Hãy Nghĩ Đến Đức Chúa Trời

1229 Xem

Tôi nghĩ rằng mỗi một người đều lập ra nhiều kế hoạch vào mỗi một năm mới, mỗi một tháng mới. Trông cậy vào Đức Chúa Trời hơn là trông cậy vào năng lực của bản thân mình chính là con đường tắt để hoàn thành tất thảy mọi kế hoạch. Thông qua Kinh Thánh, thông qua cuộc sống của chúng ta, chúng ta luôn xác minh được rằng dù loài người có thể lập ra kế hoạch công việc, nhưng Đấng khiến các công việc ấy được thành tựu chính là Đức Chúa Trời.

Khi nhìn trái hãy nghĩ đến rễ cây

Khi nhìn vào cây kết trái dư dật, loài người thường chỉ để ý tới trái và nhánh cây trong tầm mắt mà quên mất hoặc không quan tâm đến sức mạnh và vai trò của rễ cây không trông thấy. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ để ý đến riêng trái, hoặc đến nhánh cây có trái, mà chúng ta phải biết nghĩ đến tồn tại của rễ cây cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho đến khi cây có thể kết trái. Cho dù nhánh cây cứng và vững chắc biết bao, nhưng nếu không có tồn tại của rễ cây, thì cây ấy không thể duy trì sự sống được, cũng không thể kết trái được.

Cũng như vậy, chúng ta kết trái Tin Lành, nhưng lại quên mất quyền năng của Đức Chúa Trời, là Đấng ban sức mạnh và tiếp trợ chúng ta một cách vô hình, mà chỉ nghĩ trước đến bản thân chúng ta như là nhánh cây có trái. Công việc có được hoàn thành hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào Đức Chúa Trời, chứ không hề phụ thuộc vào năng lực hoặc trí tuệ của chúng ta. Vậy nên, chúng ta luôn phải nghĩ đến Đức Chúa Trời trước tiên, và phải hiểu ra sự thật rằng Đức Chúa Trời đang điều hành thế gian mà chúng ta đang sống, và đang dẫn dắt muôn dân và muôn nước. Khi hiểu ra sự thật này, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành được mục tiêu của mỗi người, và mục tiêu Tin Lành của thất thảy mọi chúng ta.

Thông qua kinh nghiệm của vua Nêbucátnếtsa xuất hiện trong sách Đaniên, Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta hãy có thời gian nhìn lại bản thân, ăn năn hối cải một lần nữa về bản thân chúng ta ngày nay.

Giấc mơ của Nêbucátnếtsa

Trong Đaniên chương 2, Nêbucátnếtsa đã mơ một giấc mơ trọng đại về lịch sử thế giới, còn trong Đaniên chương 4, Nêbucátnếtsa lại mơ một giấc mơ quan trọng xảy đến cho bản thân mình. Trong giấc mơ, vua thấy một cây cao lạ thường lớn lên, ngọn nó chấm đến trời, lá nó thì đẹp và trái thì sai, có đủ cho mọi loài ăn, các thú đồng núp dưới bóng nó; chim trời ở trên nhành nó, và mọi loài xác thịt nhờ nó mà nuôi mình. Tuy nhiên, vua thấy một đấng thánh từ trời mà xuống, kêu lớn tiếng và nói rằng: “Hãy đốn cây và chặt nhành nó; hãy làm rụng lá và vãi trái nó ra; hãy cho thú vật tránh khỏi dưới nó, và chim chóc khỏi nhành nó! Dầu vậy, hãy để lại gốc của rễ nó trong đất,… và trải qua bảy kỳ trên người.”

