Từ Thân Thể Sự Chết Sang Sự Sống Đời Đời

2910 Xem

Các người nhà Siôn đang dự phần vào bữa tiệc của sự sống mà Đức Chúa Trời ban cho bằng cách giữ chí thánh Lễ Vượt Qua. Xem sách Tin Lành trong Tân Ước thì thấy rằng Đức Chúa Jêsus vừa lập ra giao ước mới bởi Lễ Vượt Qua, vừa phán rằng “Ta rất muốn ăn lễ Vượt qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn.” (Luca 22:15).

Tại sao Đức Chúa Jêsus đã rất muốn giữ Lễ Vượt Qua cùng với các môn đồ vậy? Đó là bởi thông qua Lễ Vượt Qua giao ước mới, Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành công cuộc cứu chuộc làm cho các tội nhân bị ràng buộc bởi sự chết được chuyển đổi thành thân thể sự sống đời đời. Người ta cho rằng những sự việc như sự mana được giáng xuống từ trên trời, hoặc sự Laxarơ đã chết được sống lại, là phép lạ. Song, trên thực tế, không có phép lạ nào lớn bằng sự Đức Chúa Trời cứu sống đời đời chúng ta, là những kẻ không tránh khỏi sự chết đời đời, thông qua Lễ Vượt Qua. Chúng ta hãy xem những lời Kinh Thánh về phép lạ đáng ngạc nhiên của Đức Chúa Trời, làm biến hóa chúng ta từ thân thể sự chết sang thân thể sự sống đời đời, và lời hứa liên quan đến phép lạ ấy.

Loài người trở nên tôi mọi của sự chết

Loài người sinh ra trên đời này rồi, nhưng không thể tránh khỏi sự chết. Người ta nói rằng loài người là chúa tể của muôn vật, nhưng rốt cục lại chịu khuất phục trước quyền thế của sự chết, nên có thể nói rằng loài người không phải là chúa tể của muôn vật, mà là tôi mọi của sự chết.

“Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét.”Hêbơrơ 9:27

“Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?…”Rôma 7:24-25

Có thể thấy rằng lời trong sách Rôma không chỉ là lời than thở của riêng cá nhân sứ đồ Phaolô, mà là lời nói thay cho sự lo âu và khó xử của tất thảy loài người. Loài người là tồn tại bị ràng buộc vào xiềng xích sự chết, không thể tránh khỏi cuộc sống khốn khổ. Dù loài người tiêu tốn nhiều tiền của, tìm kiếm danh y và danh dược để sống lâu hơn nữa dù chỉ là một chút, để sống mạnh khỏe hơn nữa, song Kinh Thánh cho biết rằng chẳng một ai có thể tránh khỏi sự chết, và sau đó tất thảy đều phải chịu phán xét từ Đức Chúa Trời.

“Bởi cơn giận của Chúa, các ngày chúng tôi đều qua đi; Năm chúng tôi tan mất như hơi thở. Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.”Thi Thiên 90:9-10

Giống như biểu hiện “bay mất đi” trong Kinh Thánh, sự trôi qua quá nhanh chóng là cuộc đời của chúng ta. Vì sống cuộc sống ác tội, không vui lòng Đức Chúa Trời, nên bởi cơn giận của Chúa, kể cả cuộc đời ngắn ngủi ấy cũng đều qua đi, và đến một lúc nào đó đều bị tiêu hết trong sự lao khổ và buồn thảm. Sống mà không biết về Đức Chúa Trời thì đó chỉ là cuộc sống lao nhanh về sự chết, giống như chiếc xe ô tô không có phanh mà thôi. Cho nên, Salômôn đã làm chứng rằng “Khi nhìn sâu vào bên trong cuộc sống thì thấy tất thảy mọi thứ đều hư không.”

