Kỳ tích Tin Lành đạt được bởi tấm lòng cảm tạ

16,189 lượt xem

“Xin cảm ơn!”

Dù đây chỉ là lời chào hỏi theo phép lịch sự mà chúng ta thường được nghe mỗi khi mua gì đó tại cửa hàng, nhưng lại khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu. Và sau này, nếu có thứ gì đó cần mua, chúng ta sẽ muốn quay lại cửa hàng đó. Khi ở trên lập trường là người nói lời cảm ơn, chúng ta cũng cảm thấy vui vẻ như vậy. Việc bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đến người đã giúp đỡ hoặc làm gì đó cho chúng ta khiến chúng ta cảm thấy phấn chấn.

Được cho biết rằng việc thực tiễn bày tỏ lòng cảm tạ đơn giản trong cuộc sống hàng ngày sẽ trở thành nguồn phát triển tiềm năng vô tận vốn có bên trong chúng ta. Khi sức mạnh của lòng cảm tạ ngày càng được thêm lên, thì đến một ngày, nó thậm chí sẽ mang lại kỳ tích trong cuộc đời chúng ta.

Sức mạnh của lòng cảm tạ

“Xin cảm ơn”, câu nói thể hiện lòng biết ơn với đối phương, chính là một trong những từ bản địa mà chúng ta phải học đầu tiên khi đi ra nước ngoài. Hầu hết các bà mẹ khi dạy con tập nói đều dạy câu “Con cảm ơn”, tiếp sau từ “bố” và “mẹ”, vì việc bày tỏ lòng biết ơn là lễ tiết cơ bản đối với mọi người.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phép lịch sự cơ bản này ẩn chứa sức mạnh mà chúng ta không thể bỏ qua. Được cho biết rằng những người luôn cảm tạ trong mọi hoàn cảnh cảm thấy hài lòng hơn về cuộc sống của mình và hạnh phúc hơn những người không làm như vậy.

Hai giáo sư tâm lý học đã tiến hành thí nghiệm thú vị để tìm hiểu ảnh hưởng của thái độ cảm tạ đối với con người trong sinh hoạt thường nhật. Những người tham gia thử nghiệm được chia thành ba nhóm riêng biệt và trong một tuần, mỗi nhóm sẽ tập trung vào những tình huống khác nhau: nhóm thứ nhất tập trung vào những lời nói và hành động bày tỏ lòng biết ơn, nhóm thứ hai tập trung vào những lời nói và hành động xúc phạm, và nhóm còn lại tập trung vào những lời nói và hành động thông thường. Kết quả, họ phát hiện ra rằng những người tập trung vào lời nói và hành động biết ơn hạnh phúc hơn đáng kể so với những người ở trong hoàn cảnh khác. Và kết quả vẫn như vậy khi thời gian thử nghiệm được kéo dài lên 1 năm. Những người có tấm lòng cảm tạ hiếm khi tức giận hay lo lắng ngay cả trong những hoàn cảnh stress. Họ quan tâm và giúp đỡ người khác nhiều hơn và nhanh chóng vượt qua sự thất vọng.

Sức mạnh của lòng cảm tạ không chỉ giới hạn trong tâm lý học. Đã được chứng minh rằng những người duy trì tấm lòng cảm tạ trong mọi tình huống có hệ thống miễn dịch khỏe hơn và sống lâu hơn trung bình 10 năm so với những người không như vậy.

Lòng cảm tạ không đồng nghĩa với việc tình huống thực tế trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, những người có tấm lòng cảm tạ thường tìm kiếm những mặt tích cực của những điều xảy ra trong sinh hoạt thường nhật, và đó là điều quan trọng nhất. Thay vì mong đợi hoàn cảnh không thể thay đổi sẽ thay đổi, họ đối mặt với những tình huống cực kỳ căng thẳng bằng cách khiến bản thân trở nên linh hoạt và dễ thích nghi. Nhiều ví dụ cho thấy những người có lòng cảm tạ, tức là những người luôn cố gắng tìm kiếm điều đáng cảm tạ trong bất cứ hoàn cảnh nào, thường đạt được kết quả tốt hơn nhiều so với những người không có lòng cảm tạ. Đồng thời họ cũng dễ đạt được những mong ước của mình hơn.

