Sự khác biệt giữa “quan tâm” và “can thiệp”

Sự quan tâm khiến mọi người xích lại gần nhau, nhưng sự can thiệp lại khiến họ cách xa nhau. Đó là bởi sự quan tâm mang tính vị tha, còn sự can thiệp lấy bản thân làm trung tâm.

16,745 lượt xem

“Anh à, em định mặc thế này đi họp lớp. Anh thấy cái nào đẹp hơn?”

“Để anh xem nào. Chiếc váy trông hơi lộng lẫy, còn bộ vest thì trang trọng quá ấy?”

“Ngoài mấy cái này ra, em không có gì để mặc nữa cả.”

“Chiếc áo khoác này thì sao? Không hào nhoáng, không nặng nề là chuẩn luôn.”

“Nhưng em không có váy nào hợp với nó cả.”

“Em mặc váy kẻ ca rô này là được mà.”

“Ầy, màu không hợp mà.”

“Vậy chiếc quần này thì sao?”

“Em không thích nó lắm.”

“Cái này em không thích, cái kia em cũng không thích. Rốt cuộc anh phải làm sao đây?”

“Bỏ đi. Em sẽ tự lo việc đó.”

“Lần trước em thất vọng vì anh không quan tâm, nhưng giờ anh quan tâm em lại thấy có vấn đề.”

Tình huống là cả chồng lẫn vợ đều không hài lòng. Đó là việc có thể xảy ra thường xuyên trong gia đình. Tại sao bầu không khí yên bình lại bị phá vỡ?

“Quan tâm” kết nối tấm lòng của nhau

Năm 1924, một cuộc thí nghiệm về mối quan hệ giữa độ sáng của ánh sáng nơi làm việc với năng suất đã được tiến hành tại nhà máy Hawthorne ở Chicago, Mỹ. Nhóm nghiên cứu cho rằng nếu môi trường làm việc sáng, năng suất sẽ tăng, còn nếu môi trường làm việc tối, năng suất sẽ giảm. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi năng suất vẫn tiếp tục tăng bất kể độ sáng ở nơi làm việc như thế nào. Ngoài ánh sáng ra, điều này cũng đúng ngay cả khi các điều kiện khác như nhiệt độ, độ ẩm và ngày làm việc thay đổi.

Sau đó, khi xác định nguyên nhân, người ta nhận thấy các nhân viên đã làm việc chăm chỉ hơn khi biết rằng các học giả nổi tiếng đang tiến hành nghiên cứu tại nhà máy của họ. Dựa trên điều này, hiện tượng làm việc chăm chỉ hơn khi người khác theo dõi với sự quan tâm được gọi là “Hiệu ứng Hawthorne”.

Con người là sinh vật khao khát sự quan tâm của người khác, từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Nếu không chú ý đến trẻ sơ sinh, em bé rất dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm, và người cao tuổi cũng có thể sống khỏe mạnh nếu được gia đình và hàng xóm chăm sóc. Đăng những bức ảnh về cuộc sống hàng ngày lên mạng xã hội và chờ đợi phản ứng của người khác, hay hỏi người khác về những vấn đề bản thân cần tự quyết định, toàn bộ đều xuất phát từ mong muốn được quan tâm.

Đặc biệt, đối với trẻ em, không quá lời khi nói rằng chúng lớn lên nhờ sự quan tâm của bố mẹ. Các chuyên gia cho rằng lý do trẻ nói “Con yêu bố mẹ” với bố mẹ là vì chúng muốn nghe “Bố mẹ yêu con”. Khi trẻ cảm thấy bố mẹ không dành đủ sự quan tâm cho mình, chúng sẽ có những hành vi thu hút sự chú ý như quấy rầy, nói dối hoặc gây ra những hành động khó lường. Những đứa trẻ nhận được đủ sự quan tâm của bố mẹ hiếm khi nài nỉ xin bố mẹ mua đồ ăn vặt hay đồ chơi, mà thậm chí còn cố gắng làm những việc khiến bố mẹ hài lòng ngay cả khi điều đó rất khó chăng nữa. Thanh thiếu niên muốn cư xử theo ý mình cũng muốn nhận được sự quan tâm, an ủi về những lo lắng và lựa chọn của mình.

Thể hiện sự quan tâm là cách tốt nhất để giải quyết các mối quan hệ giữa người với người. Sự quan tâm làm cho người khô khan trở nên tràn đầy sức sống, và khiến người khép kín mở rộng tấm lòng. Mối quan hệ tốt đẹp không phải được tạo nên từ hành động tuyệt vời, mà ấy là từ lời nói tử tế, nụ cười chân thành và sự quan tâm, hỏi han một chút như “Ngày hôm nay của bạn thế nào?”. Nếu trao đổi biểu hiện quan tâm theo cách này thì cả hai đều có thể thấu hiểu lẫn nhau.

