​Bao bọc quá mức khiến trẻ yếu đuối!

Thay vì trở thành cha mẹ giống như trực thăng bay vòng quanh con, hãy trở thành cha mẹ giống như ngọn hải đăng, dõi theo con bằng lòng nhẫn nại và niềm tin.

12,832 lượt xem

Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, một thanh niên đã tốt nghiệp đại học tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý. Cha mẹ đưa anh ta đến vì họ không thể tiếp tục nhìn con ngủ vào ban ngày và say mê trò chơi điện tử vào ban đêm. Bây giờ thanh niên ấy đang ở vào độ tuổi phải tự lập và quyết định về cuộc đời mình, nhưng anh không hề có hoài bão trong cuộc sống.

Sau khi xem xét nguyên nhân thông qua tư vấn thì thấy vấn đề lớn nhất là anh đã sống với sự quan tâm và can thiệp quá mức từ cha mẹ. Là con một nên ngay từ nhỏ, anh đã được đặt dưới hệ thống mà mẹ mình sắp đặt kỹ lưỡng, nhận được thứ mình cần trước khi yêu cầu và ngay cả bạn bè cũng phải theo tiêu chuẩn của mẹ. Vì không có cơ hội để tự lựa chọn, cũng không có kinh nghiệm vượt qua nghịch cảnh nên dù đã trưởng thành, anh vẫn dựa vào cha mẹ và sống cuộc đời không có chút sức sống nào.

Đó là cái giá của phương thức dưỡng dục giúp đỡ con mọi thứ và hỗ trợ con vô điều kiện mà nhầm tưởng rằng đó là sự quan tâm và yêu thương. Việc cha mẹ cảm thấy có lỗi với con và dành tình yêu thương đáng để họ hy sinh mạng sống là lẽ tự nhiên, nhưng nếu đi quá xa thì vấn đề sẽ nảy sinh. Vì giống như cây trồng trong nhà kính không thể chịu được mưa gió khắc nghiệt, sự bao bọc quá mức khiến trẻ trở nên yếu đuối và phụ thuộc, chẳng hạn như thế hệ chuột túi (những thanh niên phụ thuộc tài chính vào cha mẹ ngay cả khi đã đủ lớn để tự lập) hay con trai cưng của mẹ (mama’s boy).

Bao bọc quá mức

Trong thời đại tỷ lệ sinh thấp, do chỉ sinh từ một đến hai con nên con cái quả thực là lá ngọc cành vàng. Sự quan tâm và kỳ vọng cũng đổ dồn vào con cái. Hiện tượng bao bọc quá mức của cha mẹ ngày càng lộ rõ do cơn sốt giáo dục, bầu không khí xã hội ảm đạm, những sự cố và tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra, thêm vào đó là mong muốn con cái không phải lớn lên trong nghèo khó và bị áp bức giống như mình.

Có trường hợp phụ huynh gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm của con yêu cầu đổi bạn cùng bàn vì con không thích, hay hành hung thầy cô vì đối xử bất công với con mình. Ở quốc gia khác, có trường hợp phụ huynh cử bảo mẫu đến trường với xe cắm trại để nấu bữa trưa hợp khẩu vị cho con.

Không chỉ khi con còn nhỏ. Các bậc phụ huynh còn quyết định cả những khóa học mà con họ có thể tham gia ở đại học, có khi lại gọi điện đến đơn vị nơi con mình nhập ngũ và phàn nàn rằng khóa đào tạo quá khắc nghiệt. Cũng có phụ huynh yêu cầu công ty thay đổi bộ phận vì con cái gặp khó khăn. Giám đốc nhân sự của một công ty đã toát mồ hôi hột khi mẹ của một ứng viên không vượt qua vòng kiểm tra hồ sơ xin việc gọi điện đến và phàn nàn “Anh phải giải thích tại sao con tôi lại trượt trong khi nó có sơ yếu lý lịch tốt nhất”.

