Tính cách khác biệt không phải là vấn đề!
Tính cách của một người được hình thành do ảnh hưởng của môi trường đối với tính khí bẩm sinh. Phương pháp để khắc phục sự khác biệt về tính cách là thay đổi cách nói chuyện thay vì hy vọng đối phương thay đổi tính tình.
“Cô ấy giống tính ai không biết nữa?”, “Tôi không thể hiểu được đồng nghiệp của mình.”, “Chắc anh ta đến từ chiều không gian khác đấy.”, “Chúng tôi không hợp nhau nên mới chia tay.”, v.v…
Nguyên nhân phổ biến và nổi bật nhất dẫn đến rạn nứt trong mối quan hệ giữa người với người là sự khác biệt về tính cách. Một số sinh viên gặp khó khăn trong mối quan hệ với các bạn học ở trường, một số người cân nhắc nghỉ việc không phải bởi công việc mà do những người họ làm việc cùng, một số khác lại phải chịu đựng sự bất hòa từ gia đình. Nhiều người trong số họ đổ lỗi cho tính cách của mình hoặc của những người khác.
Chúng ta trải qua niềm vui và nỗi buồn trong các mối quan hệ với người khác, thậm chí còn đo lường mức độ hài lòng trong tập thể ấy dựa trên tính cách của các thành viên trực thuộc. Chúng ta điều chỉnh khoảng cách với người khác dựa trên tính cách của họ. Do đó, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến nhân cách của mọi người khi có mối quan hệ lâu dài và quan trọng với họ. Trong một vài trường hợp, nếu ai đó thường xuyên suy nghĩ và hành động khác biệt với chúng ta, chúng ta sẽ coi họ như người xa lạ và thậm chí chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ.
Có nhiều loại bài kiểm tra tính cách khác nhau, từ kiểu tính cách theo chòm sao hoặc nhóm máu cho đến trắc nghiệm tính cách MBTI1 được sử dụng rộng rãi gần đây. Việc nhiều người tỏ ra quan tâm và tìm hiểu kiểu tính cách của mình và của người khác cho thấy mong muốn hiểu được sự khác biệt của nhau và hình thành những mối quan hệ tốt đẹp. Vì tính cách đóng vai trò then chốt trong các mối quan hệ giữa con người, nó có tác động đáng kể đến đời sống của chúng ta.
1. Một công cụ kiểm tra loại tính cách tự báo cáo do Myers và Briggs phát triển dựa trên lý thuyết phân loại tâm lý của bác sĩ tâm thần học người Thụy Sĩ Carl Jung.
Tính cách được hình thành như thế nào?
Tính cách là phẩm tính hoặc đức tính đặc thù của một cá nhân. Tính cách là cốt lõi của bản sắc, xác định phương thức một người suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Vậy nên, tiêu chuẩn để quyết định hoặc lựa chọn các giá trị, lối nói chuyện, nhìn nhận và giải quyết vấn đề cũng bắt nguồn từ tính cách.
Có những em bé hễ khóc là khóc không ngừng, lại có những em bé nhanh chóng nín khóc khi được ôm và vỗ về. Một số thậm chí còn không khóc chút nào. Cùng sinh ra tại một bệnh viện nhưng phản ứng của mỗi bé lại khác nhau. Đó là bởi tất cả đều có tính khí khác nhau. Tính khí là đặc điểm bẩm sinh về mặt di truyền đề cập đến xu hướng tự động phản ứng với các kích thích bên ngoài. Khi được kết hợp với cách nuôi dạy của cha mẹ, môi trường xung quanh và kinh nghiệm thì tính cách được hình thành. Nói một cách dễ hiểu thì tính cách là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố bẩm sinh và các yếu tố ảnh hưởng trong môi trường sống.
Cũng có ý kiến khác nhau giữa các học giả về việc liệu tính khí hay tác nhân môi trường ảnh hưởng nhiều hơn đến sự hình thành tính cách. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu vẫn được tiếp tục cho đến tận ngày nay, và các lý thuyết hay định nghĩa về tính cách vẫn chưa được xác định rõ ràng. Do con người liên tục lặp lại những mâu thuẫn và thỏa hiệp nội tâm để thích nghi với môi trường, phẩm chất và cấu trúc tính cách của họ trở nên vô cùng phức tạp. Như lời rằng “Lòng người khó đoán”, thật khó để biết một người thực sự nghĩ gì vì bạn không thể nhìn thấy tấm lòng họ và cũng khó để đánh giá người đó chính xác nữa.
