Suy nghĩ trước khi nói

Lời đã thốt ra khỏi miệng thì không thể rút lại được dù cho bạn có hối tiếc chăng nữa. Vậy nên, trước khi nói, bạn hãy dành chút thời gian để sàng lọc, điều chỉnh và lược bỏ những lời không cần thiết.

2052 Xem

Trong sách Talmud có câu tục ngữ rằng “Hãy chú ý tới lời ra từ miệng mình hơn là lời ra từ miệng người khác.” Như thế này, ở mỗi quốc gia sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp, đều có nhiều danh ngôn về tầm quan trọng của lời nói. Lời nói là công cụ tốt nhất để trao đổi suy nghĩ và thông tin. Tuy nhiên, mặt khác, lời nói cũng có thể làm tổn thương tình cảm của nhau và gây ra nhiều hiểu lầm cũng như tranh cãi. Nhân loại đã học được bài học này thông qua nhiều kinh nghiệm được tích luỹ lâu dài cho dù ngôn ngữ của họ là khác nhau.

Hội thoại là hoạt động giao tiếp có tính tương tác. Nghĩa là có người nói và người nghe. Khi chúng ta ném bóng cho nhau, quả bóng có thể đi theo hướng hoàn toàn khác với dự định. Điều này cũng đúng với những gì chúng ta nói. Vì hoàn cảnh, lối suy nghĩ và tiêu chuẩn giá trị của mỗi người là khác nhau, nên ý định của người này đôi khi bị truyền đạt sai cách và người khác có thể cảm thấy khó chịu mặc dù họ biết rằng người kia không có ý xấu. Giống như vậy, không kể đến ý định của một người, điều khiến người ta cảm thấy khó chịu, và hối hận nhất, chính là sự lỡ lời.

Lời nói một khi đã thốt ra thì không thể thu lại được giống như quả bóng đã bị ném đi, vì thế chúng ta phải tập cách tự vấn bản thân và suy nghĩ trước khi nói. Vậy thì, đâu là những điều chúng ta cần phải suy nghĩ trước khi nói? Câu trả lời nằm trong từ “think” – suy nghĩ. Chúng ta hãy học 5 điều cần ghi nhớ để có cuộc hội thoại thú vị thông qua 5 kí tự của từ THINK.

True
Điều định nói có thật không?

Khi nhắc đến những lời nói không thật, người ta thường nghĩ đến những bình luận phóng đại, những lời đồn thổi, hay những tin tức giả mạo v.v… Tuy nhiên, bạn có thể nói những điều không thật cho dù bạn không định nói dối. Đó là những lời được khái quát hóa hoặc bị bóp méo, hay những lời dựa trên sự giải thích và phán đoán mang tính cá nhân.

Nếu bạn tin rằng ý kiến chủ quan của mình là đúng và truyền cho người khác mà không chắt lọc, thì có thể đã vô tình lừa dối người khác. Giả sử bạn nói rằng “Tôi đi du lịch và phải hỏi đường, nhưng người đó nói rằng mình đang bận rồi bỏ đi luôn. Mọi người ở quốc gia đó đều không tử tế.” Thực tế là người mà bạn hỏi đường chỉ bỏ đi luôn vì anh ta đang bận. Bạn không thể kết luận rằng mọi người dân nước đó đều không tử tế. Nếu nói như thế, bạn đang mắc sai lầm khi khái quát hóa hết thảy người dân ở nước đó bằng một, hai kinh nghiệm cá nhân. Nếu muốn thể hiện cảm xúc của mình mà không mắc phải lỗi này, thì bạn cần sử dụng câu có “chủ thể là tôi” như: “Tôi cảm thấy những người như thế ở đó không tử tế.”

Nếu bạn nói như thể điều bạn nghĩ là sự thật, thì sẽ luôn có nạn nhân. Vì suy nghĩ cố hữu không dễ dàng thay đổi được. Vì lý do này, suy nghĩ cố hữu có thể là nguyên nhân của xung đột và người ta vô tình rơi vào tranh cãi mà không biết cội rễ của vấn đề. Để tránh tình huống này, bạn cần phân biệt sự thật với sự suy diễn, và cần nhận biết rằng sự phán đoán và suy diễn của mình có thể không chính xác.

Helpful
Lời này có ích không?

Đôi khi, những gì bạn nói với ý định giúp đỡ ai đó lại gây ra vấn đề. Đưa ra lời khuyên, chỉ ra lỗi lầm, can thiệp và xen ngang đều có thể gây ra vấn đề. Nếu bạn cố gắng thay đổi suy nghĩ hoặc hành vi của ai đó dù người đó thậm chí không yêu cầu giúp đỡ, thì rất có thể sẽ không hiệu quả cho dù bạn nói thật lòng bằng ý định tốt bởi suy nghĩ rằng cô ấy/anh ấy cần nghe điều đó.

