Phương pháp truyền tải tình yêu thương

Choi Hui Won từ Namyangju, Hàn Quốc

8,231 lượt xem

Lúc địa điểm truyền giáo ngắn hạn được quyết định là Mumbai, Ấn Độ, lòng tôi đã nửa hồi hộp, nửa lo lắng. Đó là bởi tôi cảm thấy áp lực khi phải học tiếng Hindi. Tôi đã hỏi một vài người nhà rằng có nhất định phải học hay không, nếu chỉ sử dụng tiếng Anh thì thế nào, họ chỉ trả lời rằng “Nếu không biết tiếng Hindi thì có lẽ sẽ khó khăn”. Cuối cùng tôi đã ngồi trước bàn, đối diện với tiếng Hindi uốn cong đến mức khó phân biệt đây là hình vẽ hay là chữ cái.

Tiếng Hindi có khá nhiều yếu tố ngữ pháp khó học như danh từ giống đực, danh từ giống cái, phân biệt số ít và số nhiều, v.v… Thêm vào đó, khác với tiếng Hàn có 14 phụ âm, phụ âm của tiếng Hindi có những 35 chữ cái, lại gồm cả những âm mà tiếng Hàn không có. Chẳng hạn, tiếng Hindi có 4 phụ âm phát âm giống với “ㄷ(digeut)” của tiếng Hàn, nhưng vì âm chỉ khác một chút thôi nên nếu chỉ nghe thì rất khó để chọn đúng phụ âm tiếng Hindi. Quả thật đây không phải là ngôn ngữ dễ học. Tôi đã lên máy bay sau khi học những câu đơn giản như “Xin chào”, “Chúc phước nhiều”, “Xin cảm ơn”. Và áp lực đã đè nặng lên tấm lòng tôi.

Sau khi đến sân bay Mumbai và hoàn tất thủ tục nhập cảnh thì đã gần 3 giờ sáng. Trong lúc định rời sân bay, một thành viên trong đoàn truyền giáo ngắn hạn nhìn ra ngoài rồi kêu lên với giọng đầy phấn khích.

“Bây giờ đang có rất nhiều người nhà ạ!”

Mọi người đều hết sức ngạc nhiên. Sáng sớm thế này mà các người nhà bản địa đã đến để chào đón chúng tôi. Vì quá trình làm thủ tục chậm trễ nên các người nhà đã phải chờ hơn hai tiếng so với thời gian dự kiến.

“We love you!”

“Welcome to India (Chào mừng đến với Ấn Độ)!”

Dù sống cách xa nhau nhưng chúng ta rõ ràng là một gia đình, vì nếu không phải vậy thì cuộc gặp gỡ lần đầu tiên không thể cảm động như thế này đâu. Tôi rất hạnh phúc khi nhận được băng rôn và bưu thiếp ghi những lời cổ vũ mà các người nhà đã làm bằng cả tấm lòng. Thế nhưng…

“Aane ke lie dhanyavaad (Cảm ơn vì đã đến ạ).”

“Sao cơ?… dhanyavaad?”

Tôi không thể hiểu các người nhà bản địa nói gì khi họ nhìn vào mắt và bắt tay từng thành viên trong đoàn truyền giáo. Tôi lặp lại những từ mà tôi nghe được cùng với nụ cười, nhưng không biết liệu chúng có đúng hay không. Tôi đã thử bắt chuyện bằng tiếng Anh nhưng bầu không khí trở nên yên tĩnh, và ánh mắt của người nhà trông có vẻ bối rối, nên tôi nghĩ mình đã gặp rắc rối.

“Giá mà tôi đã học chăm chỉ hơn một chút trước khi sang đây. Thay vì ngủ trên máy bay, lẽ ra tôi nên mở sách tiếng Hindi mới phải…”

Tôi hối hận một cách muộn màng. Tôi chờ đợi trời sáng với niềm hy vọng mong manh rằng khả năng tiếng Hindi của tôi sẽ được cải thiện khi sống ở đó.

May mắn thay, trong số các các người nhà đi truyền đạo, có người nhà nói được tiếng Anh. Tôi đã có thể chia sẻ lời Kinh Thánh bằng tiếng Anh để bù đắp cho khả năng tiếng Hindi còn thiếu sót của mình. Tôi yên tâm với suy nghĩ rằng nếu bầu không khí cứ như vậy thì về sau sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng suy nghĩ đó đã tan vỡ vào ngày Sabát. Vì lễ thờ phượng được tiến hành bằng tiếng Hindi, nên tôi thậm chí không thể hiểu nội dung giảng đạo và cũng không thể mở Kinh Thánh. Sau khi kết thúc lễ thờ phượng, các người nhà bản địa đã chào hỏi bằng tiếng Hindi, nhưng lời duy nhất mà tôi có thể trả lời chỉ là “Pita maata dhanyavaad (Cảm tạ Cha Mẹ)” và “Parameshvar aapako aasheesh den (Chúc phước nhiều)” mà thôi.

Tôi đã cảm nhận được sâu sắc lý do tôi phải học tiếng Hindi. Ngôn ngữ là phương tiện để truyền đạt suy nghĩ. Những lời chúc phước của Mẹ, sự nhận thức khi chuẩn bị đi truyền giáo, lời nói ấm áp yên ủi các người nhà… Có rất nhiều ân huệ của Đức Chúa Trời mà tôi đã nhận và muốn nói ra, nhưng không thể chia sẻ với các người nhà nên tôi cảm thấy thật có lỗi.

