Lời nói tích cực thiết kế hạnh phúc

Suy nghĩ sinh ra lời nói và lời nói làm lay động suy nghĩ. Lời nói có thể khiến bạn trở nên hạnh phúc hoặc trở nên bất hạnh.

12,218 lượt xem

Vào năm 2016, trong trận chung kết bộ môn đấu kiếm đơn nam của Thế vận hội mùa hè lần thứ 31 được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil, khi đối mặt với đối thủ Géza Imre người Hungary, vận động viên Park Sang Young của Hàn Quốc sắp thua bởi tỷ số 13-9 trong ba hiệp cuối. Anh nhanh chóng giành được một điểm, nhưng lại để mất một điểm khác và bị đẩy đến match point (điểm cuối cùng để quyết định thắng thua trong trận đấu thể thao). Điều này chẳng khác nào anh ấy thua trận cả.

Tuy nhiên, anh đã đuổi theo từng điểm một và ghi liên tiếp bốn điểm để gỡ hòa với tỷ số 14-14. Rồi anh đã giành được điểm cuối cùng và chiến thắng như một kỳ tích. Đó là cú đảo ngược tình thế không thể tin được dù có nhìn thấy tận mắt. Năng lượng quyết định tạo nên trận đấu tuyệt vời đến vậy bắt nguồn từ lời nói của anh rằng “Tôi có thể làm được! Tôi có thể làm được!”. Nếu như anh nói “Tôi không thể. Trận đấu đã kết thúc” thì kết quả sẽ ra sao?

Có một đứa trẻ từng bị kỳ thị là trẻ có vấn đề ở trường khi còn nhỏ. Đứa trẻ không thể thích nghi với các lớp học ở trường, cuối cùng đã bị đuổi học. Nhưng sau đó, đứa trẻ ấy đã trở thành người đăng ký hàng nghìn bằng sáng chế và nổi tiếng là nhà phát minh vĩ đại. Tên của đứa trẻ ấy là Thomas Edison. Sở dĩ Edison có thể để lại tên tuổi như một vĩ nhân là nhờ những lời nói tích cực và đầy hy vọng của mẹ ông. Nhưng nếu ông lớn lên trong khi nghe mẹ mình nói rằng “Sao con ngốc nghếch vậy? Đừng hỏi những câu vô ích nữa.” thì sẽ như thế nào?

Sẽ được thành y như lời nói

Có câu nói rằng “Suy nghĩ tạo nên lời nói, lời nói tạo nên hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên nhân cách, nhân cách tạo nên số phận”. Nghĩa là những tâm tư chất chứa trong lòng đều sẽ được thể hiện ra bên ngoài. Nhưng thứ tự của lời nói và suy nghĩ có thể thay đổi và lời nói có thể dẫn dắt suy nghĩ. Đó là bởi lời nói có sức mạnh rất lớn, dù chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt hay nắm lấy bằng tay.

Trước tiên, lời nói có hiệu quả ghi khắc. Khi tiếp nhận thông tin mới, não sẽ hoạt động tích cực hơn nếu chúng ta nói ra bằng miệng thay vì chỉ nhìn bằng mắt. Khi nhận được danh thiếp từ người khác, nếu gọi thành tiếng tên của người ấy thì sẽ nhớ hơn là chỉ nhìn lướt qua.

Hơn nữa, lời nói còn có hiệu ứng mồi (Priming). Giáo sư tâm lý học John Bargh của đại học Yale cho biết “Khi tiếp xúc với một số từ nhất định, vỏ não tiền vận động (khu vực kết hợp thông tin đi vào qua các giác quan) sẽ sẵn sàng để hoạt động theo các từ đó”. Khi bạn đọc từ “di chuyển”, não sẽ ngay lập tức sẵn sàng hành động.

Không những thế, lời nói còn có hiệu quả thành tựu. Nếu đã nói điều gì đó thì bản thân sẽ nỗ lực để làm hoàn thành điều đó. Ví dụ, khi cố gắng bỏ cà phê, nếu bạn nói với những người xung quanh về ý định ấy của bản thân, thì khả năng bạn bỏ được cà phê sẽ cao hơn người chỉ cam kết trong lòng.

Những người đã trải nghiệm sức mạnh của lời nói sẽ không nói những điều tiêu cực. Khoảnh khắc bạn nói “Tôi không thể làm được” hoặc “Tôi sai rồi”, thì động lực sẽ biến mất và bạn có thể bỏ cuộc. Nhưng nếu bạn lớn tiếng nói rằng “Được rồi, tôi có thể làm được!” hoặc “Tôi sẽ thử một lần!”, thì động lực vốn không có cũng sẽ xuất hiện, và từ khi đó, não bắt đầu tích cực tìm kiếm phương pháp để có thể làm được.

Võ sĩ quyền anh huyền thoại Muhammad Ali, người đã thắng 56 trận và thua 5 trận trong 61 trận đấu, đã từng dự đoán về chiến thắng của mình bằng những lời nói tích cực và khẳng định trước trận đấu. Và anh đã giành chiến thắng y như những gì mình đã nói. Anh cảm nhận được rõ ràng sức mạnh của lời nói và chia sẻ “Một nửa chiến thắng của tôi là ở lời nói chứ không phải ở nắm đấm”.