“Lời của người truyền đạo, con trai của Đavít, vua tại Giêrusalem. Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không. Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi?…”Truyền đạo 1:1-11

Lao khổ đủ thứ suốt cuộc đời vì thứ hư vô, song cuối cùng không tránh khỏi kết cục là sự chết. Đó chính là cuộc đời chúng ta. Hiểu ra được nguyên lý của cuộc đời như thế này, nên Salômôn đã nói “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không.” Và đưa ra kết luận rằng: Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời chẳng có ích lợi gì cả, mặc dù ông là người hưởng tất thảy mọi thứ như phú quý, vinh hoa, quyền lực và sự khôn ngoan mà vạn người đều ghen tỵ.

Đức Chúa Trời ban cho Lễ Vượt Qua của sự sống

Ở trên trời, Đức Chúa Trời nhìn xuống những người sống cuộc đời hư không và vô nghĩa như thế này, và lấy làm thương xót. Thương xót cho tương lai của chúng ta, là những người không tránh khỏi đau đớn sự chết và địa ngục, Đức Chúa Trời đã đến đất này để ban cho sự sống đời đời.

“Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ, lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.”Hêbơrơ 2:14-15

“Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật. Ta là người chăn chiên hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.”Giăng 10:10

Đức Chúa Trời đã đích thân đến đất này để ban sự sống đời đời cho loài người không tránh khỏi sự chết. Tin tức này chính là tin tức phước lành nhất, là tin tức vui mừng nhất. Vậy hãy tìm hiểu xem Đức Chúa Trời đã dùng phương pháp nào để ban sự sống đời đời cho chúng ta.

“Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại…”Giăng 6:53-57

Để cho ăn thịt và uống huyết của Ngài, rồi cứu sống nhân loại, thì đương nhiên Đức Chúa Trời không thể không hy sinh. Vì rất nhiều tội nhân đang chết đi, Đức Chúa Trời đã lập ra nguyên tắc lẽ thật giúp nhận được sự sống đời đời thông qua hy sinh của Ngài. Đức Chúa Trời đã lựa chọn nguyên lý rằng khi một hạt lúa mì chết đi thì mầm sẽ nẩy tại nơi đó, hoa sẽ nở và kết được trái gấp trăm lần, nghìn lần.

Thịt và huyết ban sự sống đời đời của Đấng Christ được ban cho nhân loại thông qua Lễ Vượt Qua.

“… Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua… Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.”Mathiơ 26:17-19, 26-28

“… Đến giờ, Ngài ngồi bàn ăn, các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn Lễ Vượt Qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn… Đoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra…”Luca 22:7-15, 19-20

Lời phán rằng “Ăn thịt và uống huyết của Con Người thì được sự sống đời đời” có nghĩa là khi ăn bánh và uống rượu nho của Lễ Vượt Qua, thì Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống đời đời cho chúng ta. Chúng ta là những người không tránh khỏi sự chết đời đời bởi tội lỗi. Nên, có thể thấy rằng công việc cứu chuộc chúng ta khỏi sự chết và cho nhận được sự sống đời đời, đặng đưa vào Nước Thiên Đàng, chính là ý muốn sau rốt của Đức Chúa Trời trong việc ban cho Lễ Vượt Qua. Thế nên, trong Tin Lành Luca, Lễ Vượt Qua này được biểu hiện là ‘giao ước mới’ mà đích thân Đấng Christ lập ra khi Ngài đến đất này.

Những người được hứa sự sống đời đời được đi vào Nước Thiên Đàng

Giao ước mới Lễ Vượt Qua không phải là lễ trọng thể đơn thuần, nhưng là lời hứa của Đức Chúa Trời nhằm dẫn dắt loài người vào đường sự sống đời đời. Kinh Thánh gọi tin tức phước lành này là Tin Lành. Cho nên, sứ đồ Phaolô đã ghi chép rằng bản thân mình trở thành người giúp việc của Tin Lành, đồng thời cũng ghi chép rằng mình là người giúp việc của giao ước mới, nhờ đó đã làm sáng tỏ rằng Tin Lành chính là giao ước mới.

Đức Chúa Trời đã đến đất này, lập ra Lễ Vượt Qua giao ước mới bởi huyết báu của Ngài, và ban sự sống đời đời cho chúng ta. Hãy tìm hiểu lý do tại sao Đức Chúa Trời định ban sự sống đời đời cho chúng ta.

“Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa… Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết…”Khải Huyền 21:1-4

Vương quốc của Đức Chúa Trời là thế giới vĩnh cửu, không bao giờ có sự chết nữa. Để sống được ở nơi không có sự chết thì điều kiện đầu tiên là phải có sự sống đời đời. Cho nên, để đưa chúng ta đi vào nơi ấy, Đức Chúa Trời đã hứa ban sự sống đời đời cho chúng ta thông qua bánh và rượu nho của giao ước mới Lễ Vượt Qua, và đã mở ra con đường mới và con đường sống để những người có sự sống đời đời có thể trở về Nước Thiên Đàng. Khi Nước Thiên Đàng vĩnh cửu đến, những người được nhận lời hứa sự sống đời đời ở trong lẽ thật giao ước mới, sẽ được biến hóa thành thể thiêng liêng không bị cai trị bởi sự chết hơn nữa, và được đi vào nơi ấy.

“Hỡi anh em, tôi đoán quyết rằng thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được. Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hoá, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hoá. Vả, thể hay hư nát nầy phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết nầy phải mặc lấy sự không hay chết…”I Côrinhtô 15:50-58

Đây là lời hứa của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã hứa rằng vào giây phút cuối cùng, Ngài sẽ làm biến hóa chúng ta trong nháy mắt, từ thân thể sự chết không tránh khỏi cái chết sang thân thể sự sống đời đời. Lời hứa sự sống đời đời là món quà của Đức Chúa Trời, duy chỉ được ban cho các thánh đồ giữ giao ước mới Lễ Vượt Qua, dự phần vào rượu nho, là Huyết Báu của Đấng Christ, dự phần vào bánh, là Thân Thể của Đấng Christ. Các thánh đồ như vậy có niềm trông mong sống rằng: Vào lúc tiếng kèn chót, những người chết sẽ được phục sinh, còn những người đang sống sẽ được biến hóa mà đón tiếp Sự Giáng Lâm của Đấng Christ.

“… Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.”I Têsalônica 4:13-18

Đây chính là hình ảnh biến hóa từ thể hay chết sang thể không hay chết, mà đã được đề cập đến ở I Côrinhtô chương 15. Những người có thể được biến hóa từ thể hay chết sang thể không hay chết, từ thể hay hư nát sang thể không hay hư nát, là những người dân giữ Lễ Vượt Qua giao ước mới mà ở trong lời hứa của Đức Chúa Trời. Ngược lại, nếu không ở trong giao ước mới thì không thể nhận được lời hứa sự sống đời đời. Không có lời hứa sự sống đời đời thì sao có thể biến hóa thành thân thể sự sống đời đời được đây?

Để biến hóa chúng ta từ thân thể sự chết sang thân thể sự sống đời đời, Đức Chúa Trời đã ban cho lẽ thật Lễ Vượt Qua giao ước mới. Cho nên, hàng năm, các sứ đồ đều đã kỷ niệm nghi thức Lễ Vượt Qua quý trọng này, và kể cả sau thời đại Sứ Đồ, Lễ Vượt Qua vẫn tiếp tục được giữ gìn cho đến tận năm 325 SCN, song tại Hội công đồng Nicaea mở vào năm 325, Lễ Vượt Qua đã bị xóa bỏ hoàn toàn bởi ma quỉ Satan.

Suốt khoảng thời gian dài kể từ đó, lễ trọng thể sự sống, là Lễ Vượt Qua, đã không còn tồn tại trên trái đất này. Sau khi trải qua thời gian trường cửu suốt 1600 năm, Lễ Vượt Qua một lần nữa lại được giao cho những người dân được lựa chọn vào thời đại cuối cùng, bởi Đấng Christ đến đất này lần thứ hai, nhờ đó công cuộc cứu rỗi của Đức Chúa Trời được hoàn thành. Chúng ta có thể xác minh được cảnh đó thông qua lời tiên tri Kinh Thánh (Tham khảo: Hêbơrơ 9:28, Êsai 25:6-9).