Những đồng bóng, thuật sĩ và thầy bói của Babylôn đều đã không thể giải nghĩa giấc mơ, nên vua đã gọi Đaniên đến giải nghĩa giấc mơ cho mình (Đaniên 4:4-19). Giải nghĩa của Đaniên như sau:

“Hỡi vua, ấy (cây ấy) là chính mình vua, vua đã trở nên lớn và mạnh, sự cao cả của vua tăng thêm và thấu đến trời, quyền thế vua đến đầu cùng đất. Song đến điều vua thấy một đấng thánh canh giữ từ trời mà xuống, và nói rằng: Hãy đốn cây và huỷ phá đi; song, hãy để lại gốc của rễ nó trong đất, rồi hãy buộc nó bằng một dây xích sắt và đồng ở giữa đám cỏ xanh trong đồng ruộng, cho nó bị nhuần thấm bởi sương móc trên trời; và cho người có phần với các thú đồng, cho đến khi đã trải qua trên người bảy kỳ. Hỡi vua, nầy là lời giải, và nầy là mạng định của Đấng Rất Cao, đã đến trên vua, chúa tôi: Người ta sẽ đuổi vua ra khỏi giữa loài người, và chỗ ở vua sẽ ở giữa những thú vật trong đồng. Vua sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, và sẽ được thấm nhuần sương móc trên trời; bảy kỳ sẽ trải qua trên vua, cho đến khi vua nhận biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước loài người, và Ngài muốn ban cho ai tuỳ ý. Còn như đã truyền rằng chừa lại gốc của rễ cây đó, tức là khi nào vua đã nhận biết các từng trời cầm quyền, thì nước vua chắc sẽ thuộc về vua…”Đaniên 4:20-27

Chúng ta tin vào Đức Chúa Trời, nhưng đôi khi lại không ý thức được rằng Đức Chúa Trời cai trị. Bởi vì rễ cây luôn luôn bị ẩn giấu, còn nhánh cây và các trái dính trên nhánh cây thì được lộ ra. Đaniên nói rằng nước vua chắc sẽ thuộc về vua, khi vua nhận biết rằng Đức Chúa Trời cai trị, giống như rễ cây không thấy được, luôn cung cấp dinh dưỡng cho cây. Sự hiện thấy mà Đức Chúa Trời cho vua Nêbucátnếtsa thấy chính là lời dạy dỗ rằng Đức Chúa Trời quản trị và cai trị trong nước loài người như có thể lập vua, phế vua, có thể làm cho tất thảy mọi nước trở nên vững mạnh hoặc suy yếu v.v….

Khi nghĩ rằng ‘chính ta đã làm’ thì ân điển của Đức Chúa Trời sẽ đi mất

Thời gian trôi qua, Nêbucátnếtsa đã quên mất lời dạy dỗ đó. Khoảng một năm sau, vua đi dạo trong hoàng cung Babylôn và nhìn ngó xuống thành Babylôn. Đột nhiên, vua đã có lòng kiêu ngạo rằng “Đây chẳng phải là Babylôn lớn mà ta đã dựng bởi quyền cao cả và năng lực ta sao?” Sự suy thoái của vua bắt đầu chính từ khi đó.

“… Khi khỏi mười hai tháng, vua đi dạo trong hoàng cung Babylôn, thì cất tiếng mà nói rằng: Đây chẳng phải là Babylôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao? Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi vua Nêbucátnếtsa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi… Trong chính giờ đó, lời nói ấy đã ứng nghiệm cho vua Nêbucátnếtsa, vua bị đuổi khỏi giữa loài người; ăn cỏ như bò; thân thể vua phải thấm nhuần sương móc trên trời, cho đến tóc vua cũng mọc như lông chim ưng, móng vua thì giống như móng loài chim chóc. Đến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nêbucátnếtsa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời… Trong lúc đó, trí khôn phục lại cho ta, ta lại được sự vinh hiển của ngôi nước ta, sự oai nghi chói sáng trở lại cho ta; những nghị viên và đại thần ta lại chầu ta. Ta lại được lập lên trên ngôi nước, sự uy nghi quyền thế ta càng thêm. Bây giờ, ta, Nêbucátnếtsa, ngợi khen, tôn vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công việc Ngài đều chân thật, các đường lối Ngài đều công bình; và kẻ nào bước đi kiêu ngạo, Ngài có thể hạ thấp nó xuống.”Đaniên 4:28-37

Ngay từ giây phút có suy nghĩ “chính ta đã làm”, vua Nêbucátnếtsa đã bị mất hết thảy mọi trí khôn, bị nhận lòng của loài thú và bị đuổi khỏi ngôi vua. Trong suốt bảy năm, ông đã sống chẳng khác nào loài thú, rồi sau đó ông nhận ra sự yếu đuối của loài người và nghĩ đến Đức Chúa Trời.

