Gia đình không phải là ngẫu nhiên, nhưng là tất yếu!

Gia đình là để chăm sóc lẫn nhau. Sự trân trọng, tình yêu thương và sự ràng buộc của gia đình cần được lưu giữ.

14,015 lượt xem

Gia đình là tập hợp những người cùng chia sẻ gen sinh học và có cùng nhóm máu hoặc có quan hệ huyết thống. Vì tất cả các tế bào của cơ thể đều được cung cấp dinh dưỡng và ôxy qua máu, nên máu là nền tảng của sự sống. Gia đình có chung huyết thống.

Mối quan hệ gia đình bền chặt hơn bất kỳ mối quan hệ nào khác. Có một câu nói về sự gắn kết gia đình: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tình yêu thương dành cho những người thân trong gia đình không thể bị cắt đứt. Nên việc những người bị ly tán khỏi gia đình mình nỗ lực tìm kiếm người thân là điều hết sức tự nhiên, trừ khi họ tự ý rời bỏ gia đình mình.

Người ta nói mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là do trời định. Cuộc sống là một chuỗi các sự lựa chọn, nhưng cha mẹ, anh chị em và con cái không phải là vấn đề của sự lựa chọn. Dù cha mẹ giàu hay nghèo, các anh chị em có tính cách giống nhau hay không và con cái có vâng lời hay không, chúng ta chỉ cần chấp nhận và yêu thương họ. Một số người còn nói rằng ngay cả những người chỉ đi ngang qua cũng đã được sắp đặt để gặp nhau. Vì vậy, vợ chồng chung sống với nhau, và sinh ra một thành viên mới trong gia đình là mối quan hệ vĩ đại nhất theo quan hệ huyết thống.

Bạn bè hoặc đồng nghiệp là những người mà chúng ta có thể lựa chọn hoặc chấm dứt mối quan hệ khi suy nghĩ của chúng ta thay đổi, nhưng gia đình thì không như vậy. Gia đình là nơi chúng ta trải qua nhiều xung đột nhất vì mọi người thuộc các thế hệ khác nhau với tính cách khác nhau sống cùng nhau mỗi ngày. Một đạo diễn người Nhật thậm chí còn nói: “Gia đình là thứ gì đó bạn muốn vứt bỏ khi không ai thấy.”

Đôi khi, mọi người bị tổn thương hoặc chán nản bởi gia đình của mình; đối với một số người, gia đình dường như là một mối phiền toái và họ thậm chí muốn chấm dứt mối quan hệ với gia đình. Vì sự can thiệp quá mức, đôi khi người ta cảm thấy muốn ra khỏi sự kìm kẹp gọi là gia đình. Tuy nhiên, càng xa thì chúng ta càng nhớ gia đình nhiều hơn. Đó là bởi chúng ta cũng có thể được chữa lành thông qua gia đình của mình.

Gia đình đang đổ vỡ hay trở nên đa dạng hơn?

Ngày nay, cấu trúc gia đình truyền thống mà tập trung vào quan hệ hôn nhân và huyết thống đang thay đổi nhanh chóng. Có nhiều kiểu gia đình khác nhau như gia đình đơn thân, gia đình có con riêng, gia đình có con nuôi và gia đình ly thân, dẫn đến tiêu chuẩn về gia đình không rõ ràng.

Phạm vi mà mọi người công nhận là gia đình đã trở nên nhỏ hơn. Theo một cuộc khảo sát do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực hiện cách đây vài năm, cứ 10 người thì có 4 người không nhận anh chị em là gia đình và trong 5 người thì có 1 người thậm chí không nhận cha mẹ là thành viên trong gia đình. Một nửa số người tham gia khảo sát đã loại trừ cha mẹ của vợ / chồng ra khỏi gia đình.

