Dây rốn và nhau thai kết nối mẹ và bé thành một

9,480 lượt xem

‎Dây rốn và nhau thai từng bị coi là dơ bẩn và bị bỏ đi như là chất thải truyền nhiễm, nhưng hiện nay đang nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của cộng đồng y tế. Vì được cho biết rằng trong dây rốn và nhau thai chứa rất nhiều tế bào gốc có thể biệt hóa thành nhiều loại mô của cơ thể. Đặc biệt, trong máu cuống rốn, là máu thu được từ dây rốn có chứa các tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô để tạo nên xương, cơ và các cơ quan nội tạng. Vì vậy, chúng đang được nghiên cứu để điều trị bệnh, và cũng có một số kỹ thuật được thương mại hóa.‎

Vào năm 2000, Molly, một bé gái 6 tuổi sinh sống tại Mỹ mắc phải chứng bệnh di truyền nguy hiểm gọi là “Chứng thiếu máu Fanconi”. Phương pháp điều trị duy nhất là cấy ghép tế bào gốc tạo máu, nhưng họ đã không tìm được người hiến tặng phù hợp với Molly. Thứ được sử dụng khi ấy chính là máu cuống rốn. Nhưng vì máu cuống rốn của Molly đã bị bỏ từ lâu, nên bố mẹ của Molly quyết định sinh thêm một đứa con nữa để cứu sống Molly. Thế rồi Ađam – em trai của Molly đã ra đời, và cuống rốn của Ađam đã cứu sống Molly một cách kỳ diệu, đem lại niềm hạnh phúc cho cả gia đình.‎

Giống như vậy, máu cuống rốn có thể chữa khỏi một số bệnh và mang lại sự sống cho người khác thông qua việc nuôi cấy tế bào gốc. Vì tế bào gốc thu được từ máu cuống rốn không sử dụng phôi nên chúng không có vấn đề về đạo đức sinh học và lại có tính tăng sinh cao, nên đang trở thành hiện tượng thu hút sự chú ý. Nhau thai không chỉ chứa tế bào gốc, mà còn chứa vô số các loại hormone và enzym, vì vậy cũng trở nên lĩnh vực phát triển các loại thuốc mới.

Từ xưa, tổ tiên của chúng ta đã coi dây rốn và nhau thai là biểu tượng của sự sống nên rất coi trọng. Đặc biệt, trong hoàng thất triều đại Joseon, khi hoàng phi sinh con thì dây rốn và nhau thai không bị bỏ đi mà được cất giữ hết sức cẩn thận. Dây rốn và nhau thai được cất giữ trong một chiếc bát sứ nhỏ màu trắng, rồi vào ngày thứ bảy sau sinh thì cử hành nghi thức rửa sạch 100 lần, sau đó được bọc lại nhiều lớp và đựng trong một cái chum lớn hơn, rồi đem chôn ở vị trí tốt. ‎‎Dây rốn và nhau thai được đối đãi một cách quý trọng đến mức có ghi chép được lưu truyền trong Triều Tiên vương triều thực lục rằng vì có công bảo quản dây rốn và nhau thai của hoàng thất một cách tốt đẹp nên thân thế của ai đó cũng được nâng cao, hoặc bị ô nhục vì xử lý bất cẩn.

Nhau thai được gọi là ngôi nhà của thai nhi hay đệm em bé là cơ quan bảo vệ nhằm kết nối thai nhi với thành tử cung, bởi đó thai nhi có thể tồn tại và phát triển trong cơ thể người mẹ. Trải qua 4-5 ngày, trứng được thụ tinh sẽ biến thành phôi hình túi. Lúc này, các tế bào bên trong phôi phát triển thành bào thai, còn các tế bào bên ngoài trở thành nhau thai và dây rốn. Sau khi trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung của người mẹ, các tế bào bên ngoài của phôi thai vừa biến thành các cục bướu dày đặc, vừa phân giải chất đạm để sản sinh enzym, rồi xâm nhập vào thành tử cung để tìm kiếm mạch máu và hình thành mô. Giống như cây cối càng lớn lên thì rễ càng bám sâu xuống đất, nhau thai cũng hình thành nhiều mạch máu trong tử cung người mẹ tùy theo sự phát triển của em bé.

Vào thời kỳ đầu của thai kỳ, sự kết hợp giữa phôi thai và tử cung còn yếu. Thế nhưng, khi nhau thai được hoàn chỉnh thì thai nhi sẽ bám chặt vào mẹ giống như một chiếc thuyền thả neo. Sau 12 tuần của thai kỳ, tỷ lệ sẩy thai giảm đáng kể vì lúc này nhau thai đã được hình thành đầy đủ. Chuột túi và gấu Koala có nhau thai phát triển không hoàn chỉnh, chúng sinh non và nuôi con trong túi cho đến khi con chúng lớn lên đến một mức độ nhất định.

Chuột túi nuôi con trong túi mình

Dây rốn được bắt đầu từ bụng của thai nhi liên kết đến nhau thai, vừa kết nối trực tiếp giữa mẹ và bé, vừa làm trung gian trao đổi chất giữa cả hai. Ôxy và chất dinh dưỡng của người mẹ được cung cấp cho thai nhi, còn các chất thải của thai nhi như khí cacbonic được truyền đến mẹ thông qua dây rốn. Điều đặc biệt thú vị chính là kháng thể. Bé không dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, đậu mùa cho đến 6 tháng tuổi kể từ khi ra đời, vì đã được nhận kháng thể từ người mẹ. Tuy nhiên, không phải tất cả kháng thể của người mẹ đều có thể đi qua nhau thai, cho nên thai nhi không có khả năng miễn dịch đối với các bệnh như ho gà, thủy đậu v.v…

Không chỉ kháng thể mà kể cả các chất khác cũng được thẩm thấu qua nhau thai một cách có chọn lọc. Nhau thai đóng vai trò như một màng lọc khiến cho các chất có lợi đối với thai nhi được đi qua nhưng lại ngăn chặn các chất có hại không cho đi qua. Nhờ vậy mà dù nhóm máu của mẹ và bé khác nhau, thì cũng không có ảnh hưởng gì đến sự sinh tồn của thai nhi. Đó là do nhau thai lọc ra các tế bào hồng cầu và kháng thể.1 Nhờ có nhau thai nên dù người mẹ mắc bệnh do vi khuẩn thì em bé cũng không bị nhiễm bệnh.

