Để hoàn thành cuộc chạy đua phần linh hồn
Enkhod từ Ulaanbaatar, Mông Cổ

Mẹ tôi qua đời khi tôi ba tuổi và cha tôi qua đời khi tôi chín tuổi. Chị cả tôi lúc đó được mười sáu tuổi trở nên người dẫn dắt gia đình và chúng tôi cố gắng vượt qua nỗi buồn mất mát cha mẹ và những khó khăn tài chính.
Sau khi tôi vào trung học, tôi học chạy đua và trở thành một vận động viên marathon của đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, cổ chân tôi đã bị thương khi tập luyện trong cái lạnh khắc nghiệt dưới 40℃ và tôi phải từ bỏ việc trở thành một vận động viên.
Tôi trưởng thành, vượt qua sự mất mát cha mẹ cùng cuộc sống vất vả của vận động viên, và tôi trở nên kiêu ngạo; tôi tự hào về sức mạnh và sự thành công của bản thân. Và tôi đã từng nghĩ rằng Cơ Đốc giáo là tôn giáo dành cho những người yếu đuối không tin tưởng vào bản thân. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã cho tôi được nghe Tin Lành thông qua một người bạn của tôi.
Tôi tình cờ gặp người bạn học cũ của mình, và nghe lời lẽ thật từ bạn ấy, và tôi đã nhận sự sống mới. Đó là vào ngày 8 tháng 8 năm 2008, ngày đầu tiên của thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Tôi đã chờ đợi thế vận hội trong vòng 4 năm nhưng tôi đã dành ngày đó để học Kinh Thánh mà không xem thế vận hội. Ngày thế vận hội Olympic bắt đầu, Đức Chúa Trời cho phép tôi bắt đầu cuộc chạy đua marathon phần linh hồn. Từ ngày đó, tôi học Kinh Thánh mỗi ngày.
Trong khi đức tin của tôi đang lớn nhanh, visa mà tôi đã nộp để xin làm việc tại Cộng Hòa Séc vào hai năm trước đã được chấp thuận. Tôi biết rằng thật vô nghĩa khi đi Cộng Hòa Séc, nhưng chị cả tôi, người đã làm việc rất vất vả để chăm sóc những đứa em nhỏ từ khi còn trẻ, đã van nài tôi bằng nước mắt và tôi không thể từ chối thỉnh cầu của chị. Giống như Giôna trốn sang Tarêsi bằng tàu để chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời, tôi đã đến Cộng Hòa Séc bằng xe lửa, để lại công việc Tin Lành sau lưng.
Không lâu sau khi tôi đến Cộng Hòa Séc, nhà máy tôi làm việc đã bị phá sản và tôi phải di chuyển đến thành phố khác. Tại đó, tôi sống chung với những người say sưa niềm vui thế gian. Mỗi khi ngày thờ phượng đến, tôi tự giữ thờ phượng một mình trong phòng, tránh xa những người khác. Lời cầu nguyện của tôi trở nên tha thiết giống như Đaniên cầu nguyện hướng về Giêrusalem. Visa của tôi đã hết hạn và tôi không có việc làm. Tôi đọc sách lẽ thật và Kinh Thánh mỗi ngày và nghe những hương khí Siôn từ bạn tôi qua điện thoại. Tôi cầu nguyện rằng tôi có thể trở về Mông Cổ càng sớm càng tốt.
Vì tôi không có việc làm trong một vài tháng và trải qua một cuộc đại phẫu, tôi tiêu hết số tiền tôi có. Những người sống chung vốn không thích tôi đã cười nhạo tôi. Tuy nhiên, tôi cầu nguyện bằng nước mắt trước khi đi ngủ mỗi ngày. Cuộc phẫu thuật đã thành công nhờ vào ân huệ của Đức Chúa Trời, nhưng tôi trở nên tuyệt vọng vì tôi không có điều kiện trở lại Mông Cổ. Tôi nhớ tất cả những người nhà Siôn rất nhiều đến nỗi một ngày kia tôi thu xếp tất cả đồ đạc, đi tới trạm xe lửa và khóc suốt ngày tại đó.
Một ngày kia, tôi nghe một tin vui không thể tin được là chính phủ Cộng Hòa Séc lên kế hoạch gửi trở về quê nhà một số người ngoại quốc đang cư trú trong nước muốn trở về quê nhà nhưng không có kinh phí.
Vì không có cơ quan cảnh sát phụ trách người nước ngoài tại thành phố tôi đang sống, tôi di chuyển đến một thành phố khác. Tôi không có tiền và cũng không thể giao tiếp với người dân nơi đó, nhưng tôi đã đến được cơ quan cảnh sát sau nhiều sự trắc trở nhờ dâng nhiều lời cầu nguyện lên Đức Chúa Trời. Họ bảo tôi quay lại vào lần sau vì bộ phận quản lý visa không làm việc vào ngày đó, nhưng vì tôi không thể hẹn lần khác, tôi van nài bằng nước mắt, và cuối cùng tôi có thể quay trở về Mông Cổ khoảng một tháng trước Lễ Vượt Qua năm 2009.
Ngày mà tôi đã về Mông Cổ, tôi tự véo má mình, tôi không thể tin rằng cuối cùng tôi đã trở về quê nhà. Bạn tôi đến sân bay đón tôi, và chúng tôi cùng nhau đến Siôn. Tại đó, các anh chị em chào đón tôi kêu lớn rằng “We love you.” Tôi đã khóc nức nở. Có vẻ như tất cả những sự cô đơn và buồn bã tan biến đi cùng nước mắt.
