Gia đình của vĩ nhân
Gandhi, Van Gogh, Kim Gu đều là những vĩ nhân đã để lại tên tuổi trên thế giới. Đằng sau thành tựu vĩ đại của họ là gia đình.
Có những người đã làm gương cho nhiều người trên thế giới. Những vĩ nhân đã đạt được những thành tựu tuyệt vời, những người đã vượt qua nghịch cảnh và đạt được ước mơ, những người thành công trong lĩnh vực chuyên môn của mình nhờ không ngừng nghiên cứu và phát triển, v.v… Những lời họ để lại cùng những câu chuyện về cuộc đời vượt qua thử thách của họ đã được truyền lại từ đời này sang đời khác rồi trở thành hình mẫu (role model) của ai đó.
Tuy nhiên, có thể những vĩ nhân đã để lại thành tựu vĩ đại ấy cũng vì họ được nhận sự ảnh hưởng tích cực từ những người khác. Cũng có trường hợp là người thầy đáng kính hoặc bạn bè thân thiết, nhưng hầu hết những người đã tin tưởng và ủng hộ họ cho đến cùng chính là gia đình. Giống như tục ngữ Hàn Quốc rằng “Không có ngôi trường nào tốt hơn gia đình”, “Một người cha tốt hơn một trăm giáo viên”, không quá lời khi nói rằng một người có nhân cách xuất chúng được tạo ra từ sự ủng hộ và khích lệ của gia đình. Đó là bởi sự tin tưởng và khích lệ vô hạn của gia đình là nguồn động lực thúc đẩy sức mạnh và dũng khí mà không thể gì có thể thay thế được.
Người cha dạy về lòng khoan dung
Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) đã được người bạn lâu năm là Rabindranath Tagore đặt cho biệt danh là Mahatma (nghĩa là “tâm hồn vĩ đại”). Gandhi – nhà hoạt động vì hòa bình, là một vĩ nhân được không chỉ người dân Ấn Độ mà cả thế giới kính trọng. Chủ nghĩa phi bạo lực mà ông nêu ra cũng tạo ảnh hưởng lớn đến các nhà hoạt động nhân quyền sau này như Nelson Mandela và Martin Luther King.
Ông sinh ra ở Porbandar, Gujarat, Ấn Độ, là con út trong một gia đình thương nhân. Ông có mối quan hệ tốt với cha, khi từ trường trở về, Gandhi thường tận tình chăm sóc người cha đau ốm, xoa bóp tay chân cho cha. Giống như bao cậu bé ở độ tuổi dậy thì, Gandhi cũng có thời kỳ lệch lạc.
Gandhi lúc đó 15 tuổi. Vì tò mò, Gandhi bắt đầu hút thuốc trong khi cha mẹ không hề hay biết, rồi dần dần nghiện thuốc lá. Dù gia đình tương đối khá giả, nhưng khi còn trẻ, ông không có đủ tiền để mua thuốc lá. Khi hết tiền, ông thậm chí còn ăn trộm một mẩu vàng từ chiếc vòng tay của anh trai để mua thuốc lá.
Dẫu đã ăn trộm vì không thể vượt qua được sự cám dỗ trong giây lát, nhưng ông đã hối hận sâu sắc về việc đó và viết ra từng lỗi lầm của mình trong một bức thư. Sau đó, ông lấy hết can đảm để đưa bức thư đó cho người cha trên giường bệnh. Tưởng rằng sau khi bị cha trừng phạt nặng nề, tấm lòng nặng trĩu của mình sẽ nhẹ đi một chút, nhưng trái với dự đoán của Gandhi rằng cha sẽ rất tức giận, cha ông đọc xong bức thư và không nói lời nào. Cha ông đã chỉ lặng lẽ rơi nước mắt. Rưng rưng nước mắt và suy nghĩ một hồi, cha Gandhi đã xé nát bức thư. Mang hàm ý tha thứ cho ông.
Những giọt nước mắt của cha ngày hôm đó đã để lại ấn tượng mạnh với Gandhi, và ông đã thề sẽ không bao giờ lừa dối ai nữa. Đến đỗi, về sau, ông nói rằng “Cha tôi đã thay đổi và cứu tôi bằng sự khoan dung cao cả”. Điều này đã in sâu trong lòng Gandhi và trở thành kim chỉ nam dẫn ông đến con đường của một nhà lãnh đạo vĩ đại.
