Thập tự giá vốn không có ở trong Hội Thánh Sơ Khai
Lý do mọi hội thánh vào ngày nay đều dựng nên thập tự giá là vì họ coi thập tự giá là biểu tượng của Đấng Christ. Thậm chí kể cả những người không tin vào Đức Chúa Trời cũng nghĩ rằng đây là điều đương nhiên. Tuy nhiên, thập tự giá tuyệt đối không thể trở thành biểu tượng của Đấng Christ.
Đối với các sứ đồ Hội Thánh Sơ Khai, thập tự giá là đối tượng đáng xấu hổ, và là cây gỗ bị rủa sả (Galati 3:13). Thập tự giá đã được du nhập vào trong quá trình Cơ Đốc giáo bị ngoại đạo hóa. Thập tự giá cũng đã được bao gồm trong những vật tượng trưng và tư tưởng của ngoại đạo mà các nhà lãnh đạo của hội thánh La Mã đã tiếp nhận trên danh nghĩa truyền đạo cho những người ngoại đạo. Dựa trên sự Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, hội thánh La Mã đã đưa ra lý do có vẻ hợp lý rằng phải ghi nhớ hy sinh của Đấng Christ mỗi khi nhìn thập tự giá, và đưa thập tự giá vào hội thánh.
Trong tài liệu lịch sử có ghi chép rằng thập tự giá đã được sử dụng chính thức như là biểu tượng của đạo Cơ Đốc giáo từ thời hoàng đế Constantine, La Mã; và cũng có ghi chép rằng thập tự giá được dựng nên bên trong hội thánh từ năm 431 SCN.
Điều rõ ràng là sự thật rằng thập tự giá đã không tồn tại ở trong Hội Thánh trong vòng hàng trăm năm kể từ khi Hội Thánh Sơ Khai được lập ra.
“Các kitô hữu đã chính thức sử dụng thập tự giá như là biểu tượng của Cơ Đốc giáo từ thời Constantine. Đối với các thánh đồ Hội Thánh Sơ Khai, chỉ mới nghe nói đến thập tự giá thì họ đã rùng mình run sợ, nên không có nguy cơ làm đẹp thập tự giá bởi tình cảm.”Baker’s Dictionary of Theology, trang 152
Thập tự giá là hình tượng
Đức Chúa Trời đã cấm việc làm ra bất cứ hình dáng nào để lấy làm đối tượng tín ngưỡng, hầu việc hoặc tôn kính chúng.
“Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó.”Xuất Êdíptô Ký 20:4-5
“Hình tượng của các dân bằng bạc và bằng vàng, là công việc tay loài người làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói, có mắt mà chẳng thấy, có tai mà không nghe, và miệng nó không hơi thở. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó, đều giống như nó.”Thi Thiên 135:15-18
Hình tượng chẳng qua chỉ là hình dáng được dựng nên bởi loài người. Chúng chẳng thể nào có sức sống hoặc hô hấp. Vì thế, bản thân việc thổi ý nghĩa tôn giáo hoặc thần tánh vào hình tượng – vật được làm nên bởi tay của loài người, là hành vi u mê khờ dại biết bao nhiêu? Thập tự giá chẳng qua cũng chỉ là một hình dáng được làm bằng gỗ hoặc vàng bạc thôi.
Giáo huấn thông qua lịch sử thờ lạy con rắn bằng đồng
Trong lịch sử của Cựu Ước, có lời giáo huấn dạy cho biết rằng sự thờ lạy thập tự giá là sự tôn kính hình tượng.
