Thói quen, khởi đầu của sự thay đổi

Thói quen thực sự có ảnh hưởng lớn đối với vận mệnh của chúng ta và hạnh phúc của gia đình. Sở hữu những thói quen tốt chính là đang đón chào hạnh phúc.

24,042 lượt xem

Từ thời khắc thức dậy vào buổi sáng cho đến khi đi ngủ vào buổi tối, chúng ta làm vô vàn các hành động. Thế mà, chúng ta không cần phải lo lắng làm thế nào để vệ sinh cá nhân, thứ tự mặc đồ như thế nào, và làm sao để dùng thìa khi ăn. Cơ thể hành động trước suy nghĩ vì những việc ấy đã trở thành thói quen rồi.

Thói quen là hình thái hành vi quen thuộc được lặp lại thường xuyên cho đến khi nó trở nên gần như là vô thức. Không quá lời khi nói rằng cuộc sống là một chuỗi những thói quen; sinh hoạt hằng ngày của chúng ta cấu thành bởi các thói quen khác nhau như thói quen ngủ, thói quen ăn uống, thói quen luyện tập, thói quen ngôn ngữ, thói quen lái xe và thói quen tiêu dùng.

Có người cho rằng “Những gì chúng ta làm lặp đi lặp lại cho chúng ta biết chúng ta là ai. Vì vậy điều quan trọng không phải là một hành động mà là một thói quen.” Khi đến giờ thức giấc vào buổi sáng, mắt bạn tự động mở ra, và nếu bạn thường xuyên rung chân, bạn làm thế ngay cả khi không chủ đích. Khi bạn có thói quen uống cà phê sau bữa ăn, bạn sẽ thấy thiêu thiếu nếu bỏ qua một lần. Cứ như thế, thói quen được hình thành qua thời gian và có sức mạnh to lớn đến mức có thể thay đổi cuộc sống thường nhật của một người và thậm chí là cả cuộc đời.

Các thức để não bộ vận hành một cách dễ dàng

Suy nghĩ và hành động tạo nên các lối mòn trong não. Nếu bạn lặp lại một hành động cụ thể trong thời gian dài, não bộ sẽ học được cách để tự động làm nó, giống như một con đường được tạo thành khi nhiều người đi qua đi lại dù mới ban đầu người ta phải mở đường qua bụi cây rậm rạp.

Nhờ vào thói quen, chúng ta có thể làm mọi thứ một cách nhanh chóng và hiệu quả và có thể phát triển các kĩ năng thông qua thói quen. Dù bạn có thể cảm thấy khó lúc mới lới xe, làm lại nhiều rồi sẽ thấy dễ hơn. Khi bạn đã quen với việc nấu những món cầu kì, thì có thể vừa nghe điện thoại vừa nấu được.

Khi thực hiện những hành động mang tính chủ đích, não bộ tiêu thụ đường glucô và khí ôxi, những nhiên liệu chủ yếu của các tế bào. Tuy nhiên, não lại không có chỗ chứa glucô, nên nó cần một cách để tiết kiệm năng lượng. Nếu không có thói quen được hình thành, thì mỗi lần, não bộ lại sẽ cần rất nhiều thời gian và năng lượng để nghĩ xem phải làm gì và làm như thế nào. Thói quen là sự khôn ngoan của cơ thể để tiết kiệm năng lượng.

Một chương trình truyền hình tài liệu Hàn Quốc đã chứng minh điều này thông qua thực nghiệm. Người ta trộn lẫn 200 từ tiếng Anh đúng với 100 từ bị sai chính tả và đưa chúng cho người tham gia, họ phải phân biệt các từ đúng chỉ trong 0,5 giây mỗi từ. Theo kết quả của thiết bị đo MEG (Magnetoencephalography – một phương pháp để lập bản đồ hoạt động của não bằng cách ghi lại từ trường được tạo ra bởi dòng điện tự nhiên trong não), não của những người có thói quen sử dụng tiếng Anh được hiển thị bằng màu xanh dương, có nghĩa là não bộ hoạt động ít hơn, và não của những người không sử dụng thì hiển thị màu đỏ, tức là não bộ phải hoạt động nhiều hơn.

