Nhiệm vụ hạnh phúc

Gwon Seong Eun từ Uijeongbu, Hàn Quốc

3,201 lượt xem

Tôi mong muốn để lại kỷ niệm ý nghĩa cho con trai đang học cấp 2 của mình trước khi kỳ nghỉ hè của con kết thúc. Tôi chợt nghĩ đến “Trải nghiệm công việc của bố mẹ”. Chồng tôi làm việc trong một công ty phân phối và mỗi ngày phải giao hàng trăm thùng dầu ăn nặng 18kg. Vì đó là một công việc nặng nhọc nên chồng tôi do dự một lúc rồi mới đồng ý, con trai chúng tôi cũng nói sẽ thử xem.

Ngày con trai tôi trải nghiệm công việc của bố đã đến. Nhìn thấy bố khuân vác những thùng dầu ăn nặng trĩu, con trai nói “Bố ơi, cánh tay đầy gân nổi lên trông rất đàn ông, tuyệt thật đấy ạ!”. Thế rồi sau khi vác hai can dầu ăn, con trai tôi nhìn cẳng tay và mu bàn tay mình và hỏi “Mẹ ơi, nếu tay con cũng nổi gân lên giống như bố thì có tuyệt không?” Tôi nghĩ thầm “Ra thế, cho đến giờ, thằng bé quan tâm tới ngoại hình hơn là lao khổ của bố. Hôm nay, con tôi sẽ cầm cự được đến mức nào đây?” Tôi hy vọng hôm nay sẽ là một trải nghiệm quý giá đối với con.

Khi đến cửa tiệm của khách hàng, chồng tôi ra khỏi xe trước, con trai tôi đeo đôi găng tay lao động và theo xuống sau, hỏi rằng “Ở đây cần bao nhiêu thùng ạ?” rồi giúp bố vận chuyển dầu ăn vào. Những thùng dầu thì nặng nhưng quai cầm lại rất mỏng, nên chỉ mang vài thùng là những ngón tay sẽ bị đau. Nếu khách hàng ở tầng hai hoặc tầng ba thì sau khi giao hàng xong, thậm chí chân cũng phải run lên. Sau khi bắt đầu làm công việc thể này được 4 tiếng, con trai tôi tự nói một mình:

“Vất vả ghê gớm. Tay như muốn rời ra luôn. Vai cũng đau nữa. Phù!”

“Nếu mệt rồi thì con có thể nghỉ. Đừng gắng sức quá!”

Tôi đã nghĩ chắc con trai tôi muốn bỏ cuộc ngay lúc ấy. Thế nhưng suy đoán của tôi quả thực đã nhầm.

“Con phải giúp bố giảm một nửa khối lượng công việc chứ.”

Trông thấy con trai tôi mỉm cười mà không tỏ vẻ khó chịu, tôi tự hỏi dù con vẫn giống như đứa trẻ lên ba nhưng con đã trưởng thành tự bao giờ. Tuy chồng tôi cũng cố gắng ngăn con lại mà rằng “Ngày mai, con sẽ không thể nhấc nổi dù một chiếc thìa để ăn cơm đâu. Con đi nghỉ được rồi.”, nhưng con trai tôi đã nói “Nếu con làm rơi thìa thì bố hãy xúc cho con ăn nhé!” rồi lại mỉm cười. Các khách hàng cũng ngạc nhiên khi thấy con trai tôi như thế. Họ khen ngợi và đưa nước cho thằng bé, và nói “Ôi, bọn trẻ ngày nay sẽ không làm thế đâu. Chắc anh tự hào lắm!”

Ngày hôm đó, con trai tôi đã không bỏ cuộc giữa chừng nhưng giúp bố suốt 12 tiếng đồng hồ cho đến khi xong việc. Khi về đến nhà, con trai đã nói với tôi nhân lúc bố không ở đó rằng:

“Mẹ ơi! Mẹ biết không, con đã nhận ra rằng mọi thứ con có đều là nhờ vào sự lao động vất vả của bố. Trước đây, con đã nghĩ mình muốn ăn gì, mặc gì, cả tiền tiêu vặt thì cứ nói ra là sẽ dễ dàng có được. Nhưng bây giờ con biết là hết thảy những điều ấy đều là nhờ vào tiền công khó nhọc mà bố kiếm được. Khi con xem bản tin thì có những người bỏ mặc con cái của họ, nên con rất biết ơn vì đã được nuôi dạy tốt đến mức này. Bố nói rằng bố hạnh phúc và hài lòng nhất khi thấy con ăn ngon, ngủ ngon và học tốt. Con cũng có thể hiểu tại sao mẹ cố gắng cho con ăn đầy đủ nhất có thể vào mỗi buổi sáng. Vậy nên con biết ơn bố mẹ rất nhiều.”

Kể từ hôm đó, con trai tôi luôn nói những lời động viên mỗi khi chồng tôi đi làm và thường gọi điện thoại để kể chuyện cười cho bố nghe. Nhìn thấy con trai dường như trưởng thành hơn nhiều sau khi trải nghiệm công việc lao khổ của bố, tôi nghĩ rằng nuôi dạy con cái là nhiệm vụ thật hạnh phúc. Dù có những ngày tháng vất vả và đau đớn để nuôi dạy con, nhưng niềm hạnh phúc và cảm động mà con mang lại thì không gì có thể so sánh được. Tôi thật cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho tôi nhiệm vụ hạnh phúc này. Cả con trai và tôi đang cùng nhau trưởng thành thông qua nhiệm vụ hạnh phúc này.