Vào mùa thu, dù phải làm việc siêng năng đến nỗi đổ mồ hôi hột, nhưng người nông dân không thể dấu nổi khuôn mặt rạng ngời hớn hở bởi những ngũ cốc và trái quả được thu gom vào trong kho. Khi mùa thu, mùa vụ thu hoạch trôi qua, người nông dân được nghỉ ngơi vào mùa đông. Giờ đã đến mùa vụ thu hoạch phần linh hồn, là thời điểm các trái tốt được thu gom vào kho, nên chúng ta càng cảm thấy rằng ngày Cha giáng lâm không còn bao xa nữa. Chúng ta, là những người ngóng chờ sự giáng lâm của Đức Chúa Trời, phải trở thành các con cái tiếp nhận Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn.
Người có nhiều điều ưa muốn của trái đất này rất ghét câu chuyện về Nước Thiên Đàng, ngược lại người đầy ắp điều ưa muốn của Thánh Linh lại giành sự quan tâm và đặt niềm trông cậy vào những thứ trên Nước Thiên Đàng. Đó là bởi lĩnh vực quan tâm của họ là khác nhau.
Những người đầy ắp điều ưa muốn của thế gian không hề có một chút trông mong vào Nước Thiên Đàng, lại chỉ nghĩ về những việc dưới đất này, chỉ nghĩ đến thế giới hiện thực trông thấy trước mắt, nên họ không thể không ghét khi nghe kể về Nước Thiên Đàng, hoặc niềm trông mong vào Nước Thiên Đàng. Tuy nhiên, những người đầy ắp niềm trông mong vào Nước Thiên Đàng không hề nhàm chán dù nghe về lời của Đức Chúa Trời nhiều đến đâu chăng nữa, luôn dò xem lời của Đức Chúa Trời đến tận đêm khuya, hớn hở tiếp nhận từng lời của Đức Chúa Trời trong niềm vui.
Ngày Đức Chúa Trời đến đang thật gần kề, nên đây chính là thời gian tất thảy chúng ta phải chuẩn bị. Khi đã đến lúc người cha trở về sau khi đi công tác ở nơi xa, thì trong gia đình đang khẩn thiết chờ đợi cha, từ mẹ cho đến tất thảy mọi con cái đều cùng dọn dẹp nhà cửa, và mỗi người đều chuẩn bị để chào đón khiến cha vui lòng.
Giống như vậy, chúng ta cũng phải chuẩn bị chào đón Đức Chúa Trời Cha, là Đấng sắp giáng lâm. Cha trở về sau khi đi công tác xa, mà chúng ta lại buồn ngủ và ngủ gật hoặc không dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thì tấm lòng Cha sẽ ra sao khi xem xét trong ngoài nhà? Thông qua Kinh Thánh, hãy cùng học sự khôn ngoan để có thể chào đón Cha giáng lâm mà không có một chút thiếu thốn nào cả.
“Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến. Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình. Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ. Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà người chủ đặt cai trị đầy tớ mình, đặng cho đồ ăn đúng giờ? Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi sóc cả gia tài mình.”Mathiơ 24:42-47
Lời ví dụ trên cho biết rằng chúng ta, những người sống gần cuối cùng các đời, phải làm những việc gì. Bây giờ dù không nhất thiết mượn các lời tiên tri Kinh Thánh, thì rất nhiều người bao gồm các nhà khoa học và các nhà tiên tri đang tự nhận ra rằng thời đại này chính là những ngày gần cuối cùng các đời. Kinh Thánh phán rằng lúc này cần phải tỉnh thức và chuẩn bị. Sở dĩ phải chuẩn bị là vì Con Người, tức Đấng Christ, sắp đến.
Đức Chúa Jêsus phán rằng vào thời điểm sự giáng lâm của Đấng Christ gần đến, thì người chăm sóc người nhà và chia sẻ đồ ăn đúng giờ là người khôn ngoan. Người tin và làm theo y nguyên lời phán này sẽ trở thành Cơ đốc nhân, có thể đón tiếp Đấng Christ giáng lâm mà không có một chút thiếu thốn nào cả.