Người em tin tưởng và ủng hộ anh trai cho đến cùng
Họa sĩ thiên tài, bậc thầy của trường phái ấn tượng, họa sĩ vĩ đại đã sống cuộc đời hoa lửa, ảo thuật gia với sắc màu mãnh liệt và họa sĩ bất diệt… Theo sau tên của Vincent Willem van Gogh (1853–1890) là vô số những từ bổ nghĩa như thế này. Đó là minh chứng cho việc ông nhận được sự quan tâm và yêu mến của mọi người đến mức ấy.
Nhắc đến Van Gogh, người ta không thể không nhắc đến em trai của ông, Theo van Gogh. Sinh ra trong một gia đình linh mục ở tỉnh Brabant, Hà Lan, và là con trai cả trong ba người con trai và ba con gái, Van Gogh không hòa hợp với bạn bè vì tính cách nhạy cảm và nóng nảy ngay từ khi còn nhỏ. Người cha nghiêm khắc và bảo thủ đặt nhiều kỳ vọng vào con trai cả và cho con một nền giáo dục tốt, nhưng Van Gogh đã không đáp ứng được kỳ vọng của cha mình và ngày càng xa cách gia đình theo thời gian. Tuy nhiên, người em trai kém 4 tuổi Theo là ngoại lệ duy nhất. Theo, người có mối quan hệ đặc biệt với Van Gogh từ khi còn nhỏ, không đơn thuần chỉ là em trai mà còn là người bạn, đồng nghiệp và người hậu thuẫn tận tụy.
Trái ngược với những từ bổ ngữ hào nhoáng, sinh thời Van Gogh là một họa sĩ bất hạnh không được giới nghệ thuật công nhận. Sau khi trải qua nhiều công việc như làm nhân viên phòng trưng bày, trợ giảng nhà thờ và nhân viên hiệu sách, ông bắt đầu vẽ tranh một cách nghiêm túc ở tuổi 27. Và trong khoảng 10 năm cho đến khi qua đời ở tuổi 37, ông đã để lại khoảng 900 bức tranh sơn dầu và 1.100 bản vẽ. Sở dĩ Van Gogh có thể cháy hết mình với đam mê và để lại những bức tranh quý như châu ngọc chỉ trong một thời gian ngắn là nhờ sự giúp đỡ của Theo.
Theo, người sớm nhận ra năng khiếu nghệ thuật của Van Gogh, đã không ngần ngại hỗ trợ ông cả về vật chất lẫn tinh thần. Em trai gửi cho Van Gogh phí sinh hoạt để ông chỉ tập trung vào việc vẽ tranh, liên lạc qua thư từ và trở thành chốn nghỉ ngơi cho tấm lòng Van Gogh. Van Gogh có thể thẳng thắn giãi bày tâm sự của mình với Theo. Khi phải vật lộn với nỗi thất vọng và hoài nghi, ông đã được Theo an ủi rất nhiều, tiếp thêm dũng khí rằng một ngày nào đó ông sẽ thành công. Cứ như thế, hơn 700 bức thư đã được trao đổi giữa hai người.
“Nếu công việc của anh đạt thành quả tốt, thì một nửa trong số đó là tác phẩm của em. Em có quyền lợi được như vậy.” Trích trong thư Van Gogh gửi Theo vào tháng 4 năm 1885
“Chắc chắn anh sẽ thành công trong khi còn sống. Dù anh không cố tình bước ra, tên của anh sẽ tự động được biết đến nhờ những bức tranh đẹp đẽ của anh.” Trích trong thư Theo gửi Van Gogh vào tháng 1 năm 1890
Theo đã trở thành chỗ dựa duy nhất cho Van Gogh khi ông đang sáng tác trong hoàn cảnh khó khăn do không được người đời coi trọng, nghèo đói và chứng bệnh về tâm thần. Nếu không có em trai là Theo, Van Gogh đã không thể trở thành họa sĩ nổi tiếng.
Một nhà vận động độc lập tạo nên một nhà vận động độc lập khác
Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, một người đàn ông đã bị quân cảnh Nhật Bản bắt đi và bị kết án 17 năm tù vì hoạt động trong một đoàn thể cảm tử bí mật. Người mẹ đến thăm người con trai bị kết án tù sau khi bị tra tấn nặng nề đã không tỏ vẻ buồn bã chút nào mà nói rằng “Mẹ còn hạnh phúc hơn so với việc thấy con trở thành người giám sát tỉnh Gyeonggi”. Đây là giai thoại giữa Beak Beom Kim Gu và mẹ mình là Kwak Nak Won.
