Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men và Lễ Phục Sinh 2021
Các lễ trọng thể của giao ước mới chứa đựng niềm trông mong và nhiều phước lành như ánh mặt trời ngày xuân, được cử hành trực tuyến trên toàn thế giới
Đại dịch Covid-19 tiếp diễn suốt hơn hai năm qua đã khiến cho mỗi cá nhân càng trở nên bị cô lập và tuyệt vọng hơn nữa. Thế nhưng, như mùa xuân sẽ đến sau những ngày đông lạnh giá, niềm hy vọng chắc chắn sẽ được nở rộ giữa những thử thách ấy. Lễ Vượt Qua là lễ trọng thể hàng năm của Đức Chúa Trời, như ánh mặt trời ngày xuân chứa đựng niềm trông mong cùng lời hứa ban phước lành sự tha tội, sự cứu rỗi và sự sống đời đời cho chúng ta.
Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua được cử hành tại 175 quốc gia trên khắp thế giới vào buổi chiều tối ngày 27 tháng 3 (tức ngày 14 tháng 1 thánh lịch). Các thánh đồ Hội Thánh của Đức Chúa Trời trên toàn thế giới tham dự Lễ Vượt Qua tại gia thông qua video trực tuyến theo nhóm gia đình hoặc cá nhân trong khi tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn phòng chống dịch Covid-19 với hy vọng rằng phước lành của Đức Chúa Trời sẽ đến trên toàn nhân loại đang trải qua đại dịch Covid cùng nhiều thảm họa khác. Đại nhóm hiệp thánh Lễ Bánh Không Men (ngày 28 tháng 3 tức ngày 15 tháng 1 thánh lịch) và Lễ Phục Sinh (ngày mùng 4 tháng 4, hôm sau ngày Sabát sau khi giữ Lễ Bánh Không Men) hầu hết cũng được giữ trực tuyến.
Đại nhóm hiệp thánh Lễ Vượt Qua: Lời hứa của sự sống
Lễ Vượt Qua là lễ trọng thể chứa đựng lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ làm cho tai vạ vượt qua chúng ta, nên chúng ta có thể dễ dàng đoán được ý nghĩa của tên gọi “Lễ Vượt Qua”. Vào thời Cựu Ước, những người dân Ysơraên đã được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ trong nhiều năm ở xứ Êdíptô và thoát khỏi tai vạ hủy diệt con đầu lòng sau khi vâng phục lời phán của Đức Chúa Trời là giữ Lễ Vượt Qua. Vào ngày Lễ Vượt Qua, họ đã được trải nghiệm quyền năng của Đức Chúa Trời và vui mừng khôn xiết sau khi được tự do, thoát khỏi kiếp nô lệ. Và 2000 năm trước, Đức Chúa Jêsus đã lập giao ước mới thông qua bánh và rượu nho của Lễ Vượt Qua, biểu tượng cho thịt và huyết của Đức Chúa Jêsus. Bởi Lễ Vượt Qua, Ngài đã cho phép loài người bị trói trong xiềng xích của tội lỗi được nhận phước lành sự tha tội và sự sống đời đời (Mathiơ 26:17-28, Luca 22:7-20, Giăng 6:53-58).
Thông qua thờ phượng video trực tuyến, Mẹ đã cầu nguyện chúc phước cho mọi con cái của Đức Chúa Trời mà đã chuẩn bị cho tiệc thánh Lễ Vượt Qua tại gia. Ngài đã nhân danh của Đức Chúa Trời để cầu nguyện cho các con cái nhóm lại làm một ở mỗi nơi hầu cho họ được lấp đầy bởi ân huệ của sự cứu rỗi. Ngài cũng cầu nguyện hầu cho các con cái có thể thực tiễn tình yêu thương bằng cách dẫn dắt nhiều linh hồn đến con đường của sự cứu rỗi bởi rao truyền Tin Lành giao ước mới mang theo lời hứa sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Tổng Hội trưởng – mục sư Kim Joo Cheol nói rằng: “Đức Chúa Jêsus, là thực thể của chiên con Lễ Vượt Qua bị hy sinh vào thời đại Cựu Ước, đã ban thịt và huyết của Ngài để nhờ đó có thể cứu rỗi các con cái Ngài là chúng ta. Hãy dâng cảm tạ lên Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho phép chúng ta tiến bước đến tương lai phước lành nhờ vào huyết báu chúng ta nhận được thông qua thân thể của Đấng Christ.” Hơn nữa, mục sư cũng khích lệ các thánh đồ trong khi giải thích về lịch sử thời xuất Êdíptô rằng: “Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta đặc quyền được gọi Ngài là “Cha” và “Mẹ”, nên hãy sống cuộc sống đức tin với niềm trông mong và sự tự tin tuyệt đối hướng tới Nước Thiên Đàng” (Xuất Êdíptô ký 12:11-14, Giăng 1:29, I Côrinhtô 5:7-8, I Côrinhtô 10:16-17, Rôma 8:16).
