“Vui chơi” hạnh phúc cho cả cha mẹ và con cái
Đối với con trẻ, vui chơi có ý nghĩa lớn hơn chỉ là chơi. Đối với cha mẹ, vui chơi là thời gian chia sẻ tình yêu thương cùng con cái.
Nhà nghiên cứu liệu pháp trò chơi đồng thời là nhà thần kinh học lỗi lạc, tiến sĩ Garry L. Landreth từng nói: “Chim bay, cá bơi còn trẻ em thì chơi đùa”. Đối với trẻ đang lớn, vui chơi là sinh hoạt thường nhật và là tất cả. Sở dĩ chúng liên tục di chuyển mà không đứng yên được một chốc là vì cơ thể chúng đang ngứa ngáy, muốn chơi đùa.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc trẻ tham gia hoạt động đó với ai có tác động đến hạnh phúc của trẻ hơn là bản thân hoạt động mà chúng thực hiện. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chính sách Nuôi dạy trẻ Hàn Quốc vào năm 2014, khi được hỏi “Ai là người ở bên em trong những khoảnh khắc em hạnh phúc nhất?”, thì các trẻ em Hàn Quốc trả lời là “bố mẹ” nhiều nhất. Cha mẹ cũng là người mà trẻ em muốn chơi trò chơi hoặc tham gia các hoạt động cùng nhất. Vì vậy, thời gian vui chơi cùng cha mẹ có giá trị đối với trẻ hơn bất cứ hoạt động nào khác.
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình trưởng thành lành mạnh. Để làm được điều này, bước đầu tiên trong quá trình nuôi dạy con cái, gọi là “vui chơi”, nên được thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, có nhiều bậc cha mẹ lại chưa biết cách chơi cùng con. Một số trường hợp, cha mẹ dùng điện thoại thông minh để thu hút sự tập trung của trẻ hoặc làm việc riêng bên cạnh trẻ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về “vui chơi”, điểm khởi đầu và là phần quan trọng trong việc nuôi dạy con cái.
Trẻ em lớn lên trong khi vui chơi
Lý do việc vui chơi đóng vai trò quan trọng là vì nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong sự phát triển của trẻ. Trong khi chơi, trẻ đi lại, chạy nhảy, lăn, chạm và cầm nắm các đồ vật khác nhau. Trong quá trình này, các cơ và các giác quan được kích thích đồng đều, giúp cơ thể phát triển một cách cân đối.
Ngoài ra, vui chơi còn đóng vai trò giúp trẻ trưởng thành về mặt cảm xúc, như một ô cửa giúp giảm bớt căng thẳng và sự hung hăng tiềm ẩn. Không giống như người lớn, trẻ em không chỉ không quen với những cảm xúc tiêu cực như trầm cảm và tức giận, mà còn không giỏi trong việc bày tỏ sự lo lắng và căng thẳng bằng lời nói. Thay vào đó, chúng thoải mái thể hiện cảm xúc bằng cách đập vào đồ vật hoặc chạy vòng quanh cho đến khi kiệt sức.
Hơn nữa, sự phát triển nhận thức, ngôn ngữ và xã hội diễn ra một cách tự nhiên trong khi trẻ vui chơi. Trẻ phát triển năng lực tư duy bằng cách tiếp xúc với những môi trường và đồ vật mới thông qua nhiều trò chơi đa dạng. Đặc biệt, trò chơi nhập vai giúp trẻ học ngôn ngữ, hành vi xã hội và cách suy xét phù hợp với hoàn cảnh, vai trò.
Bằng cách này, trẻ liên tục học được những điều mới mẻ trong khi vui chơi. Tuy nhiên, nếu trẻ chơi một mình, xem TV hoặc điện thoại thông minh, thì chúng hoàn toàn không thể giao tiếp với người khác. Hoạt động nghe nhìn một chiều này kích thích thùy chẩm, nơi xử lý thông tin thị giác, nhưng không giúp ích gì cho sự phát triển của thùy trán, nơi chi phối suy nghĩ và tính cách, và nếu quá mức thì sẽ gây ra tác động tiêu cực.
