​Bất bình, từ trái nghĩa với hạnh phúc

Bất bình không giải quyết được gì mà chỉ làm tăng thêm vấn đề. Phương pháp để ngăn chặn bất bình là “cảm tạ”.

14,255 lượt xem

Một gia đình đã bắt đầu chuyến đi được mong chờ từ lâu. Cả gia đình đều háo hức với chuyến đi nước ngoài đầu tiên. Vào ngày khởi hành, trời bắt đầu mưa nhẹ vào buổi sáng, người vợ cau mày nói: “Sao trời lại mưa vào ngày như thế này cơ chứ?” Trên đường ra sân bay, người vợ lại càu nhàu: “Đã không có thời gian rồi mà sao lại tắc đường thế này? Tại sao xe phía trước lại chạy chậm như vậy? Bực quá đi thôi!” Kể cả khi đã đến nơi, lời bất mãn của người vợ vẫn không dừng lại. “Tôi không thích chỗ ở”, “Đồ ăn không hợp khẩu vị của tôi”, “Đi bộ lâu làm chân tôi bị đau”, v.v… Người chồng không chịu nổi những lời bất bình liên tục và nổi giận. Rốt cuộc, chuyến du lịch gia đình đã bị phá hỏng và phải trở về nhà với tấm lòng nặng trĩu.

Dù trong cùng tình huống, có người nhìn thấy mặt tích cực, trong khi có người lại thấy điều đáng bất bình. Những người hay bất bình bất mãn không được chào đón ở bất cứ đâu. Một trang web việc làm đã tiến hành khảo sát với 1159 nhà quản lý nhân sự về “nhân viên mà họ muốn sa thải”, và câu trả lời nhiều nhất là “nhân viên hay bất bình bất mãn về mọi thứ” (53,7%).

Nếu cảm thấy không thoải mái với ai đó ở nơi làm việc, chúng ta có thể tránh mặt họ, nhưng chúng ta không thể làm như vậy với gia đình mình. Hơn nữa, đối tượng mà chúng ta dễ bày tỏ sự bất bình bất mãn nhất lại chính là gia đình. Nếu sự bất bình bất mãn tràn ngập thì dù ở nhà hay ngoài xã hội, sức mạnh của tổ chức sẽ suy yếu và tình đoàn kết sẽ giảm sút. Lý do là vì bất bình là con đường tắt khiến bầu không khí trở nên u ám và hủy hoại các mối quan hệ.

Như câu ngạn ngữ phương Tây rằng “Hạnh phúc luôn đến qua cánh cửa của sự cảm tạ và đi ra theo cánh cửa của lời phàn nàn”, nếu hài lòng và cảm tạ trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể tiếp tục tìm thấy những điều đáng cảm tạ và tận hưởng niềm vui cũng như hạnh phúc ở trong đó. Nhưng chỉ cần thốt ra những lời bất bình với suy nghĩ tiêu cực, chúng ta sẽ không thể cảm nhận được niềm vui cuộc sống và không thể tránh khỏi việc sống cuộc đời bất hạnh. Đó là lý do có câu nói “Đối nghịch với hạnh phúc không phải là bất hạnh mà là bất bình”.

Sự bất bình gây ra vấn đề

Bất bình có nghĩa là “không đồng tình với điều gì đó vì không thích” hay “biểu hiện sự không hài lòng qua lời nói hoặc hành động”. “Tại sao tôi không sinh ra trong gia đình tốt hơn?”, “Tại sao đất nước chúng ta lại như thế này?”, “Con tôi giống ai mà chỉ toàn điểm kém thế này?” Không có giới hạn về mức độ một người có thể bất bình về sự vật, tình huống và con người. Nếu bất bình bất mãn trở thành thói quen thì sẽ tiếp tục có nhiều điều để bất bình.

Càng bất bình thì não lại càng suy nghĩ tiêu cực hơn. Nói cách khác, nó trở thành bộ não có xu hướng bất bình. Ngay cả khi làm cùng một công việc, chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn khi làm với tấm lòng vui vẻ thay vì làm với tâm trạng không hài lòng. Lý do khiến mọi việc không suôn sẻ khi chúng ta đầy những lời bất mãn, là vì não của chúng ta không nhận ra điều đó ngay cả khi có giải pháp tốt. Thái độ cảm tính và bất bình khiến não của chúng ta không thể hoạt động đúng cách.