Ngày càng có nhiều người sống một mình vì nhiều lý do khác nhau. Theo đó, các sản phẩm dành cho một người được làm ra nhiều hơn, thậm chí có những nhà hàng phục vụ ăn uống cho một người. Trong một số trường hợp, người ta chết trong cô đơn và gia đình của họ mãi sau mới biết. Điều này khiến xuất hiện các công ty chuyên lo việc thu dọn các vật dụng của những người đã chết trong cô đơn để lại.

Về hiện tượng này, một số người cho rằng các gia đình đang đổ vỡ, còn một số thì cho rằng chúng ta cần thừa nhận sự đa dạng của cấu trúc gia đình đang thay đổi theo thế hệ. Cấu trúc gia đình có thể thay đổi, nhưng gia đình có ý nghĩa không hề thay đổi đối với tất cả mọi người. Hơn nữa, gia đình là nơi quan trọng nhất, nơi chúng ta được tiếp thêm sức mạnh và được nghỉ ngơi trong suốt cuộc đời. Điều mà chúng ta không nên quên là trên thực tế, gia đình cần được kết nối với nhau bằng sự gắn bó và tin tưởng sâu sắc, bất kể là cấu trúc gia đình nào.

Gia đình cần phải chăm sóc lẫn nhau

Không ai có thể sống một mình mà không cần sự chăm sóc của bất kỳ ai từ khi sinh ra. Gia đình cho chúng ta ăn, mặc, dạy dỗ và bảo vệ chúng ta; chúng ta lớn lên trong hàng rào được gọi là gia đình. Trong khi được gia đình chăm sóc, chúng ta học được cách chăm sóc người khác, và sau đó cũng trở thành người chăm sóc người khác nữa.

Thật là phước lành lớn cho người nào có gia đình nơi có thể đảm bảo được sự ổn định về thể chất và tinh thần. Đối với một đứa trẻ, gia đình là tất cả, mà tình yêu thương và sự quan tâm ấm áp của gia đình có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất, tình cảm và xã hội của trẻ. Người được chăm sóc đầy đủ từ gia đình cho đến khi hoàn toàn tự lập có lòng tự trọng tốt và tinh thần ổn định.

Sự chăm sóc của gia đình không chỉ đơn giản là việc cha mẹ nuôi dạy con cái, mà bao gồm mọi việc đang diễn ra ở nhà và nơi làm việc. Khi cha mẹ già yếu và mắc bệnh, con cái phụng dưỡng họ; vì các con đã lớn lên nhờ nhận được sự chăm sóc từ gia đình, họ có trách nhiệm với cha mẹ với tư cách là thành viên trong gia đình. Khi một thành viên gặp vấn đề thì gia đình bảo vệ cho; và khi một thành viên qua đời thì gia đình sẽ tổ chức tang lễ cho. Đây là cách một con người cho và nhận sự chăm sóc liên tục từ gia đình mình từ khi sinh ra cho đến khi chết mà không phải trả giá.

Ai đó đã nói, “Gia đình là một hệ thống xã hội luôn biết các thành viên của mình đang ở đâu”. Gia đình có thể hỏi nhau mà không cần đắn đo xem hiện tại họ đang ở đâu. Dù họ cách xa nhau về mặt thể xác, nhưng họ luôn muốn biết người nhà mình đang ở đâu và đang làm gì. Họ luôn muốn kiểm tra sự an toàn của nhau, và có thể chạy ngay đến bất cứ nơi nào người nhà của họ đang ở nếu người đó gặp nguy hiểm. Gia đình trở thành một và chăm sóc lẫn nhau.

Gia đình tồn tại khi đoàn kết

Vào tháng 11 năm 1846, một nhóm những người Mỹ tiên phong bắt đầu cuộc sống mới đã bị mắc kẹt ở Sierra Nevada. Trong số khoảng 80 người cùng đi, 15 người trong số họ là những người đàn ông độc thân không có gia đình, và những người còn lại thì ở cùng gia đình. Họ phải chịu đựng cái lạnh và cái đói trong vài tháng, rồi được giải cứu vào tháng 3 năm sau. Khi lực lượng cứu hộ đến nơi, chỉ còn 40 người sống sót. Trong số 15 người đàn ông không có gia đình, chỉ có ba người sống sót mặc dù họ khỏe mạnh và tự do, và hơn một nửa số người có gia đình đã sống sót. Một số người sống sót là trẻ nhỏ và người già.

