Cuộc đời của chúng ta còn lại bao nhiêu ngày?

29,792 lượt xem

Có rất nhiều người đang sống trên thế gian này, nhưng hầu như không ai trong số họ biết chính xác mình còn bao nhiêu thời gian để sống. Hầu hết đều dành thời gian được ban cho mỗi ngày chỉ để nghĩ về cuộc sống trên trái đất. Mặc dù vậy, cũng có những người nghĩ về Nước Thiên Đàng và sống vì thế giới vĩnh hằng.

Vậy thì, hiện tại chúng ta đang sống theo cách nào? Chúng ta cần phải tự kiểm tra xem mình có đang mù quáng đi trên con đường đức tin với ý niệm mơ hồ về Nước Thiên Đàng hay không. Hãy suy nghĩ về mục tiêu và hướng đi trong cuộc sống mà chúng ta phải lựa chọn, hãy tự hỏi bản thân: “Chúng ta sống để làm gì? Chúng ta nên sống cuộc đời như thế nào?”

Cách khôn ngoan để sống những ngày được ban cho

Chính trị gia người Anh Thomas More, tác giả cuốn sách “Utopia”, đã sống những năm tháng cuối đời trong cảnh tù ngục vì ông không thỏa hiệp với nguyên tắc sống của mình. Khi gia đình đến thăm ông trong tù, họ nói với ông rằng ông không nên chết như vậy và thuyết phục ông từ bỏ cuộc kháng chiến chống lại nhà vua để có thể sống sót. Sau khi nghe lời cầu xin tha thiết của gia đình, ông hỏi họ rằng liệu ông có thể sống thêm được bao nhiêu năm nữa nếu làm như vậy. Họ trả lời rằng ông sẽ sống thêm được khoảng 20 năm. Khi ấy ông đã nói rằng:

“Tôi không thể bán linh hồn mình và từ bỏ cuộc sống vĩnh hằng chỉ để sống lâu hơn một chút.”

Khi trả lời như vậy, ông muốn nói rằng 20 năm là quá ngắn so với cuộc sống ở thế giới vĩnh cửu sau khi chết, và ông không bao giờ đánh đổi cuộc sống đời đời chỉ để có thêm một chút thời gian trên thế gian này.

Giống như Thomas More, chúng ta cũng nên suy nghĩ về số ngày còn lại của cuộc đời mình. Số ngày ấy có thể là bảy mươi hoặc tám mươi năm. Và ngay cả khi chúng ta sống đến 100 năm, thì tất cả những ngày ấy cũng sẽ qua đi nhanh chóng; vì thời gian ban cho chúng ta là có giới hạn, nên bây giờ chỉ còn lại rất ít mà thôi.

“Ai biết sức sự giận của Chúa? Tùy theo sự kính sợ xứng đáng cho Chúa, ai biết sức sự nóng nảy Chúa? Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.” Thi Thiên 90:11-12

Tác giả sách Thi Thiên đã cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan để đếm những ngày còn lại trong cuộc đời chúng ta. Đây là lời giáo huấn rất quan trọng. Điều gì sẽ xảy đến nếu chúng ta phủ nhận Đức Chúa Trời, đánh mất đức tin và từ bỏ sứ mệnh Tin Lành trong cuộc sống ngắn ngủi trên đất này? Khi nghĩ về số ngày còn lại để sống, chúng ta có thể hiểu được mình nên làm gì trong suốt phần đời còn lại, từ đó có thể chuẩn bị một cách khôn ngoan cho thế giới vĩnh hằng sắp đến.

Một số người có thể còn hàng chục năm để sống, nhưng có người thì chỉ còn lại vài năm hoặc vài ngày. Thế nên, quả là lựa chọn hết sức ngốc nghếch khi chúng ta từ bỏ cuộc sống đời đời mà Đức Chúa Trời đã hứa vì cuộc sống thoáng qua này. Chúng ta cần đếm số ngày của mình một cách chính xác, để có được tấm lòng cùng sự khôn ngoan để xứng đáng được đi vào Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.

