Bản năng tìm về tổ

8,908 lượt xem

“Hưng Phu truyện (Heungbujeon)” là cuốn tiểu thuyết cổ của Hàn Quốc, chứa đựng kiến thức khoa học về các loài chim di cư. Hưng Phu truyện là câu chuyện kể về một người đàn ông tốt bụng tên là Hưng Phu (Heung Bu), người đã chăm sóc cho một chú chim én con bị gãy chân sau khi bị rơi từ tổ xuống đất. Chú chim én đó đã vượt qua một chặng đường dài vào mùa thu, quay trở lại với Hưng Phu vào mùa xuân năm sau và mang về một hạt giống, phát triển thành một quả bầu chứa đầy vàng bạc châu báu.

Theo đó, bản năng di chuyển ra khỏi môi trường sống hoặc nơi sinh ra của một loài động vật rồi quay trở lại nơi ấy được gọi là bản năng tìm về tổ (歸巢本能) hay bản năng hồi quy (回歸本能). Giống như trong Hưng Phu truyện, én là loài chim có bản năng hồi hương đáng ngạc nhiên. Cách đây vài năm, một chuyên gia về chim đã gắn những chiếc vòng có thẻ nhận dạng vào chân của 10 con chim én để thử nghiệm khả năng tìm về tổ của chúng. Mùa xuân năm sau, trước sự ngạc nhiên của ông, 6 trong số 10 con chim én đã quay trở lại tổ ban đầu của chúng.

Chim di cư có những nơi khác nhau để sinh sản, nuôi con (nơi sinh sản) và nơi chúng trải qua mùa đông (nơi trú đông). Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng tìm kiếm nơi sinh sản hoặc nơi trú đông mới mà thay vào đó, chúng luôn di chuyển trên cùng một lộ trình với bản năng tìm về tổ vượt trội. Các loài chim di cư vào mùa hè như chim én, chim cu, chim diệc và chim vàng anh trải qua mùa đông ở Đông Nam Á hoặc miền Nam Trung Quốc, rồi bay đến Hàn Quốc vào mùa xuân và sinh sản. Mặt khác, các loài chim di cư mùa đông như mòng két Baikal, ngỗng, sếu đỉnh đầu đỏ, v.v… sinh sản ở các khu vực phía Bắc như Mãn Châu hay Siberia và đến Hàn Quốc vào mùa thu để trú đông. Ngày xưa, người ta không biết về sự di cư của các loài chim nên thường tưởng tượng một cách thú vị rằng “những chú chim dành cả mùa đông để ẩn náu dưới lòng đất”. Mãi đến thế kỷ 20, bí mật về sự di cư của loài chim mới bắt đầu được hé lộ thông qua các phương pháp như gắn thẻ vòng, máy phát vô tuyến vệ tinh hay phát hiện ra chúng bằng radar.

Mặc dù không phải là loài chim di cư, nhưng chim bồ câu cũng nổi tiếng với khả năng tìm đường về tổ chính xác của chúng từ những nơi xa xôi. Vào thời mà các phương tiện liên lạc chưa phát triển, người ta gửi và nhận thư bằng cách sử dụng chim bồ câu có bản năng tìm về tổ làm chim đưa thư. Chim bồ câu cũng xuất hiện trong Kinh Thánh. Chuyện kể rằng sau khi Nôê thoát khỏi trận lụt, ông đã thả chim bồ câu để xem nước hạ bớt trên mặt đất chưa, rồi chim đã quay về tàu và trong mỏ tha một chiếc lá ôlive.

Cá hồi cũng là một trong những động vật hồi quy tiêu biểu. Cá hồi được sinh ra ở vùng nước ngọt và dành phần lớn cuộc đời của chúng ở biển, sau đó trở về dòng sông nơi chúng sinh ra để đẻ trứng. Ngược lại, lươn được sinh ra ở biển, sống phần lớn cuộc đời ở nước ngọt, sau đó quay trở lại biển để đẻ trứng. Sau khi nở, lươn con tìm đường quay trở lại dòng sông nơi mẹ chúng từng sinh sống.

