Phòng khách cùng văn hóa gia đình
Phòng khách thể hiện không khí và hình ảnh của gia đình. Chúng ta hãy tìm hiểu cách sử dụng phòng khách để gia đình thêm hòa thuận.
Ngôi nhà thông thường bao gồm phòng ngủ, phòng bếp, phòng tắm và phòng khách, mỗi không gian lại có mục đích sử dụng khác nhau. Nhìn chung, phòng ngủ được sử dụng để ngủ và để quần áo, đồ dùng; phòng tắm là nơi giặt giũ và phục vụ cho các nhu cầu của gia đình; phòng bếp là nơi nấu nướng và ăn uống. Vậy mục đích của phòng khách là gì?
Phòng khách nằm ở trung tâm của ngôi nhà được sử dụng vừa là không gian tiếp khách, vừa là nơi sinh hoạt chung và sum họp của mọi thành viên trong gia đình. Theo bản năng, con người luôn muốn có cảm giác thân thuộc. Để thỏa mãn mong muốn đó, họ cần có không gian để quây quần bên nhau, và phòng khách chính là nơi đóng vai trò này. Nếu phòng ngủ hoặc phòng bếp là nơi dành cho các thành viên trong gia đình quây quần thì cũng có thể coi nơi đó là phòng khách.
![](/wp-content/uploads/2021/11/family-culture-0.jpg)
Tuy nhiên, ngày nay, khi các thành viên trong gia đình quây quần trong phòng khách, họ thường dành thời gian giải trí cho riêng mình theo những cách khác nhau như xem TV, sử dụng máy tính và điện thoại thông minh. Vì vậy, thời gian mọi người tương tác trực tiếp ngày càng giảm.
Hãy nhìn xung quanh phòng khách của bạn. Chẳng phải TV được bật suốt cả ngày, và các thành viên trong gia đình đang vùi mình vào điện thoại thông minh hoặc máy tính sao? Nếu vậy, có nghĩa là phòng khách đang không được sử dụng đúng mục đích.
Phòng khách để dành cho TV?
Không quá lời khi nói rằng thiết kế phòng khách của các căn hộ chung cư ở Hàn Quốc là khá đồng đều. Có một chiếc TV trên tường là trung tâm của phòng khách và ghế sofa được đặt ở phía đối diện. Các công ty xây dựng thậm chí còn lắp giá đỡ TV cùng kiểu dáng như một lựa chọn cơ bản trong phòng khách của tất cả các gia đình. Vì ghế sofa và TV gắn bó với nhau như cây kim và sợi chỉ nên đôi khi người ta nhìn nhận ghế sofa chỉ là món đồ nội thất để xem TV.
Quả thật, sự phát triển của TV là sự kiện mang tính bước ngoặt trong thời hiện đại và đã góp phần rất lớn trong việc gắn kết cả gia đình lại với nhau. Khi cuộc sống gia đình cùng nhau xem TV trở nên phổ biến thì TV đóng vai trò là phương tiện giao tiếp kết nối những câu chuyện chung cho cả gia đình. Tuy nhiên, nếu TV trở thành tâm điểm của những cuộc trò chuyện, thì phòng khách sẽ trở thành nơi chỉ để xem TV, và những cuộc trò chuyện ý nghĩa giữa các thành viên trong gia đình cũng bị cắt đứt. Để giải quyết vấn đề này, nhiều gia đình đang mạnh dạn bỏ TV ra khỏi phòng khách của họ. Những người đã dùng thử phòng khách không có TV và thấy hiệu quả tích cực thì đều giới thiệu cho người khác.
![](/wp-content/uploads/2021/11/family-culture-1.jpg)
Một công ty Công nghệ thông tin Hàn Quốc đã phân tích một lượng lớn dữ liệu mạng xã hội với từ khóa “phòng khách” trong vòng sáu tháng giữa năm 2014 và 2015. Kết quả xuất hiện đầu tiên liên quan đến cụm từ này là cha, và thứ hai là TV. Các từ khác như ngồi, ở lại, không thể tiếp cận, và sợ hãi xuất hiện sau đó. Hầu hết gia chủ đều muốn nghỉ ngơi thoải mái tại nhà sau khi làm việc cả ngày ở bên ngoài, nhưng đó sẽ là vấn đề nếu sự có mặt của người cha trong nhà chỉ là nằm trên ghế sofa trong phòng khách và xem TV.
