Bảo mật trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội cấp thiết như việc khóa cửa

Lạm dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội có thể dẫn tới nhiều bất trắc không mong muốn. Chúng ta hãy sử dụng chúng một cách an toàn và khôn ngoan bằng nhận thức thấu đáo về vấn đề bảo mật.

12,548 lượt xem

Phương tiện truyền thông mạng xã hội là nền tảng trực tuyến như Facebook, Twitter, Kakao Story, Instagram, Band, và YouTube. Nền tảng này là nơi xây dựng các mạng xã hội, các mối quan hệ xã hội giữa người với người thông qua việc chia sẻ thông tin và tự do giao tiếp. Khi điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến thì mạng xã hội cũng được sử dụng rộng rãi bất kể thời gian và địa điểm. Do vậy, nó đã trở thành một phần không thể tách rời với con người trong đời sống hiện đại.

Một cổng thông tin điện tử Hàn Quốc đã khảo sát 693 thành viên về “Hình thức và tình trạng sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội”. Theo kết quả báo cáo, trong số 91,3% người tham gia khảo sát đang sử dụng mạng xã hội thì có khoảng 63,2% sử dụng với mục đích giao tiếp; 60,7% là để nghiên cứu một cách đa dạng các thông tin và xu hướng; 46,9% để giải tỏa sự buồn chán; 38,6% để lưu lại và chia sẻ cuộc sống hàng ngày; 23,2% để tham gia các sự kiện và 7,7% là vì lo bị tụt hậu.

Kết quả khảo sát cho thấy mạng xã hội có sức hút là bởi mọi người có thể kết nối, tương tác với nhau mọi lúc mọi nơi. Khi quan tâm lẫn nhau trên mạng xã hội, mọi người có thể sẽ thỏa mãn bởi được đồng cảm và hồi đáp. Đồng thời, họ cũng cảm thấy yên tâm rằng mình đang duy trì các mối quan hệ một cách suôn sẻ mà không bị tách biệt khỏi xã hội.

Tuy nhiên, giống như vấn đề nào cũng có hai mặt, mạng xã hội cũng có nhiều hạn chế ẩn sau những lợi ích lộ ra bên ngoài. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những chiếc bẫy chết người tiềm ẩn trong mạng xã hội và làm thế nào để sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.

Dấu vết kỹ thuật số không thể gột sạch

Phương tiện truyền thông mạng xã hội là một biển thông tin, nơi mà người dùng có thể dễ dàng đăng tải các bài viết, hình ảnh và video lên mạng xã hội cá nhân, dạo qua tài khoản của người khác và xem các bài đăng của họ. Khi đăng tải một nội dung lên mạng xã hội thì điều này có nghĩa là bạn thấy thoải mái khi chia sẻ chúng. Tuy nhiên, vấn đề là đối tượng bạn chia sẻ các bài viết sẽ không chỉ dừng lại ở những người quen thân thiết thôi đâu.

Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập ra Facebook đã tuyên bố rằng thời đại của sự riêng tư đã kết thúc. Sự lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội làm cho thông tin cá nhân bị lộ ngày càng nhiều. Có hơn một trăm loại thông tin cá nhân như tên, số an sinh xã hội, địa chỉ, thông tin liên lạc, lĩnh vực quan tâm, quy mô kinh tế hộ gia đình, giá trị, trường học của con cái, việc di chuyển, kết nối cá nhân, vị trí… có thể bị chuyển giao. Tất cả là do người dùng đã tiết lộ chúng trên các trang mạng xã hội và qua lịch sử ghé thăm các trang của những người khác nữa. Đây là hậu quả của việc người dùng sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho các công ty truyền thông mạng xã hội để đổi lấy một chút tiện lợi và niềm vui.

Dấu vết của những hoạt động trên các trang mạng xã hội vẫn được lưu lại trên máy tính và điện thoại thông minh dưới dạng một dấu kỹ thuật số vô hình được gọi là “cookie”. Chúng có khả năng theo dõi những thao tác trực tuyến mà người dùng đã thực hiện, rồi thông tin chung của người dùng được chuyển giao cho các công ty khác nhau. Tuy nhiên người dùng lại không biết gì về điều này. Theo góc độ của các công ty, người dùng đã tích cực giống như những người lao động không được trả lương và vẫn cứ không ngừng cung cấp nguồn tài nguyên dữ liệu lớn. Trên thực tế, các công ty Internet và các nhà quảng cáo đang kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc không ngừng quan sát và thu thập các dấu vết trực tuyến của người dùng.

