Hãy Học Từ Đức Chúa Trời Lòng Nhân Từ

3363 Xem

Theo lời tiên tri Kinh Thánh, rất nhiều linh hồn trên toàn thế giới đang đổ dồn về Siôn. Trong số đó, cũng có những người nhà cởi bỏ tập quán, thói quen tội lỗi và sống cuộc sống biến hoá mặc lấy nhân phẩm của Nước Thiên Đàng, cũng có những người nhà cho đến bây giờ vẫn chưa cởi bỏ hết lớp vỏ tội ác.

Những lúc thế này, đối với các anh chị em dù đã vào trong lẽ thật vẫn cần phải rèn giũa nhân phẩm. Chúng ta, là những người được Đức Chúa Trời gọi trước, phải làm tấm gương tốt về nhân phẩm và lời nói ân huệ mà Đức Chúa Trời mong muốn. Thông qua lời của Đức Chúa Trời, hãy cùng học lòng nhân từ, là một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất của tình yêu thương mà con cái Siôn nên mang theo.

Tình yêu nhân từ của đôi vợ chồng nghèo

Có một đôi vợ chồng nghèo nhưng sống rất hạnh phúc. Nhưng một nỗi bất hạnh ngoài ý muốn đã xảy đến với đôi vợ chồng này. Người vợ bị mắc một bệnh quái lạ và bắt đầu phải chịu đau đớn. Dù trông thấy vợ bị đau đớn vì bệnh tật, nhưng không có tiền điều trị, cũng không có tiền mua thuốc đắt tiền, nên người chồng rất đau lòng. Người chồng sau một hồi lâu suy nghĩ đã ra chợ mua về một củ nhân sâm, rồi nói với vợ rằng:

“Trong giấc mơ có ai đó hiện ra chỉ cho tôi thấy nơi có sâm núi, rồi nói rằng chỉ cần ăn cái này là bệnh của bà xã sẽ khỏi hẳn. Nên hãy ăn và chóng hồi phục sức khoẻ nhé.”

Người vợ đã ăn hết sâm núi người chồng đào về mà không bỏ lại một chút nào. Đứng bên cạnh theo dõi vợ, một mặt người chồng thấy cảm ơn người vợ vì đã tin lời mình, một mặt thấy thật đáng thương cho người vợ không phân biệt được nhân sâm và sâm núi, và chỉ tin y nguyên lời mình. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, từ đó trở đi, người vợ càng trở nên đỡ hơn.

Sau khi bệnh của người vợ hồi phục hoàn toàn, cảm thấy có lỗi vì đã lừa dối vợ, nên cuối cùng người chồng đã thổ lộ tất cả sự thật.

“Bà xã này! thực ra vì không có tiền điều trị, nên không còn cách nào khác tôi đã phải nói dối bà xã, hãy tha thứ cho tôi.”

Khi người chồng thật lòng xin lỗi, người vợ cảm động bởi tấm lòng vì mình của chồng, nên đã ôm lấy người chồng mà nói rằng:

“Tôi chưa từng ăn nhân sâm, cũng chưa từng ăn sâm núi bao giờ. Tôi chỉ ăn mỗi tình yêu thương của ông xã mà thôi.”

Chỉ một lời nói này đã khiến người chồng cảm thấy vui mừng và thấy công việc mình làm vừa qua thật đáng giá trị.

Trong câu chuyện đôi vợ chồng nghèo, người chồng đã dành tình yêu cho vợ và nói lời nói dối chính nghĩa, còn người vợ vì thấu hiểu được tấm lòng đó của người chồng, nên đã tha thứ cho người chồng đã dối mình. Dù không được nghe phần kết của câu chuyện, nhưng chúng ta cũng có thể đoán được rằng hai người đó dù không có nhiều tài sản, nhưng đã sống bên nhau suốt đời bằng tình yêu đẹp đẽ.

Đôi vợ chồng nghèo có thể vun đắp được tình yêu đẹp đẽ đến dường ấy là vì trên tất thảy trong tình yêu của họ có tồn tại lòng nhân từ. Trong thuộc tính của tình yêu thương có lòng nhân từ. Bằng tấm lòng giống đôi vợ chồng trong câu chuyện, chúng ta cũng hãy học tình yêu thương và lòng nhân từ trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và hãy trở thành Cơ đốc nhân biết rao truyền hương khí tình yêu thương ra khắp thế gian.