Hạnh phúc đến từ những lời nói tích cực

Sự khác biệt giữa người hạnh phúc và người không hạnh phúc là ở những lời mà họ nói. Khi nhìn vào thói quen về lời nói thường ngày của một người, chúng ta có thể đoán được ở một mức độ về việc người đó có đang sống hạnh phúc hay không. Người quen nói những lời tiêu cực, đổ lỗi cho người khác và luôn lằm bằm, bất mãn thì khó có thể sống hạnh phúc. Người ấy có thể có niềm vui nhất thời khi nói thẳng ra những gì mình muốn nói, nhưng sẽ trở nên xa rời với hạnh phúc trong cuộc sống nói chung.

Nếu muốn trở nên hạnh phúc thì phải thay đổi bắt đầu từ lời nói tích cực. Giống như câu nói “Chúng ta không cười vì chúng ta hạnh phúc, chúng ta hạnh phúc vì chúng ta cười”, chúng ta không nói lời tích cực vì chúng ta hạnh phúc, mà chúng ta hạnh phúc vì nói lời tích cực.

Mối quan hệ hạnh phúc với gia đình cũng phụ thuộc vào những lời nói tích cực. Tiến sĩ John Gottman, chuyên gia tư vấn tình cảm vợ chồng, đã để 700 cặp vợ chồng mới cưới trò chuyện trong 15 phút, quay lại cảnh đó, rồi sau đó phân tích chi tiết số lượng lời nói tích cực và lời nói tiêu cực mà họ sử dụng. Dựa trên những dữ liệu phân tích được, ông dự đoán rằng những cặp vợ chồng sử dụng hơn 20% lời nói tiêu cực trong cuộc trò chuyện thì có nhiều khả năng thất bại trong hôn nhân. Và 12 năm sau, dự đoán đó đúng đến 94%.

Hơn bất cứ điều gì khác, thói quen ngôn ngữ của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc tới con cái của họ. Cha mẹ luôn yêu thương và trân trọng con cái mình, nhưng mức độ hạnh phúc mà con cái họ cảm nhận được sẽ khác nhau tùy thuộc vào lời nói mà cha mẹ sử dụng.

Ví dụ, một đứa trẻ trở về nhà sau khi chơi với các bạn và nói với mẹ: “Mẹ ơi, con đói. Có gì ăn không ạ?”, giữa người mẹ nói “Mấy giờ rồi? Con đi đâu mà giờ mới về?” và “Chắc con đói lắm nhỉ. Chờ mẹ một chút, mẹ sẽ chuẩn bị đồ ăn cho con”, thì đứa con của người mẹ nào sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn? Quan trọng là cha mẹ phải sử dụng ngôn ngữ tích cực để nuôi dưỡng đứa trẻ thành người luôn tin tưởng cha mẹ, có lòng tự trọng cao và suy nghĩ lành mạnh.

Tiến sĩ Martin Seligman, chuyên gia tâm lý học tích cực, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của lời nói tích cực rằng “Trong cuộc sống, so với năng lực hay tài năng, biến số quan trọng hơn chính là thói quen ngôn ngữ tích cực”. Những lời tiêu cực chỉ khiến bạn và những người xung quanh cảm thấy không hài lòng. Những lời tích cực giúp giải thoát khỏi chứng trầm cảm, chữa lành bệnh tật và thậm chí có thể thay đổi vận mệnh của chúng ta. Nếu mong muốn những điều tốt đẹp xảy ra, thì hãy thiết kế hạnh phúc bằng những lời tích cực.

Phương pháp để nói lời tích cực

① Nói những lời khẳng định thay cho lời phủ định

Hạn chế nói những lời như “Đừng…” hay “Không được…” v.v… Như đã đề cập trước đó, lời nói có hiệu quả ghi khắc, nên ngay cả khi một số từ có ý nghĩa tích cực, nhưng nếu chúng được diễn đạt trong câu phủ định thì biểu hiện tiêu cực vẫn sẽ in đậm. Nếu bạn nói “Hãy chăm sóc em tốt nhé” thì từ “chăm sóc” sẽ được in vào tâm trí trẻ, nhưng nếu nói “Đừng làm em khóc nhé” thì từ “khóc” sẽ được ghi khắc. Thay vì nói “Đừng lãng phí thời gian!”, hãy nói “Hãy sử dụng thời gian một cách có ý nghĩa!”. Thay vì nói “Đừng thất hứa nhé!”, hãy nói “Tôi sẽ đợi!”. Nếu làm được như vậy thì có thể trò chuyện vui vẻ với nhau.

