Những cuộc trò chuyện vụn vặt, nhưng không hề nhỏ nhặt!
Gia đình thường xuyên chia sẻ những câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ có sự gắn kết cao mà còn cảm thấy hạnh phúc hơn.
Trong khi nói chuyện, có “trò chuyện có mục đích” và “trò chuyện không có mục đích”. Trò chuyện có mục đích là phương tiện để tiếp nhận thông tin hoặc truyền đạt ý kiến nào đó như gọi điện đến trung tâm dịch vụ vì thiết bị điện tử bị hỏng, hỏi nhân viên cửa hàng về giá của đồ vật, đề xuất với cấp trên về phương án tăng doanh số bán hàng, v.v… Theo y như tên gọi, chúng được thực hiện dựa trên mục đích và tính cần thiết.

Tuy nhiên, con người không thể chỉ nói những lời thực sự cần thiết mà sống được. Khi gặp lại họ hàng xa sau một thời gian dài, khi chạm mặt hàng xóm trong thang máy, hay khi gặp đồng nghiệp phòng ban khác ở phòng nghỉ của công ty… Nếu cứ im lặng vì không có gì để nói thì sẽ tạo ra sự im lặng gượng gạo và những lúc như vậy sẽ khiến chúng ta thấy khó chịu và muốn tránh đi. Ngay cả trong gia đình, nếu chỉ nói những điều cần thiết thì dù ở chung một chỗ, cũng sẽ dần trở nên xa cách vì không có gì để nói.
Những lúc như vậy, nếu ai đó chủ động mở lời bằng một câu chuyện nhỏ nhặt thì bầu không khí im lặng sẽ trở nên dễ chịu hơn. Việc trò chuyện nhẹ nhàng mà không có mục đích đặc biệt như thế này được gọi là “Small Talk” ở các nước nói tiếng Anh. Trong tiếng Hàn, có thể được gọi là nói chuyện phiếm, tán gẫu, nói chuyện riêng, tám chuyện.
Nếu xem những cuộc trò chuyện không có mục đích là những lời vô ích và lãng phí thời gian, mà chỉ nói những điều cần thiết, thì chẳng phải thế giới này sẽ thật ảm đạm hay sao? Đương nhiên, những cuộc trò chuyện nghiêm túc và có ý nghĩa là cần thiết, nhưng những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng và đơn giản cũng nhất định cần thiết. Nếu quan sát kỹ cuộc trò chuyện của mọi người, thì sẽ thấy rằng những cuộc trò chuyện vui vẻ thường được lấp đầy bởi những câu chuyện nhỏ nhặt. Trên thực tế, trò chuyện nhẹ nhàng và nhỏ nhặt là chất keo gắn kết các mối quan hệ giữa người với người.
Sự thân thiết được tạo ra bởi những cuộc trò chuyện nhỏ nhặt
Những doanh nhân có năng lực sẽ làm dịu bầu không khí bằng cuộc trò chuyện nhẹ nhàng trước khi bước vào cuộc họp chính thức. Các bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng tạo ra bầu không khí thoải mái bằng cách hỏi bệnh nhân điều này điều kia trước khi khám bệnh. Những nhân viên bán hàng giỏi cũng nắm bắt tâm trạng và tình hình của khách hàng bằng trò chuyện ngắn gọn trước khi giới thiệu sản phẩm. Những diễn giả nổi tiếng cũng vậy, trước khi đi vào bài giảng, họ thường khuấy động bầu không khí bằng những câu chuyện nhỏ nhặt hoặc hài hước.
Nếu giải tỏa bầu không khí cứng nhắc bằng những câu chuyện nhỏ nhặt như thế, khoảng cách tâm lý với đối phương được thu hẹp và hai bên sẽ thấy thân thiết hơn. Bởi vì khi chúng ta thể hiện ý chí và nỗ lực để trò chuyện, đối phương sẽ cảm nhận được sự quan tâm dành cho họ. Trong bầu không khí cứng nhắc và gượng gạo, nếu bất ngờ nói vào vấn đề, thì cả công việc lẫn cuộc trò chuyện đều khó có thể diễn ra suôn sẻ. Nếu mở đầu bằng câu chuyện nhỏ trước để đối phương được mở lòng, thì có thể dẫn dắt lời mình muốn nói một cách tự nhiên hơn.