Việc vui chơi đòi hỏi sự tương tác với cha mẹ. Xin đừng quên rằng sự vui chơi giúp trẻ trưởng thành lành mạnh nên dựa trên tình yêu thương và sự quan tâm ấm áp.
“Cho trẻ chơi” và “Chơi với trẻ”
Người lớn thường coi việc dành thời gian ở cùng với trẻ là “cho trẻ chơi”. Tuy nhiên, nói đúng ra thì “cho trẻ chơi” và “chơi với trẻ” là khác nhau. Khi cha mẹ “cho con chơi”, họ sẽ đóng vai trò chủ đạo trong trò chơi. Mặt khác, “chơi với con” có nghĩa là cha mẹ tham gia vào trò chơi do trẻ dẫn dắt.
“Tham gia” ở đây không phải là tham gia một cách mặc nhiên, mà là cha mẹ tích cực tham gia vào trò chơi bằng cách gợi ý hoặc đặt câu hỏi cho con về cách chơi. Khi cả cha mẹ và con cái cùng hòa mình vào các hoạt động vui chơi thì sự giao tiếp tích cực sẽ diễn ra đồng thời sự gắn bó cũng phát triển.
Để vui chơi cùng con và tập trung vào trò chơi, cha mẹ cần có thái độ đồng cảm. Phương pháp rất đơn giản. Hãy hạ mình xuống ngang tầm mắt của trẻ và lắng nghe những gì con nói. Nếu cha mẹ tương tác với con và chơi cùng con, trẻ có thể tập trung vào trò chơi một cách thoải mái và vui vẻ như đang chơi với các bạn cùng trang lứa.
Việc cố gắng dạy con điều gì đó trong khi chơi sẽ cản trở sự đồng cảm. Trong khi chơi, nếu cha mẹ cứ liên tục hỏi: “Đây là cái gì?” và yêu cầu: “Nhắc lại theo mẹ nào. Elephant trong tiếng Anh có nghĩa là con voi. Elephant!”, thì trẻ sẽ cảm thấy áp lực và cha mẹ cũng khó để tập trung vào trò chơi do chỉ nghĩ đến kết quả giáo dục mà họ mong đợi.
Khi vui chơi, xin đừng cố dạy con mà hãy cho con cơ hội tự học hỏi. Nếu cha mẹ liên tục kiểm soát vô điều kiện hành vi của trẻ vào thời điểm tính độc lập của trẻ đang phát triển, thì trẻ có thể rất nản lòng. Cho dù đôi khi con mất tập trung hoặc cư xử bướng bỉnh, hãy dạy trẻ luật chơi thay vì chỉ nói “không” hoặc “đừng làm vậy”.
Trong khi chơi, trẻ có thể cáu kỉnh hoặc khóc vì những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, chẳng hạn như khi các khối xếp hình bị đổ. Bởi vì tại thời điểm đó, các khối xếp hình là tất cả đối với trẻ. Trong trường hợp như vậy, cha mẹ hãy hiểu và xoa dịu trẻ. Nếu cứ chăm chăm vào ép con ngừng cáu kỉnh và quấy khóc, thì con sẽ dần mất đi lòng tự trọng và sự tự tin.
Khi chơi, trước tiên hãy quan tâm đến cảm xúc của con, cùng con làm những gì con muốn và phản ứng tốt trước lời nói, hành động của con. Sự quan tâm và khích lệ ấm áp của cha mẹ mang lại cho trẻ sức mạnh và lòng can đảm để thử lại lần nữa.
Chơi với con không nhất thiết phải làm cho hoành tráng
Các chuyên gia cho rằng những đồ vật mà trẻ có thể vận dụng trí tưởng tượng để chơi sẽ thích hợp hơn những đồ chơi đã được hoàn thiện sẵn. Giáo sư Susan Linn của Đại học Y Harvard cho biết: “Ngày càng có nhiều trẻ em bị giảm khả năng sáng tạo. Điều này là do trẻ có ít cơ hội để chơi hơn và thậm chí trong những cơ hội ít ỏi đó, những đồ chơi bị thương mại hóa hoàn toàn cũng cướp mất khả năng sáng tạo của trẻ”, đồng thời nhấn mạnh rằng “Khả năng sáng tạo chỉ được phát triển khi trẻ chơi đúng cách”.