② Thay vì từ chối, hãy nói theo hướng khả thi hơn

Nếu bày tỏ ý kiến mà bị người khác từ chối, bạn có thể cảm thấy nản lòng hoặc khó chịu. Khi bạn từ chối yêu cầu của ai đó, hãy thể hiện điều đó một cách tích cực và cân nhắc đến cảm xúc của người khác. Ví dụ, khi vợ/chồng hỏi rằng “Chủ nhật này chúng ta cùng đi leo núi nhé?”, thay vì từ chối thẳng thừng rằng “Không được. Anh/Em có hẹn rồi”, hãy nói hết sức thành ý rằng “Chủ nhật này à? Anh/Em rất muốn đi nhưng vì có hẹn trước rồi nên thật xin lỗi. Chủ nhật tới thì sao ạ?”, vợ/chồng sẽ cảm nhận được sự chân thành của bạn. Ngay cả khi con bạn nói rằng chúng muốn chơi, thay vì nói “Đừng nghĩ đến việc chơi trước khi con làm xong bài tập”, nhưng nói “Sau khi hoàn thành bài tập về nhà, con có thể chơi thỏa thích” thì sẽ mang đến nhiều hy vọng hơn.

③ Đồng cảm với lời nói của người khác

Thật dễ để nói những điều tiêu cực khi có sự khác biệt giữa quan điểm ​​của hai người. Khi bạn và người khác có ý kiến ​​khác nhau, nếu trước tiên bạn nói “Không, điều đó không đúng” hoặc “Nhưng …”, thì cảm xúc của người kia sẽ bị tổn thương đến nỗi anh ấy sẽ không nói gì thêm và nghĩ rằng “Đáng lẽ tôi không nên nói bất cứ điều gì”, hoặc anh ấy sẽ không muốn chấp nhận ý kiến ​​​​của bạn dù nó tốt hơn. Nếu bạn lắng nghe người khác một cách cẩn thận và nói “Ồ, đó là ý kiến ​​hay” hoặc “Bạn nói đúng” thay vì chỉ nghĩ về những gì bạn sẽ nói thì sẽ làm cho người kia hài lòng, sau đó cẩn thận đề xuất ý kiến của bạn, đối phương sẽ chấp nhận ý kiến​​của bạn mà không phản kháng.

④ Chọn từ tích cực

Khi sử dụng từ có ý nghĩa tiêu cực, dù nó được theo sau bởi một từ tích cực thì sẽ vẫn có thể nghe có vẻ tiêu cực. Nên khi chọn từ để nói, hãy suy nghĩ kỹ để chọn từ có ý nghĩa tích cực. Ví dụ) Béo → thân hình cân đối, nhút nhát → thận trọng, thiếu kiên nhẫn → nhiệt tình, nhạy cảm → tinh tế, lười biếng → thư thái, cố chấp → có quan điểm rõ ràng.

⑤ Nói lời động viên

Khi nói những lời như “Tôi là như vậy đấy!”, “Thật khó chịu!”, “Thật mệt mỏi!”, não sẽ tiếp nhận y nguyên những lời ấy, rồi bị chìm trong những cảm xúc tiêu cực và thực sự cảm thấy yếu đuối. Hãy quan sát xem có biểu hiện tiêu cực nào trong những lời mà bạn nói theo thói quen hay không, và ngay cả khi đang nói chuyện với chính mình, hãy nói những lời tiếp thêm năng lượng và mang lại hy vọng như “Không sao đâu!”, “Sẽ ổn thôi!”, “Tôi có thể làm được!”

⑥ Bày tỏ lòng cảm tạ nhiều hơn

Trong những lời tích cực, lời cảm tạ là lời tích cực nhất. Khi bạn sắp chìm vào suy nghĩ tiêu cực, những lời cảm tạ sẽ trở thành lá chắn và xua tan đi suy nghĩ tiêu cực. Khi bạn gặp khó khăn, hãy nói “Tôi cảm tạ vì có công việc để làm!”, “Tôi cảm tạ vì có sức khỏe để có thể làm việc!”, “Tôi cảm tạ vì có thể siêng năng làm việc để cung cấp những gì cần thiết cho gia đình”, thay vì nói “Thật khó khăn quá!”, thì những suy nghĩ tiêu cực sẽ không thể xen vào được.

Để hạnh phúc, bạn cần hình thành thói quen nói những lời tích cực. Nhưng điều đó không tự diễn ra. Giống như cơ bắp của cơ thể chỉ có thể được phát triển thông qua đổ mồ hôi và luyện tập, để lời nói trở nên tích cực, chúng ta cũng phải rèn luyện và luyện tập lặp đi lặp lại để phát triển lời nói tích cực. Nếu không nỗ lực và đặt trong lòng thói quen nói lời tích cực thì sẽ vô tình thốt ra những lời tiêu cực.

Lời nói tích cực không chỉ khiến bản thân bạn hạnh phúc, mà còn khiến gia đình bạn hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Người luôn được nghe những lời nói tích cực từ gia đình sẽ có thể tự đứng dậy ngay cả khi họ nản lòng. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn trở thành sự tồn tại thể ấy đối với gia đình mình trước? Cuộc sống không thể lúc nào cũng là con đường đầy hoa, nhưng bạn có thể làm cho những bông hoa nụ cười nở trên khuôn mặt của bạn và gia đình nếu bạn mượn sức mạnh của những lời nói tích cực.