Tác động khiến một vật tự dịch chuyển hoặc làm cho vật khác dịch chuyển được gọi là “sức mạnh”. Sức mạnh đến từ đâu? Có người cho rằng sức mạnh đến từ cơ bắp và cần phải nuôi dưỡng cơ bắp thì sức mạnh mới gia tăng. Cũng có người nói rằng xương chắc khỏe chính là nguồn gốc của sức mạnh. Ngoài ra, một số người cho rằng phải hấp thụ đều đặn các chất dinh dưỡng thì mới có thể phát huy tối đa sức mạnh, nên họ cũng siêng năng dùng những thực phẩm và thuốc bổ được cho là có lợi đối với cơ thể.
Nếu sức mạnh phần xác thịt còn như thế, thì sức mạnh phần linh hồn của chúng ta bởi đâu mà đến? Đức Chúa Trời chính là sức mạnh của chúng ta chứ không phải đâu khác. Khi gặp phải những vấn đề khó khăn trong cuộc sống đời này, người ta thường tìm kiếm người có nhiều quyền lực, tài sản hoặc kiến thức chuyên môn hơn mình và dựa vào người đó để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, những người đã hiểu biết trọn vẹn rằng Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo trời đất muôn vật và chủ quản mọi sinh tử họa phúc của nhân sinh, thì sẽ tìm kiếm và trông cậy Đức Chúa Trời để có thể đạt được thắng lợi dầu thử thách và khổ nạn có xảy đến đi chăng nữa. Chúng ta hãy cùng có thời gian nhìn lại xem liệu chúng ta có đang sinh sống với đức tin rằng “Đức Chúa Trời là sức mạnh của tôi” hay chăng.
Các tổ phụ đức tin đã khắc phục và vượt qua hoàn cảnh khó khăn bởi đã trông cậy vào Đức Chúa Trời, dù trong tình huống nào đi chăng nữa, họ cũng coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình. Họ đã sống trong sự hân hoan và vui mừng khi được đồng hành với Đức Chúa Trời mà không bận tâm đến của cải hay quyền lực của thế gian; Đức Chúa Trời đã ban vinh hiển của Nước Thiên Đàng vĩnh cửu cho những người có đức tin thể này vào lúc cuối cùng trong cuộc đời của họ.
Trái lại, ở nhiều nơi trong Kinh Thánh cũng có ghi chép lịch sử về những kẻ đã nhờ cậy vào thần khác như Baanh hay Asêra, hoặc nhờ cậy loài người và thế gian, rồi gặp thất bại và phải đối mặt với kết cục bi thảm.
“Lưỡi ngươi toan sự tà ác và làm điều giả dối, Khác nào dao cạo bén. Ngươi chuộng điều dữ hơn là điều lành, Thích sự nói dối hơn là nói sự công bình. (Sêla) Hỡi lưỡi dối trá, Ngươi ưa mến các lời tàn hại. Đức Chúa Trời cũng sẽ phá hại ngươi đời đời; Ngài sẽ bắt ngươi, rứt ngươi khỏi trại ngươi, Và nhổ ngươi khỏi đất kẻ sống. (Sêla) Người công bình sẽ thấy, bèn bắt sợ, Và cười người, mà rằng: Kìa, là người không nhờ Đức Chúa Trời làm sức lực mình, Song nhờ cậy nơi sự giàu có hiếm hiệm mình. Làm cho mình vững bền trong sự ác mình!” Thi Thiên 52:2-7
Kẻ không nhờ cậy Đức Chúa Trời làm sức lực mình, tức là những người nhờ cậy sự giàu có về của cải mình và dùng để làm việc ác. Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ tiêu diệt những kẻ này đời đời và nhổ tận gốc rễ của họ khỏi đất người sống. Vua Achaxia của nước Ysơraên là một nhân vật điển hình cho điều đó.