Hầu hết mọi người đều muốn kể câu chuyện của mình và cảm thấy có thiện cảm với những người thể hiện sự quan tâm đến họ. Nếu muốn được quan tâm thì hãy quan tâm đến đối phương trước. Vào khoảnh khắc sự thờ ơ biến thành sự quan tâm, bạn sẽ phát hiện ra những điều mới mẻ mà mình chưa từng thấy trước đây.

“Can thiệp” là sự quan tâm sai lầm

Khi có tình cảm với ai đó, người ta muốn đối phương trở nên giống với mình. Bạn sẽ chỉ hài lòng khi người ấy có suy nghĩ và hành động giống như mình. Một sai lầm dễ mắc phải khi theo đuổi tính đồng nhất như vậy chính là sự can thiệp. Hiện tượng này đặc biệt dễ nhận thấy ở các thành viên trong gia đình. Có nhiều trường hợp nêu ra ý kiến của bản thân giữa bố mẹ và con cái, giữa chồng với vợ, nhưng cuối cùng lại thường trở thành sự can thiệp.

Vấn đề là thay vì những phản ứng tích cực, việc can thiệp lại gây ra sự phản kháng dữ dội và xung đột. Tuy con người có mong muốn được người khác quan tâm, nhưng ngược lại, họ cũng có mong muốn được độc lập, tự chủ trong suy nghĩ và quyết định. Khi cứ có người để ý hoặc can thiệp vào công việc của mình dù mình không muốn thì sẽ cảm thấy bức bối. Do đó, sự quan tâm vừa đủ sẽ không tạo gánh nặng cho đối phương và không khiến họ cảm thấy bất tiện.

Sở dĩ người vợ bị tổn thương trong cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng được kể ở trên là vì phản ứng của người chồng khiến người vợ cảm thấy giống như đang can thiệp hơn là quan tâm. Người chồng cố gắng chọn quần áo cho vợ một cách quan tâm, nhưng ý kiến không được chấp nhận khiến anh bất mãn, để rồi cuối cùng đổ lỗi cho vợ và nổi giận. Nếu bực bội hoặc nổi giận khi mọi việc không theo ý mình thì điều đó gần như là sự can thiệp mất rồi.

Sự quan tâm đặt tấm lòng của người khác lên trước, nhưng sự can thiệp lại đặt lập trường của bản thân lên trước. Can thiệp là hành động nhằm thay đổi suy nghĩ và hành động của người khác, mong họ sẽ làm những điều mình mong đợi mà không hiểu cho cảm xúc của đối phương. Sự can thiệp dựa trên niềm tin rằng “Tôi đúng”, khiến bạn luôn khẳng định ý kiến của mình với sự thiếu kiên nhẫn và thiếu tin tưởng, chẳng hạn như “Sao bạn không làm theo cách này?”, hoặc “Tôi biết vì tôi đã thử trước rồi…”, hay “Sau này bạn sẽ hối hận đấy”. Bạn sẽ bày tỏ ý kiến riêng của mình theo những cách tương tự.

Trên thực tế, thật không dễ để phân biệt rõ ranh giới giữa quan tâm và can thiệp. Điều này là do nhận thức của mỗi người về cùng một lời nói và hành động là khác nhau, thậm chí phán đoán của cùng một người cũng khác nhau tùy theo tình huống và cảm xúc. Việc giao tiếp chỉ mang tính tương đối, nên dù thể hiện sự quan tâm đến mức nào thì đối phương vẫn có thể coi đó là sự can thiệp. Khi đối phương nghĩ bạn đang quan tâm thì đó mới thực sự được coi là sự quan tâm.

Những người không coi sự can thiệp của người khác là điều không thoải mái sẽ ít có khả năng từ chối vì nghĩ rằng chúng sẽ hữu ích vào một ngày nào đó. Nếu người vợ xuất hiện ở phần đầu cũng quan tâm đến lời nói của chồng và thể hiện sự biết ơn thì chẳng phải mọi chuyện sẽ khác hay sao.

Cách truyền đạt sự quan tâm một cách chân thành

Điều quan trọng là làm thế nào để truyền đạt sự quan tâm của bạn đến đối phương một cách chân thành. Không có gì đáng tiếc bằng việc tấm lòng thuần khiết và tình cảm dành cho người trân quý bị bóp méo bởi sự can thiệp. Nhà tâm lý học Erich Pinchas Fromm cho biết:

“Nếu thấy người con gái nói yêu hoa nhưng lại quên tưới nước cho hoa, chúng ta sẽ không tin cô ấy yêu hoa. Yêu thương là sự quan tâm tích cực đến sự sống và sự phát triển của điều mình yêu”.

