WATV.org is provided in English. Would you like to change to English?

Khoảng cách thích hợp là chìa khóa mở ra mối quan hệ tốt đẹp

Mỗi người đều có không gian riêng và ranh giới riêng. Vì vậy, nhờ việc tôn trọng đối phương và giữ khoảng cách thích hợp, chúng ta có thể giữ cho mối quan hệ luôn tốt đẹp.

4333 Xem

Vào một ngày đông lạnh giá, một bầy nhím quây quần bên nhau để giữ ấm. Tuy nhiên, càng xích lại gần nhau thì những chiếc gai nhọn của chúng lại càng làm tổn thương nhau. Không thể chịu được đau đớn, bầy nhím đành phải lùi lại một bước. Tình huống khó xử của loài nhím (Hedgehog’s dilemma) trong câu chuyện này là phép ẩn dụ về tâm lý của con người mong muốn tạo dựng mối quan hệ thân thiết với người khác nhưng đồng thời cũng luôn giữ khoảng cách.

Con người lớn lên nhờ sự chăm sóc của cha mẹ ở nhà, kết bạn ở trường học và làm việc với đồng nghiệp tại công sở. Nói cách khác, chúng ta sống trong khi không ngừng xây dựng các mối quan hệ với cha mẹ, bạn đời, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm v.v… Trong khi trò chuyện, chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, nhưng đôi khi cũng có cả nỗi buồn và sự đau đớn.

Theo kết quả của cuộc khảo sát do Trường Đại học Y Harvard thực hiện trên quy mô lớn, bí quyết cho cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh là có mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Một mối quan hệ tốt có nghĩa là một mối quan hệ gần gũi. Đó là bởi sự thân mật khi ở bên nhau mang đến cho con người cảm giác hài lòng và hạnh phúc.

Tuy nhiên, khi can thiệp quá sâu vào cuộc sống của nhau, sự thân mật thường biến thành bất tiện. Cũng giống như những chú nhím trong câu chuyện quây quần bên nhau để chia sẻ hơi ấm, nhưng rồi lại bị tổn thương bởi những chiếc gai của nhau. Do đó, một học giả đã nói rằng “Nếu cách quá xa thì cảm thấy lạnh, nhưng nếu ở quá gần thì sẽ bị bỏng” khi so sánh mối quan hệ của con người với cái lò sưởi. Thật vậy, mọi mối quan hệ đều cần một khoảng cách thích hợp.

Khoảng cách thích hợp cần thiết cho muôn vật

Lý do mà trong số nhiều hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta, các sinh vật sống chỉ sinh trưởng trên trái đất là vì trái đất có nước. Một trong những điều kiện quan trọng giúp cho nước có thể tồn tại trên trái đất chính là khoảng cách thích hợp giữa mặt trời và trái đất. Nếu trái đất ở gần mặt trời hơn so với hiện tại, tất cả nước sẽ bốc hơi, và nếu ở xa mặt trời hơn hiện tại một chút, tất cả nước sẽ đóng băng.

Tất cả các loài động vật, bao gồm chim, cá và loài linh trưởng, đều có bản năng đảm bảo ít nhất một không gian tối thiểu cho mình. Khi có kẻ săn mồi đến gần, động vật sẽ không bỏ chạy trừ khi kẻ đi săn đó tiến đến một khoảng cách nhất định với chúng; đây được gọi là khoảng cách bỏ trốn (flight distance). Hươu cao cổ cảm thấy an toàn khỏi kẻ thù khi chúng ở cách khoảng 150m, đối với trâu là 70 m và khỉ là 20m. Việc giữ khoảng cách thậm chí với cả các cá thể khác trong cùng một loài giúp động vật cảm thấy thoải mái. Hà mã, vẹt đuôi dài, lợn và chim cánh cụt cố gắng gần gũi với những con khác cùng loài, nhưng các loài như ngựa, mèo và diều hâu có thói quen giữ khoảng cách với nhau.

Khoảng cách thậm chí còn quan trọng hơn đối với các loài thực vật cùng sinh trưởng ở một địa điểm. Thông thường, khoảng cách giữa các cây cà chua là 50cm, giữa các cây táo là 3m và giữa các cây thủy sam là 25m. Đó là những khoảng cách thích hợp giúp cây có thể nhận được ánh sáng mặt trời và gió, và có thể dễ dàng phát triển thân, cành mà không bị cản trở quá trình sinh trưởng.

Giữa các cá nhân cũng tồn tại một ranh giới vô hình. Không gian vật lý mà con người không muốn bị người khác xâm phạm được gọi là không gian riêng tư (Personal Space), và được phân thành bốn cấp độ khác nhau: công cộng (3,6 đến 7,5m) chẳng hạn như khoảng cách giữa người diễn thuyết và khán giả; xã hội (1,2 đến 3,6m), chẳng hạn như khoảng cách giữa đồng nghiệp tại công sở hoặc khách hàng tại cửa hàng; cá nhân (46cm đến 1,2m) chẳng hạn như khoảng cách giữa bạn bè hoặc người quen, và thân mật (dưới 46cm) chẳng hạn như khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình hoặc người yêu.