Bất bình bất mãn không chỉ làm hỏng công việc mà còn gây hại cho sức khỏe của chúng ta. Khi bất bình, loại hormone gây căng thẳng gọi là cortisol sẽ được tiết ra. Quá nhiều cortisol sẽ làm co mạch máu và giảm khả năng miễn dịch, gây ra nhiều bệnh như bệnh tim, béo phì và tiểu đường. Bất bình còn khiến người nghe cũng bất bình hoặc trở nên trầm cảm. Cuối cùng, nó không chỉ gây hại cho sức khỏe của chính chúng ta mà còn cả sức khỏe của người khác.

Bất bình và sự thật

Mọi người thường bất bình mà không nhận ra rằng họ đang bất bình. Họ nghĩ đó không phải là lời bất bình mà là chỉ ra sự thật rõ ràng. Nếu thường xuyên bất bình, chúng ta sẽ có nhận thức lệch lạc rằng chúng ta luôn là nạn nhân và mỗi khi bị đối xử bất công, chúng ta có thể lầm tưởng rằng mọi người có thái độ thù địch với mình. Đặc biệt, những người càng coi mình là trung tâm thì càng hay bất bình bất mãn. Điều này là do suy nghĩ của bản thân là ưu tiên hàng đầu nên nếu trái với suy nghĩ đó thì không thể chịu đựng được.

Việc bản thân đang nói là lời bất bình hay là lời phản ánh sự thật phụ thuộc vào việc nội tâm của chúng ta có đang bất mãn hay không. Nói cách khác, nếu người nói muốn sự vật hoặc hiện tượng nào đó thay đổi theo ý muốn của mình thì đó là lời bất bình. Ví dụ, nếu chúng ta nói “Hết gạo rồi” khi nhà đã hết gạo thì là nói sự thật, nhưng nếu chúng ta nói “Sao hết gạo nhanh thế!” thì có nghĩa là chúng ta đang có cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực rằng lẽ ra gạo không nên hết.

Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Robin Kowalski cho biết: “Hầu hết những lời bất bình đều nhằm mục đích khơi gợi phản ứng cụ thể từ người khác hơn là phản ánh thái độ thực sự đối với đồ vật hoặc con người”. Ở đây, những “phản ứng cụ thể” có thể được tóm tắt thành 5 điều: thu hút sự chú ý, trốn tránh trách nhiệm, khơi gợi sự đố kị, sử dụng quyền lực và biện minh cho những việc làm không đúng đắn. Khi sắp sửa thốt ra lời bất bình bất mãn, hãy thử xác định xem ý đồ của mình là gì.

“Làm như thế nào?” tốt hơn “Tại sao?”

Bất bình không giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ chịu đựng những việc bất công và uất ức vô điều kiện. Để có cuộc sống tốt đẹp hơn, cần thiết có sự phê bình với những lựa chọn thay thế và có căn cứ hợp lý. Nói cách khác, những lời bất bình có thể diễn ra theo hướng mang tính xây dựng tùy thuộc vào thái độ của người bày tỏ chúng.

Khổng Tử nói: “Thà thắp ít nhất một ngọn nến còn hơn là bất bình về bóng tối”. Giáo sư Randy Pausch của Đại học Carnegie Mellon, Mỹ cũng đã nói trong bài giảng cuối cùng trước khi qua đời rằng “Có quá nhiều người lãng phí cuộc đời để bất bình về những vấn đề của họ. Tôi tin rằng nếu bạn chỉ dành 1/10 năng lượng của việc phàn nàn để giải quyết vấn đề thì bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mọi việc được giải quyết dễ dàng như thế nào”.

Nên tập trung vào việc giải quyết vấn đề hơn là phàn nàn. Thay vì nói “Tại sao lại thế?”, chúng ta hãy tìm giải pháp theo hướng tích cực. Nếu đến nhà hàng và bàn không sạch, thay vì phàn nàn: “Sao lại bẩn thế này?” thì chúng ta nhờ nhân viên phục vụ lau bàn là được. Nếu đó là điều có thể thay đổi được bằng ý chí hoặc nỗ lực của chúng ta, thì chúng ta nên tìm giải pháp như thế này để giải quyết sự bất mãn của mình, nhưng nếu đó là điều dù thế nào đi nữa cũng không thể thay đổi được thì bất bình cũng chẳng ích gì. Nên thay vì lo lắng quá nhiều về điều đó, chúng ta hãy học cách chấp nhận tình huống như hiện tại và hài lòng.