Dù yêu thương nhau nhưng những gia đình thiếu sự gắn kết thường cũng thiếu những cuộc trò chuyện nhỏ nhặt như vậy. Nếu cho rằng gia đình có thể hiểu nhau mà không cần nói ra và bỏ qua những cuộc trò chuyện nhỏ nhặt, thì dần dần số chuyện để nói sẽ ít đi, và thậm chí những điều thực sự cần nói cũng có thể bị bỏ qua. Nếu vậy thì sẽ mất đi sự gắn kết và trở thành trò chuyện mang tính hình thức. Trò chuyện giữa vợ chồng trở nên khô khan, và kể cả những lời hữu ích mà cha mẹ nói với con cái cũng bị nghe như lời cằn nhằn.
Các gia đình mà thường trò chuyện về những điều nhỏ nhặt thường ngày sẽ dễ dàng chia sẻ những cuộc trò chuyện sâu sắc và cũng hợp sức tốt hơn khi đối mặt với tình huống khó khăn. Trò chuyện được lấp đầy bởi những lời nhỏ nhặt, dù nội dung có vẻ không mang ý nghĩa lớn, nhưng bản thân chúng lại đã có ý nghĩa rồi. Và dù thoạt nghe có vẻ như những lời vô ích, nhưng đôi khi chúng lại mang đến sự giúp đỡ thiết thực trong việc duy trì mối quan hệ. Vì phạm vi thông hiểu của chúng ta sẽ được mở rộng ra khi hiểu rõ lĩnh vực quan tâm của nhau và suy nghĩ của đối phương. Vậy nên, chúng ta không nên xem nhẹ dù chỉ là những câu chuyện vụn vặt.
Trò chuyện nhỏ nhặt mang đến hạnh phúc
Bạn đã bao giờ tình cờ gặp người quen rồi hỏi thăm nhau, hoặc trò chuyện rôm rả với người bạn lâu ngày không gặp, và cảm thấy tâm trạng vui vẻ chưa? Dù nội dung trò chuyện có thể bị quên đi, nhưng cảm giác vui vẻ khi đó vẫn đọng lại như ký ức hạnh phúc trong lâu dài. Trong khi cười và thoải mái nói ra cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và những chuyện đã xảy ra, não sẽ tiết ra hormone như Serotonin và Dopamine, mang lại cảm giác hạnh phúc mạnh mẽ.

Lý do mức độ hạnh phúc của nữ giới trong các hộ gia đình 1 người cao hơn nam giới cũng liên quan đến điều này. Các chuyên gia phân tích rằng việc nữ giới tạo dựng mối quan hệ cảm xúc với người khác thông qua trò chuyện vụn vặt có ảnh hưởng lớn đến cảm giác hạnh phúc của họ. Những người chồng thường thấy bối rối khi vợ mình nói chuyện điện thoại hơn 1 tiếng với người quen, rồi khi cúp máy lại nói “Chuyện chi tiết thì gặp nhau rồi nói nhé!”. Tuy nhiên, điều này không những có lợi cho sức khỏe tinh thần của người vợ, mà trên thực tế còn giúp kéo dài tuổi thọ.
Những người Đan Mạch có mức độ hạnh phúc cao cho rằng lý do họ hạnh phúc nằm ở “Hygge”. Hygge là từ trong tiếng Đan Mạch, có nghĩa là “sự thoải mái, yên vui, ấm cúng”. Họ thấy hạnh phúc khi trò chuyện nhẹ nhàng, thư thái cùng gia đình hoặc người quen trong không gian thoải mái. Theo “Báo cáo Hạnh phúc Thế giới” do Liên Hiệp Quốc công bố, sau khi các điều kiện sống cơ bản được đáp ứng, chất lượng các mối quan hệ giữa người với người ảnh hưởng lớn đến mức độ hạnh phúc. Dù là với gia đình hay người khác, mối quan hệ tốt đẹp được bắt đầu bằng trò chuyện thân mật. Dù là trò chuyện không có trọng tâm hay kết luận, nhưng nếu thông qua đó mà thấy hạnh phúc thì đó là việc làm rất có giá trị chứ không phải là lãng phí thời gian.
Tuy là chuyện không nhất thiết phải kể, nhưng gia đình chia sẻ cả những chuyện nhỏ nhặt ấy sẽ hạnh phúc hơn gia đình không làm như vậy. Điều đó khiến tâm trạng được gắn kết với nhau, tình đoàn kết và cảm giác gắn bó cũng tăng lên. Có thể nghĩ rằng thay vì tán gẫu với gia đình, nên dành thời gian đó cho những việc có ích thì sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu bầu không khí trong gia đình linh hoạt và hòa thuận, không chỉ mức độ hạnh phúc của các thành viên tăng lên, mà ngay cả công việc mà mỗi người đảm nhận cũng đạt được kết quả tích cực.
