​Gia đình có thể thông hiểu trong giao tiếp là gia đình hạnh phúc!​

Việc giao tiếp chỉ có thể thông suốt khi người nói cân nhắc đến người nghe và người nghe cố gắng hiểu người nói.

9,989 lượt xem

Nhiều người trả lời rằng sở dĩ họ ngại ra nước ngoài hay gặp người nước ngoài là vì không thể giao tiếp được. Có lẽ, không có gì bức bối và khó khăn hơn việc không thể thông hiểu nhau. Tuy nhiên, có những lúc thật buồn khi chúng ta thất bại trong giao tiếp dù sử dụng chung một ngôn ngữ. Nếu đối phương là ai đó không liên quan đến chúng ta thì tránh đi là được. Mọi người có xu hướng gần gũi với những người mà họ có thể giao tiếp tốt, và tự nhiên trở nên xa cách với những người không thể giao tiếp tốt.

Song, nếu đối tượng là thành viên trong gia đình thì đó là sẽ vấn đề lớn. Không có gì đau đớn hơn việc phải sống chung dưới một mái nhà suốt cả đời với người mà chúng ta không thể giao tiếp. Ngay cả khi ai đó đáp ứng đủ tất cả các điều kiện, chúng ta cũng khó có thể chấp nhận người đó làm vợ/chồng của mình nếu không thể giao tiếp với họ. Điều này là bởi việc giao tiếp suôn sẻ giữa các thành viên trong gia đình là thước đo quan trọng của hạnh phúc.

Nếu nhìn vào sự tình bên trong những gia đình không có sự giao tiếp, hầu hết các trường hợp đều là “vì không thể nói chuyện được với nhau”. Khi giao tiếp không thông suốt thì họ sẽ không nói nữa. Trên thực tế, một gia đình ngừng nói chuyện thực sự còn nguy hiểm hơn là một gia đình tranh luận để phân định đúng sai hay bảo vệ ý kiến riêng của bản thân.

Cha mẹ và con cái thông hiểu nhau

“Mẹ ơi, trông con thỏ có vẻ bị bệnh rồi ạ. / Con có được 100 điểm bài kiểm tra trắc nghiệm không? // Con thỏ đã hắt hơi từ nãy rồi ạ. / Con đã làm bài tập chưa? // Nó thậm chí còn không muốn ăn cà rốt nữa. / Con viết nhật ký trước đi!” (Kim Mi Hye, Chiếc ô của chim ác là con, Changbi, 2005)

Đây là bài thơ thiếu nhi có tựa đề “Không thể thông hiểu”. Nếu cuộc trò chuyện lần nào cũng như vậy thì hình ảnh người mẹ in sâu trong tâm trí con cái sẽ là một người mà con không thể giao tiếp, và rồi con sẽ đóng cánh cửa trò chuyện với mẹ lại. Nhiều bậc cha mẹ hiểu lầm rằng họ đang trò chuyện với con bằng cách cằn nhằn, khiển trách hoặc chỉ trích một chiều. Trò chuyện không phải là bài diễn thuyết đơn phương hướng về phía thính giả. Trò chuyện là trao đổi suy nghĩ và tấm lòng giống như chơi bóng bàn vậy.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình vào năm 2016 trên 1.000 phụ huynh và 635 học sinh tiểu học, cả cha mẹ và con cái đều cho rằng “cha mẹ biết lắng nghe con và nói chuyện nhiều với con” là cha mẹ tốt. Để có cuộc trò chuyện đúng nghĩa và thỏa lòng con cái thì trên hết giữa cha mẹ và con cái phải hình thành sự thân mật. Nếu chúng ta nói với con trai “Hãy nói chuyện với bố” bằng biểu hiện lạnh lùng, đứa trẻ sẽ mất hết tinh thần và không thể bày tỏ đúng suy nghĩ của bản thân.

Làm điều gì đó cùng nhau là phương pháp hữu ích để cha mẹ hình thành sự thân mật với con cái. Cho dù đó là tập thể dục, vui chơi hay cùng ra ngoài, khi cùng nhau làm gì đó, cuộc trò chuyện sẽ diễn ra một cách tự nhiên và chúng ta có thể trò chuyện trong bầu không khí thoải mái. Khi trò chuyện với con, thay vì chỉ mình mình nói nhiều, cha mẹ nên khuyến khích con nói nhiều hơn, nhưng nên chú ý để không chất vấn hoặc đặt quá nhiều câu hỏi thăm dò để tạo cơ hội cho con nói.

