Hình tượng là thứ mà ma quỉ làm ra để khiến tấm lòng chúng ta rời xa khỏi Đức Chúa Trời và dẫn đến việc thờ lạy ma quỉ, có hai loại hình là hình tượng thấy được và hình tượng không thấy được. Giáo lý sai lầm xui khiến chúng ta không đi theo lẽ thật là một loại hình tượng; và theo một nghĩa rộng, mọi điều mà chúng ta yêu mến hơn Đức Chúa Trời là hình tượng. Lần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái niệm về hình tượng.
1. Hình tượng thấy được
“Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó…” Xuất Êdíptô Ký 20:4-5
Vũ trụ mà Đức Chúa Trời sáng tạo ra thật rộng lớn vô cùng, nên thậm chí không thể đo lường nổi bằng tri thức của loài người. Ngày nay chúng ta có thể quan sát đến tận những nơi xa hơn trong vũ trụ nhờ sự phát triển của khoa học, nên chúng ta biết được rằng vũ trụ này thật bao la rộng lớn.
Việc bàn luận về kích thước của vũ trụ mà Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra quả là việc bất khả thi đối với loài người. Chúng ta sẽ thử tìm hiểu dù chỉ là một chút về kích thước của vũ trụ, duy chỉ căn cứ vào kiến thức khoa học mà loài người chúng ta đang có.
Người ta chủ yếu dùng đơn vị là “năm ánh sáng” để đo lường khoảng cách trong vũ trụ. Ánh sáng truyền đi với vận tốc khoảng 300.000 km/giây; tức là mỗi giây, nó đi vòng quanh trái đất bảy lần rưỡi. Năm ánh sáng là khoảng cách mà ánh sáng truyền đi trong một năm.
Có hàng trăm tỷ dải ngân hà trong vũ trụ. Vì chúng ta đang sống ở trái đất này, nên dải ngân hà mà có trái đất này được gọi theo cách thông thường là “dải ngân hà chúng ta”. Còn mặt trời và những hành tinh đang quay xung quanh mặt trời được gọi là “hệ mặt trời”.
Hệ mặt trời của chúng ta cách trung tâm hải ngân hà chúng ta khoảng 28.000 năm ánh sáng, và những hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta đang chuyển động xung quanh dải ngân hà với tốc độ cực lớn là 200 km/giây, và mất 200 triệu năm để đi hết một vòng. Trong dải ngân hà mà chúng ta đang sống có khoảng chừng 200 tỷ ngôi sao, nhưng vì chúng ở quá xa, nên chúng ta chỉ nhìn thấy chúng như những ngôi sao lấp lánh. Giả sử trái đất của chúng ta cách xa mặt trời 10.000 năm ánh sáng, thì mặt trời cũng không khác gì những ngôi sao mờ nhạt trong bầu trời đêm.
Hơn nữa, ở trung tâm dải ngân hà của chúng ta đang phát ra nguồn năng lượng khổng lồ gấp 100.000 tỷ lần năng lượng mặt trời, nhưng vì nó ở quá xa chúng ta nên chỉ được trông thấy như chòm sao mờ nhạt. Phải mất 100.000 năm ánh sáng để di chuyển từ cuối đầu này đến cuối đầu kia của dải ngân hà mà chúng ta thuộc vào; thế mà, trong vũ trụ lại có hàng trăm tỷ dải ngân hà.
Chúng ta là người dân đang thờ lạy Đức Chúa Trời, là Đấng sáng tạo ra vũ trụ rộng lớn vô hạn như thế. Làm sao chúng ta có thể so sánh Đức Chúa Trời với cái gì hay tưởng nhớ đến Ngài bằng hình tượng chăng? Có thể lấy mặt trời, là thứ đã được Đức Chúa Trời tạo ra, để làm biểu tượng cho Ngài chăng? Hay có thể lấy mặt trăng, là vật thọ tạo của Đức Chúa Trời, để làm vật tượng trưng cho Ngài chăng? Đối với Đức Chúa Trời, mặt trời và mặt trăng chỉ là tồn tại quá nhỏ bé. Dù là dải ngân hà rộng lớn đến đâu đi nữa thì chẳng qua cũng chỉ là vật thọ tạo được làm ra bởi Đức Chúa Trời mà thôi. Không có bất cứ thứ gì có thể làm biểu tượng cho Đức Chúa Trời, là Đấng Sáng Tạo vĩ đại. Duy chỉ có việc làm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời, đó mới chính là phận sự của người dân thuộc về Đức Chúa Trời.