Ngược lại, cũng có người coi khinh và không thực hiện lời phán này. Đức Chúa Trời đã cho biết hết thảy ý muốn của Ngài thông qua Kinh Thánh, tuy nhiên họ không thực hiện theo như vậy là bởi không tin lời phán ấy của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh gọi những người như vậy là đầy tớ xấu.
“Nếu, trái lại, là một đầy tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm, bèn đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu, thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết. Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”Mathiơ 24:48-51
Đầy tớ xấu nghĩ rằng “Chủ ta đến chậm.” nên sẽ phải chịu hình phạt từ Đấng Christ, Đấng giáng lâm trong ngày mà nó không ngờ. Trái lại, đầy tớ nghĩ rằng “Chủ ta sẽ đến mau chóng.” luôn luôn chuẩn bị sẵn nên có thể chào đón khiến Đấng Christ vui lòng dù Ngài đến vào bất cứ khi nào.
Chúng ta hãy chờ đón ngày giáng lâm không còn bao xa của Đấng Christ, đồng thời ngay từ giờ phải bỏ suy nghĩ rằng “Chủ ta đếm chậm.” và hãy luôn tỉnh thức và chuẩn bị sẵn.
Hãy cùng tìm hiểu lời giáo huấn mà Đức Chúa Jêsus ban cho chúng ta vào lúc Ngài thăng thiên, và hãy ghi khắc ý nghĩa của lời phán “Hãy cho đồ ăn đúng giờ!”
“… Khi ăn rồi, Đức Chúa Jêsus phán cùng Simôn Phierơ rằng: Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phierơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta. Ngài lại phán lần thứ hai cùng người rằng: Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi yêu ta chăng? Phierơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta. Ngài phán cùng người đến lần thứ ba rằng: Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi yêu ta chăng? Phierơ buồn rầu vì Ngài phán cùng mình đến ba lần: Ngươi yêu ta chăng? Người bèn thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta.”Giăng 21:12-17
“… Khi họ ăn xong, Đức Chúa Jêsus nói với Simôn Phirơ, “Hỡi Simôn con Giăng, ngươi yêu thương Ta hơn những người nầy chăng?” Ông đáp, “Lạy Chúa, Ngài biết rằng con yêu mến Ngài.” Ngài phán với ông, “Hãy cho những chiên thơ Ta ăn.” Ngài lại nói với ông lần thứ hai, “Hỡi Simôn con Giăng, ngươi yêu thương Ta chăng?” Ông đáp, “Lạy Chúa, Ngài biết rằng con yêu mến Ngài.” Ngài phán với ông, “Hãy chăn chiên Ta.” Ngài lại nói với ông lần thứ ba, “Hỡi Simôn con Giăng, ngươi yêu mến Ta chăng?” Phirơ cảm thấy tự ái bị tổn thương vì Ngài hỏi ông đến lần thứ ba rằng, “Người yêu mến Ta chăng?” Ông thưa với Ngài, “Lạy Chúa, Ngài biết hết mọi sự. Ngài biết rằng con yêu mến Ngài.” Đức Chúa Jêsus nói với ông, “Hãy cho chiên Ta ăn.”Giăng 21:12-17 (Bản dịch năm 2011)
Khi cho bầy chiên của Đức Chúa Trời ăn thì phải cho ăn ba thứ theo đúng giờ. Dường như Đức Chúa Jêsus phán với Phierơ ba lần đều cùng một câu rằng “Hãy cho chiên Ta ăn.” Tuy nhiên nếu chú ý kỹ thì thấy rằng lời dặn dò của Đức Chúa Jêsus được phát triển thành ba giai đoạn lần lượt là “Hãy cho những chiên thơ Ta ăn.”, “Hãy chăn (chăm sóc) chiên Ta.”, “Hãy cho chiên Ta ăn.”