Cùng một hoạt động, não của những người làm theo thói quen cảm thấy ít gánh nặng hơn. Thế nên nếu bạn muốn làm việc gì một cách thoải mái tự nhiên theo ý riêng, hãy biến nó thành một thói quen. Vấn đề là não bộ không thể phân biệt được giữa thói quen tốt và thói quen xấu. Thế nên, tùy thuộc vào việc thói quen của bạn là tốt hay xấu thì thói quen ấy có thể là phước lành hoặc là bẫy.

Thói quen quyết định vận mệnh

“Coi chừng những suy nghĩ của bạn, vì chúng trở thành lời nói. Coi chừng lời nói, vì chúng trở thành hành động. Coi chừng hành động, vì chúng trở thành thói quen. Coi chừng thói quen, vì chúng trở thành nhân cách. Coi chừng nhân cách, vì chúng trở thành số phận của bạn.”

Đây là lời của Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh. Ngoài ra, Mahatma Gandhi cũng từng nói:

“Thói quen sẽ trở thành giá trị của bạn, giá trị ấy sẽ trở thành vận mệnh của chính bạn.”

Có thói quen tốt, thói quen xấu, và cả những thói quen không tốt cũng không xấu. Dù sự phân biệt tốt xấu có thể khác nhau tùy vào ý kiến cá nhân, thói quen tốt thường có ảnh hưởng tích cực đến chính bản thân và những người xung quanh chúng ta.

Thói quen lắng nghe chăm chú, thói quen chào hỏi mọi người, thói quen dọn dẹp chung quanh, thói quen đối xử tốt với người khác. Những thói quen tốt này tạo nên một nhân cách tốt, và cũng trở thành kim chỉ nam dẫn dắt cuộc sống của chúng ta theo đường hướng tốt đẹp, giúp chúng ta nắm bắt khi cơ hội đến. Chẳng phải những nhân viên có thói quen dọn dẹp giấy rác tại công ty sẽ thường được lòng cấp trên và được giao phó cho những nhiệm vụ quan trọng hơn sao?

Chẳng có gì ngạc nhiên khi những người đạt thành tựu lớn trong lịch sử đều là người có thói quen tốt; Tolstoy đã trở thành nhà báo xuất sắc nhờ có thói quen ghi lại nhật kí mỗi ngày. Lincoln cũng để lại những bài phát biểu nổi tiếng nhờ thói quen đọc sách, và Helen Keller đã vượt qua khiếm khuyết về mặt thể chất nhờ thói quen luôn dâng cảm tạ.

Chỉ một thói quen tốt có thể dẫn đến thay đổi dáng kinh ngạc như hiệu ứng domino. Ví dụ, nếu bạn có thói quen tập thể dục, bạn sẽ nghĩ về sức khoẻ của mình và thay đổi thói quen ăn uống và tránh các thói quen có hại. Cũng một lẽ ấy, bạn có quyết tâm sẽ chăm chỉ hơn, nên bạn có thể dậy sớm hơn vào buổi sáng để rèn luyện bản thân.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thói quen xếp gọn giường ngủ vào buổi sáng có liên quan đến năng suất, chỉ số hạnh phúc và kỷ luật bản thân. Việc dọn giường không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc, nhưng chắc chắn rằng một thay đổi nhỏ hình thành nên vòng tròn đạo đức và kích thích bạn tạo ra các thói quen tốt khác nữa.

Sự thay đổi thói quen dẫn tới hạnh phúc

Thói quen xấu tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn và tiêu tốn thời gian quý báu của bạn cũng như đánh mất lòng tin của mọi người vào bạn. Tồi tệ hơn là, nó có tính lây lan, vậy nên nó có thể tác động đến mọi người xung quanh chúng ta và gây nên tổn hại một cách vô thức. Thói quen xấu thường đặt trọng tâm ở những điều bạn ham muốn mà không thể đạt được.