Để có những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng và vui vẻ
Dù là trò chuyện không có mục đích đặc biệt, nhưng không có nghĩa là có thể thốt ra bất cứ điều gì mà không suy nghĩ. Vì lợi ích của những cuộc trò chuyện nhỏ là làm tăng sự gắn kết với đối phương, nên cần đối thoại bằng tấm lòng quan tâm đến đối phương. Nên tránh những câu chuyện không vui như chuyện có chủ đề nhạy cảm, nói xấu, bất bình, v.v… Hãy chọn những chủ đề mà đối phương có thể dễ dàng tham gia vào như thời tiết, ẩm thực, tin tức hoặc những chuyện xảy ra trong ngày. Bên cạnh đó, thay vì chỉ nói nhiều về bản thân, bạn nên đặt câu hỏi để khuyến khích đối phương nói nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu cứ đặt câu hỏi dồn dập như thể đang điều tra thì sẽ gặp khó khăn, mà phải dẫn dắt để đối phương có thể nói chuyện vui vẻ. Mọi người thường thích nói về lĩnh vực bản thân yêu thích. Nếu để đối phương dẫn dắt câu chuyện bằng chủ đề mà họ hứng thú, cuộc trò chuyện sẽ tự nhiên trở nên sôi nổi.
Nếu chỉ vì là câu chuyện nhỏ nhặt mà lắng nghe một cách hời hợt, đối phương sẽ cảm thấy không muốn trò chuyện thêm nữa, khiến cuộc đối thoại bị gián đoạn. Điều quan trọng chính là lắng nghe một cách chân thành và đồng cảm sâu sắc. Khi đối phương nói, hãy chú tâm lắng nghe đồng thời hưởng ứng bằng biểu cảm khuôn mặt, giao tiếp bằng mắt, tán đồng và nở nụ cười nhẹ. Cần tránh phản ứng tiêu cực, đưa ra lời khuyên hay dạy dỗ với những gì đối phương nói, và cũng nên tránh thái độ phán xét đúng sai. Không nên làm đối phương mất hứng bởi những lời như “Cái đó mà cũng không biết à?” hoặc “Vậy rốt cuộc là có ý gì?”. Dù không tìm ra câu trả lời hay đi đến kết luận của vấn đề thì việc lắng nghe câu chuyện của đối phương vẫn có ý nghĩa.
Bí quyết của một cuộc trò chuyện vui vẻ dường như nằm ở kỹ năng hay mẹo, nhưng thực ra lại nằm ở thái độ. Chỉ cần quan tâm đến đối phương và có tấm lòng muốn trò chuyện thì đều có thể làm được. Hãy bỏ đi thái độ mang tính hình thức hay mong muốn dẫn dắt cuộc trò chuyện theo ý mình, và cũng đừng cố gắng thay đổi đối phương theo ý mình. Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với suy nghĩ rằng “Cuộc trò chuyện này là để gây dựng mối quan hệ thân thiết”. Thái độ cởi mở, tò mò, sẵn sàng đón nhận điều mới dù đó không phải là lĩnh vực quan tâm của bản thân và thái độ sẵn sàng lắng nghe dù chỉ là câu chuyện nhỏ nhặt cũng là cách thể hiện sự tôn trọng đối phương.
Có một người đàn ông thường kể tường tận mọi chuyện xảy ra bên ngoài cho vợ mình mỗi khi về nhà. Sau khi vợ qua đời, ông cảm thấy mất mát lớn vì không còn ai lắng nghe câu chuyện của mình, nên ông đã đăng câu chuyện lên mạng. Thế rồi, những người có hoàn cảnh tương tự đã đồng cảm với nỗi đau mất đi người bạn tâm giao cùng chia sẻ những câu chuyện nhỏ nhặt và gửi lời an ủi, động viên ông cố gắng lên.
Nhiều người có thể nghĩ rằng việc chia sẻ qua lại và trao đổi những câu chuyện vụn vặt với gia đình không có ý nghĩa gì. Nhưng thực tế, đó lại chính là nguồn động lực to lớn cho cuộc sống của chúng ta. Hãy thả lỏng một chút và cùng trò chuyện vui vẻ về những việc đã xảy ra ở trường hoặc nơi làm việc, tâm trạng như thế nào, thực đơn của bữa trưa là gì… Khi cùng gia đình ăn đồ ăn vặt và bật cười vì những chuyện vu vơ, trong gia đình sẽ trở nên tràn đầy sức sống. Điều đó bắt nguồn từ sự quan tâm nhỏ bé và việc sẵn sàng mở lòng, lắng nghe những câu chuyện của gia đình.