Không khó để tìm ra những người đã trải nghiệm sức mạnh của lòng cảm tạ trong Kinh Thánh. Một trong số đó là Đavít, vị vua thứ hai của Ysơraên. Ông không ngừng dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời trong từng khoảnh khắc. Cho nên, sách Thi Thiên được lấp đầy với những bài hát tán dương và cảm tạ lên Đức Chúa Trời. Đavít thậm chí đã cất lên lời cảm tạ đến hàng chục lần trong chỉ một chương Thi Thiên. Ông dâng cảm tạ không chỉ vì những điều mà Đức Chúa Trời đã ban cho bản thân ông, mà còn vì cả những điều mà Ngài đã ban cho các tổ phụ của ông trong thời xưa, như việc Đức Chúa Trời đã phân rẽ Biển Đỏ vào thời đại của Môise và đánh bại hết thảy các vua của xứ Canaan (Thi Thiên 136:13-20). Thêm vào đó, ông mô tả chi tiết công việc của Đức Chúa Trời và cảm tạ lên Ngài bởi từng mỗi một điều trong đó. Vì vậy, chúng ta có thể đoán được lý do Đức Chúa Trời yêu mến và ban phước lành cho Đavít đến thế và gọi ông là “người vừa lòng Ta” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:22).

Ngoài ra, 2.000 năm trước, khi Đức Chúa Jêsus chữa lành cho mười người phung ở một làng nọ, thì chỉ một người trong số đó tạ ơn Ngài và đã nhận được phước lành của sự cứu rỗi (Luca 17:11-19). Khi chúng ta bày tỏ tấm lòng biết ơn chân thành với người khác thì điều đó sẽ quay trở lại với chúng ta giống như chiếc boomerang và mang đến cho chúng ta món quà tuyệt vời. Đây chính là sức mạnh của lòng cảm tạ.

Lằm bằm và bất bình đến từ tấm lòng quên mất sự cảm tạ

Lý do người ta không thể trải nghiệm được trọn vẹn sức mạnh thực sự của lòng cảm tạ là vì họ nhanh chóng đánh mất tấm lòng cảm tạ. Có câu tục ngữ rằng “Số học khó thành thạo nhất là phép tính để có thể đếm được những phước lành của bản thân”. Đây là biểu hiện châm biếm thái độ của những người coi nhẹ những phước lành mà họ được ban cho.

Một người đàn ông đã tiến hành thí nghiệm thú vị để quan sát xu hướng tâm lý của con người thật dễ dàng quên đi lòng cảm tạ. Mỗi sáng, khi đi qua một ngôi làng, người này đặt trước cửa của mỗi nhà một tờ 10.000 won. Trong vài ngày, dân làng cảm thấy rất biết ơn dù họ thấy hành vi của anh ta thật khó hiểu. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, họ coi số tiền đó như là điều hiển nhiên. Sau một tháng, khi người này đi ngang qua làng mà không đưa tiền như thường lệ nữa thì dân làng lằm bằm và tức giận với anh ta. Từ lúc nào không hay, họ đã coi việc nhận được 10.000 won mỗi ngày là quyền đương nhiên của mình.

Tiền lệ tương tự cũng được ghi chép trong Kinh Thánh. Đó là lịch sử người dân Ysơraên đã lằm bằm và phàn nàn nghịch cùng Đức Chúa Trời trong đồng vắng và cuối cùng đã bị hủy diệt. Họ đã khẩn thiết mong muốn được cứu khỏi Êdíptô, là nơi họ đã sống cuộc đời nô lệ suốt 400 năm. Khi Đức Chúa Trời nghe tiếng kêu khóc của họ và ban cho sự cứu rỗi thông qua Môise để dẫn dắt họ đến xứ Canaan, dân Ysơraên đã vô cùng cảm tạ Đức Chúa Trời. Sau khi đi vào đồng vắng, họ vẫn tiếp tục cảm tạ vì Đức Chúa Trời ban cho họ những sự cần dùng. Khi lương thực mà họ mang theo đã cạn kiệt sau 1 tháng rời khỏi Êdíptô, Đức Chúa Trời đổ mana từ trên trời xuống cho họ mỗi ngày (Xuất Êdíptô Ký chương 16).