“Sau khi Aháp băng hà, dân Môáp phản nghịch cùng Ysơraên. Achaxia té ngang qua song lầu mình tại Samari, và vì cớ ấy mang bịnh. Người bèn sai sứ giả đi, mà dặn rằng: Hãy đi cầu vấn Baanh Xêbụt, thần của Écrôn, đặng cho biết ta sẽ lành bịnh nầy chăng? Nhưng thiên sứ của Đức Giêhôva phán với Êli, người Thisêbe, rằng: Hãy chỗi dậy, đi lên đón các sứ giả của vua Samari, và nói với họ rằng: Trong Ysơraên há không có Đức Chúa Trời sao, nên ngươi đi cầu vấn Baanh Xêbụt, thần của Écrôn? Bởi cớ đó, Đức Giêhôva phán như vầy: Ngươi sẽ không xuống khỏi giường mà ngươi đã lên, nhưng hẳn sẽ chết. Đoạn, Êli đi. Đã được phán như vậy.” II Các Vua 1:1-4
Dân Ysơraên đã tin vào Giêhôva Đức Chúa Trời từ thời các tổ phụ và truyền lại từ đời này sang đời khác. Thế mà vua Achaxia lại muốn cầu vấn Baanh Xêbụt, thần của Écrôn về bệnh tình của mình. Ông đã giao phó tương lai của mình cho thần ngoại bang mà không phải là Đức Chúa Trời. Achaxia, người không coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình, rốt cuộc đã không được chữa khỏi và đã chết trên giường bệnh y như lời phán của Đức Chúa Trời mà Êli đã truyền cho.
Chúng ta cần phải suy nghĩ một cách sâu sắc xem vì sao ghi chép thể này lại có trong Kinh Thánh. Nếu không coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình, thì sẽ nảy sinh tấm lòng giống như Achaxia. Khi khổ sở và vất vả, người ta thường tìm kiếm một sự tồn tại khác dường như sẽ đem lại niềm vui và sức mạnh cho mình. Mỗi khi như thế, Ysơraên lại bị các dân tộc ngoại bang xâm lược hoặc phát sinh tình huống không mong đợi cả trong và ngoài nước. Thông qua hoạn nạn, Đức Chúa Trời mong muốn làm cho họ thức tỉnh rằng Đức Chúa Trời luôn ở bên cạnh họ, hầu cho họ phải tìm kiếm và trông cậy vào Đức Chúa Trời.
Giờ đây, chúng ta đang chạy trên con đường đức tin hướng đến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu. Có rất nhiều loại người trên con đường này. Có người đang nghỉ ngơi vì cảm thấy mệt mỏi, cũng có người đang chạy hướng tới mà không ngơi nghỉ. Có những người ngồi xuống vì kiệt sức bởi thử thách, nhưng cũng có những người có thêm dũng khí để tiến lên một cách mạnh mẽ. Sự khác biệt đó xuất phát từ đức tin coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình. Những ai coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình thì không bao giờ bị kiệt sức trên con đường đi đến Nước Thiên Đàng. Mỗi ngày đều vui mừng, hớn hở cùng với niềm trông mong mới cứ tuôn trào ra. Vì Đức Chúa Trời, là Đấng toàn năng chẳng hề mệt mỏi, cũng chẳng hề đuối sức đang ban thêm sức mạnh cho (Êsai 40:28-31).
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải đối mặt với những tình huống không mấy hài lòng. Cũng có lúc bị rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn, hoặc phải ở cùng với những người khó tiếp xúc. Lúc này, nếu chúng ta giải quyết vấn đề dựa vào tri thức thế gian, vật chất hoặc người tài giỏi hơn mình, thì sự khó khăn sẽ chỉ tăng thêm mà thôi. Sẽ có nhiều loại tình huống xảy đến, nhưng giải pháp luôn chỉ có một. Ấy chính là nhờ cậy vào Đức Chúa Trời.
“Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, phạm tội ác gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành. Đức Chúa Trời từ trên trời ngó xuống con loài người, Đặng xem thử có ai thông sáng, Tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng. Chúng nó thay thảy đều lui lại, cùng nhau trở nên ô uế; Chẳng có ai làm điều lành, Dầu một người cũng không.” Thi Thiên 53:1-3
Đây là suy nghĩ của những người không coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình. Song, Đức Chúa Trời vẫn xem thử liệu có người nào đang tìm kiếm Ngài chăng, hoặc có ai đang coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình hay chăng.
Trên thực tế, rất nhiều người ngày nay đang sinh sống mà không có Đức Chúa Trời. Có người ham muốn và trông cậy vào quyền lực, cũng có người lại muốn sở hữu vật chất để trông vào sức mạnh bởi vật chất ấy. Họ cứ bám víu vào tri thức và danh dự, coi đó là niềm tự hào và sức mạnh của bản thân. Nhưng con cái của Đức Chúa Trời thì phải khác. Ngay cả trong thời đại không tìm kiếm Đức Chúa Trời, thì chúng ta cũng phải tìm kiếm Đức Chúa Trời là nguồn của mọi sức mạnh và phải luôn khoe khoang về Đức Chúa Trời.
“Kẻ nào chống cãi Đức Giêhôva sẽ bị phá tan! Từ trên trời cao, Đức Giêhôva sẽ sấm sét cùng chúng nó. Ngài sẽ đoán xét bốn phương của đất, Ban thế lực cho Vua Ngài, Và làm cho quyền năng Đấng chịu xức dầu của Ngài ra lớn.” I Samuên 2:10
Đức Chúa Trời cảnh báo rằng kẻ đối nghịch với Ngài đều sẽ bị phá tan. Những người không biết Đức Chúa Trời không những không nhờ cậy Đức Chúa Trời mà còn phủ nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Họ chê cười và nhạo báng những người sống theo lời của Đức Chúa Trời. Vào ngày vinh hiển của Đức Chúa Trời, họ sẽ tận mắt chứng kiến cuộc đời của chúng ta, những người đã sống theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, thật là cuộc sống sáng láng biết bao.
Đức Chúa Trời rèn luyện các con cái như luyện vàng và bạc hầu cho chúng ta được biến hóa thành hình ảnh trắng và sạch (Malachi 3:2-3). Giống như phải có quá trình nấu chảy trong lửa nóng thì mới có được kim loại quý tinh khiết đã loại bỏ tạp chất, chúng ta cũng phải trải qua thời gian rèn luyện trên đất này thì mới có thể sanh lại mới thành hình ảnh tinh khiết và được trở về Nước Thiên Đàng. Đối với những trở ngại lớn nhỏ đôi khi được đặt trước mắt chúng ta, hãy nhớ rằng có sự quan phòng của Đức Chúa Trời để rèn luyện chúng ta và có Nước Thiên Đàng vĩnh cửu ở cuối con đường ấy. Tôi mong rằng các quý vị đều trở thành những người nhà Siôn luôn trông cậy vào Đức Chúa Trời, Đấng nguồn sức mạnh của chúng ta, và đi theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời để chắc chắn được đi vào Nước Thiên Đàng.
Cậu bé Đavít đã dạn dĩ đối đầu với Gôliát, kẻ mà kể cả lão tướng bách chiến cũng phải khiếp sợ, không phải bởi nhờ cậy vào tài nghệ hay năng lực của bản thân. Khi xem sách Thi Thiên mà Đavít ghi chép, thì thấy rằng ông đã luôn coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình, và tán dương rằng Đức Chúa Trời là đồn luỹ và là cái khiên của mình, là thành lũy ẩn náu trong ngày hoạn nạn.
“Hỡi Đức Giêhôva, Ngài là năng lực tôi, tôi yêu mến Ngài. Ðức Giêhôva là hòn đá tôi, đồn lũy tôi, Ðấng giải cứu tôi; Ðức Chúa Trời là hòn đá tôi, nơi Ngài tôi sẽ nương náu mình; Ngài cũng là cái khiên tôi, sừng cứu rỗi tôi, và là nơi náu ẩn cao của tôi.” Thi Thiên 18:1-2
Vì đã tiến bước bằng đức tin thể ấy, nên ông đã có thể giành được chiến thắng trong trận chiến với Gôliát, chẳng phải vậy sao? Không chỉ Đavít, mà hết thảy các tổ phụ đức tin được nhắc đến trong Kinh Thánh như Nôê, Ápraham, Ysác, Giacốp, Môise, v.v… và hết thảy các đấng tiên tri đã tiến hành công việc của Đức Chúa Trời một cách tuyệt vời đều đã bước đi trên con đường đức tin trong khi luôn coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình.
“Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; Cây ôlive không sanh sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ ăn; Bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa. dầu vậy, tôi sẽ vui mừng trong Đức Giêhôva, Tôi sẽ hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi tôi. Đức Giêhôva là Chúa, là sức mạnh của tôi, Ngài làm cho chân tôi giống như chân con hươu, Khiến tôi đi trên các nơi cao của mình.” Habacúc 3:17-19
Có thể đối với những người khác, ruộng phải dư dật đồ ăn, bầy chiên phải nhiều và bầy bò phải đông đúc trong chuồng thì mới vui vẻ. Nhưng, dầu cho bị thiếu thốn những điều đó đi chăng nữa, đấng tiên tri Habacúc vẫn vui mừng và hớn hở vì có Đức Chúa Trời ở cùng với mình. Bởi vì Đức Chúa Trời là sức mạnh của ông.
Còn chúng ta, những người đang bước đi trên con đường đức tin vào thời đại Đức Thánh Linh ngày nay thì sao? Đối với người thế gian, có thể của cải vật chất là nguồn sức mạnh và hạnh phúc của họ, nhưng chúng ta đang có tồn tại quý giá nhất mà họ không có được. Đức Chúa Trời Êlôhim, Đấng chủ nhân của trời đất và muôn vật, đang ngự trong tôi thì há có thứ gì trên đất này có thể trở thành sức mạnh và là đối tượng ưa muốn đối với tôi chăng? Tôi mong rằng các quý vị sẽ trở thành những thánh đồ luôn khoe khoang về Đức Chúa Trời rằng “Đấng An Xang Hồng, Đấng Cứu Chúa của thời đại Đức Thánh Linh, là sức mạnh của tôi”, “Mẹ Giêrusalem là sức mạnh của tôi”; và ấp ủ lòng tự hào và niềm vui vì có Đức Chúa Trời ở cùng mình.
“Bấy giờ các trưởng Giuđa sẽ nói trong lòng mình rằng: Những dân cư Giêrusalem là sức mạnh của ta trong Đức Giêhôva vạn quân, là Đức Chúa Trời mình.” Xachari 12:5
Mỗi khi quý vị bị kiệt sức và mệt nhọc vì công việc thế gian, xin hãy thử nghĩ đến Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng vận hành và quản trị cả vũ trụ một cách trật tự, đang ở cùng chúng ta và trở nên sức mạnh của chúng ta.
Các tổ phụ đức tin một mực coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của bản thân, đã luôn tiến bước trong khi trông cậy và coi Đức Chúa Trời là sự sáng kể cả trong nơi tối tăm. Có thể cuộc sống của họ trông có vẻ khờ dại và ngốc nghếch theo quan điểm của thế gian, nhưng đó lại là cuộc sống tốt đẹp nhất trong mắt Đức Chúa Trời. Ấy là vì họ đã nhận biết đúng đắn về điều quan trọng nhất mà họ phải biết trên đất này.
Chúng ta, là những người đang sống trong thời đại Đức Thánh Linh, hãy có đức tin rằng Cha An Xang Hồng và Mẹ trên trời Giêrusalem Mới, tức là Thánh Linh và Vợ Mới chính là sức mạnh của chúng ta, và hãy đi theo sự dẫn dắt của sức mạnh ấy. Khi ấy, sức mạnh của Thánh Linh ân huệ sẽ được phát ra giống như lịch sử Đavít đánh bại Gôliát. Dù Gôliát có cao lớn và đánh trận giỏi đến đâu chăng nữa, và lại là dũng sĩ nổi danh từ khi còn trẻ, nhưng há có thể đứng nổi trước mặt Đức Chúa Trời được chăng? Kể cả khi ai đó nắm quyền thống trị cả trái đất đi chăng nữa, thì trước mặt Đức Chúa Trời chẳng qua chỉ như là giọt nước nhỏ trong thùng và mảy bụi rơi trên cân mà thôi.