“Ngay cả bản thân mình, ta còn không kiểm soát nổi, thì sao lại dám nói rằng ta đã dựng nên Babylôn lớn này. Chính Đức Chúa Trời đã hoàn thành tất thảy mọi điều này!” Khi nhận ra điều này, tấm lòng của loài thú đã bị biến mất, trí khôn và mọi sự thông sáng đã được hồi phục lại, nên Nêbucátnếtsa đã lại được ngồi trên ngôi vua và được điều hành quốc chính.

Suy nghĩ rằng “chính ta đã làm” là suy nghĩ rất nguy hiểm. Khi tự cảm thán và tự hào về bản thân thì phải biết rằng đó chính là mũi tên lửa sắc bén của ma quỉ Satan đang cắm sâu vào lòng loài người. Ngay giây phút nghĩ rằng “chính ta đã làm” thì vua Nêbucátnếtsa đã bị mất hết thảy mọi trí khôn, bị nhận lòng của loài thú và phải sống như loài thú, giống như vậy, nếu chúng ta quên mất Đức Chúa Trời và nghĩ rằng “chính ta đã làm” thì cũng sẽ bị nhận lòng của loài thú. Chúng ta phải trở thành người có trí khôn luôn biết nghĩ đến Đức Chúa Trời để không bị nhận lòng của loài thú.

Thật tốt đẹp và lý tưởng nếu chúng ta có lòng tự tin, tự hào về lẽ thật khi đi trên đường đức tin. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không nên tự cao. Không phải bởi năng lực của chúng ta mà kiếm được nhiều người nhà, cũng không phải bởi chúng ta rao truyền lời tốt mà người nhà được cảm động đâu. Đó là bởi chúng ta đã trông cậy vào Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đã ban cho mọi năng lực và sắm sẵn tất thảy điều kiện cho chúng ta, nên mới có chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta chẳng qua chỉ là một tồn tại yếu đuối không đủ sức để dẫn dắt nổi một linh hồn đi vào đường đúng đắn.

Đức Chúa Trời không cần người đặc biệt để hoàn thành công việc của Ngài. Dù Đức Chúa Trời đã chọn người khác làm vua chứ không phải Nêbucátnếtsa, thì cũng đã có thể hoàn thành được kế hoạch của Ngài, và cũng có thể ban vinh hiển cho người khác chứ không phải Nêbucátnếtsa. Chẳng phải khi Giuđa Íchcariốt bị loại ra khỏi vị trí của mười hai sứ đồ, thì Mathia cũng đã được bổ nhiệm thế vào vị trí ấy sao (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:15-26)? Đức Chúa Trời đã lựa chọn và gọi chúng ta trong số 6 tỉ người trên thế giới, không phải là vì không có ai muốn đến đây đâu. Đức Chúa Trời gọi chúng ta cũng không phải vì chúng ta giỏi giang và xuất chúng hơn người khác đâu.

Khi hiểu ra sự thật rằng Đức Chúa Trời cai trị tất thảy mọi thứ, kể cả cá nhân chúng ta, kể cả gia đình chúng ta, kể cả Hội Thánh chúng ta, thì lúc ấy bản thân chúng ta, gia đình và Hội Thánh mới được tốt đẹp. Khi Nêbucátnếtsa hiểu ra sự thật này, thì nước của vua cũng đã được thêm vững mạnh. Đức Chúa Trời phán rằng “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn yếu sẽ trở nên một dân mạnh.” (Êsai 60:22). Dù chúng ta là tồn tại nhỏ và hèn yếu, nhưng chúng ta tin rằng lời tiên tri này nhất định sẽ được ứng nghiệm với chúng ta, là bởi chúng ta tin vào Đức Chúa Trời.

Khi nghĩ rằng ‘chính ta đã làm’ thì xứ Canaan bị đánh mất

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Môise được miêu tả là một đấng tiên tri tuyệt vời đã giải phóng người dân Ysơraên ra khỏi xứ Êdíptô. Nhưng trên thực tế, Môise đã không được đặt chân vào xứ Canaan, mặc dù đang ở ngay trước xứ ấy. Đó cũng là bởi Môise cũng đã suy nghĩ rằng “chính ta đã làm” và thốt ra khỏi miệng lời đó giống như vua Nêbucátnếtsa.