Nhà nhân chủng học Edward T. Hall nói rằng không gian riêng tư không đơn giản chỉ là khoảng cách vật lý, mà là khoảng cách của tấm lòng. Một cách tự nhiên, khoảng cách này thay đổi tùy theo mức độ thân thiết. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ qua việc giữ một khoảng cách nhất định chỉ vì bạn thân thiết với họ, thì bạn có thể đang xâm phạm không gian riêng của họ.

Lối suy nghĩ xem bản thân là trung tâm, xâm phạm không gian riêng của người khác

Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó vào nhà bạn khi bạn chưa cho phép, nằm xuống giường hoặc mở tủ lạnh mà không hỏi? Bạn không chỉ cảm thấy khó chịu mà còn muốn kiện người đó về tội xâm phạm chỗ ở. Tuy nhiên, chúng ta thường lưu ý đến những không gian riêng tư có thể nhìn thấy được, nhưng lại xâm phạm không gian riêng tư vô hình của người khác mà không chút do dự.

Chúng ta có xu hướng phạm sai lầm như vậy với những người rất thân thiết với chúng ta, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình. Một số cha mẹ can thiệp vào cuộc sống riêng của con cái, nói chúng phải làm gì, hoặc tra hỏi bạn đời của mình từng chi tiết, thậm chí cả những điều mà họ không muốn nói đến, vì nghĩ rằng không nên có bất kỳ bí mật hoặc cuộc sống riêng nào giữa các thành viên trong gia đình. Hoặc, một số thậm chí còn ràng buộc hoặc kiểm soát thành viên trong gia đình với lý do rằng đó là vì tốt cho đối phương.

Nhân tố quan trọng dẫn đến hành động xâm phạm không gian riêng tư của thành viên trong gia đình mà không chút do dự chính là suy nghĩ tự cho mình là trung tâm. Ví dụ như: mong muốn thay đổi người khác theo cách bản thân mình muốn, niềm tin rằng bản thân có quyền thể hiện quyền lực khi đã hy sinh và làm việc chăm chỉ, thái độ bất đồng với quyết định của người khác với niềm tin rằng chỉ có quyết định hoặc ý muốn của bản thân là đúng v.v… Điều này xuất phát từ sự thiếu tôn trọng người khác.

Cho dù bạn nghĩ rằng mình đang thể hiện sự quan tâm và yêu mến đối phương đến mức nào, hoặc thậm chí bạn không có ý định làm tổn thương đối phương, thì họ vẫn có thể bị căng thẳng và cảm thấy rằng không gian riêng của họ đã bị xâm phạm. Khi một người càng cảm thấy bị đè nén, họ lại càng có xu hướng cố gắng thoát ra khỏi sự kiềm chế, thậm chí họ còn che giấu cả những điều mà họ không thực sự cần phải che giấu. Có những việc có thể dễ dàng được giải quyết nếu làm một cách tự nguyện và vui lòng bằng tấm lòng rộng mở thông qua sự đồng cảm và thấu hiểu, nhưng ngược lại, có thể phát sinh vấn đề hoặc cảm giác thù địch nếu đối phương bị buộc phải làm những việc đó.

Nói cách khác, nếu bạn cố gắng rút ngắn khoảng cách với lòng tham của bản thân mà không tôn trọng khoảng cách thoải mái của đối phương thì họ sẽ chỉ cảm thấy không hài lòng và lùi lại.

Những biểu hiện có thể xâm phạm không gian riêng của người khác

  • “Bạn không nên làm điều đó. Tôi nói với bạn điều này vì tôi lo lắng cho bạn thôi.”
  • “Bạn sẽ bỏ phiếu cho ai tại cuộc bầu cử?”
  • “Cứ làm theo như tôi bảo đi!”
  • “Dễ thế này mà tại sao bạn không thể làm được nhỉ?”
  • “Thu nhập hàng năm của bạn là bao nhiêu?”
  • “Đó là vấn đề của bạn!”
  • “Tôi đã nói với bạn rồi! Tôi biết chắc chắn thế nào rồi việc đó cũng sẽ xảy ra mà.”
  • “Nếu bạn có thời gian làm việc đó thì sao không làm ( ) đi!”
  • “Không nên giáo dục con bạn theo cách đó.”
  • “Chắc chắn sau này bạn sẽ phải hối tiếc. Cứ chờ mà xem.”
  • “Đó là tất cả những gì bạn có thể nói sau khi tôi đã giúp đỡ bạn sao?”
  • “Tôi nói điều này vì muốn tốt cho bạn thôi.”