Cách nói chuyện kiểu như “Con làm sao vậy?” hoặc “Con phải làm thế này”, được gọi là “tin nhắn của bạn”. Nếu nói theo cách đó, quý vị sẽ nói “Con không thể ăn mặc đàng hoàng được sao? Đúng là bộ dạng…”, “Đây là phòng con hay chuồng lợn?”; hoặc những lời cảnh cáo và đe dọa như “Nếu con không nghe lời mẹ, mẹ sẽ cắt tiền tiêu vặt của con”, “Nếu con không dọn dẹp ngay bây giờ, mẹ sẽ vứt hết đi”, “Rửa ngay đi!”. Thật dễ để thốt ra những mệnh lệnh và chỉ đạo như “Đừng phàn nàn.”

Tuy nhiên, nếu chúng ta nói điều tương tự trong khi thay đổi thành “tin nhắn của tôi”, đồng thời bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của bản thân, chúng ta sẽ có thể nói một cách nhẹ nhàng hơn nhiều; điều này cũng giúp người nghe giảm bớt sự từ chối. Những biểu hiện như “Mẹ muốn con ăn mặc gọn gàng”, “Bố muốn con gọn gàng, ngăn nắp” và “Nếu con có điều gì phàn nàn, hãy nói với mẹ thay vì tỏ ra khó chịu” chính là “tin nhắn của tôi”.

Dù vậy, việc làm theo mong muốn của con một cách vô điều kiện chỉ vì muốn trở thành cha mẹ thông hiểu con cái là không đúng. Chúng ta cần tôn trọng mong muốn của con, nhưng phải dạy dỗ và kỷ luật những suy nghĩ và hành động không thích hợp một cách dễ hiểu với tầm nhìn của trẻ.

Trên thực tế, không có cha mẹ nào có thể hoàn toàn hiểu con mình. Con cái cũng là cá thể có những suy nghĩ riêng của bản thân nên việc cha mẹ và con cái đôi khi bất hòa là điều đương nhiên. Điều quan trọng là cha mẹ phải tiết chế được cảm xúc của mình trong những tình huống đối diện với con, thấu hiểu cảm xúc của con và giải quyết tình huống một cách suôn sẻ. Dĩ nhiên nói thì dễ hơn làm, nhưng nếu chúng ta không ngừng cố gắng với niềm tin rằng không có vấn đề gì không thể giải quyết được thông qua giao tiếp thì sẽ đến ngày con quý vị nói rằng “Mẹ (cha) thật hiểu con”.

Vợ chồng thông hiểu nhau

A)

“Chà, nước canh hơi nhạt.”

“Ăn mặn không tốt cho sức khỏe đâu.”

“Không phải anh muốn ăn mặn mà là nó nhạt.”

“Em thấy rất vừa mà.”

“Đó là khẩu vị của em, nhưng nhạt với anh.”

“Chỉ vì anh kén ăn thôi.”

“Anh không kén ăn gì cả!”

“Thế anh tự nấu đi.”

B)

“Em yêu, cảm ơn em đã vất vả chuẩn bị bữa tối.”

“Gì chứ, anh ăn nhanh đi.”

“Nước dùng rất ngon. Nhưng anh nghĩ là thêm một chút gia vị sẽ ngon hơn.”

“Em đã nếm thử rồi mà, nhưng anh thấy nhạt lắm không?”

“Anh nghĩ nếu thêm một chút nước tương thì sẽ ngon hơn nhiều.”

“Vậy à? Chờ em một chút.”

“Xin lỗi vì đã làm phiền em.”

“Không sao, lần sau em sẽ chú ý hơn.”

Giữa A hay B, đôi vợ chồng nào giao tiếp tốt hơn? Cặp đôi A nói chuyện với nhau với tư duy coi bản thân là trung tâm nên không thể giao tiếp được. Ngược lại, lời nói của cặp đôi B thể hiện rõ sự tôn trọng và quan tâm đến đối phương, đồng thời biến điều dễ dẫn đến xung đột thành cơ hội để xây dựng tình yêu thương và sự tin tưởng.

Trong nhiều trường hợp, các cặp đôi tranh cãi không phải vì không yêu nhau, mà là vì cách nói chuyện của họ còn vụng về. Trong cuộc trò chuyện vụng về, nếu một người mất bình tĩnh thì cuộc cãi vã sẽ bắt đầu bùng lên. Khi sự kiên nhẫn đạt đến giới hạn do những nhận xét mỉa mai như “Anh lúc nào cũng thế!”, hoặc cố tránh né tình huống như “Sao cũng được. Đừng nên nói nữa thì hơn!” thì cuộc trò chuyện chắc chắn sẽ chấm dứt ở đó.