Trong trò chơi cờ vây, các khán giả đôi khi can thiệp và đưa ra gợi ý. Vì có sự khác biệt về quan điểm giữa người chơi và khán giả đang theo dõi trận đấu, đôi khi khán giả lại thấy điều mà người chơi không thấy. Giống như vậy, đôi khi người thứ ba lại thấy điều gì đó về người khác mà họ không thấy. Tuy nhiên, nếu bạn đột ngột nói ra, thì người nghe cảm thấy như kỹ năng của họ không được công nhận và cảm thấy như thể bạn đang nói rằng bạn giỏi hơn họ. Điều này khiến họ cảm thấy cần phải phòng thủ hơn là được giúp đỡ.

Điều này cũng áp dụng cho các trường hợp mà những gì bạn nói là thông tin thực tế. Giả sử bạn đang thưởng thức đồ ăn nào đó, mà anh chị em của bạn lại nói rằng “Nó có thể chứa nhiều gia vị hóa học.”; hoặc bạn đang vui mừng vì đã mua được đồ rẻ, nhưng anh chị em của bạn lại nói: “Giá đó không rẻ đâu. Tôi biết một cửa hàng thậm chí còn bán rẻ hơn.” Bạn sẽ cảm thấy khó chịu. Đây là lý do bạn cần quan tâm đến cảm nhận của đối phương cho dù những gì bạn muốn nói với họ là thông tin hữu dụng và có ích.

Inspire
Có phải là lời truyền cảm hứng không?

Nếu bạn thực sự muốn giúp đỡ người mà bạn quan tâm và yêu thương, hy vọng họ sẽ tiến bộ hơn, thì không nên đưa ra những lời nhận xét gay gắt mà hãy chọn những cách khác nhau như: khen ngợi, động viên, công nhận hoặc cổ vũ.

Giống như các vận động viên điền kinh thường đạt được một kết quả tốt khi nhận được sự cổ vũ từ khán giả, chúng ta cần sự tự tin và can đảm để hoàn thành việc gì đó tốt hơn. Khen ngợi và khích lệ mang lại năng lượng tích cực và mong muốn cải thiện bản thân, truyền cảm hứng cho chúng ta thể hiện những năng lực tiềm ẩn của mình. Giống như việc người ta khó tìm ra điểm yếu của mình, thì họ cũng không thường xuyên công nhận điểm mạnh của họ. Tuy nhiên, nếu ai đó nói cho bạn biết các điểm mạnh của bạn là gì, thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng vui sướng. Nếu bạn công nhận người khác khi họ làm được điều gì đó đáng ngạc nhiên dù lớn hay nhỏ hoặc khi họ nỗ lực làm gì đó thì dù chưa đạt được kết quả, họ vẫn sẽ có thể đứng vững vàng ngay cả trong những tình huống căng thẳng.

Giữa những người có sự tin tưởng mạnh mẽ dành cho nhau bằng niềm tin rằng họ đang cùng đồng hành, thì họ chấp nhận được ngay cả lời khuyên gay gắt. Giống như thuốc đắng bọc trong kẹo ngọt thì dễ uống hơn, nếu bạn cảm thấy tin tưởng rằng người khuyên bạn là người yêu quý và ủng hộ bạn, thì bạn có thể chấp nhận cả những lời gay gắt từ họ.

Nếu bạn tin tưởng, chờ đợi và khích lệ họ bằng những lời tích cực, thì những mâu thuẫn và bất hòa sẽ biến mất. Tìm ra điểm mạnh của người khác thông qua sự quan sát tinh tế và thể hiện bằng lời nói chính là cách tốt nhất để thể hiện tình cảm của bạn.

Necessary
Có phải là lời cần thiết không?

Phương pháp tốt để có cuộc trò chuyện thú vị là tìm ra mối quan tâm chung, nhưng điều quan trọng hơn là tránh những chủ đề không cần thiết. Những điều người khác không tò mò hoặc không liên quan đến họ thì không cần thiết phải nói đến. Ngoài ra, tốt hơn bạn nên tránh nói đến những thứ như khoe khoang về bản thân hoặc so sánh bản thân với người khác, hay nói về điều mà người khác muốn che giấu.

Trung thực không có nghĩa là phải tiết lộ tất cả nội tâm và cảm xúc của mình, hoặc kể hết những gì bạn đã thấy và nghe. Ví dụ, bạn không sai khi nói với người bị buộc cho thôi việc rằng “Giờ bạn đang thất nghiệp.”, nhưng cũng không cần thiết phải nói như thế. Ngoài ra, nếu bạn nghe được những điều người khác nói về người thứ ba, thì bạn cũng không nên đề cập đến những điều đó với người thứ ba trước khi người ấy tự nói ra trước với bạn. Ngay cả khi những điều bạn muốn nói là đúng, thì trước tiên bạn nên suy nghĩ xem “Điều này có ích lợi gì cho anh ấy/cô ấy không?” Nếu làm như vậy, bạn sẽ dễ dàng sàng lọc được những điều không cần thiết.

