Mối quan hệ giữa đức tin và sự vâng phục

5553 Xem

Mọi người đều có gia đình là mối nhân duyên quý báu mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Ngài đã ban cho mỗi người một “gia đình”, là cộng đồng của tình yêu thương, giống như Nước Thiên Đàng thu nhỏ ngập tràn hạnh phúc.

Từ góc nhìn phần linh hồn, tất thảy chúng ta đều là thành viên của gia đình phần linh hồn. Chúng ta có Cha Mẹ phần linh hồn và có các anh chị em phần linh hồn. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng lời “Hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết, đồng thời lời phán “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi” là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo (Mathiơ 22:37-38, Êphêsô 6:2). Kinh Thánh dạy dỗ rằng chúng ta phải tôn kính cha mẹ phần xác, và cũng hãy làm trọn sự kính trọng và hiếu thảo với Đức Chúa Trời, là Cha Mẹ phần linh hồn.

Vậy, cha mẹ mong muốn điều gì nhất ở các con cái? Cha mẹ đẹp lòng nhất khi con cái vâng theo ý muốn của cha mẹ. Giống như vậy, điều mà Đức Chúa Trời Cha Mẹ mong muốn ở chúng ta chính là “sự vâng phục”. Trong khi nhìn lại đức tin của bản thân, chúng ta hãy tìm hiểu về mối quan hệ giữa đức tin và sự vâng phục thông qua Kinh Thánh.

Đức tin được trở nên trọn vẹn bởi sự vâng phục

Đức tin là yếu tố cốt lõi trong cuộc sống tín ngưỡng của chúng ta. Không có đức tin thì chẳng thể nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và cũng không thể có bất kỳ sự biến hóa phần linh hồn nào. Bởi vậy, đức tin là yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống tín ngưỡng của chúng ta.

Kinh Thánh định nghĩa đức tin trọn vẹn là “đức tin có việc làm”, chứ không phải là đức tin chỉ nói thôi (Giacơ 2:14-26). Ở đây, việc làm có nghĩa là vâng phục lời của Đức Chúa Trời. Đức tin có thể được đo lường thông qua sự vâng phục. Vâng phục chính là biểu hiện hữu hình của đức tin vô hình.

Yếu tố cơ bản đã phá vỡ mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và loài người chính là sự không vâng phục. Đức Chúa Trời đã phán lệnh Ađam và Êva không được ăn trái thiện ác, nhưng họ đã giơ tay hái trái cây ấy mà ăn bởi sự không vâng phục. Kết quả là mối quan hệ giữa họ với Đức Chúa Trời bị cắt đứt và họ bị đuổi ra khỏi vườn Êđen (Sáng Thế Ký chương 2-3).

Tội lỗi của Ađam và Êva được ghi lại trong Sáng Thế Ký là hình bóng bày tỏ một cách dễ hiểu về tình huống chúng ta đã phạm tội ở trên trời và bị đuổi xuống trái đất này. Vậy với tư cách là tội nhân, chúng ta phải làm gì để khôi phục mối quan hệ với Đức Chúa Trời? Mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con cái vốn bị xa cách bởi sự không vâng phục, nên chỉ bởi sự vâng phục thì mối quan hệ mới được xích lại gần hơn.

Đức Chúa Jêsus cũng làm gương về sự vâng phục khi Ngài đến thế gian để cứu rỗi nhân loại.

“Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài, lại có Ðức Chúa Trời xưng Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mênchixêđéc.” Hêbơrơ 5:8-10

Đức Chúa Jêsus chính là bản thể Đức Chúa Trời, là Cha đời đời, nhưng Ngài đã đến thế gian này với tư cách là Con của Đức Chúa Trời và sống cuộc đời đức tin tuyệt đối vâng phục Đức Chúa Trời (Tham khảo: Êsai 9:5, Philíp 2:5). Ngài đã dạy chúng ta rằng sự vâng phục là yếu tố quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời Cha Mẹ và các con cái của Ngài.

Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Jêsus đã học tập vâng lời bởi những sự khổ nạn mà Ngài đã chịu và được làm nên trọn vẹn rồi. Đức tin của chúng ta không thể được trọn vẹn nếu không có sự vâng phục. Sách Rôma cũng nhấn mạnh rằng sự vâng phục dẫn dắt loài người đến sự cứu rỗi.

“Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình.” Rôma 5:18-19

Trong câu 19, “một người” được nhắc đến trước là chỉ về Ađam, còn “một người” được nhắc đến sau là chỉ về Đức Chúa Jêsus. Bởi sự không vâng phục của một người là Ađam, mà tất thảy mọi người đều trở thành kẻ có tội, nhưng bởi sự vâng phục của một người là Đức Chúa Jêsus Christ mà mọi người đều được trở nên công bình và được giải phóng khỏi tội lỗi. Vậy, Đấng Christ đã sống cuộc đời thể nào hầu cho loài người, là những kẻ đã trở thành tội nhân bởi sự không vâng phục, được biến hóa thành người công bình? Chúng ta hãy sống theo cuộc đời vâng phục của Ngài.

Tấm gương vâng phục của Đức Chúa Jêsus

Vào đêm trước khi Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh, Ngài đã lên núi Ôlive và khẩn thiết cầu nguyện sau khi giữ Lễ Vượt Qua. Khung cảnh này đã khắc sâu trong tấm lòng chúng ta về sự vâng phục của Đức Chúa Jêsus.

“rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!… Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài. Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất…” Luca 22:42-46

Bởi biết trước rằng bản thân sẽ phải chịu khổ nạn trên thập tự giá, nên nỗi đau đớn tinh thần của Đức Chúa Jêsus là vô cùng lớn, đến nỗi Ngài không thể nói nên lời. Đã được chép rằng mồ hôi của Ngài trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất. Hẳn Ngài đã cầu nguyện thật khẩn thiết và đau buồn biết bao thay! Dầu vậy, Ngài đã cầu nguyện rằng “xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!”, và Ngài đã chấp nhận đau đớn, tủi nhục, thậm chí đến cả sự chết để cứu rỗi nhân loại.

Đức Chúa Jêsus đã làm gương trong mọi sự này, hầu cho chúng ta cũng làm như Ngài đã làm cho chúng ta (Giăng 13:15). Đấng Christ làm gương trong việc rửa chân cho các môn đồ, làm gương giữ Lễ Vượt Qua, làm gương giữ ngày Sabát, làm gương vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời Cha. Đích thân Ngài đã làm gương về mọi con đường đức tin mà chúng ta phải bước đi.

“Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; ta xét đoán theo điều ta nghe, và sự xét đoán ta là công bình, vì ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta.” Giăng 5:30

“… Bởi ta chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào. Ta biết mạng lịnh Cha, ấy là sự sống đời đời. Vậy, những điều ta nói, thì nói theo như Cha ta đã dặn.” Giăng 12:47-50

Đức Chúa Jêsus nói rằng Ngài đến thế gian này để tiến hành trọn vẹn theo ý muốn chí thánh của Đức Chúa Trời, là Đấng đã sai Ngài đến, và cho biết rằng Ngài tiến hành mọi việc mà Đức Chúa Trời đã phán bảo.

Khi dò xem bốn sách Tin Lành, chúng ta thấy rằng mọi việc Đức Chúa Jêsus làm đều là chuỗi của sự vâng phục. Từ lúc sinh ra cho đến tận khoảnh khắc trút hơi thở, Ngài đã làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong mọi sự. Ngài đã cho mọi người biết về sự dạy dỗ mà Đức Chúa Trời phán dặn chứ không tự ý nói dù chỉ là một lời. Đích thân Ngài đã gánh vách thay khổ nạn thập tự giá theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Sau đó, Đức Chúa Jêsus đã kết thúc cuộc đời Tin Lành của Ngài bởi lời phán rằng “Mọi việc đã được trọn”.

“… Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.” Giăng 19:28-30

Dĩ nhiên, Đức Chúa Jêsus đã làm ứng nghiệm tất thảy mọi lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước về chính Ngài, nhưng lời phán rằng “Mọi việc đã được trọn” ngụ ý rằng Ngài đã làm ứng nghiệm mọi điều mà Đức Chúa Trời Cha đã phán bảo Ngài làm. Đức Chúa Jêsus đã sống cuộc đời vâng phục và thi hành theo ý muốn của Đức Chúa Trời Cha, và Ngài cũng phán lời theo ý muốn của Đức Chúa Trời Cha như thế.

Nước Thiên Đàng là nơi những người vâng phục đi vào

Với vô số thông tin được truyền đến mỗi ngày, ngày nay, nhiều người đang có xu hướng nhìn nhận và đánh giá mọi thứ theo thường thức. Bởi vậy, người ta không muốn làm theo nếu điều đó không nhất quán với suy nghĩ của bản thân, dù là lời phán của Đức Chúa Trời đi chăng nữa. Thậm chí trong số những người tự xưng rằng tin vào Đức Chúa Trời, cũng có nhiều người cố chấp theo chủ trương riêng mình và đặt lên trên lời của Đức Chúa Trời.