Trên thực tế, không dễ dàng gì cho cha mẹ khi phải chứng kiến con mình vật lộn và kiềm chế tấm lòng mong muốn cho con mình điều tốt nhất một cách vô điều kiện. Thêm nữa, rất khó để nói chính xác được ranh giới giữa sự bảo vệ và sự bao bọc quá mức bắt đầu từ đâu. Từ điển phúc lợi xã hội định nghĩa bao bọc quá mức là “xu hướng cha mẹ bảo vệ con cái quá mức nhằm tránh những tình huống được cho là có hại về mặt tâm lý hoặc thể chất”, tuy nhiên việc xác định trường hợp nào là “tình huống được coi là có hại về mặt tâm lý hoặc thể chất” và mức độ nào là “quá mức” thì lại không được phân định rõ ràng. Quyết định hoàn toàn thuộc về cha mẹ. Các bậc phụ huynh phải thường xuyên suy nghĩ xem hành động của mình có thực sự là con đường vì con và cân bằng được với tình yêu thương hay không.

Bao bọc quá mức gây cản trở cho con cái

Nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Wendy Grolnick trong một thí nghiệm để xem tác động của cha mẹ đối với con cái, đã yêu cầu các bà mẹ có con 12 tháng tuổi đưa cho con một món đồ chơi và “ở lại với con trong khi con chơi với đồ chơi”. Sau đó, một số bà mẹ đã liên tục can thiệp vào việc chơi của trẻ bằng cách chỉ cho trẻ cách sử dụng đồ chơi, còn một số khác chỉ quan sát và giúp đỡ khi trẻ cần.

Tiếp đó, các bà mẹ bị tách khỏi những đứa trẻ, rồi người ta đưa đồ chơi mới cho chúng, những đứa trẻ bị mẹ kiểm soát không duy trì được lâu và mất dần hứng thú, trong khi những đứa trẻ được mẹ cho tự do đã tiếp tục khám phá đồ chơi. Grolnick đi đến kết luận rằng xu hướng kiểm soát và can thiệp của người mẹ có thể gây tổn lại đến năng lực và động lực bẩm sinh của con cái họ.

Trong tấm lòng của những phụ huynh bảo bọc con cái quá mức thường khắc sâu suy nghĩ rằng “Con còn nhỏ nên không làm được đâu” hay “Một mình con sẽ khó làm được”. Vì thấy con cái không đáng tin cậy, nên họ bất an và lo lắng nhiều. Tuy nhiên, việc cha mẹ can thiệp và kiểm soát mọi thứ trước cả khi trẻ yêu cầu giúp đỡ nhằm ngăn chặn tình huống phải lo lắng, bất an vì trẻ còn lóng ngóng, không khác gì việc gửi đi thông điệp rằng “Con không thể làm được một mình đâu”.

Theo đó, những đứa trẻ lớn lên dưới sự bao bọc quá mức của cha mẹ thường không tự tin vào chủ quan của bản thân, nên khả năng lựa chọn và đưa ra quyết định kém, tinh thần thì nhu nhược còn thể chất cũng yếu đuối nên rất dễ bỏ cuộc khi gặp tình huống khó khăn. Sau này, các mối quan hệ đối nhân xử thế và sinh hoạt xã hội sẽ trở nên khó khăn, thậm chí khi trưởng thành, chúng cũng không thể tự chăm sóc bản thân và coi việc phụ thuộc vào cha mẹ là điều hiển nhiên.

Một số cha mẹ hài lòng với sự phụ thuộc của con mình, nhầm tưởng rằng đó là mối quan hệ bền chặt. Mối quan hệ lành mạnh phải được hình thành giữa cha mẹ và con cái, nhưng nếu muốn tránh cảnh bất hạnh do phải còng lưng chăm sóc những đứa con như chuột túi khi về già, quý vị cần hạn chế bao bọc quá mức.