Tình yêu thương và lòng nhân từ trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời đến thế gian này không đơn thuần chỉ là để ban cho phép Báptêm mà là ban cho sự cứu rỗi. Vậy thì, chúng ta cũng đừng dừng lại và đừng thỏa mãn với việc đã dẫn dắt được một người nhà về Siôn, mà luôn phải mang theo tấm lòng “Làm cách nào để dẫn dắt linh hồn này đứng ngay thẳng trước Đức Chúa Trời và nhận được sự cứu rỗi Nước Thiên Đàng”. Và chúng ta cũng phải chia sẻ tình yêu thương đã nhận được từ Cha Mẹ cho đến khi tất cả những người nhà Siôn tìm đến được nhận sự cứu rỗi.

Có câu nói rằng “Con gái yếu đuối, nhưng mẹ mạnh mẽ”. Ở đây điểm khác nhau giữa con gái và mẹ là gì? Đó chính là sự khác nhau của tình yêu ban cho và tình yêu nhận lãnh. Khi từ lập trường của người con gái luôn muốn nhận tình yêu thương được chuyển đổi thành lập trường của người mẹ luôn muốn chia sẻ tình yêu thương vô đối, thì lúc này, người phụ nữ trở thành tồn tại mạnh mẽ, có thể làm được bất cứ điều gì. Dù cùng là một người, nhưng tùy theo lập trường ban cho, hay nhận lãnh tình yêu thương, thì có thể trở nên mạnh mẽ hoặc yếu đuối. Nếu chỉ gắng nhận tình yêu thương thì sẽ rất dễ bực bội và nhiều khi xảy ra những việc khiến tổn thương. Thế nên, chúng ta cũng phải trở nên lập trường luôn ban cho hơn là trở nên lập trường luôn muốn nhận tình yêu thương. Chỉ có như vậy, đức tin của chúng ta mới trở nên mạnh mẽ, và Siôn của chúng ta mới trở nên Siôn vững bền hơn.

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.”I Giăng 4:7-8

Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Thế nên, ai chẳng yêu thì không biết Đức Chúa Trời. Và, tình yêu thương của Đức Chúa Trời không phải là tình yêu thương nhận lãnh mà là tình yêu thương chia sẻ vô hạn. Ngài đã xuống thế gian để cứu rỗi nhân loại bởi tình yêu thương này. Chúng ta là những tội nhân Nước Thiên Đàng đã phản bội lại ân huệ của Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Mẹ, quay lưng lại với tình yêu thương ấy, và bị đuổi xuống trái đất này. Mặc dù vậy, Đức Chúa Trời chỉ trông mong sự cứu rỗi của con cái, và đã bỏ lại sau lưng tất thảy vinh hiển của Nước Thiên Đàng để xuống tận đất này.

Sự hy sinh để tha tội và cứu rỗi nhân loại từ tội ác như thế này của Đức Chúa Trời, bắt nguồn từ tình yêu thương vĩ đại ẩn chứa bên trong Đức Chúa Trời. Chúng ta phải học tập và thực tiễn tình yêu thương này.

“Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập choả vang tiếng… Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ.”I Côrinhtô 13:1-8

I Côrinhtô chương 13 đã phân tính cụ thể và giải thích về tình yêu thương với phạm trù lớn. Trong các thuộc tính của tình yêu thương mà chúng ta cần phải thực tiễn có bao gồm lòng nhân từ. Lòng nhân từ không thể xuất phát từ phẩm tánh coi bản thân mình là trung tâm, và nếu không nhân từ thì tuyệt đối không thể chờ đợi được kết quả của tình yêu thương. Phải có lòng nhân từ thì tình yêu thương mới được nuôi dưỡng, và mới có thể kết trái của tình yêu thương.

Ân điển cứu rỗi ban cho người có lòng nhân từ

“Đức Giêhôva là thiện và ngay thẳng, Bởi cớ ấy Ngài sẽ chỉ dạy con đường cho kẻ có tội. Ngài sẽ dẫn kẻ hiền từ cách chánh trực, Chỉ dạy con đường Ngài cho người nhu mì.”Thi Thiên 25:8-9

Đức Chúa Trời chỉ dạy con đường Ngài cho người nhu mì, nhân từ. Lý do là vì tấm lòng phải nhân từ thì mới có thể thấu hiểu hoàn toàn phép đạo của giao ước mới, là tình yêu thương. Chính vì thế, trên thế gian này, dù người ta sống chỉ vì bản thân mình, không biết thỏa hiệp với người khác, có cá tính mạnh mẽ, tự cho mình là đúng, nhưng chúng ta cần phải có được nhân phẩm nhân từ trong Đức Chúa Trời, là Đấng Sự Yêu Thương. Để học tập phép đạo của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải cởi bỏ tất cả nhân phẩm xấu xa của những ngày qua, và phải đi đến Đức Chúa Trời bằng tấm lòng khiêm tốn và nhân từ.

