Đôi giày của cha

Jeon Eun Ok từ Seongnam, Hàn Quốc

5,402 lượt xem

Đó là khi tôi về thăm cha mẹ nhân dịp sinh nhật mẹ tôi sau một khoảng thời gian dài. Trên đường đến chợ để mua quà mừng sinh nhật mẹ, tôi bắt gặp cha tôi đang về nhà. Rồi tôi chợt chú ý đến đôi giày của cha, một đôi giày thể thao cũ rách, được buộc chặt đến nỗi không khí không thể lọt vào.

“Cha ơi, trời nóng thế này mà cha mang giày thể thao ạ? Cha không có xăng đan sao?”.

Cha gượng cười rồi vào phòng mà không nói gì.

Tôi đã mua cho mẹ một đôi giày trong chợ. Thế nhưng, khi rời khỏi cửa hàng, hình ảnh đôi giày cũ mòn của cha chợt hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi quay trở lại và chọn mua một đôi xăng đan cho cha.

Về đến nhà, tôi đưa túi đồ cho cha, khi đó cha đang ngồi quạt mát. Khi cha rút đôi dép mới ra, gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên. Như thể chưa bao giờ được mang dép mới, ông cầm nó trên tay một lúc, rồi đặt xuống đất, xỏ vào và đứng dậy đi lại với đôi dép ấy.

“Đôi này đắt tiền lắm nên cha phải dùng cả đời đấy nhé.”

Thật ra, tôi chỉ chọn qua loa đôi dép đó vì nghĩ rằng đồ của người lớn thì cái nào cũng như nhau cả thôi. Nhưng không ngờ cha lại vui đến thế, nên tôi nói như vậy vì thấy có lỗi và xấu hổ.

Kể từ khi lập gia đình, tôi luôn trải qua kỳ nghỉ hè cùng cha mẹ, nhưng mùa hè năm đó tôi đã không về, lấy lý do là tôi đã về vào dịp sinh nhật mẹ rồi. Rồi khi mùa hè kết thúc, tôi nhận được điện thoại vào sáng sớm. Mẹ tôi thổn thức ở đầu dây bên kia.

“Cha con bị đột quỵ. Đã được đưa đến phòng cấp cứu rồi… Nhưng không qua khỏi… Hức, hức, giờ đến nhà tang lễ đây.”

Cha tôi bị đột quỵ do xuất huyết não, ông đã chào đón tôi với nụ cười trong bức ảnh tang lễ giống như nụ cười khi tôi về thăm vào ngày sinh nhật mẹ. Tôi chưa bao giờ nghĩ lần gặp mặt cách đây hai tháng sẽ là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cha. Nếu biết trước sẽ như thế này thì tôi đã về thăm nhà rồi. Sự tiếc nuối và cay đắng đâm thấu tim tôi.

Tôi không thể tin được rằng cha đã qua đời. Tôi vẫn tưởng rằng cứ về nhà thì sẽ được thấy cha ngồi thẫn thờ ngoài hiên nhà như mọi khi. Có lẽ đó là lý do khiến tôi thậm chí còn không rơi nước mắt. Chỉ còn lại hình ảnh cuối cùng của cha hiện lên trước mắt tôi như làn sương mờ.

Sau tang lễ, tôi trở về sắp xếp lại những kỷ vật của cha. Trong số quần áo và các vật dụng, một vật quen thuộc đập vào mắt tôi. Đó là đôi xăng đan mà tôi đã mua.

Cầm đôi xăng đan ấy lên, tôi như chết trân tại chỗ. Tôi đã không khóc thậm chí ở lễ tang, nhưng khi thấy đôi xăng đan ấy, nước mắt tôi tuôn ra như thác. Trên đôi dép ấy có ghi tên tôi bằng sơn màu trắng.

“Bố cháu còn đem đôi xăng đan đó đi khoe khắp làng, nói là con gái út đã mua tặng ông ấy.”

Một bác gái trong làng đã kể với tôi như thế.

“Ngay sau khi con đi, cha đã viết tên con lên đó, nói là không được để mất, không cho ai khác đi mất…”

Mẹ tôi nghẹn ngào kể lại.

Đôi dép mà tôi bảo cha phải mang cả đời quả thực đã được mang cho đến ngày ông qua đời. Với ba chữ, là tên của tôi – người con gái ngu dại, được viết trên đó.