Động vật nuôi như chó và mèo cũng có bản năng tìm về tổ. Ở Hàn Quốc, sự việc chú chó trắng Jindo tên là Baekgu được bán cho thành phố nọ, đã đi hơn 30km trong 7 tháng để trở về nhà đã trở thành chủ đề nóng. Ngoài ra còn có câu chuyện về một chú mèo ở Mỹ bị lạc mất chủ khi đi du lịch, đã trở về nhà cách đó 32km sau 2 tháng với bàn chân đầy máu và móng vuốt gần như biến mất. Ngoài ra, ong và kiến cũng có bản năng tìm về tổ. Đặc biệt, người ta cho rằng loài kiến tiết ra một chất hóa học gọi là pheromone1 và dùng mùi này để tìm đường về nhà.

1. Pheromone: Chất hóa học do động vật tiết ra khỏi cơ thể, gây ra phản ứng sinh lý hoặc hành vi cụ thể của những cá thể khác cùng loài. Có pheromone tập hợp của ong và pheromone dẫn đường của kiến.

Khoảng cách về quê hương không quan trọng. Một số loài động vật di cư quãng đường khá gần, nhưng cũng có nhiều loài động vật di cư cả quãng đường dài. Bướm vua di chuyển qua lại quãng đường 5000km giữa Mỹ và Mexico với đôi cánh nhỏ và mỏng manh như những cánh hoa. Trong số các loài chim ruồi, là loài chim nhỏ nhất trên thế giới với chiều dài cơ thể trung bình khoảng 5cm, một số loài có thể di chuyển tới 850km trên một hành trình.

Có những loài chim di cư vượt hàng nghìn, hàng chục nghìn km để trở về quê hương, như mòng két Baikal bay 4000km từ Siberia đến Hàn Quốc để trú đông. Trong số các loài chim, loài di chuyển quãng đường xa nhất là nhàn Bắc Cực, sống ở vùng Bắc Cực. Chim nhàn Bắc Cực thực hiện một cuộc hành trình đáng kinh ngạc hàng năm, rời khỏi khu vực Bắc Cực và đến thăm Nam Cực ở phía bên kia thế giới. Quãng đường di chuyển một lần là con số khổng lồ lên đến 70.000km, tức là quãng đường mà chúng đi trong suốt 30 năm cuộc đời tương đương với quãng đường du hành từ trái đất tới mặt trăng. Cá hồi cũng bơi hàng chục nghìn kilômét trên Thái Bình Dương để trở về nơi chúng sinh ra.

Cho đến giờ, bí quyết về cách động vật di chuyển quãng đường dài như vậy một cách chính xác mà không cần bản đồ, la bàn hay định vị vẫn chưa được hé lộ rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng các chòm sao, mặt trăng và mặt trời có thể được sử dụng làm kim chỉ nam để định hướng, hoặc chúng sử dụng các đặc điểm địa lý hoặc mùi hương riêng biệt để tìm đường; hay đôi khi cũng nhận sự trợ giúp từ lực vô hình được gọi là từ trường trái đất.

Mặc dù chúng có những giác quan và khả năng tuyệt vời như vậy, nhưng chỉ có một số ít loài động vật trở về quê hương an toàn. Xác suất cá hồi có thể quay trở lại dòng sông nơi chúng sinh ra chỉ khoảng 1%. Điều này một phần là bởi chúng bị thiên địch như cá lớn và chim ăn thịt trong quá trình sinh trưởng, nhưng có một nguyên nhân ấy là con đường trở về quê hương không dễ dàng. Chúng phải tránh các cuộc tấn công của kẻ thù tự nhiên và vượt qua các chướng ngại vật như thác nước chảy siết hoặc đá. Có rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình di cư của các loài chim. Chúng cần rất nhiều năng lượng để di chuyển cả quãng đường dài, nhưng nếu không tìm thấy thức ăn trong khi di chuyển, chúng sẽ chết vì kiệt sức. Ngoài ra, vì không có khả năng dự đoán thời tiết nên chúng có thể gặp những thay đổi về thời tiết như bão, bão tuyết, sương mù và mưa lớn trong khi di chuyển, để rồi phải bỏ mạng. Tuy nhiên, hành trình hồi hương của các loài động vật vẫn không ngừng lại. Cho dù quãng đường có xa đến đâu, cho dù có nhiều chướng ngại vật đến đâu, chúng chắc chắn vẫn trở về quê hương của mình.

