thí dụ về người Pharisi và người thâu thuế.

Sau đây là câu chuyện có thật xảy ra vào thời đế quốc Nhật đô hộ. Một ngày nọ, thầy giáo mua giấy dán tường để dán lại bức tường lớp học đã quá cũ kỹ. Thầy giáo đã dặn học trò quết hồ trên giấy dán tường rồi ra ngoài một lát. Tuy nhiên, học trò này chưa từng nhìn thấy giấy dán tường trước đó nên đã không phân biệt được đâu là mặt trước đâu là mặt sau của giấy dán tường.

Một lát sau thầy giáo trở về thì thấy học trò đã quết hồ xong xuôi, mà hồ đều được quết trên mặt trước của tất thảy giấy dán tường. Trong phút chốc, thầy giáo nghiêm mặt lại và tỏ vẻ bàng hoàng. Lúc ấy học trò nhận ra rằng mình đã phạm phải sai lầm lớn nên đã bật khóc. Thầy giáo liền dỗ dành học trò và nói rằng.

“Đừng khóc! Tất thảy đều là lỗi của thầy. Lỗi đầu tiên là thầy đã không dạy trò cách quết hồ. Lỗi thứ hai là lẽ ra thầy phải cùng làm với trò, nhưng đã để trò làm một mình. Và lỗi thứ ba là thầy đã không biết rằng đây là việc trò làm lần đầu tiên.”

Học trò được cảm động và ấn tượng sâu sắc bởi câu nói của thầy giáo mình. Bởi rõ ràng đó là lỗi của trò, thế mà thầy giáo đã không tức giận mắng mỏ trò, mà lại tự nhận lỗi lầm ấy về mình vì đã không dạy dỗ cụ thể hơn, thân thiện hơn để học trò có thể hiểu được phải làm như thế nào. Kể từ đó, học trò ấy suốt đời sống khiêm tốn giống thầy giáo mình.

Hãy sử dụng ngôn ngữ của Nước Thiên Đàng

Đức Chúa Jêsus đã nói rằng Nước Thiên Đàng ở trong lòng của chúng ta. Khi chúng ta sống trong thế giới của tội nhân chứ không phải thế giới của người công bình, và một lần nữa nhận ra rằng chúng ta là các tội nhân, lại hay sử dụng ngôn ngữ khiêm tốn của các tội nhân, thì sẽ có thể mang lại niềm vui cho tất thảy mọi người, khiến tất thảy loài người cảm nhận thấy Nước Thiên Đàng trong lòng họ.

Nếu chúng ta khoe rằng mình là người công bình, bởi tự mình sốt sắng truyền đạo lại cũng thường xuyên dự lễ thờ phượng trong Hội Thánh, và phê phán chỉ trích các anh chị em khác rằng “Hãy sửa sai theo cách này.” “Tại sao anh em lại làm như thế?” thì ấy không phải là đang sử dụng ngôn ngữ của Nước Thiên Đàng đâu. Những câu được sử dụng thường xuyên trong thế giới của tội nhân như “Tôi xin lỗi.” “Đó là lỗi của tôi” mới là ngôn ngữ của Nước Thiên Đàng. Chúng ta phải sử dụng nhiều ngôn ngữ Nước Thiên Đàng như vậy. Chúng ta càng nghe nhiều ngôn ngữ Nước Thiên Đàng thì chúng ta sẽ vui mừng hơn, cùng có thêm dũng khí và lòng tự tin, và tất thảy lòng chúng ta được nối lại làm một.

Kể cả trong gia đình cũng giống như vậy. Nếu hiểu ra rằng chúng ta là tội nhân thì tự khắc việc giáo dục con cái trong gia đình cũng được trở nên tốt đẹp. Những đứa trẻ thường nhìn và làm theo y nguyên hành động của cha mẹ chúng, nên có thể nói rằng chúng là bản sao của cha mẹ. Những đứa trẻ trong gia đình hoà thuận khi chơi đồ hàng thử tập làm cha mẹ cũng bắt chước nói một cách âu yếm rằng “Ông xã! Chúc một ngày làm việc tốt đẹp!” Còn những đứa trẻ chỉ luôn thấy cảnh cha mẹ cãi vã nhau thì sẽ bắt chước theo mà cãi vã nhau. Những đứa trẻ thường nghe thấy cha mẹ tự nhận lỗi và xin lỗi lẫn nhau thì khi lớn lên chúng cũng biết suy nghĩ cho người khác trước.