Khi tôi giữ buổi thờ phượng đầu tiên sau khi trở về Mông Cổ, tôi cảm thấy như mình đang ở Nước Thiên Đàng. Thậm chí những anh chị em mà tôi chỉ trông thấy lỗi lầm trước khi tôi đến Cộng Hòa Séc, nay cũng trông thật đáng yêu và đẹp đẽ. Để bù đắp lại khoảng thời gian tôi bỏ phí, tôi truyền Tin Lành bằng tất cả sức lực.
Vì tôi vượt qua những khổ nạn và cám dỗ, nên Đức Chúa Trời đã ban phước cho tôi; tôi có thể chỉ tập trung vào việc rao truyền Tin Lành và được ban cho một nhiệm vụ cao quý của Tin Lành. Đức Chúa Trời thậm chí đổ đầy tràn phước lành kết trái sau khi tôi đến Hàn Quốc trong đoàn thăm viếng vào năm 2010.
Tôi trải qua nhiều khổ nạn tại Cộng Hòa Séc, nhưng tôi nhận ra rằng đó là tình yêu thương của Đức Chúa Trời để thay đổi tôi, một đứa con kiêu ngạo thiếu thốn nhiều điều. Giống như Giôna đã ăn năn trong bụng cá sau khi chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời, tất cả những khổ nạn và đau đớn là ý muốn của Đức Chúa Trời muốn thay đổi tôi, người vô tâm và không có tình yêu thương được trở nên tốt bụng và được ăn năn. Tôi dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời đã lên kế hoạch tất cả cho tôi, ban cho tôi sức mạnh và năng lực để vượt qua những cám dỗ và khổ nạn.
Những người chạy marathon rèn luyện nhiều để chạy cự ly 42,195㎞. Khi tôi còn là một vận động viên, tôi chạy ít nhất 25㎞ mỗi ngày để chuẩn bị cho cuộc thi. 25㎞ là một khoảng cách phải chạy bằng cách đong đưa cánh tay và chân hơn 25.000 lần. Khi chạy trong thời tiết lạnh khắc nghiệt của Mông Cổ, toàn bộ cơ thể tôi thường cảm thấy tê cứng, và đôi khi các dây khóa kéo kim loại bị đóng băng dính vào cằm tôi. Bất cứ khi nào tôi chạy và mang theo một túi nặng để nâng cao sức mạnh thể chất, tôi mệt đến mức tôi cảm thấy muốn ngừng chạy. Bàn chân tôi thường phồng rộp vì giày chạy của tôi quá lớn so với đôi chân tôi; hoặc đôi giày trắng của tôi đã trở thành màu đỏ vì móng chân của tôi lộ ra, đối với những đôi giày quá chật cho đôi chân tôi. Tuy nhiên, những người chịu đựng và vượt qua những sự rèn luyện khó khăn có thể có được sức mạnh và ý chí.
Vào năm 2000, khi họ lựa chọn những vận động viên cho thế vận hội Olympic, tôi đã nghĩ thật kiêu ngạo rằng mình sẽ được chọn vào đội tuyển quốc gia như tôi đã từng. Tôi đã lười biếng trong luyện tập với lòng kiêu ngạo và bị kết quả xấu trong cuộc thi quan trọng mà quyết định tôi có thể tham gia thế vận hội Olympic hay không. Vì lòng kiêu ngạo, thiếu thốn sự chuẩn bị và suy nghĩ sai lầm của mình, tôi đã để tuột mất cơ hội và tôi đã hối tiếc rất nhiều.
Thông qua sự thất bại vào lần đó, Đức Chúa Trời đã ban cho tôi sự nhận thức quý giá. Cuộc đời đức tin giống như cuộc chạy marathon phần linh hồn mà chúng ta đang chạy hướng về vương quốc trên trời, trong khi lấy Đức Chúa Trời làm mục tiêu. Những khổ nạn và đau đớn mà tôi trải qua là sự rèn luyện để chuẩn bị cho cuộc chạy marathon phần hồn nhờ hiểu biết tình yêu thương và hy sinh của Đức Chúa Trời. Nếu duy chỉ con đường Tin Lành suôn sẻ được ban cho tôi, thì chắc chắn tôi đã để tuột mất cơ hội quan trọng trong cuộc đua marathon phần linh hồn rồi.
Khi hết hơi trong cuộc đua, tôi đã cảm thấy như muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, mỗi khi cảm thấy như thế, phải vượt qua bản thân và chạy cho đến cùng. Nếu ngừng chạy, cơ thể sẽ bị tê liệt và không thể chạy tiếp được nữa. Đó là lý do nhiều vận động viên bỏ cuộc giữa chừng dù vạch đích ở ngay trước mặt họ. Tuy nhiên, không gì có thể so sánh nổi với niềm vui cảm nhận được khi chạm vào vạch đích sau khi nhịn nhục và chịu đựng.
Điều này cũng giống như cuộc chạy marathon phần linh hồn. Chúng ta có thể đối mặt nhiều cám dỗ và vấn đề khó vượt qua. Tuy nhiên, nếu chúng ta vượt qua chúng bằng sự nhịn nhục, thì vạch đích của Nước Thiên Đàng sẽ trở nên gần hơn một chút. Tôi tha thiết cầu nguyện rằng tôi sẽ chuẩn bị đèn và dầu đủ và chạy sốt sắng, đi theo Giáo Huấn của Mẹ để có thể hoàn thành cuộc chạy marathon phần linh hồn.