Thông tin trên giấy hoặc băng ghi âm có thể bị hao mòn hoặc biến mất theo thời gian. Thế nhưng những dấu vết kỹ thuật số thì không như vậy. Do đó, những bài viết và hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội sau đó sẽ bị lộ ra ngoài và thực sự khiến người dùng phải xấu hổ. Ngay cả khi mọi người không e ngại về bài đăng được viết ra với cảm xúc thành thật của mình hay những bức ảnh lúc đó chăng nữa, thì suy nghĩ của họ hoàn toàn có thể thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi. Dù thế nào thì cookie của bạn vẫn sẽ theo bạn như một chiếc thẻ. Sau khi rời khỏi tay người dùng, thông tin kỹ thuật số sẽ được trôi nổi trên khắp thế giới và có thể quay trở lại người dùng giống như một chiếc boomerang.

Việc lạm dụng mạng xã hội của cha mẹ có thể gây hại đến con cái

Chambers, một từ điển uy tín của Anh đã chọn “overshare” là từ của năm 2014. Từ này có nghĩa là tiết lộ quá mức đời tư của một người cho những người khác lên mạng xã hội. Tương tự như vậy, “sharents” (tạm dịch: bố mẹ chia sẻ) là một thuật ngữ mới cũng đã xuất hiện. Đây là từ ghép của “share” (chia sẻ) và “parents” (bố mẹ), dùng để nói về những bố mẹ đăng tải mọi thứ của con cái lên tài khoản của họ. Và hành vi như vậy được gọi là “sharenting”.

Có vô số lý do để họ muốn đăng tải nhiều như vậy: để lại ghi chép ngắn về cuộc sống thường nhật, chia sẻ kỷ niệm với người quen ở xa, vì con tôi đáng yêu, để chia sẻ thông tin và mối quan tâm của cha mẹ v.v… Mọi việc làm này đều có thể gây ra hậu quả tiêu cực trái với ý định của người dùng.

Một chương trình truyền hình của Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc thử nghiệm với đối tượng là con nhỏ của những người sử dụng mạng xã hội. Một người đã thu thập một số thông tin của trẻ em từ các bài viết và hình ảnh đưa lên mạng xã hội, sau đó tiếp cận các em khi cha mẹ các em vắng mặt để xem phản ứng của các em. Ban đầu các em rất cảnh giác với sự tiếp cận của người lạ. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận thấy người lạ biết chi tiết về mình như khi nào mình đã ở đâu và làm gì, các em đã ngay lập tức đi theo người lạ mà không chút nghi ngờ. Những bà mẹ có hoạt động tích cực trên mạng xã hội đã rất sốc khi trông thấy điều này.

Trong khi đó, tháng 10/2016, Darren Randall (13 tuổi) sống tại Alberta, Canada đã đệ đơn kiện cha mẹ mình vì cha mẹ đã đăng tải các bức ảnh hồi nhỏ khiến em xấu hổ. Cũng trong năm đó, tại Áo, một cô bé tuổi vị thành niên đã kiện cha mẹ mình khi họ từ chối yêu cầu xóa những bức ảnh thời thơ ấu của cô mà họ đã đăng tải. Hầu hết trên trang mạng xã hội của các bậc cha mẹ bị buộc tội này đều đăng tải hình ảnh cơ thể trần truồng của con cái, những lần tập sử dụng nhà vệ sinh và các bức ảnh hài hước.

Tại Pháp, cha mẹ đăng ảnh lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của con cái sẽ bị phạt tiền và đi tù đến một năm. Một luật mới cũng đang được đề ra ở Việt Nam rằng: Nếu cha mẹ đăng tải thông tin cá nhân của con cái như ảnh hoặc video lên tài khoản cá nhân mà không được sự cho phép của các con thì có thể bị phạt. Trong mắt cha mẹ thì con cái trông thật dễ thương và đáng yêu, nhưng các con cũng là chủ thể độc lập có quyền quyết định và bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Cha mẹ phải biết điều này khi đăng nội dung trực tuyến liên quan đến các con và cân nhắc xem chúng có thể bị sỉ nhục hoặc gặp nguy hiểm hay không. Khi biết sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội một cách thuần thục, cha mẹ sẽ có thể bảo vệ quyền riêng tư của con cái mình.

Sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội an toàn và khôn ngoan

Năm 2011, Cơ quan An ninh và Internet Hàn Quốc đã khảo sát trên 200 người dùng Twitter trong nước và báo cáo rằng 63% trong số họ đã tiết lộ lịch trình và 83% đã cho biết thông tin vị trí của họ. Vì họ đang chia sẻ cuộc sống cá nhân thường nhật trên mạng xã hội theo thời gian thực nên những kế hoạch cho kỳ nghỉ, sự kiện gia đình, ảnh chụp tại nơi nghỉ mát, vé xem biểu diễn v.v… sẽ được tiết lộ cho những người không xác định. Điều nguy hiểm nhất là chỉ dựa vào đây, mọi người có thể đoán được khi nào nhà họ sẽ không có người. Khi đăng thông tin của bạn trên phương tiện truyền thông mạng xã hội, hãy cân nhắc các rủi ro và thận trọng khi đăng tải.

Trên thực tế ở Mỹ đã từng xảy ra trường hợp này. Kẻ trộm đã lẻn vào 20 căn nhà trống của những người đã đăng lên mạng xã hội về việc họ sẽ đi nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát về những tên trộm bị kết án ở Anh vào năm 2011 cho thấy khoảng 80% trong số chúng đã thông qua mạng xã hội để tìm kiếm nhà để đột nhập. Việc chia sẻ vị trí không những tạo cơ hội cho kẻ trộm đột nhập vào nhà mà còn bị lợi dụng để lừa đảo qua dịch vụ viễn thông (voice phishing). Bởi vì nếu hacker (tin tặc) nói “Người nhà bạn đang gặp nguy hiểm ở nơi đi nghỉ dưỡng nên cần tiền gấp.” và nêu cụ thể vị trí thì người nghe rất dễ bị lừa.

Mạng xã hội giống như một cuốn nhật ký được mở ra nên người dùng nhất định phải có ý thức về cách chúng được phơi bày trước những người khác. Bởi vậy, đã có một số người làm giả cuộc sống của mình để thu hút sự quan tâm và tương tác của người khác. Dù mạng xã hội là không gian để khoe khoang, nhưng nếu những bức ảnh tự sướng tự mãn hoặc thổi phồng liều lĩnh quá mức thì sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi.

Hơn nữa, nếu thường xuyên trông thấy cuộc sống tuyệt vời của người khác trên mạng xã hội, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng khi so sánh cuộc sống của mình với họ. Cảm xúc tiêu cực không ngừng có thể dẫn đến căng thẳng và trầm cảm, hay cũng có thể gây ra triệu chứng của hội chứng Fear of Miss Out [FOMO], là nỗi sợ bị xa lánh trên mạng xã hội.

Đừng tập trung vào cuộc sống phô trương cho người khác xem hay nhìn cuộc sống hàng ngày của người khác bằng sự ghen tị, mà hãy coi trọng thời gian dành cho bạn hơn nữa. Để không nghiện mạng xã hội, bạn hãy giới hạn thời gian và địa điểm sử dụng, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định lượng và loại thông tin mà bạn sẽ chia sẻ trên trực tuyến. Bạn nên đặt giới hạn quyền riêng tư để chỉ chia sẻ với những người thân thiết và khi chia sẻ, hãy nhớ rằng bạn phải cẩn thận để bảo mật không chỉ quyền riêng tư cá nhân mà còn cả quyền riêng tư của người khác cùng những bức ảnh không mong muốn của họ nữa.

“Social Blackout” có nghĩa là ngừng sử dụng mạng xã hội để đề phòng những tác động bất lợi. Được cho biết rằng lý do lớn nhất khiến người dùng lựa chọn từ bỏ mạng xã hội là bởi thông tin cá nhân của họ bị rò rỉ. Điều này cũng cho thấy số người có ý thức về bảo mật thông tin đang ngày càng tăng.

Dẫu công nghệ kỹ thuật số giúp cuộc sống của chúng ta phong phú đến đâu chăng nữa, nhưng nếu tội phạm coi bạn là mục tiêu và đe dọa sự an toàn của bạn và gia đình thì việc lạm dụng nó thậm chí còn tệ hơn là không sử dụng. Để bảo vệ thông tin cá nhân, không chỉ cá nhân mỗi doanh nghiệp cần phải chủ động mà hơn ai hết chính cá nhân người dùng phải tự có ý thức về vấn đề bảo mật. Giống như chúng ta luôn bảo vệ các cửa ra vào một cách nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho căn nhà của mình, chúng ta cũng hãy đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ cánh cửa trực tuyến của mình.