Như lời này, quan tâm chính là yêu thương. Chẳng phải có câu nói rằng “Ngược lại của yêu thương không phải căm ghét mà là thờ ơ” hay sao? Quan tâm là dành thời gian và một phần tấm lòng mình cho đối phương bằng sự yêu thương, hay nói cách khác là ”làm đối phương vui vẻ”. Để làm được điều này, trước hết, bạn cần mở rộng tầm mắt và đôi tai để quan sát và cảm nhận cảm xúc, tấm lòng của đối phương. Nếu quan tâm đến ai đó, bạn sẽ muốn biết nhiều hơn về họ. Bạn có thể làm cho họ vui vẻ khi biết rõ nhiều điều về họ, như điều họ thích, điều họ không thích, khi nào họ vui mừng, khi nào bị tổn thương cũng như sở thích của họ nữa. Nếu nói bạn yêu người đó mà lại không biết họ muốn gì, thì sự quan tâm của bạn dành cho người đó có thể sẽ trở thành gánh nặng hoặc gây tổn hại đến họ.

Dale Carnegie nói rằng “Bạn có thể kết bạn nhiều hơn trong 2 tuần bằng cách quan tâm đến người khác, hơn là trong 2 năm cố gắng khiến người khác quan tâm đến bạn”. Hãy tập trung lắng nghe khi đối phương nói, và chỉ khi họ cần lời khuyên thì mới nói ra suy nghĩ của mình. Ngay cả khi đối phương bày tỏ sự phản đối khi bạn đưa ra ý kiến, bạn cũng cần phải sẵn sàng chấp nhận. Chúng ta cần gạt bỏ suy nghĩ “Tôi đúng” và nghĩ rằng “Bạn cũng đúng”. Hãy đặt những câu hỏi mà đối phương có thể vui vẻ trả lời và nói về những chủ đề mà họ quan tâm. Lúc này, khuôn mặt tươi cười là điều cần thiết.

Sự quan tâm nên được thể hiện bằng sự quan tâm chứ không phải theo kiểu ép buộc hay phẫn nộ. Khi con đi học về muộn thì đừng đột ngột la lên “Con đi đâu mà sao giờ mới về?”. Nếu tra hỏi dồn dập thì sẽ rất khó xử. Song, nếu bạn nói với giọng ấm áp rằng “Mẹ cứ lo vì chờ mãi mà con vẫn chưa về. Đã có chuyện gì xảy ra sao?” thì trẻ mới cảm thấy bố mẹ đang quan tâm và lo lắng cho mình.

Nếu không muốn truyền tải sự quan tâm nồng nhiệt theo kiểu can thiệp gay gắt, bạn sẽ cần tôn trọng và quan tâm đến đối phương một cách chu đáo. Tấm lòng là quan trọng, nhưng biểu cảm cũng quan trọng. Tùy thuộc vào giọng điệu của người nói mà ngay cả những lời xuất phát từ sự quan tâm cũng có thể nghe như đang can thiệp vậy. Chúng ta đừng quên rằng quan tâm thực sự bắt đầu từ tấm lòng suy nghĩ đến đối phương.

Hàn Quốc có câu nói rằng “Lúa trồng trên đồng ruộng nhờ nghe theo tiếng bước chân của chủ nhân mà lớn lên”. Lời này có nghĩa rằng mùa màng cũng phát triển tốt khi chúng được chăm sóc. Tuy nhiên, người nông dân chỉ nên quan sát chúng sau khi đã làm những việc có thể làm như gieo hạt, làm cỏ, bón phân kịp thời. Người nông dân không thể kéo hay ép để cây trồng mọc nhanh được. Giống như quá trình trồng trọt, sự kiên nhẫn để tin tưởng và chờ đợi cũng thuộc phạm trù của sự quan tâm.

Càng thân thiết, bạn càng quan tâm nhiều hơn đến đối phương, nhưng bạn cũng phải thừa nhận ý muốn của họ thì mới có thể duy trì được mối quan hệ lành mạnh. Mục đích của việc nuôi dạy con cái không phải là để bố mẹ kiểm soát con cái theo ý mình, mà là giúp con trưởng thành, trở thành người trung thực và độc lập; và tình yêu giữa hai vợ chồng bền vững khi tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Chúng ta hãy nhìn lại xem trong thời gian qua, liệu chúng ta có thờ ơ với gia đình mình hay không, có can thiệp quá nhiều, hoặc coi can thiệp là sự quan tâm mà không vạch ra ranh giới hay không. Việc thể hiện tấm lòng ấm áp bằng sự hiểu biết và quan tâm chính là sự hiện thực hóa tình yêu thương.