“Ai lường được thần của Đức Chúa Trời, và làm mưu sĩ Ngài, đặng dạy Ngài điều gì?… Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng và kể như là một mảy bụi rơi trên cân… Mọi dân tộc ở trước mặt Đức Giêhôva thảy đều như không, Ngài xem như trống không và hư vô vậy. Vậy thì các ngươi có thể ví Đức Chúa Trời với ai, lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được? Khi người thợ đúc tượng, thì thợ bạc lấy vàng mà bọc, và đúc cho những cái dây chuyền bằng bạc…” Êsai 40:13-20
“Hình tượng của các dân bằng bạc và bằng vàng, là công việc tay loài người làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói, có mắt mà chẳng thấy, có tai mà không nghe, và miệng nó không hơi thở. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó, đều giống như nó.” Thi Thiên 135:15-18
2. Hình tượng không thấy được
1) Hình tượng giáo lý
Trong số các hình tượng, có những hình tượng giáo lý. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta các điều răn của Ngài, nhưng nếu loài người xóa bỏ điều răn của Đức Chúa Trời mà lại giữ điều khác thay vào đó thì đó là thờ hình tượng. Ví dụ như, Đức Chúa Trời đã lập ra ngày Sabát, nhưng nếu con người giữ Chủ nhật mà gọi đó là ngày Sabát, thì đó là thờ hình tượng phạm vào ngày Sabát. Đức Chúa Trời cũng lập ra Lễ Vượt Qua, nhưng nếu con người không giữ gìn Lễ Vượt Qua mà lại giữ ngày 25 tháng 12 – là ngày sinh của thần mặt trời, thì đó là thờ hình tượng phạm vào Lễ Vượt Qua. Đức Chúa Trời cũng đã lập ra Lễ Lều Tạm, nhưng nếu con người chối bỏ Lễ Lều Tạm mà lại giữ lễ tạ ơn do loài người làm ra, thì đó là thờ hình tượng phạm vào Lễ Lều Tạm. Bỏ đi điều răn của Đức Chúa Trời nhưng lại làm theo những điều răn do loài người làm ra, chính là thờ hình tượng chống lại điều răn của Đức Chúa Trời.
2) Hình tượng sở thích
Trên thế gian, mọi người được khuyến khích hãy có sở thích lành mạnh. Có sở thích không phải là việc xấu nhưng nếu nó đóng vai trò ngăn cản và ràng buộc mình trên con đường đến Nước Thiên Đàng thì chẳng phải đó là một hình tượng lớn nhất đối với bản thân hay sao?
Giả sử một người thích leo núi, lại đi leo núi kể cả trong ngày Sabát, là ngày thờ phượng Đức Chúa Trời, thì đối với người đó, leo núi là một hình tượng. Nếu một thánh đồ yếu đức tin không tham dự thờ phượng vào ngày Sabát để có thể xem bóng đá vào ngày Sabát, thì bóng đá là hình tượng của người đó. Thứ khiến người ta yêu mến nó hơn Đức Chúa Trời hoặc thứ thu hút mạnh mẽ người ta hơn là tấm lòng hướng về Đức Chúa Trời, rõ ràng đều là hình tượng.
Tuy nhiên, nếu hoạt động thích hợp theo sở thích trong thời gian rảnh rỗi, dâng thờ phượng vào ngày thờ phượng Đức Chúa Trời, và làm công việc Tin Lành thì hoạt động đó sẽ không trở nên là hình tượng.
3) Hình tượng của cải vật chất
“Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.” I Timôthê 6:10
Đối với những người yêu thích kiếm tiền hơn giữ gìn điều răn của Đức Chúa Trời, thì tiền là hình tượng làm cho họ lạc lối khỏi Đức Chúa Trời. Đương nhiên, chúng ta cần tiền để phần xác thịt sinh sống trên trái đất này, nhưng nếu người nào quá ham mê tiền bạc và yêu chúng hơn cả Đức Chúa Trời, thì tiền chắc chắn là hình tượng đối với linh hồn của người đó.