“Vả, không có nước cho hội chúng uống; chúng bèn dấy loạn cùng Môise và Arôn. Dân sự cãi lộn cùng Môise mà rằng: Anh em chúng tôi đã chết trước mặt Đức Giêhôva, chớ chi chúng tôi cũng đồng chết luôn thể? Sao người đem hội chúng của Đức Giêhôva vào đồng vắng nầy, làm cho chúng tôi và súc vật của chúng tôi phải chết?… Đức Giêhôva phán cùng Môise rằng: Hãy cầm lấy cây gậy ngươi, rồi với Arôn anh ngươi, hãy truyền nhóm hội chúng và hai ngươi phải nói cùng hòn đá trước mặt hội chúng, thì hòn đá sẽ chảy nước ra; ngươi sẽ khiến nước từ hòn đá chảy ra cho hội chúng và súc vật của họ uống… Môise và Arôn truyền nhóm hội chúng đến trước hòn đá mà nói rằng: Hỡi dân phản nghịch! hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao? Môise giơ tay lên, đập hòn đá hai lần bằng cây gậy mình. Nước bèn chảy tràn ra nhiều, hội chúng uống, và súc vật họ uống nữa. Đoạn, Đức Giêhôva phán cùng Môise và Arôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta nên thánh trước mặt dân Ysơraên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng nầy vào xứ mà ta đã cho nó đâu…”Dân Số Ký 20:2-13

Người dân Ysơraên một lần nữa lại lằm bằm với Môise và Arôn những lời ác độc rằng không có nước. Suốt 40 năm cứ liên tiếp phải nghe nhiều lời lằm bằm của người dân Ysơraên, nên lòng nhẫn nại của Môise cũng vượt quá giới hạn. Môise đã tức giận và bồng bột gây ra sai lầm lớn nhất trong cuộc đời.

“Chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao?”

Môise đã nói như thể không phải là Đức Chúa Trời ban cho nước, mà là Môise và Arôn đã cho nước. Không phải người nào khác, mà lại chính là Môise, người gần gũi Đức Chúa Trời nhất suốt 40 năm đã thốt lên lời như vậy, nên Đức Chúa Trời đã trách mắng ông rất nhiều. Khi quên mất sự thật rằng Đức Chúa Trời tiến hành công việc, thì sẽ rơi vào bất hạnh sống giống loài thú, và bị mất vinh hiển, quyền thế và tất thảy mọi thứ mình coi trọng giống như vua Nêbucátnếtsa. Đó là lý do Đức Chúa Trời đã cảnh cáo và trách mắng nghiêm khắc suy nghĩ rằng “chính ta đã làm”. Rốt cục, bởi việc này mà Môise và Arôn đã không được đi vào xứ Canaan mà phải đối mặt với cái chết trên đồng vắng.

“Đoạn, Đức Giêhôva phán cùng Môise rằng: Hãy lên trên núi Abarim nầy và nhìn xem xứ mà ta đã ban cho dân Ysơraên. Ngươi sẽ nhìn xem xứ đó, rồi ngươi cũng sẽ được về cùng tổ phụ, như Arôn, anh ngươi, đã được về vậy; bởi vì, tại đồng vắng Xin, các ngươi có bội mạng lịnh ta, trong lúc hội chúng cãi cọ, và vì trước mặt chúng nó, các ngươi không tôn ta nên thánh về việc nước…”Dân Số Ký 27:12-14

Họ đã quên Đức Chúa Trời và nói rằng “chính ta đã làm”. Đó chính là lý do họ không có đủ tư cách để đi vào xứ Canaan. Đây thật sự là lời cảnh cáo cho chúng ta, là những người mong muốn đi vào xứ Canaan trên trời. Cả Môise lẫn Nêbucátnếtsa đều đã không nhận được bài học từ lịch sử này, tuy nhiên, chúng ta đang nhìn xem lịch sử Kinh Thánh diễn ra suốt 6 ngàn năm. Khi vua Nêbucátnếtsa nghĩ rằng “chính ta đã làm” thì ân sủng của Đức Chúa Trời đã rời khỏi ông ấy, và khi Môise nói rằng “Chúng ta sẽ cho nước” thì ông đã không được đi vào xứ Canaan v.v…. Những việc như vậy trong thời đại đã qua, đã được ghi chép trong Kinh Thánh làm bài học và lời cảnh cáo cho chúng ta, là những người đang đi trên con đường đức tin vào thời đại này.