Chúng ta không thể vâng phục lời của Đức Chúa Trời nếu chính bản thân chúng ta sống ở trong chúng ta. Tuy nhiên, nếu chỉ có Đấng Christ sống ở trong chúng ta thì sự vâng phục thật dễ dàng. Khi có niềm trông mong đời đời, chúng ta có thể vui mừng vâng theo lời của Đức Chúa Trời.

“Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta.” Giăng 14:21

Chúng ta cần phải có đức tin vâng phục để giữ gìn trọn vẹn điều răn của Đức Chúa Trời. Nếu không vâng phục thì không thể giữ các điều răn ấy được. Đức Chúa Jêsus cũng phán rằng chỉ những người làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời mới được đi vào Nước Thiên Đàng.

“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” Mathiơ 7:21

Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời chính là vâng phục. Chỉ những ai vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời mới được đi vào Nước Thiên Đàng. Dù thờ phượng Chủ nhật và lễ giáng sinh đã được giữ trong suốt thời gian dài là hơn một ngàn năm đi chăng nữa, nhưng nếu đó là những giáo lý bị biến chất không có trong Kinh Thánh thì chúng ta phải từ chối, và thay vào đó, chúng ta phải giữ ngày Sabát và Lễ Vượt Qua. Đây chính là đạo lý của những người vâng phục lời của Đức Chúa Trời, chẳng phải vậy sao?

Những thánh đồ được cứu chuộc là những người đi theo Chiên Con đến bất cứ nơi nào Ngài dẫn dắt (Khải Huyền 14:1-5). Hơn nữa, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẵn sàng phạt mọi hành động không vâng phục khi sự vâng phục của chúng ta được trọn vẹn (II Côrinhtô 10:6). Khi suy ngẫm về lời ví dụ của Đức Chúa Jêsus rằng Ngài sẽ phân biệt giữa chiên với dê vào ngày phán xét, chúng ta có thể thấy sự vâng phục là đức tin mà những người thuộc trong bầy chiên mới có. Như lời Ngài đã phán “Chiên Ta nghe tiếng Ta”, tiêu chuẩn quan trọng nhất để Đức Chúa Trời phân biệt giữa người công bình và kẻ làm ác vào ngày phán xét cuối cùng chính là việc họ có vâng phục lời của Đức Chúa Trời hay không (Mathiơ 25:31-46, Giăng 10:27). Nên Đấng Christ đã đến thế gian này và sống cuộc đời vâng phục cho đến chết.

Các tổ phụ đã chứng tỏ đức tin của họ bởi sự vâng phục

Đức tin và sự vâng phục có mối quan hệ không thể tách rời, và đức tin được làm chứng bởi sự vâng phục. Dù là người tự hào rằng bản thân có đức tin, nhưng nếu không vâng phục lời của Đức Chúa Trời thì người đó không thể được coi là có đức tin.

Những người có đức tin luôn vâng phục lời của Đức Chúa Trời. Một ngày nọ, để thử đức tin của Ápraham, Đức Chúa Trời đã phán lệnh cho Ápraham rằng hãy dâng con trai duy nhất của mình là Ysác làm của lễ thiêu. Việc dâng đứa con trai quý giá mà mình có được khi đã 100 tuổi làm của lễ thiêu thật sự rất khó khăn đối với người cha. Nhưng Ápraham đã ngay lập tức vâng lời của Đức Chúa Trời. Ápraham đã không hỏi “Làm sao Ngài có thể lấy đi đứa con trai mà tôi sinh ra khi đã 100 tuổi?”, “Xin Ngài cho phép tôi dâng một của lễ khác, có được không?”. Thay vào đó, người dẫn theo Ysác và đi thẳng đến núi Môria. Trên đường lên núi, Ysác hỏi rằng “Hỡi cha! Củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu?” Khi đó, tấm lòng của Ápraham đã như thế nào đây? Người đã đáp rằng “Con ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu”. Thế rồi khi đến núi Môria, Ápraham đã chuẩn bị dâng Ysác như Đức Chúa Trời phán dặn. Ngay khoảnh khắc ấy, người được nghe thấy giọng tiếng của Đức Chúa Trời. “Hỡi Ápraham! Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi.” Ápraham đã vượt qua thử thách khó khăn nhất trong cuộc đời mình bởi sự vâng phục, nên người đã được Đức Chúa Trời ban cho phước lành lớn lao (Sáng Thế Ký 22:1-18).