Nếu là con cái của Đức Chúa Trời, Đấng quảng đại và vĩ đại đến thế, thì chúng ta phải có tầm nhìn rộng lớn. Chúng ta đừng để bị cướp mất tầm nhìn và tấm lòng bởi những thứ chỉ có tạm thời rồi bị biến mất đi, nhưng hãy coi Đức Chúa Trời, là Đấng không có ngày đầu mới sanh và ngày rốt qua đời, làm nguồn của mọi năng lượng phần linh hồn của chúng ta, và hãy tiến bước theo dấu chân Tin Lành của Ngài.
“Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, được những lời hứa, bịt mồm sư tử, tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn. Có người đàn bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn. Có kẻ khác chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích lao tù nữa. Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất.” Hêbơrơ 11:33-38
Các thánh đồ Hội Thánh sơ khai đã ở trong vô số sự khó khăn và bắt bớ, thế nhưng họ đã không hề trốn tránh. Vì biết rằng Đức Chúa Trời cùng ngàn ngàn vạn vạn thiên sứ đang chờ đợi họ trên Nước Thiên Đàng, nên cho đến tận giây phút tử vì đạo họ cũng không muốn trốn tránh một cách hèn nhát. Lý do mà sự tán dương luôn tuôn trào và niềm vui tràn ngập dù họ phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất, là vì họ đã tin chắc rằng nếu đi qua đường hầm tối tăm này, họ sẽ đạt đến Nước Thiên Đàng sáng láng. Đức tin mà thế gian không đảm đương nổi của họ có thể được biểu lộ như thế là bởi họ đã coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình.
Đaniên và ba người bạn là Sađơrắc, Mêsác, Abết Nêgô cũng vậy, họ đã giữ vững đức tin kể cả trong khoảnh khắc mạng sống bị uy hiếp. Trong số 12 người trở về sau khi đi do thám xứ Canaan, Giôsuê và Calép cũng giống như thế. Còn 10 người thám tử run rẩy sợ hãi và lằm bằm, đối với họ đã không có Đức Chúa Trời. Trong khi họ không coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình thì Giôsuê và Calép lại có tấm lòng khác. Giôsuê và Calép đã lớn tiếng nói về những người Canaan có hình vóc cao lớn rằng “Dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta”, ấy không phải vì 2 người liều lĩnh hay gan dạ, mà bởi vì ở trước mặt những người coi Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình thì dầu đó là dân tộc khổng lồ đi chăng nữa cũng sẽ chẳng là gì cả.
Nếu chúng ta mặc lấy sức mạnh của Đức Chúa Trời, thì những chướng ngại vật cản đường trước mắt chúng ta cũng chẳng là gì cả. Nếu tiếp nhận Đức Chúa Trời là sức mạnh của mình, thì có thể hoàn thành suôn sẻ hết thảy mọi sứ mệnh Tin Lành. Lời mà Đức Chúa Trời đã phán và công việc mà Đức Chúa Trời đã toan định nhất định sẽ được hoàn thành (Êsai 14:24). Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời toàn tri toàn năng, đừng buồn rầu kể cả trong tình huống bò không có trong chuồng, cây vả không có trái, nhưng hãy có thêm sức và dũng khí bởi sự thật rằng Đức Chúa Trời luôn ở cùng trong mọi nơi chúng ta đi. Mong rằng chúng ta đều trở thành các người nhà Siôn luôn nỗ lực hết sức trong việc truyền bá Tin Lành tới xứ Samari, cho đến cùng trái đất, để hoàn thành sứ mệnh được giao phó cho chúng ta và kéo tiến Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.