Năm 2024, năm đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Thánh của Đức Chúa Trời, các thánh đồ trên khắp thế giới đã siêng năng truyền bá Tin Lành giao ước mới, trong khi ghi nhớ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Đấng đã hiến thân để cứu rỗi nhân loại. Trong đó, khi kỳ lễ thứ ba, Lễ Lều Tạm đến, các thánh đồ từ các quốc gia đã tham dự mỗi buổi lễ thờ phượng với niềm trông mong hoàn thành sứ mệnh truyền đạo cho 8 tỷ nhân loại bằng quyền năng của Thánh Linh mưa cuối mùa.
Các lễ trọng thể mùa thu, kéo dài từ Lễ Kèn Thổi ngày 3 tháng 10 đến Ngày sau cùng đại hội Lễ Lều Tạm ngày 24 tháng 10, là thời gian được ban phước, tràn ngập khói hương của những lời cầu nguyện khẩn thiết và truyền đạo chân thành.
Khi Đức Chúa Jêsus chịu phép Báptêm ở tuổi 30 và bắt đầu rao truyền về Tin Lành Nước Thiên Đàng, trước tiên Ngài đã giảng dạy rằng: “Hãy ăn năn” (Mat 4:17). Điều này là do bước đầu tiên để nhân loại trở về Nước Thiên Đàng sau khi bị đuổi ra vì tội lỗi, là ăn năn tội lỗi của mình và sửa chữa lỗi lầm, đây là sự ăn năn.
Lễ Kèn Thổi là lễ trọng thể thúc giục sự ăn năn trước Đại Lễ Chuộc Tội. Đây là lễ trọng thể đầu tiên của kỳ lễ thứ ba trong 3 kỳ 7 lễ trọng thể, và giống như kỳ lễ thứ nhất và thứ hai, lễ này cũng bắt nguồn từ công việc của Môise trong thời Xuất Êdíptô. Sau khi Mười Điều Răn bị đập vỡ do người dân Ysơraên thờ lạy tượng con bò vàng, Đức Chúa Trời đã ban cho họ Mười Điều Răn thứ hai như một dấu hiệu của sự tha thứ khi họ hết lòng ăn năn. Ngày Môise nhận hai bảng đá Mười Điều Răn lần thứ hai và từ núi Sinai xuống là ngày 10 tháng 7 thánh lịch, là Đại Lễ Chuộc Tội. Lễ Kèn Thổi là ngày 1 tháng 7 thánh lịch, được lập 10 ngày trước Đại Lễ Chuộc Tội, để chuẩn bị cho Đại Lễ Chuộc Tội bằng cách thổi kèn để kêu gọi ăn năn (Xuất 34:1-29, Lê 23:23-24). Trong thời đại Tân Ước, tuần lễ cầu nguyện được cử hành vào buổi mai và buổi tối trong mười ngày, bắt đầu từ Lễ Kèn Thổi. Trong thời gian này, các thánh đồ nhìn lại bản thân, thú nhận tội lỗi lên Đức Chúa Trời và cầu xin sự tha thứ.
Trong Lễ Kèn Thổi được tổ chức tại Đền Thánh Giêrusalem Mới Pangyo vào ngày 3 tháng 10 (ngày 1 tháng 7 thánh lịch), Mẹ đã tha thiết cầu nguyện cho các con cái Siôn đạt được sự ăn năn trọn vẹn thông qua những lời cầu nguyện chân thành, và được sinh lại thành những con cái đẹp đẽ trong mắt Đức Chúa Trời.
Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol nhấn mạnh: “‘Ăn năn’ là thông điệp chính của Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước” và “Ăn năn và sự cứu rỗi có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi chúng ta nhớ đến bổn phận của mình là những tội nhân phần linh hồn, chúng ta có thể thiết lập danh tính của mình là những thánh đồ thật sự và hoàn toàn vâng theo mọi lời dạy của Đức Chúa Trời” (Thi 7:10-13, Êxê 18:30, Lu 13:2-3, Công 2:37-38, Mat 28:18-20). Mục sư nói thêm “Chúng ta hãy luôn cảm tạ Đức Chúa Trời, nhớ đến sự hy sinh cao cả của Ngài, Đấng đã bước đi trên con đường khổ nạn thập tự giá để cứu chúng ta bằng huyết báu của Ngài, và hãy mạnh mẽ thổi kèn ăn năn để toàn nhân loại có thể trở về với Đức Chúa Trời” (Công 26:18-20, Rô 2:5-11, II Phi 3:6-9, Giôên 2:12-14, II Sử 7:12-14).
Các thánh đồ khắc ghi lời của Đức Chúa Trời vào lòng, đã bắt đầu tuần lễ cầu nguyện với tấm lòng hối cải và cầu nguyện chân thành, trông mong được đứng trước Đức Chúa Trời với sự ăn năn trọn vẹn.