Nhìn chung, thói quen xấu bao gồm ăn uống quá độ, rượu chè, hút thuốc, phung phí, chậm trễ trong công việc, lười biếng, chửi thề, sử dụng điện thoại thông minh trong thời gian dài, ngủ nướng, không vệ sinh, và hay cau có. Nếu bạn có thói quen làm những việc gây hại cho chính mình và trông tiêu cực trong mắt người khác, bạn không thể tránh khỏi việc gây ra bất hạnh.

Điều này đặc diệt đúng trong gia đình, nhân tố cơ bản nhất của xã hội. Có rất nhiều các cặp đôi ly hôn bởi xung đột trở nên sâu sắc hơn do những khác biệt nhỏ nhặt trong lối sống. Thói quen bỏ cốc lại để rửa sau, thói quen lộn trái tất, thói quen ngủ dậy muộn trong ngày nghỉ lễ nghe có vẻ nhỏ nhặt, nhưng chúng lại không thể bị phớt lờ trong cuộc sống gia đình. Khi bạn giữ tốt mối quan hệ gia đình, chỉ số hạnh phúc cũng cao. Vậy nên nếu bạn có thói quen gây ra mâu thuẫn trong gia đình, bạn cần mau chóng sửa lại nó.

Thay đổi thói quen nói thì dễ, làm thì khó. Tuy nhiên, khi bạn thử thay đổi và mở con đường mới bởi việc từ bỏ cái cũ, cái quen thuộc và thoải mái, bạn có thể cải thiện được. Thay vì nói rằng “Tôi là thế đấy.”, chúng ta hãy linh hoạt hơn trong suy nghĩ. Sự cải thiện bắt nguồn từ việc nhận thức và hiểu biết thói quen nào cần được sửa nắn. Và nên hình thành một thói quen tốt mới thay vì quyết định liều lĩnh rằng không làm thói quen xấu nữa. Ví dụ như nếu bạn có thói quen sử dụng điện thoại trong thời gian dài, hãy tạo thói quen đọc sách, nếu bạn có thói quen lằm bằm, hãy dâng cảm tạ nhiều hơn để giảm bớt thời gian lằm bằm.

Thói quen tốt sẽ nhanh chóng biến mất nếu bạn bỏ qua ba lần, nhưng bạn lại dễ dàng hình thành với thói quen xấu chỉ sau ba lần. Thói quen xấu thường bắt nguồn từ việc theo đuổi những thứ dễ dàng và thoải mái, nhưng thói quen tốt cần có nỗ lực một cách chủ đích, tiết độ, và nhiều năng lượng. Thế nên, để sửa thói quen xấu, chúng ta cần luôn tỉnh thức.

Sẽ hiệu quả hơn nữa khi các thành viên trong gia đình động viên lẫn nhau và cùng làm việc để hình thành thói quen tốt. Nếu tất cả các thành viên có thói quen dậy sớm cùng nhau, cảm giác sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi thức dậy một mình. Khi bạn muốn thay đổi thói quen xem TV trong thời gian dài mà nếu ai đó trong gia đình cứ bật TV thì ý chí của bạn có thể bị tiêu tan. Hãy luôn ngợi khen nỗ lực của gia đình để hình thành thói quen tốt, còn đối với những thói quen khác nhau, hãy tìm cách để tất cả được thỏa mãn hơn là ép buộc người khác thay đổi.

Bạn không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Hiện tại là kết quả của những thói quen trong quá khứ, và tương lai được định đoạt bởi những thói quen trong hiện tại. Cũng như những nỗ lực tuy nhỏ bé và không đáng kể lại tạo nên những thay đổi lớn về sau, việc thay đổi một thói quen nhỏ tạo nên thay đổi lớn trong đời. Thay đổi nghĩa là thay đổi những thói quen.

Dù là nước bị ô nhiễm cũng có thể trong trở lại khi chúng ta thêm nước sạch từng chút một. Điều quan trọng là tiếp tục thêm nước vào không ngừng nghỉ. Chúng ta hãy loại bỏ thói quen xấu từng cái một bằng việc thêm vào các thói quen tốt. Rèn luyện thói quen có lợi cho chính bạn và gia đình là chìa khoá để sống một cuộc đời tươi đẹp và hạnh phúc.