Trước khi bắt đầu lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua, các thánh đồ đã tham dự thờ phượng lễ rửa chân tại gia cùng các người nhà. Họ đã làm theo tấm gương của chính Đức Chúa Jêsus, Đấng đã rửa chân cho các môn đồ của Ngài trước lễ tiệc thánh Lễ Vượt Qua (Giăng 13:4-15). Sau nghi thức rửa chân, họ đã ăn bánh và rượu nho của Lễ Vượt Qua trong khi trân trọng ý muốn chí thánh của Đấng Christ.
Đại nhóm hiệp thánh Lễ Bánh Không Men và Lễ Phục Sinh: Từ khổ nạn trên thập tự giá cho đến sự Phục Sinh lúc sớm mai
Sau khi Đức Chúa Jêsus giữ Lễ Vượt Qua theo lệ định, Ngài đã chịu khổ nạn một cách đau thương rồi qua đời trên thập tự giá vào ngày hôm sau. Đức Chúa Jêsus đã phục sinh sống lại sau ba ngày và ban cho chúng ta niềm trông mong về sự phục sinh và biến hóa. Lễ Bánh Không Men là ngày tưởng nhớ sự hy sinh cao quý của Đấng Christ, Đấng đã chuộc tội cho cả loài người. Lễ Phục Sinh là ngày ghi nhớ quyền năng phục sinh của Ngài.
Để kỷ niệm Lễ Bánh Không Men và Lễ Phục Sinh, Mẹ đã ban lời cầu nguyện cảm tạ lên Cha, Đấng ban lời hứa sự sống đời đời và niềm trông mong về sự phục sinh cho con cái Nước Thiên Đàng bởi đảm đương mọi đau đớn rồi chịu hy sinh trên thập tự giá. Không chỉ vậy, Mẹ cũng mong muốn các con cái có thể báo đáp ân huệ của Đức Chúa Trời bởi việc thực tiễn tình yêu thương và hy sinh của Cha, cùng gieo trồng sự trông mong Nước Thiên Đàng cho cả nhân loại.
Trong Lễ Bánh Không Men, Tổng Hội trưởng – mục sư Kim Joo Cheol nhấn mạnh quả quyết rằng: “Xin đừng quên giọng tiếng của Đức Chúa Trời, Đấng đã bày tỏ tình yêu thương trọn vẹn của Ngài đến đỗi trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá. Hãy ghi khắc tình yêu thương của Ngài vào trong tấm lòng và đi theo Đấng Christ bằng cách vác thập tự giá của bản thân trong khi rao truyền về tình yêu thương và niềm hy vọng cho toàn thế giới.” (Lêvi Ký 23:5-6, Xuất Êdíptô Ký 14:1–14, Luca 23:26–46, Mathiơ 26:32–68, Rôma 8:16–18, Êsai 53:1–12, Mathiơ 16:24–26, I Phierơ 4:12–14, Philíp 1:27–30). Thông qua lễ thờ phượng Lễ Phục Sinh, mục sư khẩn thiết yêu cầu lặp đi lặp lại rằng chúng ta phải “gieo niềm hy vọng cho những người đang gặp khủng hoảng, vì Đức Chúa Trời đã gieo niềm trông mong về sự phục sinh và biến hóa khi cuộc sống của chúng ta có kết thúc là sự chết.” (Lêvi Ký 23:9–11, I Côrinhtô 15:20, Mathiơ 28:1–6, I Côrinhtô 15:50–58, I Têsalônica 4:14–18, Mathiơ 22:30, Philíp 3:20–21).
Theo lời của Đức Chúa Trời rằng “Song đến ngày nào chàng rể phải đem đi khỏi họ, thì trong những ngày ấy họ mới kiêng ăn vậy.” (Mác 2:20), các thánh đồ đã kiêng ăn trong Lễ Bánh Không Men và tưởng nhớ sự khổ nạn của Đấng Christ. Vào ngày Lễ Phục Sinh, các thánh đồ đã bẻ bánh tại gia theo tấm gương của Đức Chúa Jêsus khi Ngài hiện ra trước hai môn đồ trên đường đến làng Emmaút và mở mắt linh hồn cho họ thông qua bánh đã chúc tạ (Luca 24:1-31).
Sau khi giữ gìn các lễ trọng thể, theo lời hứa của Đức Chúa Trời, các thánh đồ đã cầu nguyện cho nhân loại trên khắp thế giới đang không có niềm hy vọng. Chị em Lorna Meaden (từ London, Anh) làm y tá tại một bệnh viện có bệnh nhân Covid-19 đã nói trong lo lắng rằng: “Khi trông thấy nhiều bệnh nhân phải chịu đau đớn vì Covid-19 rồi mất đi sự sống, tấm lòng tôi thật thương xót cho họ. Tôi sẽ rao truyền lẽ thật giao ước mới, hầu cho mọi người có thể sống dưới sự bảo vệ của Đức Chúa Trời.” Chị em Akhona Gwente (từ Cape Town, Cộng hòa Nam Phi) nói: “Vì được rửa chân cho các thành viên trong gia đình thông qua lễ rửa chân, tôi đã học được rằng hầu việc và quan tâm đến người khác chính là phương pháp để thực tiễn tình yêu thương. Tôi muốn chia sẻ tình yêu thương mà mình nhận được từ Đức Chúa Trời cho những người đang bị mất niềm hy vọng vì đại dịch Covid-19.”