Tuy nhiên, lòng cảm tạ của những người dân Ysơraên đã không kéo dài lâu. Khi lần nào cũng ăn cùng một thứ đồ ăn thì họ đã chán ghét mana mà ban đầu là lương thực ngọt ngào có mùi như bánh ngọt pha mật ong đối với họ, và gọi đó là thứ đồ ăn đạm bạc (Dân Số Ký 21:5). Họ dần mất kiên nhẫn trên đường đi và nói những lời nghịch cùng Đức Chúa Trời và Môise – người mà Đức Chúa Trời đã chọn để dẫn dắt họ, khi khát nước thì họ lằm bằm về việc thiếu nước, và họ cũng phàn nàn rằng Đức Chúa Trời đã dẫn họ đi đường vòng. Người dân đã bị đau khổ bởi những bất tiện trong hiện tại và hoàn toàn đánh mất tấm lòng cảm tạ đối với Đức Chúa Trời, Đấng đã ban bánh từ trên trời xuống khi họ không có đồ ăn, đã làm cho nước chảy ra từ tảng đá khi họ không có nước uống, đã khiến cho quần áo họ không hư mòn và chân họ cũng chẳng phù lên trong suốt 40 năm đồng vắng. Họ đã không ngừng tuôn ra những lời lằm bằm và phàn nàn, nên cuối cùng đã không thể vào được xứ Canaan là miền đất hứa.

Những tội lỗi mà chúng ta đã phạm trên trời trước khi bị đuổi xuống trái đất này, cũng xuất phát từ tấm lòng thiếu sự cảm tạ. Hạt giống bất mãn nhỏ bé, không biết cảm tạ trọn vẹn dù vô số phước lành và vinh hiển trên trời đã được ban cho chúng ta, đã trở thành tội lỗi lớn, và cuối cùng, chúng ta đã đánh mất tất cả vinh hiển Nước Thiên Đàng.

Không gian trống chắc chắn sẽ được lấp đầy bởi thứ gì đó. Nơi không có lòng cảm tạ thì lằm bằm sẽ chiếm chỗ và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Một yếu tố khác khiến lòng cảm tạ nhanh chóng bị mất đi là mong muốn có nhiều hơn và không thấy thỏa lòng. Tấm lòng không thỏa mãn với hoàn cảnh được ban cho và chỉ muốn được thoải mái hơn, có những thứ tốt đẹp hơn, ngăn không cho lòng cảm tạ lớn lên bên trong chúng ta; giống như mảnh đất cằn cỗi không mọc nổi thậm chí một ngọn cỏ.

Vậy thì, làm thế nào để không dễ dàng quên đi nhưng có thể duy trì lòng cảm tạ, là điều sưởi ấm tấm lòng chúng ta?

Một nhóm nghiên cứu ở Mỹ đã tiến hành thử nghiệm để nghiên cứu phương pháp không quên mất lòng cảm tạ. Họ đã yêu cầu những người tham gia hãy tìm kiếm và đếm những điều đáng cảm tạ mỗi ngày. Những người tham gia viết ra ba phước lành trong ngày vào cuốn sổ, đồng thời ghi chép tỉ mỉ lý do họ nhận được những phước lành ấy. Vào cuối cuộc thử nghiệm kéo dài 6 tháng, tất cả những người tham gia đều cho biết rằng họ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với trước đây. Thông qua việc thực tiễn cảm tạ, họ đã tìm thấy hạnh phúc ngay cả từ những điều nhỏ bé trong sinh hoạt thường nhật mà trước đây đã không chú ý đến.

Oprah Winfrey, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ nói rằng có rất nhiều điều đáng cảm tạ trong cuộc sống của chúng ta, và chúng ta nên “viết ra mọi điều chúng ta thấy đáng cảm tạ mỗi ngày”. Bà cho biết rằng bản thân đã hình thành thói quen tìm những điều đáng cảm tạ từ khi còn nhỏ.

Quan điểm này cũng nhất quán với ý kiến của các chuyên gia rằng thật tốt khi có tấm lòng cảm tạ theo bất kỳ cách nào hoặc bằng bất kỳ phương pháp nào. Tuy nhiên, có điều chúng ta nhất định phải lưu ý khi thực tiễn cảm tạ. Đó là không so sánh bản thân với người khác.