Nếu đó là điều không cần thiết nhưng là chủ đề có thể trở thành cuộc trò chuyện thú vị mà không gây hại cho ai, thì sẽ giúp mối quan hệ của bạn tốt hơn. Tuy nhiên, nếu điều đó có thể gây tranh cãi và khiến tâm trạng không thoải mái, thì tốt hơn hết là không nên nói ra cho dù bạn muốn đi chăng nữa.

Kind
Có phải là lời tử tế không?

Cho dù điều bạn sắp nói là đúng, hữu ích, truyền cảm hứng và cần thiết đi nữa, nhưng nếu thiếu điều này thì cũng vô ích. Cách nói nhẹ nhàng cùng với nụ cười hiền hậu chính là lòng tốt. Cho dù thông điệp của bạn có tuyệt vời đến đâu nhưng nếu bạn nói mà không giữ ý tứ thì ý nghĩa tốt đẹp trong thông điệp sẽ bị truyền tải một cách méo mó. Nếu người khác cảm thấy bị tổn thương mặc dù bạn không có ý định xấu, thì đó có thể là do cách nói của bạn.

Khi mọi người cảm thấy khó chịu hoặc thất vọng, thì rất khó để che giấu cảm xúc của họ trong khi trò chuyện. Khi không thích cách người kia nói chuyện, thì dù có bắt đầu bằng một nụ cười đi chăng nữa thì bạn vẫn có thể nói to tiếng hoặc nụ cười sẽ vụt tắt trên môi bạn. Vậy nên, bạn cần kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như là sự tức giận hoặc bực dọc để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhau.

Thái độ thân thiện làm giảm nguy cơ gây ra rắc rối lớn cho dù mỗi người có quan điểm khác nhau. Nếu một người bị thu hút bởi lòng tốt của bạn, thì họ sẽ cảm thấy muốn làm theo ý bạn hơn là khăng khăng theo ý mình. Tuy nhiên, nếu bạn nói điều gì một cách ép buộc và gay gắt, bạn có thể bắt họ làm theo bạn nhưng khoảng cách giữa họ với bạn sẽ ngày càng xa cách.

Thức ăn khi được chuẩn bị bằng cả tấm lòng sẽ trông hấp dẫn và ngon hơn khi được dọn trong chiếc bát xin xắn. Điều này cũng đúng với việc bộc lộ suy nghĩ của bạn thành lời. Lời nói được thốt ra cách nhẹ nhàng với nụ cười dịu dàng làm vui lòng người nghe; những lời nói như vậy không chỉ tạo ra bầu không khí thân thiện mà còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và giúp mối quan hệ phát triển.

“Lời nói tử tế ấm áp giống ánh nắng xuân.” Tục ngữ Nga

“Lời nói tử tế mở được cánh cửa sắt.” Tục ngữ Bungari

Trên thực tế, khi sử dụng ngôn ngữ, chúng ta không thể không mắc sai lầm về lời nói. Tuy nhiên, trước khi nói bạn có thể giảm được khá nhiều lỗi chỉ bằng cách chú ý đến lời nói của bạn sẽ nghe như thế nào đối với người nghe và làm thế nào để bạn có thể nói một cách dễ chịu hơn. Nếu bạn tiếp tục học hỏi kinh nghiệm và nỗ lực rèn luyện, thì có thể giảm bớt những sai sót trong giao tiếp.

Mặc dù bạn không thể rút lại những gì đã nói, nhưng có thể mang lại kết quả khác hơn, tùy thuộc vào cách bạn quản trị lời nói của mình. Khi bạn làm tổn thương ai đó bởi những phát ngôn của mình, dù không cố ý, thì cũng hãy nhận lỗi và xin lỗi thay vì viện cớ rằng bạn không cố ý hay đổ lỗi cho người kia vì có thế mà cũng khó chịu. Bằng cách này, bạn có thể tránh được lời qua tiếng lại. Mặt khác, khi điều người khác nói khiến bạn khó chịu, và nếu bạn biết họ không có ý xấu, thì hãy quên điều đó đi bằng cách nghĩ: “Tôi biết chắc chắn anh ấy/cô ấy không có ý đó.” Thế thì, họ có thể sẽ đánh giá cao sự rộng lượng của bạn đối với những lỗi lầm của họ và cảm thấy biết ơn cũng như yêu mến bạn lâu dài. Nói cẩn thận và lắng nghe tốt dựa trên sự thấu hiểu là nền tảng để xây dựng mối quan hệ tốt.