Trước tiên, chúng ta phải cho ăn cỏ phù hợp với những chiên con của Đức Chúa Trời mới được dẫn dắt vào lẽ thật. Khi chia đồ ăn cho các chiên mới nhận lẽ thật lần đầu, thì cũng sẽ phát sinh tình huống phải chăm sóc những chiên lớn hơn một chút. Đó là thời kỳ phải chăm sóc tỉ mỉ hơn nữa những chiên đã có đức tin ở một mức độ nào đó, giống như lời phán “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.” (I Côrinhtô 10:12). Và đối với chiên trưởng thành, cũng vẫn phải cho ăn cỏ thích hợp với lượng và mức độ trưởng thành của chiên ấy. Như vậy, người chia sẻ đồ ăn đúng giờ cho bầy chiên của Đức Chúa Trời là người thực sự yêu mến Đức Chúa Trời, được trở thành người trung tín và khôn ngoan trước Đức Chúa Trời, và được nhận phước lành.
Nước Thiên Đàng đang đến gần trước mắt chúng ta từng ngày từng ngày một. Tôi mong tất thảy các anh chị em đều nghiêng tai lắng nghe lời của Đức Chúa Trời và hoàn toàn sẵn sàng để đón tiếp Đấng Christ.
Loài người cũng được định nghĩa là “động vật lao động”. Lý do căn bản để loài người làm việc cũng là “để được ăn”. Gia trưởng lao động là để nuôi sống chính mình, nhưng cũng là để phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng và cho các con cái nhỏ bé ăn nữa. Về vấn đề lao động để ăn thì nguyên lý giữa thể xác và linh hồn không có điểm khác biệt.
Đầy tớ trung tín và khôn ngoan là đầy tớ yêu mến Đức Chúa Trời. Bằng tấm lòng yêu thương, họ đã đi cho các anh chị em ăn lời của Đức Chúa Trời, là lương thực của sự sống, và cầu nguyện vì các anh chị em đó. Những người siêng năng làm việc như vậy sẽ được khen ngợi là người khôn ngoan nhất trong giây phút Đấng Christ giáng lâm.
Đây không phải là việc khó khăn. Đây là việc mà tất thảy chúng ta có đủ khả năng để thực hiện ở vị trí của mỗi người. Chúng ta phải hết lòng hết sức thực hiện việc mà Đức Chúa Trời đích thân giao phó cho những người yêu mến Đức Chúa Trời.
“Hỡi người làm chủ, hãy lấy điều công bình chánh trực đãi tôi tớ mình, vì biết rằng anh em cũng có một Chủ mình ở trên trời, phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào. Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, hầu cho tôi được rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ…”Côlôse 4:1-3
Đức Chúa Trời phán dặn chúng ta hãy thức tỉnh, và đặc biệt phán chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo. Phải cho ăn và chăm sóc những chiên con được tìm kiếm, và kể cả sau khi chiên con đã được trưởng thành thì vẫn phải cho ăn bằng tình yêu thương và sự quan tâm liên tục. Đây chính là phương pháp yêu mến Đức Chúa Trời.
Trong vở kịch nổi tiếng “Rômêô và Juliét” của W.Sếchxpia có cảnh các bạn bè đi tìm kiếm Rômêô mà không thấy, chỉ vì sau khi bị hớp hồn bởi Juliét, Rômêô đã bỏ rơi các bạn vốn cùng chơi thường ngày mà đi tìm gặp Juliét.
Vì chìm đắm trong tình yêu mà hành động của Rômêô đã rất khác với ngày thường. Như vậy, tình yêu thương làm biến đổi kể cả hành động và thói quen của người ta. Giống như vậy, khi yêu Đức Chúa Trời, hành động và thói quen của chúng ta cũng trở nên khác đi. Truyền đạo là phản ứng tự nhiên của những người yêu mến Đức Chúa Trời.
“Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ. Khi một người đi ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình… vì Tin lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu. Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời.”II Timôthê 2:3-10
Phaolô đã nhịn nhục tất thảy mọi điều, vui lòng chịu khổ nạn duy để được cứu rỗi nhiều linh hồn bởi lời của Đức Chúa Trời. Phaolô là một vĩ nhân trong Kinh Thánh thực tiễn tấm lòng yêu mến Đức Chúa Trời. Sở dĩ ngày nay đức tin và tư tưởng của Phaolô trở thành đối tượng được hâm mộ cũng là vì tấm lòng ấy của ông. Đức Chúa Trời ban mão triều thiên của sự sống cho người như vậy.
“Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi… Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ. Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.”II Timôthê 4:1-8
Có thể nói rằng cuộc sống của Phaolô mới chính là cuộc sống khôn ngoan nhất. Phaolô đã yêu mến Đức Chúa Trời, hết lòng hết sức rao truyền Tin Lành, cho nên khi dự cảm về cái chết gần đến, Phaolô đã có thể tự tin nói rằng mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho mình trên Nước Thiên Đàng.
Khi đã xong sự chạy, sứ đồ Phaolô rất vui mừng chờ trông mão triều thiên của sự sống được đặt trước mắt mình. Thông qua cuộc sống đức tin của sứ đồ Phaolô, chúng ta cũng phải trông đợi ngày giáng lâm của Đức Chúa Trời, và phải trở thành người có đức tin khôn ngoan giống như Phaolô, gắng sức rao truyền Tin Lành bất luận gặp thời hay không gặp thời.
Đấng Christ đã phán dặn chúng ta rằng “Hãy cho chiên Ta ăn.” và phán chúng ta xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, cùng làm tròn phận sự của người truyền đạo.
Nếu chúng ta không hề gắng sức chút nào, và tất thảy mười bốn vạn bốn ngàn được tìm ra bởi nỗ lực của những người khác thì chúng ta sẽ không thể cảm nhận được tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chỉ thông qua những trái giá trị được kết bởi hy sinh đổ mồ hôi và nỗi vất vả của chúng ta, thì chúng ta mới thật sự hiểu ra một linh hồn rất quí trọng biết bao, và có thể thật lòng cảm tạ lên tình yêu thương của Đức Chúa Trời, là Đấng cứu rỗi chúng ta. Hãy cùng suy nghĩ về tình yêu thương của Đức Chúa Trời thông qua câu chuyện ngắn sau.
Một người nông dân giàu nọ có một người con trai. Người con trai này chỉ chơi bời lêu lổng mà không làm bất cứ điều gì, nên người cha rất đỗi buồn bã, lo lắng. Người con trai sẽ được thừa hưởng và cai quản tất thảy tài sản của người nông dân, thế nhưng nếu cứ ở trong tình trạng này thì chẳng bao lâu sau khi người cha chết, người con trai sẽ tiêu tan mọi tài sản và trở thành kẻ ăn mày.
Một ngày người nông dân gọi con trai và nói rằng: “Nếu con không tự tay kiếm tiền về thì cha sẽ không giao lại tài sản cho con đâu. Cả cuộc đời cha đã siêng năng làm việc, khó nhọc lắm mới tích luỹ được tài sản như vậy, giao cho con để rồi con ăn tiêu hoang phí thì thà rằng để lại cho người khác còn hơn.”
Thấy thái độ kiên quyết của cha, người con lo lắng không biết phải làm gì. Lúc này, người mẹ luôn đứng về phía con trai, đã lén gọi con trai, đưa cho mười đồng tiền rồi nói rằng “Con hãy đi loăng quăng đâu đó cả ngày, đợi đến chiều tối hãy quay về và đưa đồng tiền cho cha con, nói rằng đây là tiền con đã tự mình kiếm được nhé!”