“Chính mình Chúa thật là đáng sợ; Cơn giận Chúa vừa nổi lên, ai đứng nổi trước mặt Chúa? Từ trên trời Chúa truyền đoán ngữ; Khi Đức Chúa Trời chỗi dậy đoán xét, Để giải cứu các người hiền từ trên đất, Thì đất bèn sợ hãi, và yên lặng. (Sêla)”Thi Thiên 76:7-9

Đối tượng mà Đức Chúa Trời giải cứu là những người hiền từ, nhân từ. Lòng nhân từ được đề cập đến ở đây là lòng nhân từ đạt được trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Rốt cục, chỉ có lòng nhân từ biết chia sẻ và có lòng cứu rỗi nhân loại trong lẽ thật giao ước mới, mới chính là lòng nhân từ thực sự được nói đến trong Kinh Thánh.

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”Mathiơ 11:28-30

Tấm lòng của Đấng Christ mà Ngài nhắc chúng ta phải học theo cũng chính là tấm lòng nhu mì, nhân từ. Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều điều hư vô và vô ích, vì những tham vọng hư vô mà dẫn đến nhiều việc khiến tổn thương linh hồn mình, và làm cho tấm lòng mình bị đau đớn. Nhưng Đức Chúa Trời phán rằng nếu tìm đến Đức Chúa Trời và học lòng nhân từ, nhu mì từ Ngài, thì linh hồn chúng ta sẽ được yên nghỉ.

Lúc này, anh chị em Nước Thiên Đàng bị lạc mất, đang trở về trong vòng tay của Cha Mẹ. Để Siôn được trở thành nơi tràn đầy niềm vui, sự vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc và sự ấm áp, thì nhất định chúng ta cần phải học lòng nhân từ, nhu mì từ Đức Chúa Trời, và thực tiễn tấm lòng đó. Phẩm cách nhân từ là đức hạnh mà tất cả con cái của Đức Chúa Trời cần phải có được trong lẽ thật giao ước mới.

Đức hạnh cần thiết của Cơ đốc nhân là lòng nhân từ, nhu mì

Chúng ta hãy học lời dạy Kinh Thánh về lòng nhân từ, nhu mì, để trở thành con cái của Đức Chúa Trời hòa hợp hơn nữa trong tình yêu thương. Ngay cả trong khi khuyên bảo các anh chị em thì đức hạnh mà chúng ta phải có được chính là nhân từ, nhu mì.

“Tôi là Phaolô, bởi sự nhu mì, nhân từ của Đấng Christ mà xin anh em, – tôi là người hèn hạ lắm trong khi gặp mặt giữa anh em, nhưng lúc vắng mặt, đối với anh em, tỏ ra biết bao là dạn dĩ! –”II Côrinhtô 10:1

“Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt… Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy… Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời. Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó. Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi. Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy. Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau.”Galati 5:17-26

Chúng ta cần phải đóng đinh trên thập tự giá tất cả những tấm lòng xấu xa, tấm lòng ngoan cố, tấm lòng dối trá mà chúng ta mang theo trong quá khứ. Nếu giữ khư khư những tấm lòng đó thì không thể học theo Đấng Christ được.

Kinh Thánh dạy dỗ chúng ta rằng phải học giáo huấn của Đấng Christ bằng tấm lòng nhu mì, và đi theo con đường của Đức Chúa Trời Cha Mẹ. Khi chúng ta bỏ đi tất thảy tấm lòng ngoan cố, kiêu ngạo, dối trá trong chúng ta, và học tấm lòng khiêm tốn, nhân từ, nhu mì của Đấng Christ, thì chúng ta có thể dễ dàng hiểu được phép đạo của giao ước mới, thấu hiểu trọn vẹn và thực tiễn được hy sinh của Mẹ và tình yêu thương của Cha.

“Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hoà bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.”Êphêsô 4:1-3

Để ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Đức Chúa Trời đã gọi thì phải có lòng nhân từ, mềm mại. Chính vì thế, mỗi khi viết thư cho các Hội Thánh, Phaolô đều dạy các anh em phải cư xử trong tình yêu thương bằng lòng nhân từ, mềm mại. Lời giáo huấn rằng hãy đối xử với các thánh đồ bằng lòng mềm mại, hãy rao truyền Tin Lành bằng phẩm cách nhân từ, là một trong những dạy dỗ quan trọng nhất của Hội Thánh Sơ Khai.

Trong lẽ thật giao ước mới mà chúng ta tin và tuân theo, không chỉ có riêng lời dạy về đức tin hoặc về mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải có nghĩa vụ học lòng nhân từ, mềm mại và tình yêu thương từ Đức Chúa Trời.

“Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại. Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến.”I Timôthê 6:11-12

Để đánh cuộc chiến đức tin lương thiện, chúng ta phải đi theo con đường nhân từ, mềm mại, đôi khi phải đối đầu với các tình huống khó mà có thể đối xử một cách mềm mại, dù vậy cũng phải gắng chịu đựng và nhẫn nại. Có như thế, chúng ta mới hiểu được tấm lòng của Đức Chúa Trời, là Đấng đã nhẫn nhịn và chịu đựng để cứu rỗi chúng ta ngay cả trong nỗi đau bị đóng đinh trên cây thập tự. Hơn nữa, chúng ta cũng thấu hiểu được tình yêu thương của Đức Chúa Trời, là Đấng đã chậm trễ nổi giận với chúng ta, là các tội nhân phản nghịch, và dẫn dắt chúng ta vào con đường đến Nước Thiên Đàng bằng lòng tiết độ, nhân từ, mềm mại.

Tin Lành được trọn vẹn bởi tình yêu thương nhân từ, mềm mại

Khi các con cái nhận giáo huấn của Đức Chúa Trời trong Siôn, được biến hóa thành phẩm tánh của tình yêu thương nhân từ xứng đáng với ý muốn của Cha Mẹ, thì có thể dẫn dắt được nhiều linh hồn vào con đường cứu rỗi. Nhờ đó, mọi sự sáng tạo linh hồn của Đức Chúa Trời mới được trọn vẹn. Nhưng chúng ta vẫn đang còn ở trong qúa trình phải gột bỏ những dơ bẩn của tội ác. Chúng ta phải nhanh chóng cởi bỏ dơ bẩn và tội ác, và phải dâng nhiều vinh quang lên Đức Chúa Trời bằng tấm lòng khiêm tốn và phẩm tánh nhân từ đã được học từ Cha Mẹ.

Chúng ta phải dồn hết nhiệt tình và chia sẻ nhiều tình yêu thương cho các thánh đồ mới, là những người được dẫn đến Siôn trong thời gian ngắn. Đức Chúa Trời phán rằng cách dạy dỗ hiệu qủa nhất là học theo hành động của người đi trước, nên chúng ta cần phải làm gương tất thảy các hành động thiện lành của lòng khiêm tốn, tình yêu thương và lòng nhân từ được học từ Đức Chúa Trời, và phải giúp cho các thánh đồ học theo gương đó có thể làm tấm gương tốt cho những thánh đồ vào sau nữa.

Đức Chúa Trời đã hứa rằng đến kỳ thì Ngài sẽ giúp sức mạnh chúng ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Nếu trong quá khứ chúng ta ở vị trí yếu đuối chỉ biết nhận tình yêu thương, thì giờ hãy trở thành lập trường mạnh mẽ biết học tập và thực tiễn tình yêu ban cho. Và như thế Siôn của chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu thương hơn nữa; và chúng ta có thể chăm sóc và tẩy sạch những bụi bẩn thế gian của các thánh đồ mới bước vào lẽ thật trong sự dạy dỗ của Cha Mẹ.

Khẩn thiết mong chúng ta trở thành người nhà Siôn biết đối xử với anh chị em bằng lòng nhân từ, mềm mại hơn nữa, đồng thời học lấy khổ nạn và hy sinh mà Cha Mẹ đã đi qua bằng lòng nhân từ. Mong tất cả chúng ta đều nhận phước lành từ Đức Chúa Trời, khắc sâu vào lòng và thực tiễn lòng nhân từ, mềm mại để Siôn của chúng ta trở thành nơi tràn đầy sự vui mừng và niềm thích thú, đồng thời trở thành nơi tràn đầy tình yêu thương của Đức Chúa Trời.