Động vật có tính hồi quy chuẩn bị kỹ lưỡng và giúp đỡ lẫn nhau để trở về quê hương. Khi cá hồi về đến cửa sông, chúng dành thời gian biến hóa cơ thể thành cơ thể phù hợp với cuộc sống ở sông. Hầu hết các loài cá sống ở nước ngọt hoặc biển, nhưng các loài cá di chuyển giữa nước mặn và nước ngọt, chẳng hạn như cá hồi hoặc lươn, phải thích nghi với sự thay đổi độ mặn để tồn tại. Những thay đổi về môi trường do chênh lệch độ mặn có thể dễ dàng hiểu được qua việc làm kim chi, khi bắp cải tươi được ngâm nước muối thì sẽ trở nên mềm nhũn. Để khắc phục sự thay đổi môi trường như vậy, cá hồi và lươn cần chuẩn bị một thời gian dài để sinh sản bằng quá trình thích ứng sinh lý được gọi là điều hòa áp suất thẩm thấu trong nước lợ2.

2. Nước lợ: Nơi nước ngọt và nước biển hòa quyện một cách tự do. Nơi nồng độ muối có phạm vi rộng, dao động trong khoảng từ 0,5 đến 30‰ và thay đổi nhiều tùy theo mùa hoặc lượng mưa (thông thường nước có độ mặn từ 0,5‰ trở xuống gọi là nước ngọt, nước có độ mặn từ 30‰ trở lên gọi là nước biển).

Chim di cư dự trữ chất béo làm nhiên liệu trong cơ thể trước khi bay một quãng đường dài. Sau khi tiêu thụ nhiều thức ăn hơn bình thường, các chất dinh dưỡng dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ và tích trữ trong cơ thể. Dẽ lưng nâu là loài di cư quãng đường xa nhất ở phía Tây bán cầu. Trọng lượng cơ thể ban đầu của chúng sẽ tăng gần gấp đôi chỉ trong 10 ngày trước khi di cư. Dạ oanh, loài chim di cư của Thụy Điển cũng vậy, trước khi vượt qua sa mạc Sahara dài 1500km để đến miền Trung Nam châu Phi, giống như chiếc ô tô đổ đầy xăng, chúng cũng tích mỡ trong cơ thể như là nhiên liệu bay ngay từ ở Ai Cập.

Chim di cư bay theo đàn hình chữ V, tùy theo nhịp đập cánh của nhau để bay xa mà không tốn nhiều sức lực. Khi con chim phía trước vỗ cánh theo hình chữ V, con chim phía sau có thể sử dụng luồng không khí do con chim phía trước tạo ra để bay trên bầu trời trong thời gian lâu hơn với những cú đập cánh nhỏ hơn. Một thí nghiệm cho thấy những con chim bay theo hình chữ V tiêu thụ năng lượng ít hơn từ 11 đến 14% so với những con chim bay một mình.

Lý do khiến cuộc sống của các loài động vật hướng về quê hương có vẻ đặc biệt là vì ý nghĩa của từ “quê hương” chắc chắn là rất lớn, đối với con người, là chúa tể của muôn loài, cũng vậy. Các du học sinh hay những người nhập cư đôi khi lại nhớ nhà, nhớ quê hương. Những người tha hương dù muốn về quê hương mà cả đời cũng không thể nên đành sống trong khi kìm nén những giọt nước mắt đau lòng.

Nhân loại từ lâu đã cố gắng tìm ra lý do nhiều loài động vật tìm về quê hương của chúng, song chúng ta mới chỉ có thể nắm được những nét phác thảo mơ hồ mà thôi. Chúng ta chỉ giải thích được một cách đơn giản rằng ấy là bản năng đã có từ khi sinh ra. Điều đó có nghĩa là chúng sẽ hướng về quê hương một cách tự nhiên giống như một đứa trẻ không được dạy bú sữa nhưng vẫn biết bú. Vì sao Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên muôn vật đã đặt bản năng tìm về tổ vào nhiều loài động vật và loài người như vậy?

“Chim hạc giữa khoảng không tự biết các mùa đã định cho nó; chim cu, chim yến, chim nhạn giữ kỳ dời chỗ ở!” Giêrêmi 8:7

“… Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời.” Hêbơrơ 11:13-16

Tham khảo
“Trứng đẻ ra gà”, “Con người và động vật của Choi Jae Cheon” (Tác giả Choi Jae Cheon)
“Những câu chuyện về hành vi của động vật do Tim Bergen kể” (Tác giả Park Shi Ryong)
“Cá nhảy múa” (Tác giả Kim Ik Soo)