Kẻ trộm năng lượng hay người truyền năng lượng

4,846 lượt xem

“Trước sau gì thì cũng sẽ bỏ cuộc thôi.”

“Rõ ràng là chúng ta sẽ không làm được.”

“Nói như thế có làm tình hình tốt hơn không?”

Ngay cả khi đã đặt ra mục tiêu và kế hoạch, nhưng khi nghe những lời này thì năng lượng sẽ cạn kiệt và lòng quyết tâm cũng bị lung lay. Người có thói quen bộc lộ cảm xúc tiêu cực sẽ làm cạn kiệt năng lượng của những người xung quanh và khiến họ bị mất sức. Giống như tên trộm lén lút lấy đồ của người khác, có thể gọi những người lấy đi năng lượng của người khác bởi lời nói buông xuôi và khiến bầu không khí trầm lắng xuống là “kẻ trộm năng lượng”.

Sẽ tốt hơn nếu tránh xa người luôn nói “không”, người tung tin đồn tiêu cực và người thường xuyên phàn nàn, nhưng nếu không làm được điều đó thì chúng ta phải nỗ lực để bảo vệ chính mình. Trước tiên, phải nuôi dưỡng năng lực tư duy độc lập để cảm xúc của mình không bị dao động bởi lời nói và thái độ của người khác. Thay vì cố gắng làm hài lòng tâm trạng hoặc đồng tình một cách mù quáng với cuộc trò chuyện, chúng ta cần phân biệt đúng sai và mạnh dạn cắt đứt dòng chảy tiêu cực của cuộc trò chuyện.

Một phương pháp khác là trao đổi những cảm xúc tích cực với “người truyền năng lượng”, là người tiếp thêm sức lực cho mình.

Trong Kinh Thánh có những nhân vật thể hiện rõ sức ảnh hưởng của người truyền năng lượng. Sứ đồ Phaolô là ví dụ điển hình. Trong thời gian ông làm công việc Tin Lành, sự bức hại và hủy báng của người Giuđa không hề ngừng. Trong khi rao truyền Tin Lành ở nhiều thành, Phaolô đã bị đuổi ra ngoài và nhiều lần đối mặt với cái chết. Dầu vậy, ông không nản lòng hay thất vọng, cũng không bao giờ phàn nàn. Ngay cả khi bị giam trong ngục, ông đã thêm sức cho Hội Thánh sơ khai bằng cách gửi thư bày tỏ mối quan tâm của mình đối với Hội Thánh và các thánh đồ. Những lời ông đã để lại trong khi chịu khổ nạn như “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Philíp 4:13), “Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (II Côrinhtô 12:10), v.v… vẫn chạm đến chúng ta cho đến tận ngày nay. Phaolô đã truyền bá Tin Lành mà không màng đến hoàn cảnh bên ngoài, và Hội Thánh đã được lập nên ở bất cứ nơi nào ông đến.

Sở dĩ sứ đồ Phaolô có thể truyền tải và lan tỏa năng lượng của Thánh Linh đáng để trở thành tấm gương cho chúng ta, là vì ông có niềm trông mong và xác tín rằng cuối cùng mình sẽ nhận được mão triều thiên của sự công bình ở cuối con đường (II Timôthê 4:6-8). Chúng ta cũng được nhận lời hứa về tương lai huy hoàng và phước lành trên Nước Thiên Đàng trong Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời và suy nghĩ về ân huệ trong lòng mỗi ngày, thì sự cảm tạ sẽ dâng trào trong tấm lòng và tự khắc tạo ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh.

Những người tự tin về tương lai sẽ không nói những lời tiêu cực hoặc hoài nghi vì tình huống và hoàn cảnh trước mắt, cũng không dễ dàng bỏ cuộc ngay cả khi gặp những tình huống khó khăn. Trái lại, họ sẽ hướng đến mục tiêu và tiến bước mạnh mẽ hơn với niềm hạnh phúc cùng năng lượng nảy sinh trong lòng, đồng thời truyền tải năng lượng tích cực đến những người xung quanh, và hầu cho những người nhận được năng lượng ấy cũng được biến hóa thành người truyền năng lượng. Năng lượng tích cực do nhiều người cùng nhau tỏa ra đóng vai trò như sức mạnh tổng hợp to lớn, khiến những mong muốn và niềm ước ao được trở thành hiện thực. Cuối cùng, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi những kẻ trộm năng lượng chính là bản thân hãy trở thành người truyền năng lượng trước.