1. Tuy các kháng thể nhận biết nhóm máu ABO không đi qua nhau thai được, nhưng các kháng thể nhận biết nhóm máu Rh lại có thể đi qua nhau thai, điều này có thể gây ra vấn đề nếu mẹ là Rh- và em bé là Rh+.

Một số loại thuốc hoặc vi rút có kích thước nhỏ thì có thể xâm nhập vào thai nhi, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ điển hình là các phân tử tan trong chất béo, có kích thước nhỏ như nicotine và cồn có thể đi qua nhau thai và cứ thế chuyển đến thai nhi, vì vậy người mẹ cần phải hết sức chú ý về điều này.

Thai nhi từ tháng thứ 7 của thai kỳ đã có thể phân biệt được sáng và tối. Khi người mẹ cảm nhận được ánh sáng thì hormone melatonin sẽ giảm, sự thay đổi này được truyền đến thai nhi bởi nhau thai. Dù không trực tiếp nhìn thấy bên ngoài, nhưng thai nhi vẫn có thể cảm nhận được ánh sáng mà người mẹ đang thấy.

Không chỉ dừng lại ở vai trò trung gian, mà nhau thai còn trực tiếp sản sinh ra các chất dinh dưỡng và hormone cần thiết cho cơ thể của mẹ và thai nhi. Nhau thai lưu trữ sẵn các chất dinh dưỡng được nhận từ mẹ dưới dạng glycogen, và cung cấp đủ lượng cần thiết cho thai nhi. Ngay cả khi nguồn cung cấp dinh dưỡng từ người mẹ không đồng đều, thai nhi vẫn có thể nhận được chất dinh dưỡng một cách ổn định. Ngoài glycogen, nhau thai còn cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi bằng cách tổng hợp cholesterol và axit béo.

Hơn nữa, trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ, nhau thai tiết ra hCG (Human Chorionic Gonadotropin), một loại hormone để duy trì thai kỳ. Từ tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, nhau thai giúp tử cung phát triển và làm cho tuần hoàn máu suôn sẻ hơn, nhờ tiết ra một lượng lớn progesterone và estrogen để ngăn chặn sự co thắt của tử cung, giúp cho thai nhi có thể phát triển một cách an toàn. Ngoài ra, các hormone quyết định thời điểm chuyển dạ cũng được tiết ra từ nhau thai.

Việc nhau thai có khả năng tồn tại mà không bị phân hủy trong cơ thể người mẹ là một bí ẩn lâu đời trong giới khoa học. Thông thường hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các chất có gen di truyền khác để bảo vệ cơ thể của chúng ta, nhưng thật khó hiểu vì sao nhau thai có nguồn gốc một nửa từ người mẹ và một nửa từ thai nhi lại có thể cùng tồn tại trong cơ thể của người mẹ.

Để giải đáp về vấn đề này, Tiến sĩ Phil Lowry từ Đại học Reading ở Anh quốc cho biết “Bởi vì nhau thai giống như một loại ký sinh trùng đánh lừa hệ thống miễn dịch của người mẹ.” Trong trường hợp của ký sinh trùng, một phân tử được gọi là “Phosphocholine” có trên bề mặt tế bào sẽ đánh lừa hệ thống miễn dịch của con người để cơ thể chấp nhận nó như là tế bào của mình. Giống như vậy, hầu hết các protein được tổng hợp trong nhau thai cũng đều có các phân tử phosphocholine gắn kết với chúng, vì vậy chúng sử dụng chiến lược đánh lừa hệ thống của cơ thể người mẹ. Nhau thai là cơ quan duy chỉ dành cho thai nhi, khi em bé ra đời thì nhau thai sẽ kết thúc vai trò của mình và bong ra khỏi cơ thể người mẹ cùng với cơn đau nhẹ sau sinh.

Thai nhi không thể tự làm bất cứ điều gì, đã lớn lên trong bụng mẹ và ra đời như một sinh mệnh khỏe mạnh. Điều này được thành là bởi dây rốn và nhau thai kết nối giữa mẹ và bé. Cơ thể của người mẹ cứ vô điều kiện cho đi tất thảy mọi thứ cần thiết để làm thành tổ ấm chắc chắn và duy trì sự sống cho thai nhi, rồi lại ôm lấy những thứ không đáng gì.

Hết thảy mọi người sinh ra trên thế gian này đều có rốn, là dấu vết của dây rốn đã từng làm một với mẹ của mình. Ngay từ khoảnh khắc một sự sống được bắt đầu, mẹ và bé đã được kết nối làm một, ấy là mối quan hệ không thể tách rời.

Tham khảo
Lee Seong Gyu, “Vua Sejong Đại đế và câu đố về nhau thai”, Khoa học Đông Á (3/12/2010)
Kim Jung Hoon, “Ranh giới giữa mẹ và bé, sự thần bí của nhau thai”, KISTI Hương thơm của khoa học (3/12/2007)
“Khoa học sinh học của Harihara” (Lee Eun Hee)
“‎Thách thức vĩ đại về Công nghệ sinh học tế bào gốc” (Park Se Pil)