Tôn trọng người khác tạo nên mối quan hệ tốt đẹp xuất phát từ tấm lòng

Để giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các thành viên cần phải có khoảng cách, không xâm phạm không gian của nhau. Tôn trọng không gian riêng của người khác không có nghĩa là bạn không quan tâm đến bất cứ điều gì họ làm, nhưng thừa nhận họ là con người độc lập và chấp nhận sự thật rằng họ có thể có những suy nghĩ và ý kiến ​​khác với bạn, đồng thời tôn trọng những lựa chọn và quyết định của họ. Nếu bạn lùi lại một bước như vậy, sự thân mật sẽ càng thêm bền chặt. Khi suy nghĩ của bạn cởi mở hơn, bạn cũng sẽ có thể mang đến cho người khác và chính mình sự tự do và hạnh phúc.

Nếu bạn muốn can thiệp vào cuộc sống của người khác hoặc đề xuất giải pháp, điều cần làm trước tiên là hỏi ý kiến của họ thay vì cố gắng giúp đỡ mà không hỏi trước hoặc ép buộc họ phải đi theo hướng nhất định. Điều này cũng giống như bấm chuông và được sự cho phép trước khi bước vào nhà người khác. Ví dụ, nếu con bạn trông không vui sau khi đi học về, đừng thúc giục con kể cho bạn nghe chuyện gì đã xảy ra. Thay vào đó, bạn cần hỏi con bằng giọng nhẹ nhàng “Con có thể kể cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra không?”,“Con có muốn mẹ giúp gì không?” Nếu bạn không thích giá trị quan hoặc thói quen của vợ / chồng mình, tốt hơn hết là nên trò chuyện cởi mở và giải thích điều gì khiến bạn cảm thấy không thoải mái thay vì chỉ yêu cầu họ thay đổi.

Nếu bạn thực sự yêu thương đối phương, hãy quan sát bằng ánh mắt ân cần và tạo ra bầu không khí thoải mái để người đó có thể yêu cầu được giúp đỡ khi cần. Dù bạn có đưa ra lời khuyên chân thành nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về đối phương. Vì vậy, ngay cả khi người đó đưa ra một lựa chọn khác và dẫn đến kết quả tiêu cực, thì cũng nên tránh việc đổ lỗi và khiển trách.

Sự quan tâm và tình cảm yêu thương có thể được truyền đạt một cách đúng đắn nếu bạn cho đi khi đối phương muốn nhận, ở mức độ và cách thức như người đó muốn. Trong khi làm như vậy, bạn cần xem xét điều gì sẽ khiến đối phương hạnh phúc và người đó sẽ chấp nhận cách tiếp cận của bạn ra sao. Đồng thời, bạn cũng cần lưu ý đến những điều làm tổn thương cảm xúc của đối phương, những nhận xét khiến đối phương tự ái và những tình huống gây ra áp lực cho đối phương.

Nếu gia đình cảm thấy khó chịu về lời nói và hành động của bạn, hãy hiểu cho họ với suy nghĩ rằng “Tôi thấy mọi người cảm thấy không thoải mái với những điều này.”, thay vì thất vọng bởi suy nghĩ rằng “Tôi thậm chí không được phép nói điều này (hoặc làm điều này) với thành viên trong gia đình tôi hay sao?” Có những lúc bạn phải kìm chế bản thân dù muốn hỏi cặn kẽ và xác nhận mọi chuyện, hoặc giả vờ như không biết gì ngay cả khi bạn đã biết. Vì ranh giới không gian riêng của người kia là do người ấy quyết định chứ không phải do bạn nên chúng ta hãy tôn trọng và cố gắng giữ lấy chúng.

Trong tiếng Trung, từ 人間 (ren jian) – nhân gian, là sự kết hợp của 人 [nhân – người] và 間 [gian – giữa]. Nó có nghĩa là con người là một người sống giữa những người khác. Bắt đầu từ những nguyên tử nhỏ bé, đơn vị nhỏ nhất của vật chất, đến các hành tinh trong Thiên hà của chúng ta bên ngoài trái đất, tất cả đều được duy trì trật tự nhờ vào khoảng cách thích hợp giữa chúng. Điều này cũng đúng với con người.

Vì khoảng cách giữa con người không có giá trị chính xác bằng số nhưng thay đổi đa dạng, tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người hoặc tùy thuộc vào tình huống, chúng ta cũng có những va chạm theo thời gian. Nhưng nếu bạn cố gắng điều chỉnh khoảng cách giữa bạn và người khác bằng sự tôn trọng, bầu không khí ấm áp sẽ hiện hữu giữa hai người. Nó giống như việc hai con nhím cố gắng tìm một khoảng cách có thể khiến chúng cảm thấy hạnh phúc mà không làm đau lẫn nhau.