Nôê cũng đã có đức tin thật vĩ đại. Khi Đức Chúa Trời phán lệnh cho Nôê làm công việc không thể tưởng tượng nổi vào thời đó, người đã đóng tàu theo như lời Đức Chúa Trời phán dặn. Nôê đã giữ vững đức tin bởi sự tiếp nhận và vâng phục hết thảy mạng lịnh của Đức Chúa Trời, nên người cùng cả gia đình mình đã được cứu (Sáng Thế Ký chương 6-7, Hêbơrơ 11:7).

Vào thời Giôsuê, người dân Ysơraên đã đi vòng quanh thành Giêricô bảy lần và la lớn lên vào ngày thứ bảy theo như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn họ. Thế rồi điều gì đã xảy ra sau đó? Một số người có thể nghĩ “Liệu tường thành có thực sự sụp đổ nếu chúng ta chỉ đi vòng xung quanh thành và la lớn lên chăng?”. Tuy nhiên, khi họ vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời thì sự việc đáng ngạc nhiên đã xảy ra. Vì đang sống trong thế giới ba chiều nên chúng ta không thể hiểu hết được cách mà Đức Chúa Trời vận hành thế gian này trong thế giới thuộc chiều cao hơn. Vì thế, chúng ta phải vâng phục bất cứ điều gì mà Đức Chúa Trời đã phán dạy. Có thể chúng ta không biết ý muốn của Đức Chúa Trời ngay lúc đó, nhưng về sau chúng ta sẽ nhận ra (Giôsuê chương 6, Giăng 13:7).

Khi 300 dũng sĩ Ghêđêôn đánh bại 135.000 quân Mađian hùng mạnh, Đức Chúa Trời đã sử dụng phương pháp mà loài người không thể tưởng tượng nổi. Ban đầu đội quân Ysơraên có 32.000 người. Sau đó, 22.000 người đã trở về theo lời Đức Chúa Trời phán rằng “Ai là người sợ hãi run rẩy, khá trở về”. Dù chiến đấu bởi 10.000 người còn lại đi chăng nữa, thì đội quân của Ghêđêôn cũng quá yếu so với quân địch, nhưng Đức Chúa Trời lại phán với Ghêđêôn rằng “Dân hãy còn đông quá!”. Sau đó, Ngài thử các dũng sĩ bên dòng suối và chỉ chọn ra 300 người.

Vâng theo lời của Đức Chúa Trời, Ghêđêôn và 300 dũng sĩ đã xâm nhập vào trại của quân địch trong ban đêm. Họ đập bể bình và giơ cao ngọn đuốc, vừa thổi kèn vang khi quân Mađian đang ngủ say. Quân Mađian bị bất ngờ nên lầm tưởng rằng toàn bộ những người trước mắt mình là kẻ địch và bắt đầu tấn công lẫn nhau. Bởi đó, quân Mađian gần như bị tiêu diệt hoàn toàn còn đội quân Ysơraên giành được chiến thắng vang dội. Sự vâng phục đã mang lại chiến thắng cho họ (Các Quan Xét chương 6-7).

Vào đương thời xuất Êdíptô, người dân Ysơraên đã ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan là Biển Đỏ chặn trước mặt, còn quân đội Êdíptô đuổi theo phía sau. Khi ấy, Đức Chúa Trời đã phán với Môise rằng “Hãy giơ gậy lên và đưa tay trên mặt biển, thì nước biển sẽ phân rẽ ra!”. Khi Môise giơ gậy lên, nước biển đã phân rẽ ra theo lời phán và người dân Ysơraên đã đi ngang qua biển cách bình an vô sự (Xuất Êdíptô Ký chương 14).

Đức tin của các tổ phụ đều đã được làm chứng thông qua sự vâng phục của họ. Bất cứ khi nào họ vâng theo lời phán của Đức Chúa Trời thì lịch sử đáng ngạc nhiên đã xảy ra. Sự chinh phục thành Giêricô của Giôsuê cũng đã như thế, chiến thắng của Ghêđêôn và ngay cả phép lạ của Môise cũng vậy. Ở nơi không có sự vâng phục thì thế giới đức tin không thể được hình thành, và ở nơi đức tin không được hình thành thì lịch sử của Đức Chúa Trời không thể diễn ra được. Đây là ý muốn của Đức Chúa Trời mà Ngài đã bày tỏ cho chúng ta thông qua Kinh Thánh.