Hãy chỉ dâng vinh quang lên Đức Chúa Trời

Trái đất là nơi đóng vai trò giống như nồi dót để rèn luyện và huấn luyện những thầy tế lễ nhà vua trên Nước Thiên Đàng. Tất thảy thời đại và lịch sử, rất nhiều mối quan hệ, hoàn cảnh và điều kiện xung quanh có liên quan tới chúng ta v.v…. Hãy tổng hợp tất thảy những điều này rồi nhìn lại bản thân chúng ta. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu ra rằng Đức Chúa Trời, Đấng biết mọi sự thiếu thốn của chúng ta, đã ban cho mỗi chúng ta hoàn cảnh thích hợp nhất để rèn luyện chúng ta, và dẫn dắt tất thảy mọi quá trình để ban phước lành cho chúng ta.

Thế nên, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng nghỉ để cầu xin luôn được đồng hành với Đức Chúa Trời, luôn nghĩ về ân huệ của Đức Chúa Trời, là Đấng lựa chọn những kẻ nhỏ bé và hèn yếu như chúng ta, và rèn luyện, ban cho chúng ta tất thảy mọi điều kiện. Và cũng phải vui mừng mãi mãi, phàm việc gì cũng phải dâng cảm tạ, vinh hiển và tán dương lên Đức Chúa Trời.

“Hãy nghe và lắng tai, đừng kiêu ngạo, vì Đức Giêhôva đã phán. Hãy dâng vinh quang cho Giêhôva Đức Chúa Trời các ngươi, trước khi Ngài chưa khiến sự tối tăm đến, trước khi chân các ngươi chưa vấp trên những hòn núi mù mịt. Bấy giờ các ngươi đợi ánh sáng, nhưng Ngài sẽ đổi nó ra bóng sự chết, hoá nên bóng tối mờ. Nếu các ngươi chẳng nghe, linh hồn ta sẽ khóc thầm về sự kiêu ngạo các ngươi. Thật, mắt ta sẽ khóc nhiều, giọt lụy tuôn rơi, vì bầy của Đức Giêhôva bị bắt đi.”Giêrêmi 13:15-17

Đức Chúa Trời phán rằng Ngài đau lòng và khóc cay đắng khi trông thấy những kẻ bị huỷ diệt vì tự nhận lấy vinh hiển cho mình. Cho nên, chúng ta phải dâng vinh hiển lên chỉ riêng Đức Chúa Trời. Công việc Tin Lành không được hoàn thành bởi chúng ta, mà là do Đức Chúa Trời hoàn thành. Chúng ta là những người được Đức Chúa Trời gọi vào quá trình làm công việc Tin Lành ấy, chúng ta chỉ cần vâng lời Đức Chúa Trời là được, bởi chúng ta biết rằng lời của Đức Chúa Trời chính là sự sống đời đời.

Tại sao Đức Chúa Trời, là Đấng trì vị toàn bộ vũ trụ, lại phán bảo chúng ta, là những kẻ chẳng đáng gì, dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời? Đó là vì lợi ích của chúng ta. Bởi vì sự kiêu ngạo là khởi đầu của sự huỷ diệt, còn Nước Thiên Đàng là nơi mà chỉ những người khiêm nhường dâng tán dương lên Đức Chúa Trời, mới được đi vào.

Mỗi khi bất cứ một việc lớn nhỏ nào được hoàn thành, chúng ta phải hiểu ra rằng việc ấy được hoàn thành bởi năng lực của Đức Chúa Trời, và tập thói quen phàm sự gì cũng dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời. Thông qua Thi Thiên, chúng ta thấy rằng Đavít, người luôn tán dương Đức Chúa Trời, là đấng tiên tri đức tin có thói quen phàm sự gì cũng dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời.

