Một vạn talâng và một trăm đơniê trong ví dụ Mathiơ chương 18 có sự khác biệt đến mức nào theo tiêu chuẩn chế độ tiền tệ ngày nay?

188,744 lượt xem

“Đơniê” và “talâng” là đơn vị tiền tệ vào thời đại Tân Ước. 1 đơniê là khoảng 4 gam của đồng tiền bạc tại La Mã, tương đương với số tiền lương một ngày của quân lính hoặc của người làm công (Mathiơ 20:1-2). Còn 1 talâng có sự chênh lệch ít nhiều tùy theo địa phương, nhưng thông thường chỉ ra cân lượng khoảng từ 20㎏ đến 40㎏ của vàng.

Nếu so sánh giá trị tiền tệ của 100 đơniê và 10.000 talâng thì chúng ta có thể nhận biết được rằng ân điển mà chúng ta đã nhận lấy từ Đức Chúa Trời là lớn lao biết bao, và so với ân điển ấy thì lầm lỗi hoặc sai lầm của anh em chị em là nhỏ bé dường nào. Vậy thì hãy tìm hiểu lời ví dụ trong Mathiơ chương 18 nào.

“Phierơ bèn đến gần Ðức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn talâng. Bởi vì người chẳng có gì mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết! Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho.”Mathiơ 18:21-27

1 talâng bằng 6.000 đơniê, là số tiền tương ứng với số tiền lương của 6000 ngày, tức là 16 năm. Hãy thử chuyển đổi sang giá trị tiền tệ của nước mình xem nào. Nếu tính số tiền lương của một ngày là 100.000 đồng, thì 1 talâng (6.000 đơniê) sẽ khoảng 600 triệu đồng. Chỉ 1 talâng thôi mà tính ra số tiền lớn như thế này, vậy thì giá trị của 10.000 talâng, tương ứng với 60.000.000 đơniê, sẽ khổng lồ đến dường nào đây? 10.000 talâng là số tiền to lớn mà chúng ta phải làm việc hàng ngày và tiết kiệm trong suốt 160.000 năm mà không chi tiêu dù chỉ là một xu, thì mới kiếm được.

Thông qua ví dụ này, chúng ta có thể biết được sự thật rằng chúng ta là những tội nhân đã phạm tội lỗi lớn lao đối với Đức Chúa Trời, giống như đã nợ một vạn talâng, là số tiền mà chúng ta không thể nào trả lại bằng năng lực của bản thân chúng ta. Đức Chúa Trời thương xót chúng ta, là những người như thế này, và tha thứ hết thảy tội lỗi thật sự lớn lao ấy một cách vô điều kiện.

Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta tha thứ lỗi lầm của anh em bằng tình yêu thương, giống như Đức Chúa Trời đã làm đối với chúng ta. Tại vì so với tội ác tương đương với một vạn talâng của chúng ta, thì lỗi lầm của anh em chẳng là gì cả. Kinh Thánh miêu tả người không tha thứ lỗi lầm của anh em như kẻ đầy tớ ác được tha nợ một vạn talâng rồi mà lại làm khổ bạn đã nợ mình một trăm đơniê.

“Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơniê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta! Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ.”Mathiơ 18:28-30

Mặc dầu mình đã được tha nợ một vạn talâng, là số tiền phải làm việc trong suốt 160.000 năm mà không chi tiêu dù chỉ là một xu thì mới kiếm được, thế mà nếu không tha người nợ mình một trăm đơniê, là số tiền tương ứng với số tiền lương của chỉ 100 ngày thôi, thì đó là việc đáng buồn biết bao?

“Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ.”Mathiơ 18:31-34

Kết cục, kẻ đầy tớ không tha bạn nợ một trăm đơniê, đã trở thành kẻ bị nhốt trong ngục. Ví dụ này có chứa đựng sự dạy dỗ về thái độ của chúng ta – những người đã mặc lấy ân huệ lớn lao từ Đức Chúa Trời, khi đối xử các anh em chị em.

“Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”Mathiơ 18:35

Tất thảy mọi chúng ta là những tội nhân thiếu sót đang ở trong quá trình được dựng nên thành vật trọn vẹn. Trong đó, đôi khi cũng có thể xảy ra sự bất hòa giữa anh em chị em và sanh ra tấm lòng ghen ghét, ghen tỵ do bụi bặm của tội lỗi đã phạm ở trên trời và chất bẩn bị dính trong thế gian. Tuy nhiên, nếu nghĩ đến sự tha thứ mà chúng ta đã nhận lấy từ Đức Chúa Trời, thì chúng ta có thể nhận ra rằng lỗi lầm hoặc sai lầm của anh em chị em chẳng là cái gì. Lỗi lầm và sai lầm của anh em chị em – những người đã nhận lấy lời hứa của Đức Chúa Trời thông qua giao ước mới, hết thảy đều là tội lỗi có thể được tha thứ. Nếu ôm ấp ngay cả lỗi lầm của anh em chị em bằng tấm lòng bao la, thì lúc đó chúng ta mới có thể cầu xin sự tha thứ từ Đức Chúa Trời.

“Vậy các ngươi hãy cầu như vầy:… Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi…”Mathiơ 6:9-13

Thời đại này, ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh chúng ta, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được (I Phierơ 5:8). Bây giờ chính là thời kỳ mà chúng ta phải hoàn thành sự liên hiệp đẹp đẽ giữa anh em chị em ở trong Siôn. Tại vì ma quỉ nắm lấy cơ hội và thâm nhập nơi có bất hòa, nhưng nó không thể nắm lấy cơ hội ở nơi có hòa hợp được.

Khi sự bất mãn và ghen ghét nảy mầm trong tấm lòng, hãy nghiền ngẫm Giáo Huấn của Mẹ nhờ đó đánh thức tâm linh của chúng ta. Chúng ta có thể thành tựu sự liên hiệp chân thật làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, khi ôm ấp lỗi lầm của anh em chị em, bằng tấm lòng bao la như biển cả.

“Giống như biển cả làm cho tinh sạch mọi sự dơ dáy chảy vào mình, tấm lòng rộng lớn như biển cả bao la khoan dung mọi sự lỗi lầm của anh chị em mới thật là tấm lòng đẹp.”