Từ hai nghìn năm trước đây, Đấng Christ đã làm cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta là tội nhân, để tất thảy mọi việc trong Hội Thánh lẫn trong gia đình đều được trở nên tốt đẹp. Hơn nữa, Đấng Christ cũng đã phán rằng Ngài không cần người công bình. Đức Chúa Trời đã phán rằng Ngài không cần người công bình, nên chúng ta không nên tự trở thành người công bình. Đấng Christ đến thế gian này không phải để kêu người tự đánh giá cao bản thân và coi mình là người công bình, song kêu kẻ có tội, tức tội nhân.

Chúng ta hãy thường xuyên nói với những người xung quanh rằng “Tôi xin lỗi.” “Tôi đã làm sai rồi.” “Từ giờ tôi sẽ gắng sức suy nghĩ nghiêm túc hơn để không xảy ra những sai lầm như thế này.” Hơn nữa, chúng ta cũng phải nỗ lực đưa những lời này vào thực tiễn. Khi chúng ta xin lỗi như vậy bằng tấm lòng chân chính thì sẽ có thể gieo Nước Thiên Đàng vào tấm lòng của tất thảy mọi người.

Hãy dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời bằng các công việc thiện lành

“Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân. Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” Mathiơ 5:13-16

Đương thời Hội Thánh Sơ Khai, sở dĩ Đức Thánh Linh luôn ngự ở trong Hội Thánh là vì các thánh đồ luôn thực tiễn lời phán trên của Đức Chúa Trời. Vào những ngày sau rốt, các thánh đồ của Hội Thánh của Đức Chúa Trời cũng phải thực hiện lời phán trên để luôn được mặc thêm lấy sức mạnh của Đức Thánh Linh.

Mặc dù chúng ta không cần biện minh và giải thích rằng chúng ta đúng, thì vì tất thảy loài người đều có ngũ giác như thị giác, thính giác, khứu giác, vị xác, xúc giác, nên sẽ nhận biết điều tốt ra điều tốt, điều sai lầm thành điều sai lầm. Dù chúng ta biện minh sau khi phạm phải điều sai lầm, thì khi thời gian trải qua, người ta sẽ cảm nhận ra rằng điều chúng ta đã làm là sai lầm.

Khi chúng ta biết nói rằng “Tôi xin lỗi. Ấy là lỗi lầm của tôi. Tôi đã không suy nghĩ sâu sắc về điều ấy nên mới gây ra sai lầm như thế này. Từ giờ về sau tôi sẽ gắng hết sức để việc như vậy không xảy ra một lần nữa.” hơn là đổ lỗi cho người khác thì chúng ta sẽ có tấm lòng biết suy nghĩ lẫn nhau chứ không phải tấm lòng chỉ rầy la người khác.

Muốn bao bọc ngay cả lỗi lầm của người khác chính là tinh thần của Đấng Christ. Bởi tấm lòng ấy mà đích thân Đấng Christ đã từ Nước Thiên Đàng xuống tận thế gian tội ác này, tự đứng ở vị trí của tội nhân, chịu bị đóng đinh trên thập tự giá thế cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta phải học tinh thần này của Đấng Christ và sống với tấm lòng giống Đấng Christ.

Các thánh đồ Hội Thánh Sơ Khai sống với tư cách tội nhân

“Phierơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báptêm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh… Các ngươi khá cứu mình… Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báptêm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh. Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện… Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh.”Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38-47

Được chép rằng các thánh đồ Hội Thánh Sơ Khai được tất thảy dân chúng ngợi khen. Nếu họ đã chỉ rao truyền lẽ thật trong Kinh Thánh thì không có lý gì để được những người ngoại bang ngợi khen cả. Lẽ thật cũng là lẽ thật nhưng trên hết là vì hành động của họ tốt đẹp nên tất thảy dân chúng đã ngợi khen Đức Chúa Trời.