Trở thành ngọn hải đăng chứ không phải hoa tiêu

Mục đích cuối cùng của việc nuôi dạy con cái không phải là để cha mẹ chịu trách nhiệm về cuộc đời của con cái đến cùng, mà là dạy con cách tự lập để có thể tự mình vượt qua khó khăn và sống được trên cuộc đời. Cha mẹ phải là ngọn hải đăng soi đường chứ không phải là hoa tiêu nắm giữ chìa khóa cuộc đời của con cái. Ngọn hải đăng đưa ra phương hướng đúng đắn cho tàu thuyền qua lại an toàn, nhưng nhiệm vụ của con tàu là vượt qua sóng to gió lớn.

Trên hết, cha mẹ cần kiên nhẫn để phát triển tính tự lập cho con cái. Nếu muốn con tự tắm rửa, cha mẹ phải chấp nhận sự lộn xộn trong phòng tắm, khi dạy con làm bài tập về nhà hoặc tự dọn dẹp thì sự vất vả của người mẹ thậm chí còn nhiều hơn nữa. Khi con đang làm điều gì đó, đừng thúc giục hay can thiệp bởi lời “Nhanh lên”, “Làm cho đàng hoàng” hoặc “Để mẹ làm cho”, dù chúng chậm chạp và vụng về, nhưng hãy kiên nhẫn chờ đợi.

Thay vì lo lắng “Nhỡ con làm không tốt thì sao?” thì điều quan trọng hơn là thể hiện lòng tin rằng con có thể làm tốt. Khi con cái nghĩ rằng cha mẹ tin tưởng mình, chúng sẽ nỗ lực để đáp ứng điều đó. Nếu con mắc lỗi hay bị đau, cha mẹ chứng kiến sẽ rất buồn và đau đớn nhưng đó là trải nghiệm quý báu cho con. Nếu được mẹ bế lên mỗi khi bị ngã, cầm túi cho vì nó có vẻ nặng và được cõng trên lưng khi nói rằng mình bị đau chân, thì đứa trẻ sẽ không bao giờ cảm nhận được niềm vui và sự hài lòng khi làm được điều gì đó. Hãy khích lệ khi con gặp khó khăn và không tiếc lời khen ngợi khi con làm tốt.

Một số cha mẹ bỏ qua kỷ luật mà họ thực sự cần bởi việc bao bọc con cái. Thái độ bận bịu bảo vệ con khi người ở tầng dưới phản ánh tiếng ồn do con gây ra, bao che ngầm khi thấy con làm ầm ĩ nơi công cộng, không suy nghĩ một cách nghiêm túc khi con bắt nạt bạn khác ở trường mà nói rằng như vậy còn tốt hơn là con họ trở thành nạn nhân, là hành động gieo rắc tính ích kỷ chứ không phải là bảo vệ đứa trẻ. Cha mẹ cần nuôi dưỡng tính tự chủ cho con nhưng nhất định phải đảm bảo tuân thủ đạo đức và quy tắc.

Không có chim đại bàng nào giữ con non trong tổ vì chúng quá đáng yêu, hay vì lo lắng chim non có thể bị ngã và bị thương khi bay. Dù chim non lo lắng và sợ hãi, chúng phải học cách bay để có thể săn mồi và tận hưởng niềm vui được bay trên bầu trời. Do đó khi đến thời điểm, đại bàng mẹ đã cương quyết đẩy chim con ra khỏi tổ một cách tàn nhẫn và bắt chúng học cách bay.

Động vật dù có tình mẫu tử sâu đậm đến đâu, thậm chí hy sinh vì con đi chăng nữa cũng không nuôi dưỡng con cái thành tồn tại yếu ớt không biết tự lo cho mình. Giống như lời rằng “Quý trọng con thì hãy gửi đi xa xứ”, muốn con được tốt thì đừng chỉ nuôi dạy một cách mềm mỏng mà hãy rèn luyện cho con lớn lên mạnh mẽ bởi được trải nghiệm những gian khổ trên thế gian. Rồi đến một lúc nào đó, cả thân thể và tấm lòng của con cái sẽ trưởng thành và trở về như những người con đáng tin cậy, biết đền đáp công ơn cha mẹ.