“Sai lầm” và “Khác biệt”

Giống như vẻ ngoài của mỗi người là khác nhau, suy nghĩ của mỗi người cũng khác nhau. Chúng ta có thể hòa thuận tốt khi thừa nhận và thấu hiểu cho sự khác biệt của nhau.

15,017 lượt xem

Ở Hàn Quốc, quạ được coi là điềm xấu nhưng ở Anh, chúng được coi là điềm lành. Ở Nhật Bản, mọi người cầm bát trên tay khi ăn, nhưng ở nhiều nước khác, họ lại đặt bát trên bàn. Ở một số nước thì lái xe bên trái, trong khi ở các nước khác lại lái xe bên phải. Một số quốc gia sử dụng dao và nĩa khi ăn, trong khi một số quốc gia khác lại sử dụng đũa hoặc ăn bằng tay không.

Giống như mỗi quốc gia có ngôn ngữ, khí hậu, đặc điểm địa lý, lịch sử và ẩm thực khác nhau nên nền văn hóa cũng khác nhau. Chúng ta không thể nói rằng bên nào đã ‘sai’ về vấn đề này. Tương tự như vậy, mỗi cá nhân là khác nhau. Tuy nhiên, “sự khác biệt” này thường trở thành nguyên nhân gây ra xung đột trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Ngay cả những người thân trong gia đình hay những người cùng chí hướng cũng không thể chấp nhận sự khác biệt của nhau, khiến mối quan hệ trở nên xa cách hoặc đôi khi là xung đột quan điểm. Chúng ta phải nỗ lực như thế nào để khắc phục điều này một cách khôn ngoan?

Khác biệt có nghĩa là sai?

“Sai” nghĩa là một ý nghĩa hoặc sự thật không chính xác hoặc không nhất quán. Ví dụ như phép tính 1+1=3, hay nói rằng thủ đô của Úc là Sydney, hoặc cho rằng trái đất là hình chữ nhật.

Trong khi đó, ‘khác biệt’ nghĩa là hai đối tượng được so sánh không giống nhau. Ví dụ, một số người nói kí hiệu ‘O’ là số, cũng có người cho rằng đó là chữ cái tiếng Anh hoặc phụ âm tiếng Hàn. Điều này không sai, nhưng quan điểm của họ là “khác biệt”.

Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vô thức đánh giá rằng “khác = sai”. Nếu tôi coi ‘O’ là số, tôi nghĩ rằng người khác đương nhiên sẽ xem nó là số, nên tôi phản đối và chỉ trích những người cho rằng đó là chữ cái. Nếu đánh giá sự khác biệt về quan điểm là vấn đề đúng sai, bạn có thể hỏi “Tại sao người đó lại hành động như vậy?”, “Tôi thực sự không hiểu” hoặc “Tại sao lại có những người như vậy?”. “Anh không làm thế, sao em lại làm thế?”, “Những người chồng khác không như vậy, còn anh thì sao?”, và so sánh với người khác làm tổn thương đối phương. Sở dĩ bạn cố gắng sửa lỗi người khác và khuyến khích họ làm theo ý kiến của bạn là vì bạn cho rằng người kia sai.

Không ai giống ai trong 8 tỷ người. Ngay cả những cặp song sinh được sinh ra cùng một giờ cũng có nhiều điểm khác biệt. Tất cả chúng ta đều sinh ra với gen, khuôn mặt, thể chất, sức khỏe và tính khí khác nhau, lớn lên trong những môi trường sống khác nhau, được giáo dục với mức độ kỷ luật khác nhau từ bố mẹ. Không chỉ kinh nghiệm và kiến thức có được trong quá trình trưởng thành, mà cả những người chúng ta từng gặp đều rất đa dạng. Cũng giống như ngày mưa là thời điểm thích hợp của người bán ô và ngày nắng là thời điểm thích hợp của người bán giày rơm, tùy theo tình huống mà có sự khác biệt. Kết quả là cách suy nghĩ và lối sống chắc chắn sẽ khác nhau.

Bạn phải nhận ra và không bao giờ quên rằng người kia không sai, họ chỉ khác biệt mà thôi. Vì tôi chưa sống cuộc đời của người khác nên điều tự nhiên với tôi có thể gây bất tiện cho người khác, điều tự nhiên với người khác có thể gây bất tiện cho tôi. Nếu coi sự khác biệt là sai lầm thì bạn không thể thoát khỏi xung đột, tranh chấp, thành kiến và phân biệt đối xử.

Tâm lý thích người giống mình

Giáo sư Randy Garner của Đại học Bang Sam Houston ở Texas đã chọn các đối tượng thí nghiệm và gửi thư đến nhà họ. Đó là yêu cầu điền vào bảng khảo sát và gửi lại qua đường bưu điện. Lúc này, đối tượng thử nghiệm được chia thành hai nhóm, nhóm A có tên người gửi giống với người nhận và nhóm B có tên hoàn toàn khác với người nhận. Kết quả là số người ở nhóm A đáp ứng yêu cầu nhiều gấp đôi so với nhóm B.

Tiến sĩ Carolyn Parkinson thuộc Đại học California, Mỹ, cho 42 người tham gia thử nghiệm xem các video thuộc nhiều thể loại như tin tức, hài kịch, chương trình ca nhạc và phim tài liệu, rồi ghi lại hoạt động não của họ bằng cách sử dụng fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng), sau đó so sánh và phân tích kết quả. Kết quả cho thấy mọi người càng ở gần nhau thì phản ứng sóng não của họ càng giống nhau. Điều đó nghĩa là họ nhìn thế giới theo cách tương tự nhau.