Sự vâng phục mang đến mọi phước lành

Ápraham và Nôê, là những người có đức tin vững chắc, đã làm chứng về đức tin của họ như thế nào? Sứ đồ Phaolô, người có đức tin xuất chúng, đã làm chứng về đức tin của bản thân bởi điều gì? Hết thảy đều cho thấy đức tin thông qua sự vâng phục. Đã được chép rằng Đấng Christ cũng đã trở nên trọn vẹn bởi sự vâng phục cho đến chết, và được nâng cao lên hơn tất thảy muôn vật. Ngài được ban cho danh vượt trên hết thảy mọi linh vật và thiên sứ trên trời.

“Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi cách trung thành, cẩn thận làm theo mọi điều răn của Ngài, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, thì Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban cho ngươi sự trổi hơn mọi dân trên đất. Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, nầy là mọi phước lành sẽ giáng xuống trên mình ngươi: Ngươi sẽ được phước trong thành, và được phước ngoài đồng ruộng. Bông trái của thân thể ngươi, hoa quả của đất ruộng ngươi, sản vật của sinh súc ngươi, luôn với lứa đẻ của bò cái và chiên cái ngươi, đều sẽ được phước; cái giỏ và thùng nhồi bột của ngươi đều sẽ được phước! Ngươi sẽ được phước trong khi đi ra, và sẽ được phước trong khi vào… Nhưng nếu ngươi không nghe theo tiếng phán của Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, không cẩn thận làm theo các điều răn và luật pháp của Ngài mà ta truyền cho ngươi ngày nay, thì nầy là mọi sự rủa sả sẽ giáng xuống trên mình ngươi và theo kịp ngươi…” Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:1-19

Kết quả của sự vâng phục là hết thảy mọi phước lành, còn kết quả của sự không vâng phục là mọi sự rủa sả. Giống như lời rằng “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”, kết quả của sự vâng phục và không vâng phục chắc chắn là khác nhau.

Người dân Ysơraên đã phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn khi sinh hoạt trên đồng vắng. Đức Chúa Trời đã dẫn họ đi qua đồng vắng, nơi không có lương thực và nước uống là bởi Ngài không có năng lực sao? Không phải vậy đâu. Đã được phán rằng “Để hạ ngươi xuống và thử ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có gìn giữ những điều răn của Ngài hay chăng” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:1-2). Chúng ta cũng có lúc gặp phải khó khăn trong nhiều hoàn cảnh và tình huống khi bước đi trên con đường đồng vắng đức tin. Mỗi khi như thế, chúng ta hãy nhớ đến hành trình của người dân Ysơraên trên đồng vắng. Giống như Đức Chúa Trời đã thử thách Ápraham, Ngài cũng đang kiểm tra đức tin của chúng ta thông qua sự vâng phục.

Đức Chúa Trời Cha Mẹ đã đến thế gian này để cứu rỗi các con cái Siôn. Dù Ngài dẫn dắt chúng ta đến bất cứ nơi nào, chúng ta cũng hãy đi theo bởi sự vâng phục trong khi tin chắc rằng sự dạy dỗ của Cha Mẹ là sự sống đời đời và là con đường Nước Thiên Đàng. Đức tin và sự vâng phục chính là điều mà chúng ta phải chuẩn bị khi vương quốc vĩnh cửu của Đức Chúa Trời đến càng gần.

Chẳng phải Đức Chúa Trời đã đo lường đức tin của Ápraham, của Nôê, Ghêđêôn và Giôsuê thông qua sự vâng phục hay sao? Chúng ta phải liên tục làm tăng chỉ số đức tin của chúng ta bởi sự vâng phục. Trong khi suy ngẫm về lịch sử đã qua, tôi mong chúng ta được nhận lãnh mọi phước lành bởi việc vâng phục trọn vẹn sự dạy dỗ thiện lành của Đức Chúa Trời. Mong rằng hết thảy chúng ta sẽ có đức tin lớn hơn đức tin của Ápraham và Nôê với tư cách là những trái đầu mùa làm đẹp lòng Đức Chúa Trời Cha Mẹ và xứng đáng để Cha Mẹ tự hào trước các thiên sứ và tất thảy mọi linh vật trên trời. Chúng ta hãy trở thành các con cái Siôn biết liên hiệp và hòa thuận với nhau, hầu cho đều được đi vào Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, là vương quốc của tình yêu thương mà Đức Chúa Trời Mẹ đang dẫn dắt.