Thế giới đời đời vô hình

Không gì trên trái đất này là mãi mãi, và không ai có thể sống đời đời trên trái đất này. Cho dù một người có sức mạnh đến thế nào thì anh ta cũng sẽ chết khi thời điểm đến. Cuộc sống là thế.

“Bởi cơn giận của Chúa, các ngày chúng tôi đều qua đi; Năm chúng tôi tan mất như hơi thở. Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.” Thi Thiên 90:9-10

Thật tốt biết bao nếu tất cả những ngày trong cuộc đời của chúng ta trôi qua trong niềm vui của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng hầu hết mọi người sống cuộc đời của họ dưới cơn thịnh nộ của Ngài.

Nói cách khác, họ dành cả tuổi trẻ và sức lực để theo đuổi thú vui của thế gian tội lỗi này, thay vì sống cuộc đời đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngày tháng trôi qua thật nhanh, như lời Kinh Thánh rằng: “Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.” Nếu chúng ta tính xem mỗi người còn lại bao nhiêu ngày để sống, thì sẽ biết rằng chúng ta chỉ còn lại một khoảng thời gian ngắn ngủi mà thôi. Tuy nhiên, thời gian trên Nước Thiên Đàng đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta là mãi mãi.

“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.” II Côrinhtô 4:16-18

Kinh Thánh dạy chúng ta hãy theo đuổi những thứ trong thế giới vô hình chứ không phải những thứ hữu hình trên trái đất này, và rằng những thứ hữu hình chỉ là tạm thời trong khi những thứ vô hình là đời đời. Đức Chúa Trời đã bảo con cái Ngài đếm những ngày còn lại trên thế gian để họ có thể chọn những thứ vĩnh cửu và sẽ giành được những thứ ấy.

Sứ mệnh của người giúp việc giao ước mới là dẫn dắt mọi người đến sự vĩnh hằng

Cuộc đời khách bộ hành trên đất này càng dài thì tôi lại càng thường xuyên nghe tin về sự qua đời của những người quen biết. Khi thân thể họ trở về với đất thì trí tuệ, sự giàu có và quyền lực mà họ đã có cũng trở nên vô nghĩa và dần tan biến khỏi ký ức của mọi người. Trái lại, những thành tựu Tin Lành của người dân của Đức Chúa Trời, những người đã sống cuộc đời đức tin trên trái đất này và được ôm ấp trong vòng tay của Đức Chúa Trời, thì vẫn là những trái tốt đẹp không thể quên. Đó là lý do Đức Chúa Trời luôn phán bảo chúng ta hãy trở thành người giúp việc của giao ước mới.

“Và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống.” II Côrinhtô 3:6

“Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báptêm, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt.” Mác 16:15-16

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta năng lực để trở thành người giúp việc giao ước mới và đi khắp thế gian để rao truyền Tin Lành cho mọi người. Cho dù có rất nhiều loại công việc trên trái đất, và nhiều người đã dốc hết nỗ lực cho công việc vì cuộc sống thoáng qua, nhưng Đức Chúa Trời đã cho chúng ta cơ hội để làm việc vì những điều vĩnh hằng, dù chỉ là một chút.

Đức Chúa Trời đã lựa chọn và kêu gọi chúng ta trở thành người giúp việc Tin Lành giao ước mới và cử chúng ta đi khắp thế gian – nơi làm việc của chúng ta. Dù làm công việc gì và ở đâu, chúng ta cũng phải rao truyền ý muốn của Đức Chúa Trời cho mọi người xung quanh. Ai tin vào Tin Lành mà chúng ta rao giảng và chịu phép Báptêm sẽ được cứu, nhưng ai không tin sẽ bị xét đoán. Vì được giao phó sứ mệnh cao cả là cứu tất cả mọi người trên thế giới, nên chúng ta hãy cố gắng rao truyền Tin Lành cho đến khi trở về Nước Thiên Đàng là ngôi nhà đời đời của chúng ta.

“Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời… Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.” II Timôthê 4:1-8

Sứ đồ Phaolô đã hiến dâng cuộc đời mình cho công việc rao truyền Tin Lành. Trước khi tử vì đạo, ông nói rằng đã đến lúc phải ra đi và đếm những ngày còn lại trong cuộc đời. Nếu phủ nhận Đức Chúa Jêsus và từ bỏ đức tin của mình, ông có thể đã được ra khỏi tù. Tuy nhiên, ông không bao giờ làm như vậy vì biết rằng có sự khác biệt rất lớn giữa thời gian của cuộc sống trên trái đất này và thời gian của cuộc sống trên thế giới mà Đức Chúa Trời đã hứa. Vì vậy, Phaolô tự tin nói rằng đã có mão triều thiên của sự công bình dành sẵn cho ông, và khuyên bảo các thánh đồ phải rao truyền lời, cho dù gặp thời hay không gặp thời.

Đức tin của các thánh đồ trông mong Nước Thiên Đàng

Các tổ phụ đức tin của chúng ta cũng bước đi trên con đường đức tin với nhận thức rằng cuộc sống của họ trên đất chỉ là tạm thời.

“Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, được những lời hứa, bịt mồm sư tử, tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn. Có người đàn bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn. Có kẻ khác chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích, lao tù nữa. Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất.” Hêbơrơ 11:33-38

Kể cả sứ đồ Phaolô và các thánh đồ Hội Thánh sơ khai đã bị tra tấn khi rao giảng Tin Lành, phải chịu đủ mọi thiệt thòi, bị gọi là tà đạo nhưng họ không quan tâm và không từ bỏ. Đó là vì họ hiểu rõ hơn ai hết rằng mọi thứ trên trái đất này chỉ là tạm thời, còn những kẻ bắt bớ và chế giễu họ đều sẽ đến lúc phải chết. Họ có đức tin vững chắc rằng không thể từ bỏ cuộc sống trên Nước Thiên Đàng vĩnh cửu để ở lại trên đất này dù chỉ một chút thời gian, nên đã có thể xem tất cả những khó khăn và thử thách như chẳng là gì cả.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta nên có sự hiểu biết về khái niệm thời gian trên đất này và thời gian trên trời. Khoảnh khắc mà chúng ta quên rằng thời gian trên đất này chỉ là chốc lát, thì tất cả sự khôn ngoan sẽ biến mất và đức tin bị đe dọa do bị cám dỗ bởi cái ác trên thế gian. Chúng ta sẽ lằm bằm lên Đức Chúa Trời và từ bỏ đức tin khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn một chút.

“Chính Ðức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Ðức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Ðức Chúa Trời là kẻ đồng kế tự với Ðấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài. Vả tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.” Rôma 8:16-18

Kinh Thánh nói rằng những đau khổ hiện tại của chúng ta không đáng so sánh với vinh hiển sẽ được bày tỏ. Vì các thánh đồ của Hội Thánh sơ khai tin điều này, nên họ không bao giờ từ bỏ Nước Thiên Đàng cho dù đã trải qua điều gì. Họ tự nghĩ rằng “Tôi sẽ sớm đến Nước Thiên Đàng đời đời. Vì vậy, nếu sống thêm vài năm trên đất này bằng cách phủ nhận Đấng Christ và đánh mất Nước Thiên Đàng, thì việc làm đó có ích lợi gì đây? Và tôi sẽ có được niềm vui hay hạnh phúc nào đây?” Họ có đức tin lớn đến nỗi thế gian không xứng cho họ ở.

Ngày nay, chúng ta cũng nên có đức tin như vậy trong tấm lòng và mở rộng mắt linh hồn hướng về Nước Thiên Đàng, để đếm những ngày còn lại trong cuộc đời của chúng ta trên trái đất. Đích đến đời đời của chúng ta là Nước Thiên Đàng. Chúng ta sẽ được hưởng cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng cùng với Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ. Chúng ta hãy ghi khắc điều này trong tâm trí và sống vì Nước Thiên Đàng trong khi trung tín làm các công việc trên đất và tránh xa những ham muốn thế tục.

