1. Ngôn ngữ của Kinh Thánh
Từ “Kinh Thánh (Bible)” có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp, βιβλος [Biblos = Quyển sách].
(1) Kinh Thánh Cựu Ước được ghi chép bằng tiếng Hêbơrơ
※ Một số sách Cựu Ước (Êxơra 4:8-6:18; 7:12-16; Giêrêmi 10:11; Đaniên 2:4-7:28) được ghi chép bằng tiếng Aram (tiếng Canhđê), ngôn ngữ của nước Babylôn.
Được truyền lại rằng người Giuđa (Do Thái) nói cả tiếng Hêbơrơ và tiếng Aram sau thời gian làm phu tù tại Babylôn.
(2) Kinh Thánh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp (Gờréc), ngôn ngữ đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới lúc bấy giờ. Tiếng Hy Lạp đã trở thành ngôn ngữ chính thức của Đế quốc La Mã vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên.
※ Lý do Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp, chứ không phải tiếng Hêbơrơ hay Aram, là vì Tin Lành cũng phải được truyền ra cho dân ngoại. (Vì kể từ khi Alexander chinh phục Đông phương, đa số các quốc gia thời đó đều sử dụng tiếng Hy Lạp.)

2. Đặc điểm của Kinh Thánh
Kinh Thánh được viết trong khoảng thời gian 1600 năm từ thời Môise, người chép năm sách đầu của Cựu Ước, cho đến thời sứ đồ Giăng, người viết một số sách cuối cùng của Tân Ước. Kinh Thánh được ghi chép bởi nhiều người có xuất thân khác nhau: có người là vua, như Đavít, người thì chăn chiên như Amốt, và nhiều người nữa (Amốt 1:1). Các sách của Kinh Thánh được viết trong những giai đoạn lịch sử cụ thể khác nhau và tại các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, có một điều cần phải chú ý: Đó là, chính Đức Chúa Trời là Đấng cho các đấng tiên tri ghi chép Kinh Thánh.
Bởi tác giả là chính Đức Chúa Trời, không phải loài người, nên Kinh Thánh không hề mâu thuẫn với nhau – tất cả lời trong 66 quyển sách Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền đều đồng nhất về nội dung. Mọi lời đều có quyền thế và sức mạnh, và mọi lời tiên tri đều đã và đang được ứng nghiệm. Đó là lý do Kinh Thánh được nhận định là sách thánh và được dò xem bởi rất nhiều người.
- II Timôthê 3:16 “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn. có ích cho sự dạy dỗ…”
- II Phierơ 1:21 “Vì chẳng có lời tiên tri nào bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.”
3. Các sách Kinh Thánh Chính Kinh và Ngoại Kinh
(1) Chính Kinh: 39 sách Cựu Ước, và 27 sách Tân Ước
※ 39 sách của Cựu Ước được công nhận chính thức là những sách chính quy của Kinh Thánh Do Thái.
(2) Ngoại Kinh: Những sách bị loại khỏi những sách chính quy của Kinh Thánh thông qua nhiều cuộc sàng lọc Kinh Thánh (Khoảng 14 cuốn)
Đó là những sách được viết cho đến khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh từ sau thời của đấng tiên tri Malachi (năm 400 TCN).
Ngữ điệu của Ngoại Kinh kém xa ngữ điệu của Kinh Thánh, và còn chứa những học thuyết phủ định Kinh Thánh. Vì lý do này, những sách ấy không bao giờ được công nhận vào các sách chính quy truyền thống của người Do Thái. Bởi những tài liệu này có chất lượng kém và không có giá trị sử học, nên còn được gọi là Kinh Ngụy Tác (Apocrypha).
Đức Chúa Jêsus không bao giờ trích dẫn Kinh Ngụy Tác khi Ngài truyền đạo hay giảng đạo.
※ Giáo hội Công giáo La Mã chính thức chấp nhận các sách Kinh Ngụy Tác; St. Jerome, một giám mục, đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh và Kinh Ngụy Tác cho phần phụ lục vào thế kỉ thứ 4, trải ra con đường sử dụng Ngoại Kinh. Do các nhà cải cách tôn giáo bác bỏ Kinh Ngụy Tác, Giáo hội Công giáo triệu tập Công đồng Trent (1545 – 1563) và tuyên bố Kinh Ngụy Tác là một phần của Kinh Thánh.