Tâm thần học hiện đại tin rằng tính cách của một người trở nên bền vững khi họ bước vào giai đoạn trưởng thành, từ khoảng 18 tuổi. Một số người nói rằng họ đã từng rất nóng tính nhưng rồi trở nên hiền lành hơn khi về già, hay là trở nên mạnh mẽ hơn khi làm công việc nặng nhọc, năng động hơn khi tập thể dục. Tính cách có thể thay đổi theo thời gian như thế này. Tuy nhiên, nhìn chung thì các nhà tâm lý học đều đồng ý với quan điểm rằng một khi tính cách đã hình thành thì không dễ thay đổi.
Sự khác biệt về tính cách có phải là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột?
Cũng như mỗi người có ngoại hình khác nhau, tính cách cũng vậy. Ngay cả những cặp song sinh cùng trứng được thừa hưởng những gen giống nhau và lớn lên trong cùng môi trường cũng có tính cách không giống nhau. Có 7,8 tỷ người thì cũng có 7,8 tỷ loại tính cách. Do đó, sự khác biệt về tính cách không chỉ xảy ra với các thành viên trong gia đình mà còn với bất kỳ ai họ gặp trong cuộc sống.
Có những người tính cách hoàn toàn khác biệt nhưng lại thân thiết với nhau, trong khi một số có tính cách tương đồng lại thường xuyên tranh cãi. Thực tế, nếu hai tính cách quá giống nhau cũng khiến họ dễ tìm ra những điểm mình không thích ở bản thân từ đối phương. Cuối cùng, nếu bạn nhìn sâu hơn một chút vào xung đột được cho là do sự khác biệt về tính cách, bạn sẽ thấy nguyên nhân thực sự của xung đột không phải là bản thân tính cách, mà là điều khác.
Một trong những nguyên nhân là chỉ vào tính cách của người khác khi họ mắc lỗi và nói rằng “Tính bạn thật kỳ lạ”, hoặc “Đáng lẽ bạn phải làm thế này khi những việc thể ấy xảy ra chứ?”. Tính cách được hình thành và bộc lộ một cách vô thức. Do đó, trong nhiều trường hợp, người ta không thể làm gì được với tính cách của mình. Vậy nên việc chỉ trích tính cách có thể gây ra sự phẫn uất.
Một nguyên nhân khác là coi “sự khác biệt” là “sai” và thể hiện nỗi thất vọng, tức giận hoặc chỉ trích khi bất đồng quan điểm. Tiến sĩ John Gottman, chuyên gia về nghiên cứu quan hệ gia đình tập trung vào cảm xúc nhấn mạnh rằng: nguyên nhân sâu xa của xung đột trong hôn nhân không phải là sự khác biệt về tính cách mà là do phương thức giao tiếp sai lầm. Các cặp đôi thiếu những cuộc trò chuyện phù hợp thì có hiểu biết hạn hẹp về đối phương, dẫn tới việc kết thúc mối quan hệ do không thể chấp nhận sự khác biệt của nhau.
Nguyên nhân cuối cùng là do chúng ta mong muốn người khác hòa hợp với phong cách của mình trong khi bản thân thì từ chối thay đổi và nói rằng “Tôi là thế đấy.” Nếu bạn cố chấp thay đổi tính cách người khác và nghĩ rằng làm thế vì lợi ích của họ, hay người đó cần hòa hợp với phong cách của bạn nếu họ yêu mến bạn, hoặc cứ tiếp tục làm điều người khác không ưa, lấy tính cách làm cái cớ, thì sẽ cãi vã triền miên.
Khi bạn đang mâu thuẫn với người nhà, hãy nghĩ thật cẩn thận về phương thức bạn giao tiếp trước khi đổ lỗi cho tính cách của nhau là nguyên nhân gây ra xung đột. Bạn sẽ thấy vấn đề và cách giải quyết rõ ràng hơn khi tự kiểm điểm về cách mình đã nói chuyện và hành xử, xem bạn có đang mang thành kiến với một người có tính cách khác biệt hay không.
Để khác biệt về tính cách không gây ra xung đột
Tính cách là đặc trưng riêng của từng người, đó là lý do tính cách mỗi người là khác nhau, nhưng không thể chia thành tốt, xấu, kỳ lạ, v.v… theo đánh giá chủ quan được. Ngoài ra, mỗi tính cách đều có ưu và khuyết điểm. Không có tính cách nào chỉ có điểm mạnh hoặc chỉ có điểm yếu. Tùy thuộc vào quan điểm và kết quả của sự lựa chọn được đưa ra như thế nào, ưu điểm có thể là nhược điểm hoặc ngược lại. Vì vậy, để tránh mâu thuẫn, trước tiên bạn phải thay đổi cách nhìn nhận về đối phương và khám phá những điều tốt đẹp từ người đó.