Như người ta vẫn nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, mọi người thường cảm thấy thoải mái và muốn ở bên những người giống mình. Tâm lý ưa thích và tin tưởng những người có cùng quan điểm, sở thích và mối quan tâm với mình gần như là bản năng. Ngay cả khi mới gặp ai đó lần đầu, bạn cũng sẽ dễ dàng thân thiết với nhau hơn nếu phát hiện ra mẫu số chung. Đây được gọi là “Hiệu ứng tương tự (Similar Effect)”.

Lý do hiện tượng tâm lý này xuất hiện ở con người là gì? Đó là vì ai cũng muốn được người khác ủng hộ và đồng cảm cho lời nói và hành động của mình. Bạn có nhiều khả năng đồng cảm với người giống mình hơn là người khác biệt quá xa, vì vậy bạn cảm thấy yên tâm khi bày tỏ suy nghĩ của mình. Bạn thậm chí sẽ cảm thấy logic của bản thân hợp lý hơn và được đánh giá cao hơn.

Điều này xuất phát từ tấm lòng mong muốn người khác cũng suy nghĩ giống mình và nhìn thế giới từ cùng quan điểm với bản thân. Tuy nhiên, nếu điều này trở nên cứng nhắc thì người ta dễ rơi vào lối suy nghĩ ích kỷ vì cho rằng suy nghĩ và cảm xúc của mình luôn đúng. Có thể nảy sinh thói quen cho rằng suy nghĩ và tình cảm của người khác là không đúng.

Mong người khác giống mình chỉ là lòng tham, nếu bạn sống trên đời mà nghĩ rằng vì mình thế này thì người khác cũng phải thế này, thì chỉ nảy sinh những hiểu lầm và mâu thuẫn mà thôi. Chỉ vì một người đúng không có nghĩa là người khác nhất thiết phải sai. Khi chúng ta tôn trọng sự khác biệt và đón nhận sự đa dạng, chúng ta có thể đạt được sự cân bằng và hài hòa mà không thiên vị.

Quá trình thấu hiểu sự khác biệt, lắng nghe và đồng cảm

Nếu hòa hợp với nhau, bạn sẽ có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp một cách dễ dàng, ít căng thẳng hơn và ít cãi vã hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đồng ý với nhau. Vấn đề không phải là sự khác biệt, mà là không thể hiểu và chấp nhận đúng sự khác biệt đó.

Trên thực tế, dù chúng ta biết rằng “sự khác biệt” không phải là “sai”, nhưng không dễ chấp nhận khi sự khác biệt của người khác khiến chúng ta khó chịu. Sở dĩ chúng ta nói thẳng trong những tình huống có ý kiến ​​khác nhau, là vì sâu thẳm trong tâm trí chúng ta có suy nghĩ “Lời bạn nói là sai rồi”. Nếu những suy nghĩ đó được thể hiện bằng giọng nói hoặc nét mặt, nó sẽ gây khó chịu cho người khác và dẫn đến xung đột.

Khi những cảm xúc tiêu cực trỗi dậy do sự khác biệt của nhau, ưu tiên hàng đầu chính là kiểm soát những cảm xúc đó. Sau đó, bạn phải lắng nghe cẩn thận. Để chấp nhận sự khác biệt, nhất định phải có quá trình gọi là “thông hiểu”. Khi đánh giá một người dựa trên tiêu chuẩn của mình và chỉ dựa vào những gì mình nhìn thấy, thì có thể nghĩ “Cô/anh ấy là người như vậy. Tôi có thể làm gì?”. Thái độ “Tôi phải hiểu và bỏ qua” không phải là hành động hiểu biết. Sự hiểu biết thực sự dựa trên sự tôn trọng đối phương, bắt đầu bằng việc mở rộng đôi tai.

“Lắng nghe” là nền tảng quan trọng để hiểu đối phương. Môi trường và vị trí của đối phương khác với tôi, nên nếu không lắng nghe kỹ những gì đối phương nói thì sẽ không thể hiểu được thông điệp họ thực sự muốn truyền tải. Nhiều người thấy việc lắng nghe rất dễ dàng và tự coi mình là người biết lắng nghe. Tuy nhiên, nhiều người mắc sai lầm khi chọn chỉ nghe những phần họ muốn nghe theo giá trị hoặc cách suy nghĩ của bản thân.

Nếu bạn lắng nghe cẩn thận những gì người khác nói và đặt mình vào vị trí của họ, bạn có thể hiểu rõ hơn một chút tại sao họ nói hoặc làm như vậy, đồng thời cũng có thể khám phá ra những điều cần học hỏi và đồng cảm. Nếu bạn đã kiên nhẫn lắng nghe hết lời nói của đối phương, đừng ngay lập tức phán đoán và bày tỏ ý kiến của mình mà hãy chấp nhận nó và nói “Bạn có thể nghĩ như vậy” hoặc “Tôi có thể hiểu cảm giác của bạn”. Nếu bạn nhìn đối phương như chính con người họ và cố gắng hiểu sự khác biệt, và điều này làm cho mối quan hệ của bạn tốt hơn thì nỗ lực đó có đáng không?

Có câu nói rằng: Hòa nhi bất đồng (和而不同). Những bậc quân tử tuy không có cùng suy nghĩ với người khác, nhưng vẫn đạt được sự hoà hợp lẫn nhau.

Các thành viên trong gia đình không phải lúc nào cũng phải đồng quan điểm thì mới có thể hòa thuận được. Từ hòa thuận còn bao gồm khả năng chấp nhận và thông cảm với suy nghĩ của nhau, có thể hiểu và bao dung những khác biệt khi mâu thuẫn. Hơn nữa, gia đình là mối quan hệ không thể xa rời chỉ vì không phù hợp với mình. Ngay cả đôi khi có những sự khác biệt, việc thấu hiểu và bao dung cho những khác biệt ấy chẳng phải là gia đình thực sự hay sao?