Dẫu suy nghĩ về điều đó bao nhiêu đi chăng nữa, nếu chúng ta chắc chắn rằng bản thân không làm gì sai thì thật khó để lùi lại dù chỉ một bước. Và nếu chúng ta chỉ đổ lỗi cho tính cách của đối phương với suy nghĩ “Tôi không cố ý làm vậy mà anh ấy lại hiểu lầm. Đó là vì anh ấy quá nhạy cảm thôi.” thì sẽ chỉ làm tăng thêm rào cản đối thoại. Quyền phán xét những điều nói ra thuộc về người nghe. “Dù tôi có ý tốt nhưng nếu người nghe cảm thấy bị xúc phạm thì đó là lỗi của tôi.” Nếu có tư duy thế này, chúng ta sẽ có thể sẵn lòng nhượng bộ ngay cả khi không hoàn toàn đồng ý với phương án giải quyết.

Nỗ lực để thấu hiểu và quan tâm cũng thuộc phạm trù của tình yêu thương. Trong bất cứ trường hợp nào, khi chúng ta tự tiết chế bản thân và tham gia trò chuyện với giọng điệu nhẹ nhàng, thì tình yêu thương và sự tin tưởng của chúng ta với bạn đời có thể sâu sắc hơn, đồng thời có thể trở thành cặp đôi giao tiếp tốt.

Người nói và người nghe

Một số người thích nói một cách dễ dàng và đơn giản bởi nghĩ rằng “Nếu tôi nói rõ ràng đến thế này thì họ sẽ hiểu thôi”, trong khi có những người thích nói dài dòng, kể từng chi tiết để thể hiện rõ quan điểm của mình. Đối với trường hợp trước, vì có nhiều phần bị lược bỏ nên người nghe có thể không hiểu rõ thông điệp và ý định của người nói; còn ở trường hợp sau, người nghe có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi. Trong đối thoại, đôi khi chúng ta có thể đứng trên lập trường của người nói, và đôi khi đứng trên lập trường của người nghe. Vì vậy, người nói phải quan tâm đến người nghe và ngược lại, người nghe phải quan tâm đến người nói.

Có một biểu hiện một thời rất phổ biến ở Hàn Quốc là “Dapjeongneo”. Đó là một từ mới với ý nghĩa là “Câu trả lời đã được định sẵn nên chỉ cần đưa ra câu trả lời thôi”. Nói cách khác, mặc dù hỏi ý kiến của đối phương nhưng rốt cuộc chúng ta vẫn muốn nghe câu trả lời mà bản thân mong muốn. Ví dụ, trong trường hợp người vợ đã hết lòng chuẩn bị bữa ăn và hỏi chồng mình “Có ngon không?”, thì câu trả lời mà cô ấy muốn là “Ngon”.

Tình huống này có đôi phần dễ thương. Tuy nhiên, nếu lần nào cũng sắp đặt sẵn câu trả lời trong đầu và coi mọi câu trả lời của người khác là sai, thì chúng ta sẽ không thể đồng tình với câu trả lời của họ và cuối cùng lại càng chủ trương quan điểm của mình cách mạnh mẽ hơn. Rất khó để giao tiếp thực sự nếu chỉ nói những gì bản thân muốn nói và chỉ nghe những gì bản thân muốn nghe. Chúng ta không có thói quen suy nghĩ “Tôi luôn đúng” và ngắt lời, bác bỏ những gì người khác đang nói hơn là chăm chú lắng nghe hoặc suy nghĩ xem mình sẽ nói gì tiếp theo, phải không?

Người ta nói rằng gia đình lý tưởng nhất là gia đình không cần nói cũng hiểu nhau, song ý nghĩa thực sự không phải là không cần lời nói, mà có nghĩa là hiểu được tấm lòng của nhau. Cho đến khi một gia đình lý tưởng như vậy được hình thành, chúng ta phải trải qua những thử nghiệm và sai sót, đồng thời xây dựng niềm tin và sự đồng cảm thông qua không ngừng đối thoại.

Nếu trong tôi đầy ắp thì không còn chỗ cho người khác bước vào, rồi cuối cùng sẽ trở thành người hoàn toàn bế tắc. Giống như nhạc cụ ống rỗng bên trong tạo ra âm thanh trong trẻo và sâu lắng khi không khí đi qua, tấm lòng của con người cũng phải có không gian để người khác ra vào thì mới có thể tạo ra hòa âm giao tiếp nhẹ nhàng.

Chúng ta cần phải tập làm trống bản thân mình. Vì những người mà chúng ta có thể giao tiếp không được định sẵn từ khi sinh ra, mà phụ thuộc vào mức độ chúng ta cố gắng điều chỉnh bản thân để hòa hợp với họ.