Người luôn suy nghĩ về Đức Chúa Trời là người cùng hiệp với Đức Chúa Trời

“Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp trợ tôi đến từ Giêhôva, Là Đấng đã dựng nên trời và đất.”Thi Thiên 121:1-2

“Hỡi Đức Giêhôva, nhân vì sự nhân từ và sự chân thật Ngài, Sự vinh hiển chớ về chúng tôi, chớ về chúng tôi, Bèn là đáng về danh Ngài… Hỡi các người kính sợ Đức Giêhôva, hãy nhờ cậy nơi Giêhôva: Ngài là sự tiếp trợ và cái thuẫn của họ. Đức Giêhôva đã nhớ đến chúng tôi: Ngài sẽ ban phước, Ban phước cho nhà Ysơraên, Cũng sẽ ban phước cho nhà Arôn. Ngài sẽ ban phước cho những kẻ kính sợ Đức Giêhôva, Hoặc nhỏ hay lớn đều cũng vậy… Nhưng chúng tôi sẽ ngợi khen Đức Giêhôva, Từ bây giờ cho đến đời đời. Halêlugia!”Thi Thiên 115:1-18

Đức Chúa Trời yêu mến Đavít bởi đã trông thấy tấm lòng như trên của Đavít. Đavít luôn nghĩ đến Đức Chúa Trời và trông cậy vào Ngài, lại có đức tin chân thành chỉ dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời. Đó là lý do Đavít đã giành được thắng lợi trong bất cứ trận chiến nào, và được Đức Chúa Trời công nhận là người vừa lòng Đức Chúa Trời.

Giống như Đavít, khi chúng ta luôn nghĩ đến Đức Chúa Trời, và dâng mọi vinh hiển lên Đức Chúa Trời thì chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn và trở thành tồn tại vượt trội hơn trên hết thảy muôn dân. Khi rao truyền lẽ thật bằng tấm lòng như vậy thì sự sáng của lẽ thật sẽ được tỏa sáng hơn nữa.

Có khi chúng ta kiêu ngạo một cách vô hình trung. Chúng ta dễ dàng rơi vào suy nghĩ rằng vì tôi có năng lực nên được kết trái, vì tôi vượt trội nên đã được nhận chức vụ. Đây chính là tấm lòng mà vua Nêbucátnếtsa và Môise đã có. Tuy nhiên, nếu luôn vui mừng và cảm tạ lên Đức Chúa Trời, là Đấng lựa chọn chúng ta và lấy chúng ta làm người dân của Ngài, thì sao có thể nảy sinh tấm lòng kiêu ngạo tự nhận vinh hiển về mình mà quên đi vinh hiển của Đức Chúa Trời đây?

Nếu Đức Chúa Trời không ở cùng thì chúng ta chẳng có thể làm được bất cứ điều gì cả. Đức Chúa Trời là Sự Sáng của chúng ta. Nếu không có sự sáng thì dù có mắt cũng không thể nhìn thấy gì, dù có chân cũng không thể đi đúng đường được.

Khi đức tin của chúng ta lớn dần lên từ tấm lòng nghĩ tới Đức Chúa Trời thì tất thảy lẽ thật của giao ước mới sẽ toả sáng rực rỡ hơn nữa, và sẽ đạt được tình yêu thương và sự liên hiệp ân huệ giữa các anh chị em trong lẽ thật. Nhưng nếu chúng ta chỉ đề cao bản thân mình, thì Đức Chúa Trời sẽ không ở trong chúng ta, mà chỉ “cái tôi” của chúng ta ở trong chúng ta thôi. Như thế thì mười bốn vạn bốn ngàn chúng ta sẽ chỉ là từng cá thể riêng biệt, chứ không thể hiệp nhất thành một được.

Kinh Thánh đang dạy dỗ chúng ta sự thật rằng khi chúng ta hiểu ra rằng Đức Chúa Trời đang dẫn dắt và tiến hành tất thảy mọi công việc thì chúng ta mới được trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Tôi mong rằng tất thảy chúng ta hãy hiểu ra sự thật này, luôn nghĩ tới Đức Chúa Trời, và hoàn thành công việc Tin Lành một cách ân huệ trong lời lẽ thật quí báu mà Đức Chúa Trời Cha Mẹ ban cho.