“Bây giờ tôi đang làm gì? Tôi đã đến đây vì muốn chia sẻ tình yêu thương của Mẹ mà.”

Những suy nghĩ này trĩu nặng trong tấm lòng tôi. Tôi quyết định chia sẻ tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng tiếng Hindi dù là từ bây giờ, rồi lấy sách tiếng Hindi từ trong cặp và mở ra xem. Trong lúc học, nếu có điều chưa biết thì tôi hỏi các người nhà Hàn Quốc cư trú dài hạn ở Ấn Độ. Ngoài dự tính, những lời mà tôi có thể nói đã tăng lên nhanh chóng.

“Aaj ham achchha phal pa karen (Hôm nay chúng ta hãy kết trái tốt đẹp nhé)!”

“Hamaare saath svarg ka raajy mein jaen (Chúng ta hãy cùng đi vào Nước Thiên Đàng nhé)!”

Các người nhà rất thích những lời ấp úng mà tôi nói ra. Họ không chỉ mở to mắt mà còn cười rạng rỡ, vỗ tay và giơ ngón cái mà nói rằng “Giỏi quá ạ”. Cuối cùng, tôi cũng đã nói được lời mà tôi vô cùng muốn nói.

“Maata parameshvar aap se bahut prem karate hain (Đức Chúa Trời Mẹ yêu quý vị rất nhiều).”

Cả tôi và các người nhà đang lắng nghe đều đã rơm rớm nước mắt. Dù kỹ năng ngôn ngữ của tôi còn vụng về, nhưng tôi không gặp vấn đề gì trong việc chia sẻ tấm lòng mình.

Sau khi trải qua khó khăn do ngôn ngữ thì tôi thấy được hình ảnh của các người nhà Ấn Độ cùng tham gia lịch trình truyền giáo ngắn hạn thật là phi thường. Ấn Độ có tới 15 ngôn ngữ chính thức. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi cũng khiến tôi cảm thấy choáng váng rồi, nhưng các người nhà ở Mumbai đã sử dụng tiếng Anh, tiếng Gujarat, tiếng Tamil, tiếng Marathi, tiếng Bengal, tiếng Telugu, v.v… cũng như tiếng Hindi là ngôn ngữ cơ bản. Khi đi truyền đạo, họ thay đổi ngôn ngữ và dạy lời tùy theo đối tượng. Mới đầu tôi nghĩ nếu cứ sống lâu ở Ấn Độ thì tự khắc sẽ học được những ngôn ngữ khác. Nhưng chỉ sau khi bắt đầu học tiếng Hindi, tôi mới nhận ra rằng không có gì tự khắc xảy ra cả. Tôi cảm thấy nghẹn ngào khi nghĩ đến việc các người nhà đã phải nỗ lực đến mức nào cho đến khi làm được như vậy.

Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ đến việc các người nhà đã nỗ lực và hy sinh dường bao cho đến khi Tin Lành được truyền bá ra khắp thế giới. Nhờ quá trình ấy mà giờ đây, chúng ta mới có thể bước đi trên đường hoa và truyền bá Tin Lành một cách vui vẻ và nhanh chóng. Sở dĩ đoàn truyền giáo ngắn hạn của chúng tôi có thể đạt kết quả quý báu dù khả năng ngôn ngữ còn hạn chế, là nhờ sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và sự vất vả của các người nhà.

Đức Chúa Trời Cha đã đích thân đến thế gian này vì sự cứu rỗi của con cái, và rao truyền sự mầu nhiệm của Tin Lành bằng ngôn ngữ mà chúng ta có thể hiểu được. Đức Chúa Trời Mẹ cũng chúc phước và nói “Mẹ yêu các con” với từng mỗi một thánh đồ nước ngoài thăm viếng Hàn Quốc bằng ngôn ngữ của họ. Bằng sự tha thiết mong muốn cứu rỗi một linh hồn, các người nhà Ấn Độ thậm chí đã học cả ngôn ngữ của dân tộc thiểu số để rao truyền tin tức của sự cứu rỗi cho bất cứ ai. Họ đã làm theo y nguyên tấm gương của Đức Chúa Trời.

Tôi đã được ban phước lành có thể nghe hiểu ngay giọng tiếng của Đức Chúa Trời, Đấng đã đến Đại Hàn Dân Quốc – xứ đầu cùng đất phương Đông, và có thể cảm nhận ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong lời phán của Ngài. Từ giờ trở đi, tôi sẽ siêng năng học ngoại ngữ để rao truyền tình yêu thương và ân huệ mà tôi đã nhận được cho gia đình trên trời đang rải rác trên khắp thế giới. Đương nhiên nếu chỉ rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ thôi thì chưa đủ. Tôi sẽ không lười biếng mà học Kinh Thánh trong khi nhận biết và thực tiễn tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Sở dĩ muôn dân thế giới nghe lời chúng ta rao truyền và trở vào lẽ thật không phải vì sự thông thạo ngôn ngữ của chúng ta, mà nhờ vào tình yêu thương của Đức Chúa Trời chứa đựng trong ngôn ngữ ấy.