4. Bố cục của Kinh Thánh
Kinh Thánh bao gồm 66 sách – 39 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước
(1) Sắp xếp của Kinh Thánh Cựu Ước
① Ngũ Kinh Môise → Sáng Thế Ký, Xuất Êdíptô Ký, Lêvi Ký, Dân Số Ký, Phục Truyền Luật Lệ Ký
② Sách Lịch Sử → Giôsuê, Các Quan Xét, Rutơ, I Samuên, II Samuên, I Các Vua, II Các Vua, I Sử Ký, II Sử Ký, Êxơra, Nêhêmi, Êxơtê
③ Sách Thi Thiên → Gióp, Thi Thiên, Châm Ngôn, Truyền Đạo, Nhã Ca
④ Sách Tiên Tri → Êsai, Giêrêmi, Êxêchiên, Đaniên, Ôsê, Giôên, Amốt, Ápđia, Giôna, Michê, Nahum, Habacúc, Sôphôni, Aghê, Xachari, Malachi
※ Như liệt kê ở trên, các sách Kinh Thánh không được xếp theo thứ tự thời gian, nhưng dựa theo nội dung của sách, bao gồm lịch sử, thơ văn, và tiên tri.
Ví dụ 1) Sách Giêrêmi, được viết trước và đang khi bị làm phu tù cho Babylôn, được phân loại là sách tiên tri. Nhưng sách II Sử Ký, được viết sau khi trở về từ Babylôn, được phân loại là sách lịch sử, và đó là lý do được xếp trước sách Giêrêmi.
- Giêrêmi 25:11 – Tiên tri về việc dân Giuđa sẽ bị bắt làm phu tù tại Babylôn trong 70 năm.
- II Sử Ký 36:21 – Tả lại sự ứng nghiệm lời tiên tri đó.
Ví dụ 2) Sách Êsai, được chép khoảng 100 năm trước sự làm phu tù cho Babylôn, là sách tiên tri và được xếp là sách thứ 23 của Kinh Thánh. Nhưng sách Êxơra, được chép sau khi trở về từ phu tù ở Babylôn, được phân loại là sách lịch sử và được xếp thứ 15 của Kinh Thánh.
- Êsai 45:1 – Tiên tri rằng dân Giuđa sẽ được giải phóng khỏi Babylôn bởi Siru.
- Êxơra 1:1 – Ghi lại về sự ứng nghiệm.
(2) Sắp xếp của Kinh Thánh Tân Ước
① 4 Sách Tin Lành (Ghi chép về công việc của Đức Chúa Jêsus): Mathiơ, Mác, Luca, Giăng
※ Tin Lành theo Giăng được chép trễ hơn khoảng 20 hay 30 năm so với 3 sách Tin Lành trước – Mathiơ, Mác, Luca
② Sách Lịch Sử (Ghi lại về công việc của các sứ đồ): Công Vụ Các Sứ Đồ
③ Sách Thư Tín: Rôma, I Côrinhtô, II Côrinhtô, Galati, I Têsalônica, II Têsalônica, I Timôthê, II Timôthê, Tít, Êphêsô, Philíp, Côlôse, Philêmôn
※ Thư Tín Du Hành (Thư của Phaolô viết trên hành trình truyền giáo): Rôma ~ II Têsalônica
※ Thư Tín Mục Vụ (Thư của Phaolô gửi tới các người chăn chiên): I Timôthê ~Tít
※ Thư Tín Trong Ngục (Thư của Phaolô viết trong ngục): Êphêsô ~ Philêmôn
④ Thư Tín Thông Thường (Thư gửi các nhóm Cơ đốc nhân tại các địa điểm cụ thể hoặc gửi chung): Hêbơrơ, Giacơ, I Phierơ, II Phierơ, I Giăng, II Giăng, III Giăng, Giuđe
⑤ Sách Tiên Tri: Khải Huyền
※ Giống như Kinh Thánh Cựu Ước, Kinh Thánh Tân Ước cũng được sắp xếp theo đặc tính, chứ không theo dòng chảy của thời gian.
Ví dụ) Sách II Phierơ được sắp xếp là sách thứ 22 trong Tân Ước, nhưng sách này được viết trước sách Tin Lành Giăng, là sách được xếp vị trí sách thứ tư trong phần Tân Ước của Kinh Thánh.
- II Phierơ 1:14 – Sứ đồ Phierơ chép rằng ông sẽ vội lìa nhà tạm nầy.
- Giăng 21:19 – Được làm chứng rằng sách Giăng được chép sau khi Phierơ qua đời.