Phòng khách không có TV giống như một tờ giấy vẽ trắng tinh mà bạn có thể vẽ lên một bức tranh mới. Dù bạn có thể tạm thời cảm thấy trống trải, nhưng nếu bạn cố gắng tạo ra bầu không khí trò chuyện vui vẻ với gia đình thay vì xem TV, thì bức tranh đẹp hơn nhiều sẽ được vẽ ra. Nếu ghế sofa và TV đối diện nhau thì tốt hơn nên đổi hướng ghế sofa để gia đình có thể dễ dàng trò chuyện với nhau.
Phòng khách là nơi tuyệt vời để học tập
Khi con cái đến tuổi đi học, nhiều bậc cha mẹ tạo cho con phòng học riêng vì nghĩ rằng sẽ tốt khi con học một mình và yên tĩnh trong không gian độc lập. Có những lúc trẻ cần tập trung học một mình, nhưng nếu là học sinh cấp tiểu học thì môi trường nơi trẻ có thể giao tiếp với cha mẹ một cách thuận lợi sẽ phù hợp hơn là phòng học riêng.
Thông thường, trẻ em muốn cho cha mẹ thấy những gì chúng đã làm, như giải quyết một vấn đề hoặc hoàn thành một bức tranh. Đó là vì chúng muốn cha mẹ biết chúng đã cố gắng nhiều như thế nào. Khi sự trao đổi cảm xúc và nhận thức với cha mẹ được thiết lập tốt và chúng cảm thấy thoải mái vì được quan tâm, thì động lực và khả năng học hỏi của trẻ sẽ được cải thiện. Vì vậy, nếu trẻ còn nhỏ thì phòng khách là nơi hiệu quả cho học tập, nơi bố mẹ có thể nhìn thấy trẻ bất cứ lúc nào ngay cả khi đang làm việc nhà và trẻ có thể nhờ bố mẹ giúp đỡ bất cứ khi nào chúng cần.
![](/wp-content/uploads/2021/11/family-culture-2.jpg)
Ngoài ra, nhìn thấy cha mẹ đọc sách hoặc báo trong phòng khách, hứng thú nghiên cứu thứ gì đó, hoặc bình tĩnh tập trung vào điều gì đó có thể giúp ích rất nhiều trong việc nuôi dưỡng thói quen học tập của trẻ. Nếu cha mẹ không đọc sách chút nào mà chỉ cằn nhằn con cái rằng “Con hãy học đi” hoặc “Con muốn trở thành người như thế nào khi lớn lên? Tại sao con không đọc sách?” thì sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của cha mẹ sẽ khơi dậy ác cảm của trẻ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ tạo không khí học tập trước thì sẽ không cần phải nhắc nhở con họ học tập. Khi trẻ thường xuyên thấy cha mẹ mình đọc sách thì chúng sẽ thích sách và học theo lối sống của cha mẹ.
Việc đặt máy tính ở phòng khách cũng tốt hơn là đặt trong phòng của trẻ. Nếu đặt máy tính trong phòng của trẻ thì có nhiều khả năng trẻ sẽ được sử dụng để giải trí hơn là học tập, nhưng sẽ an toàn và lành mạnh hơn nếu máy tính được đặt ở phòng khách chung với cả gia đình. Ngoài ra, đặt một chiếc bảng trắng trong phòng khách có thể giúp trẻ giải quyết vấn đề và tăng hứng thú học tập, đồng thời có tác dụng hình thành sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình bằng cách thông báo cho nhau những việc cần làm và để lại những ghi chú.