Kim Gu (1876-1949) đã tham gia các hoạt động quân y và vận động khai sáng, rồi lưu vong sang Thượng Hải, Trung Quốc để lãnh đạo chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc ngay sau Phong trào ngày 1 tháng 3 năm 1919. Ông đã cống hiến hết mình cho nền độc lập của Hàn Quốc ngay cả khi gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành chính phủ lâm thời do sự giám sát của Nhật Bản, hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn kinh tế. Năm 1962, nhân dịp kỷ niệm 13 năm ngày mất của ông, Hàn Quốc đã truy tặng ông Huân chương Công lao Kiến quốc của Đại Hàn Dân Quốc.
Cho đến khi Kim Gu để lại tên tuổi sáng chói trong lịch sử, phía sau chính là mẹ của ông. Kwak Nak Won (1859-1939) là người mẹ mạnh mẽ và can đảm, đồng thời là một nhà vận động độc lập với tinh thần yêu nước thấu triệt. Bà Kwak làm giúp việc tại một quán trọ và may vá để hỗ trợ Kim Gu đang ở trong tù, đồng thời nuôi nấng những đứa cháu nhỏ, cho bú bằng bầu sữa trống rỗng khi con dâu qua đời sớm vì bệnh tật. Khi chính phủ lâm thời được thành lập, bà đã chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cùng những nhà vận động độc lập ở Trung Quốc.
Tinh thần cương trực của bà Kwak nhiều lúc khiến Kim Gu cũng phải hổ thẹn. Khi ông được ra tù sau giảm án, bạn bè ông đã tổ chức một bữa tiệc an ủi với những kỹ nữ. Biết chuyện, bà đã đưa con trai về nhà và mắng rằng “Mẹ đã chịu khổ bao nhiêu năm như vậy để thấy hôm nay con uống rượu với kỹ nữ hay sao?”. Kim Gu đã nhận ra lỗi lầm của mình và quỳ xuống.
Một lần nọ, các thành viên của chính phủ lâm thời đã định bí mật chuẩn bị bữa tiệc sinh nhật cho bà Kwak. Sau khi nhận ra điều đó, bà nói rằng nếu đưa tiền thay vì bữa tiệc thì bà sẽ mua thỏa thích những gì mình muốn ăn, sau đó bà đã thêm tiền của mình vào số tiền nhận được để dùng cho vận động độc lập. Một hôm khác, khi các đồng chí mua cho bà bộ quần áo bằng lụa vì xem trọng uy tín của bà, thì bà trả lại tiền cho họ và nghiêm khắc quở trách rằng “Sở dĩ chúng ta có được chén cơm bây giờ là nhờ huyết của Yun Bong Gil (người đã hy sinh vì nền độc lập của Hàn Quốc)”.
Bà Gwak tuy dữ như hổ khi thấy có chuyện không đúng mực, nhưng bà đã chăm sóc cho cho chính phủ lâm thời còn túng thiếu và tiếp thêm sĩ khí cho các đồng chí. Bà cũng cấp dưỡng cho các thành viên chủ chốt của chính phủ lâm thời phải chịu đói cồn cào bằng cách nhặt lớp vỏ ngoài của bắp cải bị vứt ngoài chợ về, rửa sạch nấu cháo cho họ. Bằng cách này, với tư cách là một người mẹ, và là người lớn tuổi đáng được kính trọng nhất trong chính phủ lâm thời, bà Kwak đã nỗ lực hết mình vì vận động độc lập và sống cuộc đời không hề hổ thẹn.
Gandhi có một người cha luôn nhắc nhở lỗi lầm của ông bằng lòng khoan dung, còn Van Gogh có một người em trai luôn tin tưởng và ủng hộ ông đến cùng. Kim Gu có một người mẹ đã dìu dắt ông đi theo con đường đúng đắn với lòng yêu nước thấu triệt và phẩm tánh cương trực. Đằng sau những con người vĩ đại thể ấy là gia đình đã tin tưởng và yêu thương họ.
Bạn không cần phải để lại những thành tựu to lớn và làm cho tên tuổi của mình được biết đến rộng rãi để trở thành một người vĩ đại. Một người biết nghĩ cho người khác hơn chính bản thân mình, một người nhận ra giá trị của cuộc sống và sống hết mình mỗi ngày, một người biết gây ấn tượng với những người xung quanh, một người tìm thấy hạnh phúc trong những điều nhỏ bé tầm thường… Nếu bạn trở thành tấm gương cho người khác theo cách này, thì bạn có thể được coi là một người vĩ đại trên phương diện nào đó. Và người có sức ảnh hưởng tốt đến gia đình trân quý là người vĩ đại nhất.