Làm sao mà không xảy ra xung đột khi ngày nào người ta cũng gặp nhau? Kể cả đôi nam nữ yêu nhau, khi kết hôn và sinh sống cùng nhau mỗi ngày thì sẽ phạm nhiều sai lầm với nhau, ít quan tâm tới nhau hơn, đôi khi cũng khiến tổn thương lẫn nhau nữa. Tuy nhiên, sở dĩ các thánh đồ Hội Thánh Sơ Khai ngày nào cũng đã có thể nhóm hiệp với nhau cách vui vẻ thật thà là vì có điều gì đó khiến họ vui vẻ. Tất nhiên đó có thể là nhờ sự trợ giúp của Đức Thánh Linh, cũng có thể là nhiều các yếu tố khác nhau, tuy nhiên lý do lớn nhất là tất thảy họ đều nhận ra rằng bản thân mình là tội nhân.

Hội Thánh Sơ Khai là thế giới của tội nhân. Như là tội nhân, các thánh đồ đều nhận lỗi về bản thân, xin lỗi lẫn nhau, cố gắng để sửa đổi lỗi lầm. Niềm vui đã được hình thành từ tấm lòng ấy. Họ hiểu ra rằng loài người vốn lẽ là tồn tại không được trọn vẹn, tự công nhận điểm thiếu sót của bản thân, dạy dỗ và dẫn dắt nhau sửa chữa, nên họ luôn đầy ắp niềm vui vẻ thật thà dù ngày nào cũng nhóm hiệp. Nhờ đó họ đã được nhận lời khen ngợi từ muôn dân, và Tin Lành tiếp tục được lan rộng hơn, số người tin vào Đức Chúa Trời ngày càng tăng lên.

Hương khí của Đấng Christ cứu rỗi cả thế giới

Chúng ta là những người dân của Nước Thiên Đàng. Nên chúng ta phải biết sử dụng tốt ngôn ngữ của Nước Thiên Đàng như “Tôi xin lỗi.” “Ấy là lỗi lầm của tôi.” Chúng ta phải trở thành các con cái của Đức Chúa Trời được người thế gian ngợi khen rằng “Dù tôi không biết rõ lẽ thật thế nào nhưng công việc của các thánh đồ Hội Thánh của Đức Chúa Trời thật là tốt đẹp. Nếu tin vào Đức Chúa Trời thì phải được như những thánh đồ Hội Thánh của Đức Chúa Trời.”

Để làm được điều này chúng ta phải hy sinh thật nhiều, đôi khi cũng phải chịu nhiều tổn thất. Tuy nhiên, đem lại lợi ích và niềm vui cho những người khác thông qua tổn thất của bản thân mình, chính là tấm lòng của Đấng Christ. Chúng ta hãy ghi khắc sâu sắc trong lòng một lần nữa về lý do tại sao Đấng Christ đến thế gian không phải để kêu kẻ công bình, song để kêu kẻ có tội, tức tội nhân. Và tôi mong tất thảy chúng ta hãy sống cuộc sống với tư cách là tội nhân.

Giờ Nước Thiên Đàng đã đến rất gần rồi. Đấng Christ đã phán rằng hãy “ăn năn hối cải” khi Nước Thiên Đàng càng đến gần. Thừa nhận lỗi lầm của bản thân và nỗ lực để sửa chữa lỗi lầm chính là thái độ của tội nhân biết ăn năn hối cải thật sự.

Không phải chỉ trực tiếp rao truyền lời lẽ thật mới là truyền đạo đâu. Làm theo y nguyên lời dạy dỗ của Đấng Christ cũng là truyền đạo. Khi các thánh đồ của Hội Thánh sống xứng đáng là Cơ đốc nhân, làm những công việc ân huệ thì thậm chí ngay cả những người ngoại bang cũng được cảm động và mong muốn được đi vào nơi tổ ấm ân huệ này.

Dù khó khăn nhưng từ giờ chúng ta hãy làm quen với ngôn ngữ của Nước Thiên Đàng.

“Tôi xin lỗi.” “Ấy là lỗi lầm của tôi.”

Càng sử dụng nhiều những lời này thì chúng ta càng tìm được nhiều người nhà bị lạc mất trên Nước Thiên Đàng, và đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phát hiện ra rằng Nước Thiên Đàng đang đến gần hơn.