Điều giúp họ vượt qua nỗi đau khắc nghiệt chính là tình yêu thương của gia đình chứ không phải thể lực. Một trong số những người sống sót đã 65 tuổi bị vết thương sâu ở tay, nhưng ông đã có thể sống sót cho đến khi đội cứu hộ đến nhờ sự chăm sóc của người vợ. Nhà nhân chủng học Donald Grayson đã nghiên cứu trường hợp này cho biết, “Gia đình là sự chứng nhận được kiểm soát cho sự sống còn”.

Vào mùa hè năm 1995, một đợt nắng nóng nghiêm trọng đã xảy ra ở Chicago, Hoa Kỳ. Khi những ngày nắng nóng trên 40 ℃ (khoảng 100 ℉) nối tiếp nhau, khoảng 700 người đã chết bởi thảm họa nắng nóng trong khoảng một tháng. Tại một vùng, 65 người đàn ông sống một mình đã chết, và hầu hết họ chỉ ở trong nhà, bị cô lập với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, có rất ít nạn nhân ở South Lawndale là khu phố nghèo nhất ở Chicago. Hóa ra họ là những cư dân sống cùng gia đình của mình.

Ở Úc, một em bé chết yểu đã sống lại sau khi được mẹ ôm ấp. Ở Mỹ, khi hai chị em sinh đôi sinh non được nằm chung một lồng ấp, khi người chị choàng tay qua và ôm em, thì bé gái đang trong cơn nguy kịch đã ổn định trở lại. Thứ đã cứu những em bé vừa trở thành thành viên trong gia đình không phải là thiết bị hay kỹ thuật y tế tối tân, mà chính là tình yêu thương của gia đình.

Không gì là không thể khi gia đình đoàn kết. Ai đó đã nói rằng, “Nếu bạn muốn tồn tại trên trái đất, hãy bắt đầu một gia đình.” Tình yêu thương và sự gắn bó của gia đình giúp tìm ra ý chí sống ngay cả trong môi trường khắc nghiệt và là tia hy vọng trong tuyệt vọng.

Khi những thảm họa như vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 hay thảm kịch tàu điện ngầm Daegu xảy ra, những người không thể ra khỏi nơi xảy ra thảm họa đã để lại lời nhắn cuối cùng cho gia đình mình. Khi cái chết đang bao trùm, đã không ai nói về sự giàu có hay thành công. Họ để lại lời nhắn rằng họ yêu quý gia đình, hoặc bày tỏ sự quan tâm đối với những thành viên trong gia đình mình. Steve Jobs, Giám đốc điều hành của một công ty toàn cầu đã nói về tầm quan trọng của gia đình thay vì lo lắng cho công ty vào giây phút cuối cùng của cuộc đời. Marie Curie, người đã hai lần đoạt giải Nobel và để lại thành tựu to lớn cho thế giới này đã nói: “Hạnh phúc duy nhất trên thế giới này chính là gia đình liên kết với nhau và trở nên một”.

Gia đình là một tập hợp người sống cùng nhau cho dù họ có thích nhau hay không. Khi điều tốt đẹp xảy ra thì họ vui vẻ bên nhau, khi gặp khó khăn thì họ an ủi và động viên nhau. Cũng giống như bài hát bắt đầu bằng “Chúng ta không ngẫu nhiên gặp nhau”, việc gia đình gặp nhau không bao giờ là sự ngẫu nhiên. Có thể gia đình là một mối quan hệ tất yếu được xây dựng theo kế hoạch của Đức Chúa Trời mà con người không thể tiếp cận được.