Trên thực tế, đối với trẻ em, mọi thứ đều có thể là đồ chơi. Ngay cả một cành cây bên đường cũng có thể trở thành cây đũa thần, thậm chí vỏ thùng đựng hàng lớn hay vỏ hộp sữa cũng có thể trở thành món đồ chơi tuyệt vời nếu được thêm ý tưởng vào. Nếu không có đồ chơi để chơi thì chúng ta có thể chơi bằng cơ thể của mình. Có vô số hoạt động mà cha mẹ và con trẻ có thể làm cùng nhau, chẳng hạn như: cõng trẻ trên lưng, cho trẻ đứng trên chân của cha mẹ để cùng khiêu vũ hoặc dùng chân nâng trẻ lên cao. Những công việc nhà như giặt quần áo hoặc cất đồ chơi cùng nhau cũng có thể trở thành trò chơi.
Thay vì trực tiếp đề xuất con chơi thứ gì đó nhất định, tốt hơn hết là cha mẹ hãy tham gia trò chơi một cách tự nhiên bằng cách cho trẻ thấy những hành động của cha mẹ. Ví dụ, khi muốn con chơi với các khối xếp hình, thay vì nói “Chúng ta chơi xếp hình thôi!”, trước hết, cha mẹ hãy xếp các khối xếp hình trước mặt trẻ. Khi cha mẹ làm việc gì đó, con trẻ sẽ đến gần với sự tò mò. Sau đó, nếu cha mẹ nói “Con có muốn cùng chơi không?”, thì trò chơi xếp hình sẽ bắt đầu.
Sau khi chơi, hãy khen ngợi những việc con đã làm tốt và hỏi “Con cảm thấy thế nào khi chơi như thế này?”, “Làm thế nào để lần sau chúng ta có thể chơi tốt hơn nhỉ?” để giúp trẻ tự suy nghĩ về trò chơi. Sẽ là một ý kiến hay nếu cha mẹ và con có thời gian cùng nhau dọn dẹp ngay sau khi chơi. Cha mẹ cũng có thể biến việc dọn dẹp trở thành một phần thú vị của trò chơi thay vì là công việc phiền hà.
Niềm vui mà trẻ cảm nhận được trong khi chơi không nhất thiết phải tỷ lệ thuận với thời gian. Hãy dành thời gian chơi đùa cùng con đúng cách, dù chỉ 5 phút mỗi tối.
Diana Loomans, một chuyên gia người Mỹ về các vấn đề ở trẻ em, đã nói như sau trong bài thơ “If I had my child to raise over again” (Nếu được nuôi con lại từ đầu):
“If I had my child to raise over again: I would care to know less and know to care more I’d take more hikes and fly more kites I would run through more fields and gaze at more stars.”
(Nếu được nuôi con lại từ đầu Mẹ sẽ bớt quan tâm việc học hỏi Để học cách quan tâm con nhiều hơn Cùng con rong chơi và thả diều đây đó Băng qua đồng cỏ cùng ngắm các vì sao)
Thời gian trôi thật nhanh và khi trẻ lớn hơn một chút, chúng có xu hướng tìm kiếm bạn bè hơn là tìm đến cha mẹ. Giống như trong bài thơ của Loomans, ngày mà cha mẹ hồi tưởng rằng “Nếu được nuôi con lại từ đầu” sẽ đến trong chớp mắt.
Vui chơi là cơ hội trưởng thành cho cả cha mẹ và con cái và là món quà trao tặng những kỷ niệm hạnh phúc. Tình yêu thương của cha mẹ được truyền tải thông qua vui chơi giúp trẻ lớn lên thành người biết yêu thương người khác, và những kỷ niệm vui chơi cùng cha mẹ khi còn thơ bé còn đọng lại trong ký ức và tấm lòng của trẻ suốt thời gian dài sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho cuộc đời của trẻ.