Phòng khách là không gian giao tiếp và văn hóa
Phòng khách ngoài những hoạt động cơ bản cần thiết cho cuộc sống như ăn, mặc, giặt giũ và nghỉ ngơi, thì còn là nơi các thành viên trong gia đình sum họp, giao tiếp và là nơi tình yêu thương và hạnh phúc nở hoa. Dù phòng khách có rộng rãi và được trang trí đẹp đến đâu đi nữa mà gia đình không đoàn kết, hoặc trở thành một không gian mà bạn không muốn ở vì cảm thấy không thoải mái, thì phòng khách chẳng khác gì một hành lang nối liền các phòng mà thôi.
Nếu bạn mạnh dạn tháo TV và thay bằng giá sách trong phòng khách thì không khí gia đình ấm cúng sẽ chưa thể tự động hình thành được. Điều quan trọng là môi trường mà gia đình chia sẻ những cuộc trò chuyện ấm áp, cảm thông và thoải mái ở đó. Nếu bạn coi sự hòa thuận trong gia đình là quý giá thì bạn nên tích cực xem xét phòng khách của mình trông như thế nào và nỗ lực để dành thời gian chất lượng cho gia đình mình.
Việc lo lắng làm thế nào để gia đình có khoảng thời gian hạnh phúc hơn cũng giống như việc bạn vẽ ra hình ảnh gia đình mà bạn mong muốn, là hình ảnh gia đình lý tưởng của bạn. Không chỉ lập kế hoạch nghỉ hưu hay mua nhà, bạn cũng cần phải suy nghĩ “Gia đình mình có hòa thuận không?” và “Văn hóa gia đình mình thế nào?” Và nếu bạn cứ nỗ lực để lấp đầy những gì còn thiếu sót thì gia đình lý tưởng của bạn sẽ được tạo nên từng chút một.
![](/wp-content/uploads/2021/11/family-culture-3.jpg)
Hãy hình thành văn hóa gia đình bằng những điều mà cả gia đình có thể ngồi lại và làm cùng nhau như họp gia đình, chơi nhạc cụ, đọc sách và thảo luận, thưởng trà, học tập, vươn vai, làm đồ vật, chơi trò chơi gia đình v.v… Truyền thống gia đình đề cập đến hành vi hoặc lối sống chung của cả gia đình. Khi cả gia đình thích ở bên nhau trong phòng khách và trải qua những khoảnh khắc hạnh phúc như vậy và khi những cuộc trò chuyện cùng tiếng cười không ngừng vang lên thì có thể nói rằng phòng khách đã hoạt động đúng chức năng của nó. Phòng khách như vậy chính là đường tắt để tiến gần hơn đến hình ảnh gia đình lý tưởng.
Để xây dựng gia đình văn hóa lành mạnh thì tất cả các thành viên trong gia đình cần cẩn thận lắng nghe và cân nhắc lời nói của người khác, hơn là chỉ ra và đánh giá sai sót, lỗi lầm của nhau. Đừng bao giờ lớn tiếng trong phòng khách. Nếu cần phạt con cái hoặc có mâu thuẫn vợ chồng, thì hãy giải quyết ở một phòng khác để phòng khách luôn là không gian bình yên.
Phòng khách là không gian chung, nơi hình thành văn hóa gia đình nên mọi thành viên phải trở thành chủ nhân và chăm sóc nó. Phòng khách bừa bộn khiến bạn không muốn ở. Vì vậy, cả gia đình phải giữ phòng sạch sẽ, không trang trí phòng khách theo sở thích của một người hoặc để một người sử dụng tất cả.
Khi phòng khách hoạt động đúng chức năng, các không gian khác cũng có sức sống. Khi năng lượng tích cực của tình yêu thương gia đình tuôn trào từ phòng khách, nơi đã trở thành không gian giao tiếp, văn hóa, tình yêu thương và những ước mơ cùng tồn tại và lấp đầy các phòng khác, thì ngôi nhà sẽ trở thành tổ ấm của tình yêu thương an toàn và ấm cúng. Khi ấy, các thành viên trong gia đình luôn nhận được nguồn năng lượng tích cực để bước vào cuộc sống.