Baanh và Asêra (Áttạttê)

81,395 lượt xem

1. Baanh là từ để chỉ “chúa” hoặc “chủ nhân”, là vị thần nông nghiệp của Canaan mà người ta đã từng sùng bái như thần sấm, thần mưa, và thần thịnh vượng.

Những dân tộc ở xung quanh xứ Canaan mang tư tưởng đa thần, trong số rất nhiều thần thì họ tin vào những thần mà mình thích, và những thần có liên quan đến sự kỳ vọng hoặc mong ước của họ. Trong số đó, Baanh được nhiều quốc gia gần xứ Canaan tôn sùng như một vị thần cai quản về thành quả cũng như sự tăng trưởng của ngũ cốc, trái cây, gia súc v.v…

Vào năm thứ ba mươi tám đời Asa, vua Giuđa, Aháp bắt đầu cai trị Ysơraên và lấy người nữ ngoại bang Giêsabên làm vợ. Giêsabên là con gái của Ếtbaanh, vua của dân Siđôn và cũng là thầy tế lễ của Baanh lúc bấy giờ. Giêsabên lấy Aháp, vua của Ysơraên, không chỉ vì mục đích chính trị mà còn nhắm vào mục đích tôn giáo. Giêsabên vẫn tiếp tục giữ chức kẻ truyền giáo cho đạo thờ Baanh. Vì vậy, khi kết hôn với Aháp vua của Ysơraên, Giêsabên đã gieo tín ngưỡng của mình vào Ysơraên, và sau một thời gian thì mục đích ấy đã được thành.

“Năm thứ ba mươi tám đời Asa, vua Giuđa, thì Aháp, con trai Ômri, lên ngôi làm vua Ysơraên… Aháp… đi lấy Giêsabên, con gái Ếtbaanh, vua dân Siđôn, mà làm vợ; người cũng đi hầu việc Baanh và thờ lạy nó. Người lập một bàn thờ cho Baanh tại trong miễu của Baanh mà người đã cất tại Samari. Aháp cũng dựng lên một hình tượng Áttạttê. Vậy, Aháp làm nhiều điều ác, chọc giận Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên hơn các vua Ysơraên trước mình.” I Các Vua 16:29-33

2. Asêra (Áttạttê): Hình tượng nữ thần mà dân Canaan thờ lạy trước khi người dân Ysơraên đi vào xứ Canaan.

Khi Đức Chúa Trời ban Mười Điều Răn lần thứ hai cho Môise, Ngài đã phán dặn hãy cẩn thận và đừng thờ lạy những hình tượng của người Canaan.

“Phải cẩn thận không được kết ước với các dân sinh sống trong xứ các ngươi sẽ vào, vì nếu làm vậy, họ sẽ thành cạm bẫy cho các ngươi. Phải hủy phá bàn thờ, đập nát các hình tượng và triệt hạ các trụ Asêra của các dân ấy.” Xuất Êdíptô Ký 34:12-13 BDM

Asêra (Áttạttê) là tên của nữ thần bắt nguồn từ tư tưởng đa thần của nhiều dân tộc phương Đông. Asêra (Áttạttê) được biết đến như là vợ của thần El và là mẹ của bảy mươi thần khác.

Người ta dựng lên những tượng được chạm khắc từ gỗ, được sử dụng để thờ lạy nữ thần Asêra (Áttạttê). Vì những tượng gỗ này tượng trưng cho nữ thần Asêra (Áttạttê), cho nên từ “Asêra (Áttạttê)” về sau được nhắc đến như là từ để chỉ về nữ thần Asêra (Áttạttê) hay tượng Asêra (Áttạttê). Tượng Asêra (Áttạttê) được đặt bên cạnh bàn thờ Baanh.

“Ghêđêôn chọn lấy mười người trong bọn đầy tớ mình… Sớm mai, khi dân trong thành thức dậy, thấy bàn thờ của thần Baanh bị phá dỡ, hình tượng Asêra ở trên bị đánh hạ…” Các Quan Xét 6:27-28

Theo lịch sử trong Kinh Thánh, Baanh và Asêra (Áttạttê) – những hình tượng mà người dân Ysơraên đã thờ lạy khi họ làm điều ác đối với Đức Chúa Trời, đã bị phá hủy bởi các đấng tiên tri như Ghêđêôn hay Êli, và các vua được kể là làm điều thiện và công bình trước mặt Đức Chúa Trời như Asa, Giôsaphát, Êxêchiên, và Giôsia.

“Vua đứng trên tòa, lập giao ước với trước mặt Đức Giêhôva, hết lòng hết ý gìn giữ những điều răn, chứng cớ, và luật lệ của Ngài… cất khỏi đền thờ của Đức Giêhôva hết thảy những khí giới người ta làm đặng cúng thờ Baanh, Áttạttê và cả cơ binh trên trời. Người bảo thiêu các vật đó ngoài Giêrusalem trong đồng ruộng Xếtrôn… Người lại phá những phòng của bợm vĩ gian ở trong đền thờ của Đức Giêhôva, là nơi đó người nữ dệt những trại cho Áttạttê.” II Các Vua 23:3-8

“Khi các việc ấy đã xong, những người Ysơraên có mặt tại đó đi ra các thành Giuđa, đập bể những trụ thờ, đánh đổ các thần Asêra, phá dỡ những nơi cao, và các bàn thờ trong khắp xứ Giuđa, Bêngiamin, Épraim, và Manase, cho đến khi đã phá hủy hết thảy. Đoạn, hết thảy dân Ysơraên ai nấy đều trở về thành mình, về nơi sản nghiệp mình.” II Sử Ký 31:1