Cuộc sống đẹp lòng Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời đã cho chúng ta câu trả lời cho những câu hỏi như: Cuộc đời của chúng ta còn lại bao nhiêu ngày? Chúng ta nên sống vì điều gì, hay đâu là cách sống khôn ngoan nhất? Mặc dù chúng ta đã sống cuộc đời mình dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trước cả khi chúng ta biết Ngài, nhưng từ giờ hãy sống đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng cách dốc hết nỗ lực của mình vào việc cứu rỗi thế gian với tư cách là người giúp việc giao ước mới. Khi tất cả những ngày của chúng ta kết thúc, chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta thấy rằng mình đã trải qua khoảng thời gian ý nghĩa nhất trên thế gian này.

“… đạo Tin Lành mà anh em đã nghe, là đạo được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời, và chính tôi, Phaolô, là kẻ giúp việc của đạo ấy. Nay tôi lấy làm vui về sự tôi đã chịu khổ sở vì anh em, tôi lại vì thân thể Đấng Christ, là Hội thánh, mà đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài. Tôi làm kẻ giúp việc của Hội thánh đó, bởi sự phân phát của Đức Chúa Trời, là Đấng giao cho tôi cái phần việc truyền đạo Chúa cho anh em cách trọn vẹn.” Côlôse 1:22-25

Phaolô vui mừng vì những khổ nạn mà ông đã phải chịu vì các thánh đồ và dùng xác thịt mình để chịu thay những gì còn thiếu sót của Hội Thánh – được ví với thân thể của Đấng Christ mà chính Ngài đã phải chịu thương khó. Ông sống với hy vọng nhận được mão triều thiên vĩnh cửu của sự công bình mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị khi trở về Nước Thiên Đàng sau khi kết thúc cuộc đời trên trái đất. Nếu có được đức tin như thế này với tư cách là người giúp việc Tin Lành, thì chẳng phải chúng ta có thể sống thực sự hạnh phúc như vậy hay sao?

“Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ. Khi một người đi ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình.” II Timôthê 2:3-4

Vì chúng ta đã được chọn làm người lính giỏi của Đấng Christ, nên không thể tránh khỏi những đau khổ trong cuộc sống. Đối với những người được gọi với tư cách là người lính của Đấng Christ hay người giúp việc giao ước mới, thế giới này không còn là nơi vui chơi hay nghỉ ngơi, mà là một mặt trận truyền giáo. Những người không làm việc mà chỉ hưởng thụ tại nơi làm việc sẽ phải trải qua cuộc sống dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, chẳng phải vậy sao? Bất cứ khi nào khó khăn đến với chúng ta, hãy nghĩ về số ngày còn lại trong cuộc đời trên đất. Điều này sẽ giúp chúng ta làm mới lại đức tin của mình.

Khi còn ở thế gian, chúng ta đã sống mà không biết đến Đức Chúa Trời hay Nước Thiên Đàng. Thế nhưng giờ đây, thông qua lời của Đức Chúa Trời, chúng ta đang học hỏi từng ngày về cách sống trên Nước Thiên Đàng. Là người dân Siôn, chúng ta hãy sống vì cuộc sống đời đời và làm cho những người vẫn đang sống trong vô vọng biết rằng có cuộc sống ở thế giới vĩnh hằng và sự sống trên trái đất này chỉ tồn tại trong chốc lát, rồi sẽ tan biến. Tôi tha thiết mong các quý vị sẽ bước đi trên con đường đức tin chân chính để làm vui lòng và tôn vinh Đức Chúa Trời nhiều nhất có thể, bằng cách đếm ngày của quý vị một cách khôn ngoan và sốt sắng rao truyền về vinh hiển của Cha An Xang Hồng và Đức Chúa Trời Mẹ Giêrusalem Mới của chúng ta từ xứ Samari cho đến cùng trái đất.