“Ðoạn, dân Ysơraên đi từ núi Hôrơ về hướng Biển đỏ, đặng đi vòng theo xứ Êđôm; giữa đường dân sự ngã lòng. Vậy, dân sự nói nghịch cùng Ðức Chúa Trời và Môise mà rằng: Làm sao người khiến chúng tôi lên khỏi xứ Êdíptô đặng chết trong đồng vắng? Vì đây không có bánh, cũng không có nước, và linh hồn chúng tôi đã ghê gớm thứ đồ ăn đạm bạc nầy. Ðức Giêhôva sai con rắn lửa đến trong dân sự, cắn dân đó đến đỗi người Ysơraên chết rất nhiều. Dân sự bèn đến cùng Môise mà nói rằng: Chúng tôi có phạm tội, vì đã nói nghịch Ðức Giêhôva và người. Hãy cầu xin Ðức Giêhôva để Ngài khiến rắn lìa xa chúng tôi. Môise cầu khẩn cho dân sự. Ðức Giêhôva phán cùng Môise rằng: Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó trên một cây sào. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống. Vậy, Môise làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây sào; nếu người nào đã bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng, thì được sống.”Dân Số Ký 21:4-9
Sau khi được giải phóng khỏi cuộc sống nô lệ tại Êdíptô, những người dân Ysơraên đã phàn nàn Đức Chúa Trời và Môise vì phải đi trên con đường đồng vắng khổ nạn. Do đó, những người dân Ysơraên đã đối mặt với nguy cơ bị chết mất do bị cắn bởi con rắn lửa, họ vội vã xin Môise cầu khẩn sự cứu rỗi lên Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã phán Môise hãy treo con rắn bằng đồng trên một cây sào và phán rằng “nếu nhìn nó thì được sống.” Theo lời ấy, những người dân nào nhìn con rắn bằng đồng trên cây sào đã được sống. Song, những người dân Ysơraên đã hiểu lầm rằng con rắn bằng đồng đã cứu rỗi họ, chứ không phải là lời của Đức Chúa Trời, cho nên họ đã bắt đầu thờ lạy con rắn bằng đồng, và sự thờ lạy của họ đã kéo dài cho đến thời đại của Êxêchia.
“Người làm điều thiện trước mặt Ðức Giêhôva y như Ðavít, tổ phụ người, đã làm. Người phá hủy các nơi cao, đập bể những trụ thờ, đánh hạ các Asêra, và bẻ gãy con rắn đồng mà Môise đã làm; bởi vì cho đến khi ấy dân Ysơraên xông hương cho nó. Người ta gọi hình rắn ấy là Nêhutan.”II Các Vua 18:3-4
Nêhutan có nghĩa là “miếng đồng”. Những người dân Ysơraên đã thờ lạy con rắn bằng đồng trong khoảng thời gian đằng đẵng 800 năm, cho đến khi vua Êxêchia nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời và phá vỡ mọi thần tượng trong đền thờ.
Sự kiện con rắn bằng đồng biểu tượng cho lịch sử của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Jêsus làm ứng nghiệm trên thập tự giá.
“Xưa Môise treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.”Giăng 3:14-15
Đây là lời phán của Đức Chúa Jêsus đã tiên tri rằng Ngài sẽ hy sinh trên thập tự giá. Chúng ta được thoát ra khỏi quyền thế của tội ác và sự chết nhờ sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá, giống như vào đương thời đại Môise, những người dân Ysơraên được sống nhờ thấy con rắn bằng đồng trên cây gậy. Điều quan trọng là sự thật rằng sự cứu rỗi của chúng ta đã được ban cho bởi công lao của huyết báu mà Đức Chúa Jêsus đã đổ ra trên thập tự giá, chứ không phải là bởi thập tự giá. Giống như con rắn bằng đồng chẳng qua chỉ là miếng đồng, thập tự giá cũng chỉ là thần tượng, là một miếng gỗ, chẳng có năng lực cứu rỗi nào cả.
Huyết của Đấng Christ cứu chuộc chúng ta
Giống như những người dân Ysơraên xưa đã quên mất sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và thờ lạy con rắn bằng đồng, là thứ mà mắt họ có thể trông thấy được, vào ngày nay, nhiều người cũng lãng quên ân điển của Đức Chúa Jêsus – Đấng đã hy sinh trên cây thập tự, mà thờ lạy và coi trọng bản thân cái thập tự giá. Tuy nhiên, nếu thật lòng tôn kính Đức Chúa Trời thì phải ghi nhớ công lao của huyết báu mà Đức Chúa Jêsus đã đổ ra trên cây thập tự, chứ không phải là thập tự giá. Đó chính là đạo lý của con cái tôn kính Đức Chúa Trời một cách đúng đắn.
“vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Ðấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít.”I Phierơ 1:18-19