Vào ngày 12 tháng 10 (ngày 10 tháng 7 thánh lịch), Đại nhóm hiệp thánh Đại Lễ Chuộc Tội được cử hành. Đại Lễ Chuộc Tội là lễ trọng thể mà tội lỗi của chúng ta được tha thứ hoàn toàn. Qua các nghi thức của Đại Lễ Chuộc Tội trong Cựu Ước, chúng ta có thể hiểu được quá trình và sự quan phòng của sự chuộc tội. Những tội lỗi mà người dân phạm phải thời gian bình thường được chuyển tạm thời đến nơi thánh thông qua sự hy sinh của thú vật. Vào Đại Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ bắt thăm để chọn hai con dê đực: một con dâng cho Đức Giêhôva làm của lễ chuộc tội và một con về phần Axasên. Sau đó, thầy tế lễ sẽ đặt tay lên đầu con dê về phần Axasên, mọi tội lỗi của người dân sẽ được chất trên đầu nó và thả nó ra nơi đồng vắng. Khi con dê về phần Axasên chết khi lang thang trong đồng vắng, mọi tội lỗi mà nó mang theo cũng được tha thứ (Lê 16:5-22).
Mẹ đã tha thiết cầu nguyện rằng tất cả các con cái trên khắp thế giới, những người đã cầu nguyện ăn năn vào buổi mai và buổi tối trong tuần lễ cầu nguyện, sẽ được tha thứ hoàn toàn mọi tội lỗi và trở thành các con cái của tình yêu thương, những người cứu rỗi nhiều linh hồn bằng cách dốc hết lòng, hết ý, hết linh hồn vào việc dẫn dắt tội nhân đến sự ăn năn.
Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol, người giải thích ý nghĩa của Đại Lễ Chuộc Tội, cho biết: “Nơi thánh tạm thời mang lấy tội lỗi của chúng ta, và những của lễ chuộc tội đều tượng trưng cho Đức Chúa Trời, còn con dê Axasên tượng trưng cho Satan. Nếu chúng ta đã nhận ra ân huệ của Đức Chúa Trời, Đấng đã gánh tội lỗi của chúng ta và chịu khổ nạn cho đến khi tội lỗi được chuyển sang Satan và bị hủy diệt hoàn toàn, thì không bao giờ được mắc vào tội lỗi nữa” (Lê 17:12-14, Gi 1:29, Êsai 53:1-6, Êph 1:7, Khải 20:10, Hê 10:4-7, 26-29). Mục sư nói thêm: “Vì chúng ta đã nhận ân huệ chuộc tội, nên bây giờ hãy sống cuộc sống mới chỉ có Đức Chúa Trời trong lòng và không có tội lỗi. Chúng ta hãy biến sự ăn năn và sự cứu rỗi của nhân loại, là điều Đức Chúa Trời mong muốn nhất, thành sứ mệnh lớn nhất của chúng ta và trung thành thực hiện ý muốn của Ngài” (Ga 2:20, Phil 1:20-21, Lu 19:10, I Tê 2:3-4).
Lễ Lều Tạm là thời điểm sung túc và vui mừng khi những tấm lòng rộng lượng được chia sẻ sau mùa gặt. Khởi nguyên của lễ trọng thể này gắn liền với sự kiện lịch sử khi nhận được Mười Điều Răn lần thứ hai. Sau khi từ núi Sinai xuống, Môise đã truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời xây dựng đền tạm để bảo quản Mười Điều Răn, và người dân đã sẵn lòng thu thập nguyên vật liệu cho đền tạm. Cùng với lịch sử này, Đức Chúa Trời đã thiết lập Lễ Lều Tạm để kỷ niệm việc người dân ở trong các lều tạm trong suốt cuộc hành trình nơi đồng vắng. Trong Cựu Ước, người ta gom các nhánh cây lại để dựng lều trại và ở đó trong bảy ngày, cùng nhau chia sẻ niềm vui. Trong Tân Ước, thời kỳ này đã trở thành thời điểm cho đại hội truyền đạo để nhóm lại các thánh đồ, những người là nguyên vật liệu cho đền thờ phần linh hồn (Lê 23:33-43; Nê 8:14-18; Giê 5:14; Êph 2:20-22).
Vào ngày 17 tháng 10 (ngày 15 tháng 7 thánh lịch), Đoàn thăm viếng của các thánh đồ nước ngoài lần thứ 80 đã có mặt tại Đền Thánh Giêrusalem Mới Pangyo, và các thánh đồ từ mỗi quốc gia đã chia sẻ niềm vui và sự mong đợi nhận được phước lành của Đức Thánh Linh khi cử hành Lễ Lều Tạm.
Mẹ cầu nguyện rằng tấm lòng của các con cái trên khắp thế giới đã được tinh sạch nhờ việc giữ Đại Lễ Chuộc Tội, sẽ được tràn đầy Thánh Linh mưa cuối mùa. Mẹ cầu nguyện rằng hết thảy họ sẽ trở nên một trong tình yêu thương, kết hoa trái của Thánh Linh và góp phần vào việc hoàn thành Tin Lành. Ngài cũng ban phước cho các thánh đồ nước ngoài đến thăm Hàn Quốc để trở thành những người giúp việc Tin Lành trưởng thành, bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời bằng cách giữ các lễ trọng thể với đức tin không lay chuyển.
Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol nhấn mạnh: “Lễ Lều Tạm phản ánh ý muốn của Đức Chúa Trời là nhóm lại các con cái của Ngài, được tượng trưng bởi các nguyên vật liệu của đền thờ, tức là anh chị em của chúng ta đã bị chia cắt từ trên trời. Như Đức Chúa Jêsus, Đấng Cứu Chúa của chúng ta đã làm gương, sứ mệnh của chúng ta là đồng tham vào việc hoàn thành đền thờ phần linh hồn bằng cách siêng năng truyền đạo” (Gi 7:1-2, 14, 37-39; Mác 1:35-38; Khải 3:11-12). Mục sư cũng nhấn mạnh rằng các sứ đồ đã tiếp nhận Đức Chúa Jêsus đã được biến hóa và nhận lấy quyền năng bởi Đức Thánh Linh, và nói thêm: “Đức Chúa Trời đã hứa ban Thánh Linh mưa cuối mùa cho chúng ta, những người đã tiếp nhận Thánh Linh và Vợ Mới, là Đấng Cứu Chúa của thời đại này. Hãy sốt sắng cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho Thánh Linh trong Lễ Lều Tạm, để mỗi cá nhân có thể thực hiện bước nhảy vọt trong đức tin và hoàn thành công việc Tin Lành mà Đức Chúa Trời đã hoạch định” (Xa 14:16-19; I Cô 12:4-11, 25-31; Công 1:8).
Trong đại hội truyền đạo kéo dài 7 ngày, các thánh đồ đã dốc sức rao truyền Tin Lành với lòng nhiệt thành như các thánh đồ Hội Thánh sơ khai, và đã vui mừng tham dự vào lễ thờ phượng Ngày sau cùng đại hội Lễ Lều Tạm vào ngày 24 tháng 10 (ngày 22 tháng 7 thánh lịch). 2000 năm trước, vào Ngày sau cùng đại hội Lễ Lều Tạm, Đức Chúa Jêsus đã ban Đức Thánh Linh, được ví như “nước sự sống”. Trong bài giảng buổi sáng, Tổng hội trưởng mục sư Kim Joo Cheol đã giải thích: “2000 năm trước, Đức Chúa Jêsus đã ban Thánh Linh mưa đầu mùa cho người dân của Ngài, và ngày nay, Thánh Linh và Vợ Mới ban cho chúng ta Thánh Linh mưa cuối mùa. Điều kiện để nhận được Đức Thánh Linh là nhận biết và tiếp nhận Đấng Cứu Chúa của thời đại”. Mục sư nhấn mạnh: “Chúng ta hãy hoàn thành sứ mệnh rao truyền Tin Lành Nước Thiên Đàng tới xứ Samari cho đến cùng trái đất bằng năng lực của Đức Thánh Linh” (Gi 20:19-23; Êxê 47:1-2; Ga 4:26).
Mẹ tuyên bố rằng các thánh đồ đã nhận được Đức Thánh Linh dồi dào mà họ đã cầu nguyện trong mười ngày qua, đã ban lời trong bài giảng buổi chiều với chủ đề “Hãy vui mừng mãi mãi”. Mẹ cũng nhắc nhở các thánh đồ về sự hy sinh của Cha trên trời, Đấng đã bước đi ngày đêm trên con đường Tin Lành trong suốt 37 năm để cứu rỗi các tội nhân trên trời, đồng thời tỉnh thức các con cái hãy sử dụng ân tứ của Thánh Linh để cứu nhiều linh hồn với cùng tấm lòng yêu thương như Cha. Mẹ phán: “Các vị thật sự được phước, vì các vị đang hướng về Nước Thiên Đàng, nơi những phần thưởng lớn đang chờ đợi các vị. Đức Chúa Trời đang bảo vệ chúng ta, nên có rất nhiều điều để vui mừng”. Mẹ khích lệ họ: “Hãy luôn giữ tấm lòng vui mừng trong đời sống đức tin và chia sẻ niềm vui cứu rỗi cùng phước lành sự sống đời đời với toàn nhân loại nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh” (I Tê 5:16-18; Phil 4:4; Mat 5:8-12; Sô 3:14-20; Thi 91:5-7; Phục 28:1-6).
Các thánh đồ quyết tâm thực tiễn lời của Mẹ với đức tin mạnh mẽ hơn. Chị em Ayana Oita (Tokyo, Nhật Bản) chia sẻ: “Dù còn nhiều thiếu sót, nhưng tôi đã nhận được Thánh Linh trong Lễ Lều Tạm, nên tôi sẽ dạn dĩ truyền đạo và đảm đương vai trò truyền bá Tin Lành tại Nhật Bản”. Anh em Kwon Soon Il (Seonnam) bày tỏ: “Đối với những người đang kiệt sức và mệt mỏi trong xã hội cạnh tranh, tôi muốn chia sẻ tiếng cười và hy vọng cứu rỗi thông qua Lễ Vượt Qua, bằng cách thực tiễn những việc làm thiện lành như lời Mẹ đã dạy. Tôi hy vọng tấm lòng chân thành của Đức Chúa Trời, Đấng muốn ban tặng sự sống đời đời, sẽ được truyền đến nhiều người”.