Sự bất mãn, trái ngược với lòng cảm tạ, bắt nguồn từ sự so sánh. Vì cứ so sánh bản thân với những người dường như ở hoàn cảnh tốt hơn chúng ta nên thật khó để có tấm lòng cảm tạ. Song, nếu chúng ta thoát khỏi sự cám dỗ của việc so sánh cuộc sống của mình với của người khác, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những điều tốt đẹp mà mình đang có – là những điều đáng cảm tạ.

Kỳ tích Tin Lành đạt được bởi tấm lòng cảm tạ

Có nơi trên thế giới mà lòng cảm tạ tuôn chảy nhiều hơn ở bất cứ nơi nào khác. Đó là Siôn, nơi các con cái của Đức Chúa Trời nhóm lại. Các con cái Siôn luôn dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời vì Ngài đã tha thứ hết thảy tội lỗi của họ và ban cho họ phước lành của sự cứu rỗi. Họ cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài luôn bảo vệ họ khỏi các tai vạ đang lan tràn khắp thế giới. Họ cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài lựa chọn họ, là những người không có khiếu ăn nói và không có học thức xuất sắc, và giao phó cho họ sứ mệnh Tin Lành đồng thời hứa ban cho những phần thưởng lớn trên trời. Sức mạnh của lòng cảm tạ này tạo ra những kỳ tích Tin Lành lớn hơn. Công việc đáng ngạc nhiên của Tin Lành đang được hoàn thành gần đây trong các Hội Thánh nước ngoài là ví dụ cho điều này. Ngay giữa những hoàn cảnh khó khăn, các người nhà bên ngoài Hàn Quốc đang truyền đạo sốt sắng trong khi thật lòng cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho họ phước lành của sự cứu rỗi. Vì vậy, họ đang gặt hái được những chùm trái tốt lành với sự vui mừng ở bất cứ nơi nào họ đi đến.

Dù là làm công việc giống nhau thì cũng có sự khác biệt rất lớn giữa người làm với tấm lòng cảm tạ và người không có lòng cảm tạ. Ngay cả khi chúng ta tổ chức cùng một buổi thờ phượng, sự thờ phượng đầy lòng cảm tạ và sự thờ phượng thiếu lòng cảm tạ cũng hoàn toàn khác nhau. Phụng sự với tấm lòng cảm tạ hay không có lòng cảm tạ cũng dẫn đến thái độ và phước lành khác nhau.

Các phước lành mà chúng ta trông mong và các kỳ tích Tin Lành mà chúng ta kỳ vọng, hết thảy sẽ trở thành hiện thực ở nơi luôn tràn đầy tấm lòng cảm tạ. Đó là vì Đức Chúa Trời là Đấng nhìn vào tấm lòng, ban hết thảy ân huệ cần thiết cho các con cái đến với Ngài bằng lời cảm tạ.

“Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” Philíp 4:6-7

“Lòng cảm tạ” là bằng chứng của sự nhận thức phần linh hồn. Trước khi nói rằng bản thân đã nhận ra ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta cần tự kiểm điểm ít nhất một lần xem liệu chúng ta có thực sự cảm tạ Đức Chúa Trời không. Nếu việc truyền đạo trở nên mệt mỏi thay vì hạnh phúc, thì đã đến lúc chúng ta kiểm tra xem bản thân có thiếu lòng cảm tạ hay không.

Không cần phải là việc gì đó quá to tát. Chỉ dành vài phút để nhìn xung quanh, chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều điều để cảm tạ dù là nhỏ bé. Không khí trong lành mỗi ngày, nắng ấm, gió mát… Thật đáng cảm tạ biết bao khi chúng ta có thể tận hưởng trọn vẹn nhất những phước lành từ thiên nhiên mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trên trái đất này. Cũng thật đáng cảm tạ biết bao vì tim chúng ta vẫn đang đập và chúng ta có thể dạo bước trên đường phố.

Bằng việc nhận ra giá trị của những phước lành được ban cho chúng ta và đếm chúng mỗi ngày, chúng ta hãy tiếp tục dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời trong mọi sự giống như Đavít, hầu cho chúng ta không đánh mất bất cứ phước lành nào. Chúng ta cũng hãy nhớ rằng khi chúng ta dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời với tấm lòng cảm tạ, thì cuối cùng vinh hiển ấy sẽ được trở lại và thuộc về chúng ta.

“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” I Têsalônica 5:16-18