Nếu có điều gì không thoải mái, bạn cần bày tỏ cảm xúc của mình một cách hiệu quả để đối phương có thể vui mừng đón nhận lời góp ý mà không cảm thấy bị công kích. Ví dụ, nếu bạn không hài lòng với việc vợ hoặc chồng bóp kem đánh răng từ giữa tuýp, thay vì chỉ trích hay nổi cáu và nói rằng “Sao cứ bóp kem đánh răng từ giữa như thế?”, hãy thể hiện mong muốn của bản thân bằng cách nói rằng “Nếu mình bóp kem từ giữa thì sẽ bất hiện cho người khác vì phải bóp lại kem từ đáy tuýp đấy. Mình thử bóp kem từ đáy xem sao nhé?”
Khi ai đó bày tỏ những việc khiến họ thấy bất tiện hoặc không vui, hãy lắng nghe cho đến cuối cùng và đồng cảm với họ thay vì nói rằng “Có gì sai đâu?” Ngay cả khi điều đó không đáng kể với bạn, nó có thể là vấn đề đối với người khác. Nếu bạn thực sự không thể hiểu được lời phàn nàn đó, sẽ tốt hơn khi thừa nhận rằng người đó có lối suy nghĩ và nói chuyện khác với mình. Trên thực tế, rất khó để hiểu trọn vẹn về người khác vì bạn không phải là người đó. Đôi khi, mọi việc có thể được giải quyết dễ dàng nếu bạn tập trung vào giải quyết chính vấn đề đó thay vì xem ai đúng ai sai. Thay vì tranh cãi về việc bóp kem đánh răng từ đâu, bạn có thể dùng hai tuýp riêng biệt.
Các thành viên trong gia đình hòa thuận với nhau thường là do họ tránh gây ra mâu thuẫn bằng cách nói chuyện vui vẻ với sự quan tâm lẫn nhau, chứ không phải do họ có tính cách tương đồng. Nếu cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ, sự khác biệt về tính cách không còn là vấn đề nữa. Điều quan trọng là phải nói chuyện với thái độ tôn trọng và làm cho đối phương thoải mái. Để làm được điều đó thì cần phải điều tiết lời mình muốn nói, thay vì chỉ nói và làm theo tính cách của mình. Cần phải có sự thuần thục và linh hoạt để luôn ý thức về quá trình nhận biết các kích thích, cảm nhận cảm xúc, sau đó tự mình suy xét và quyết định hành động như thế nào; việc này đòi hỏi sự rèn luyện. Bạn không thể thay đổi tính cách của chính mình cũng như của người khác, nhưng bạn có thể cải thiện mối quan hệ nếu cố gắng làm giảm xích mích với đối phương bằng cách thay đổi phương thức đối thoại.
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, mối quan hệ giữa người với người được chọn là thước đo lớn nhất để đánh giá một cuộc sống hạnh phúc. Nghĩa là niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống phụ thuộc vào mức độ bạn hòa hợp với những người khác. Như nhà trị liệu tâm lý Alfred Adler đã nói “Mọi rắc rối đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa con người với nhau.” Mối quan hệ giữa người với người thực sự là nhiệm vụ không có hồi kết.
Thực tế, không dễ dàng gì để thấu hiểu và chấp nhận người khác. Tuy nhiên, việc này không chỉ kết thúc bằng việc quan tâm đến đối phương, mà sẽ trở lại như một phần thưởng lớn cho bạn. Thông qua quá trình thông hiểu và thừa nhận các tính cách khác biệt với bản thân mình, bạn sẽ có góc nhìn mới về thế giới và hình thành đức tính tốt đẹp như sự khôn ngoan, nhẫn nại, tiết độ và đức hạnh.
Phẩm tính tốt đẹp được hình thành khi bạn nỗ lực học hỏi để tạo mối quan hệ với người khác và phát triển kĩ năng giao tiếp, dựa trên tính khí bẩm sinh và tính cách được gây dựng trong quá trình trưởng thành. Không quan trọng là bạn có loại tính khí và tính cách nào. Khi phẩm tính tốt đẹp được dày công gây dựng thì sẽ trở thành kim chỉ nam dẫn đến cuộc sống hạnh phúc.