Lễ Vượt Qua, lời hứa sự sống của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời hứa sẽ làm cho ngọn suối tuôn chảy ở sa mạc khô cằn, và làm cho nhánh cây khô được nẩy mầm sự sống. Lời hứa này của Đức Chúa Trời được hoàn thành bởi giao ước mới Lễ Vượt Qua. Đức Chúa Trời làm biến hóa những người nhận được lời hứa sự sống này thành thân thể sự sống đời đời, mãi mãi không bao giờ bị chết, không bị hư nát, và đưa đến Nước Thiên Đàng. Đây chính là lời dạy dỗ của toàn quyển Kinh Thánh.

“Nhân đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình…”Hêbơrơ 9:15-22

Giao ước mới có sức mạnh giúp cho những con cái được Đức Chúa Trời gọi nhận lãnh cơ nghiệp Nước Thiên Đàng đời đời đã hứa cho mình. Cũng sẽ có những người hỏi rằng “Đó chỉ là một mẩu bánh và một chén rượu nho bình thường thôi, mà ăn và uống nó thì được sự sống đời đời gì đây?”. Song, trong Lễ Vượt Qua có chứa đựng lời hứa Đức Chúa Trời đã kết cùng chúng ta.

Đạo Cơ đốc là tín ngưỡng của lời hứa. Tin và làm theo lời Đức Chúa Trời đã giao ước với chúng ta thì sẽ được nhận phước lành. Không giữ Lễ Vượt Qua mà lại tự xưng rằng siêng năng tin vào Đức Chúa Trời, thì đó chẳng qua chỉ là hành vi tín ngưỡng của riêng bản thân mình, chứ không có lời hứa của Đức Chúa Trời.

Lời phán rằng “Các ngươi giữ ngày thứ bảy Sabát thì Ta sẽ ban cho phước lành!” cũng là lời hứa giữa Đức Chúa Trời và người dân của Đức Chúa Trời. “Các ngươi ăn bánh và uống rượu nho Lễ Vượt Qua thì Ta sẽ ban cho sự sống đời đời!” cũng là lời hứa Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Thường ngày chúng ta cũng có thể ăn bánh và uống rượu nho, nhưng trong đó không có lời hứa của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đặc biệt lựa chọn ngày Lễ Vượt Qua, để cho lời hứa giữa Ngài và chúng ta được hoàn thành vào ngày đó. Đức Chúa Trời phán rằng khi tin và giữ theo lời hứa ấy thì Ngài sẽ làm biến hóa chúng ta từ thân thể sự chết sang thân thể sự sống đời đời, và cho đạt đến vinh hiển có thể tiếp rước Đấng Christ.

Chúng ta đang trông cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời và đang đồng tham vào Lễ Vượt Qua chí thánh và quý báu này. Chúng ta phải sống cuộc sống noi theo con đường Đấng Christ đã đi qua, suy nghĩ cũng phải biến hóa thành suy nghĩ của Đấng Christ, hành động cũng phải biến hóa sao cho xứng là Cơ đốc nhân. Đấng Christ đã đến thế gian này để cứu rỗi thế gian, nên mục tiêu cuộc sống của chúng ta cũng phải đồng nhất như vậy. Chúng ta hãy rao truyền đến tận cả những quốc gia chưa được truyền bá Tin Lành giao ước mới, dẫn dắt để tất thảy dân tộc và quốc gia đều có thể đồng tham vào công cuộc cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Để rao truyền Tin Lành giao ước mới, kể cả giờ này, rất nhiều anh chị em Siôn cũng đang bay ra khắp thế giới và bay đến Hàn Quốc như chim bồ câu. Tôi mong rằng bất luận gặp thời hay không gặp thời thì các người nhà Siôn cũng gắng sức rao truyền Tin Lành này hơn nữa, trông cậy vững chắc vào lời hứa của Đức Chúa Trời để có thể đi vào sự sống đời đời một cách dư dật.