Ngày hôm sau, theo lời mẹ dặn, người con trai chơi bời ở ngoài cả ngày, đến tối về đưa mười đồng tiền cho cha rồi nói rằng “Đây là tiền con tự mình kiếm được.” Người cha liền nổi giận nói rằng “Đây chẳng phải là tiền con đã kiếm được, phải không?” rồi ném đồng tiền vào lò lửa. Người con trai chỉ biết ngây người đứng nhìn, thấy vậy người cha cầm lấy roi đánh con trai không thương xót.
Người con trai tìm đến mẹ. Người mẹ xoa dịu vết thương của con trai rồi lại mách bảo rằng: “Có vẻ như cha không tin con đã kiếm được một lúc mười đồng tiền vì ngày thường con lười biếng, nên lần này con hãy nói với cha rằng đã kiếm được năm đồng tiền.” rồi đưa năm đồng tiền cho con trai.
Ngày hôm sau, người con trai cũng chơi bời suốt cả ngày, đến chiều tối mới trở về, đưa cho cha năm đồng tiền rồi nói rằng “Đây là tiền con tự mình kiếm được.” Người cha bèn nói rằng “Đây chẳng phải là tiền con đã kiếm được, phải không?” rồi ném đồng tiền vào lò lửa. Lần này người con trai cũng chỉ biết ngây người đứng nhìn. Thấy vậy, người cha lại càng nổi giận hơn, liền lấy cây gậy đánh con trai không thương tiếc.
Người con trai khóc lóc tìm đến với mẹ. Người mẹ cũng rất bất ngờ và nói với con trai rằng: “Có lẽ không thể lừa nổi cha đâu. Con hãy ra ngoài đi làm đi. Dù khó khăn nhưng nếu con không tự mình làm việc kiếm tiền về thì chắc cha sẽ giao toàn bộ tài sản cho người khác đấy.”
Cảm thấy tình hình rất nghiêm trọng, ngày hôm sau người con trai ra ngoài làm việc cả ngày và kiếm được hai đồng tiền. Bằng tấm lòng vui mừng người con trai đưa hai đồng tiền cho cha rồi nói rằng “Đây là tiền con tự mình kiếm được.” Tuy nhiên, lần này người cha cũng ném đồng tiền ấy vào lò lửa. Rất đỗi ngạc nhiên, người con trai vội vàng đưa tay vào lò lửa nhặt lấy đồng tiền mặc cho tay bị bỏng.
Lúc này, khuôn mặt người cha rạng ngời vì vui mừng. Người cha vừa cười vừa nói với con trai rằng “Đồng tiền này mới chắc chắn là tiền con đã kiếm được. Phải là tiền kiếm được bởi mồ hôi thì mới biết quí trọng.”
Thông qua tấm lòng của người nông dân này, tôi tin chắc rằng chúng ta có thể hiểu được phần nào về lý do Đức Chúa Trời giao phó chức vụ của người truyền đạo cho các con cái yêu dấu.
Vì người yêu dấu, người ta không coi khổ nạn là khổ nạn mà lại chiến thắng được tất thảy. Nếu thật sự yêu Đức Chúa Trời, thì chúng ta đừng chỉ nói yêu Đức Chúa Trời bằng môi miệng mà hãy thực tiễn tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng tình yêu thương trọn vẹn.
Giờ là mùa vụ thu hoạch phần linh hồn. Chúng ta đã hiểu ra tình yêu thương của Đấng Christ, là Đấng tha thứ tội lỗi của chúng ta thông qua ngày Đại Lễ Chuộc Tội, và cũng đã được nhận phước lành của Đức Thánh Linh như mưa rào thông qua ngày Lễ Lều Tạm. Giờ chúng ta phải kết trái dư dật để chuẩn bị cho sự giáng lâm của Đấng Christ. Tôi mong tất thảy các anh chị em Siôn hãy trở thành người khôn ngoan biết cho đồ ăn đúng giờ theo lời Kinh Thánh.