Những lời bất bình của người khác

Mọi người thường khoan dung với những lời bất bình của chính mình, nhưng lại cảm thấy mệt mỏi trước những lời phàn nàn và bất bình của người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc liên tục nghe những lời bất bình và bất mãn từ người khác như gia đình, bạn bè và hàng xóm.

Khi ai đó bày tỏ sự bất mãn, bạn nên giữ bình tĩnh, đừng phàn nàn hay bất bình cùng nhau. Các từ bất mãn và bất bình có hàm ý tiêu cực, nên tốt hơn hãy nói “Bạn có chuyện gì sao?” thay vì “Bạn đang phàn nàn về việc gì?” hay “Bạn không hài lòng với việc gì?”. Lắng nghe những lời bất bình cũng là cách để trò chuyện và giao tiếp, vì vậy trước tiên phải lắng nghe lời nói của đối phương. Chúng ta không nên ngắt lời đối phương hoặc ép họ bằng cách hỏi “Vậy tóm lại là gì?”

Vai trò của người nghe lời bất bình là đồng cảm chứ không phải giải quyết vấn đề. Khi mong muốn được đồng cảm được thỏa mãn, hầu hết những lời bất bình đều biến mất. Khi người vợ phàn nàn việc nhà vất vả, người chồng nói: “Nếu vất vả đến thế thì đừng làm nữa” chỉ làm cho người vợ càng bất mãn hơn. Không phải người vợ không muốn làm việc nhà, mà là cô ấy muốn được đồng cảm với việc đó. Nếu vợ bạn thực sự mệt mỏi với việc nhà, hai vợ chồng có thể cùng nhau tìm cách giải quyết những bất mãn của cô ấy.

Ngay cả khi chúng ta không cho rằng lời nói của đối phương là đúng, hoặc đối phương bất mãn vì hiểu lầm chúng ta, thì việc thừa nhận cảm xúc của đối phương sẽ giúp ngăn chặn những tranh cãi không cần thiết và duy trì mối quan hệ hòa thuận. Tiếp theo là biện bạch về sự bất mãn.

Yu Gwan (柳寬, 1346-1433) là hữu nghị chính dưới thời vua Sejong của triều đại Joseon (1392-1910); được biết đến là vị quan thanh liêm và ngay thẳng, thực tiễn lối sống cần kiệm. Có lần, khi mưa dột qua mái nhà cũ, ông nhờ vợ mang ô đến. Ông định dùng ô trong phòng để che mưa. Khi vợ ông phàn nàn về điều kiện sinh hoạt nghèo nàn của họ dù ông là quan giữ chức vụ cao trong triều đình, ông đã nói:

“Phu nhân ơi, chúng ta thật may mắn mà phải không? Chúng ta chí ít cũng còn có ô. Những nhà không có ô thì chịu làm sao được đây?”

Khi câu chuyện này được lan truyền, người ta gọi ngôi nhà nơi Yu Gwan sống là “Usangak (雨傘閣)” nghĩa là “căn nhà có ô che mưa”.

Nếu chỉ nghĩ đến những khó khăn và bất tiện của bản thân thì không thể nhìn thấy sự tình của người khác. Giống như người sống trong nhà rộng rãi nói với người sống trong phòng đơn rằng anh ta không thể sống được vì nhà quá nhỏ, hoặc người vợ phàn nàn về chứng mất ngủ của mình với người chồng đã phải thức suốt đêm để làm việc, đôi khi những bất bình của chúng ta có thể chẳng là gì so với hoàn cảnh của người khác. Để tránh mắc phải những sai lầm như vậy, chúng ta nên hạn chế bất bình.

Nếu trái ngược với hạnh phúc là bất bình thì từ đồng nghĩa với hạnh phúc là “cảm tạ”. Lòng cảm tạ là lớp bảo vệ vững chắc trước những lời bất bình. Đừng bất bình nếu chúng ta không hành động để giải quyết điều bất bình đó, nhưng hãy cảm tạ nếu điều bất bình đó không thể giải quyết được.