Giết người, cướp của, trộm cắp và mọi loại tội ác gớm ghiếc đều xuất phát từ sự tham tiền bạc. Khi con người tham tiền quá nhiều thì họ tin sai lạc rằng người ta sống vì tiền, chứ không phải tiền vì con người, và đó là một loại thờ hình tượng.
4) Hình tượng lòng tham
“Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng.” Côlôse 3:5-6
Có nhiều loại hình tượng cám dỗ chúng ta mất đi lòng trung tín với Đức Chúa Trời, một trong số đó là lòng tham lam. Việc đi tìm thứ tốt đẹp hơn về phần xác thịt là một phần trong bản năng của loài người. Dù thế mà nếu lòng tham ấy lớn hơn là yêu mến Đức Chúa Trời thì đó là thờ hình tượng mà chúng ta phải cảnh giác. Trộm cắp của cải người khác là một kết quả của việc đi theo lòng tham, và ý thức luôn nghĩ ngợi về sự tôn trọng và chỗ đứng cao là một loại thờ hình tượng. Những thứ đó giúp ích điều gì cho sự cứu rỗi chăng? Những thứ đó có thể dẫn chúng ta đến Nước Thiên Đàng hay sao? Dù gì đi nữa, nếu chúng ta yêu thích thứ gì hơn Đức Chúa Trời, thì đó là hình tượng.
“Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh. Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an; vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được.” Rôma 8:5-7
5) Hình tượng con người
Nếu chúng ta yêu thích và coi trọng một người khác hơn là Đức Chúa Trời, thì người đó chính là hình tượng cho chúng ta. Giả sử nếu quá yêu thích diễn viên hoặc ca sĩ hơn cả Đức Chúa Trời, và đi theo đuổi họ mà quên giờ thờ phượng lên Đức Chúa Trời, hoặc bị đầy ắp suy nghĩ về người đó ngay trong khi thờ phượng, thì đó chắc chắn là hình tượng. Con cái, cha mẹ, bạn trai hoặc bạn gái cũng có thể là hình tượng nếu yêu mến người đó hơn Đức Chúa Trời.
“Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta; ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.” Mathiơ 10:37-39
Câu này không có nghĩa là chúng ta không được yêu cha mẹ và con cái của mình; mà nghĩa của câu này là chúng ta không nên yêu cha mẹ và con cái hơn Đức Chúa Trời, việc này sẽ khiến chúng ta rời xa Đức Chúa Trời và không thể được cứu rỗi.
Vì Đức Chúa Jêsus biết tất thảy mọi việc – cuộc sống của chúng ta ở trên trời, trên trái đất, và sau khi qua đời này, nên Ngài đã dạy chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời trên hết thảy để hầu cho chúng ta có thể nhận được phước lành.
Nếu yêu một ai đó, quý vị sẽ muốn làm hài lòng đối phương và cố gắng tìm hiểu những gì đối phương quan tâm đến. Nếu người đó thích thơ văn, quý vị sẽ đi đến nhà sách và mua một tập thơ để đọc. Ấy là bởi quý vị muốn nói chuyện về thơ văn với đối phương để chiếm được cảm tình của người đó.
Cùng một nguyên lý ấy, nếu chúng ta yêu Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ cố làm những gì vui lòng Đức Chúa Trời và nỗ lực làm hoàn thành những việc Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm.
6) Hình tượng suy nghĩ riêng
Mặc dù chúng ta cho rằng đang hầu việc Đức Chúa Trời, nhưng nhiều khi chúng ta vẫn định ý làm những việc theo như suy nghĩ riêng của chúng ta, hơn là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta bám víu vào ý nghĩ rằng Đức Chúa Trời chắc phải làm như thế này, như thế kia thì điều đó dẫn chúng ta chối bỏ Đức Chúa Trời khi Ngài làm việc và yêu thương loài người theo cách làm khác với suy nghĩ cá nhân của chúng ta. Tấm lòng muốn bày tỏ sự công bình của mình hơn của Đức Chúa Trời, sẽ trở thành hình tượng làm chúng ta rời xa khỏi Đức Chúa Trời.
Saulơ – vua đầu tiên của nước Ysơraên, đã được Đức Chúa Trời sai đem quân đội mình đi hủy diệt người Amaléc và mọi vật gì thuộc về dân đó. Song, Saulơ đã suy nghĩ rằng những lời dân sự nói thích đáng hơn lời của Đức Chúa Trời; Saulơ đã hủy diệt những thứ xấu và không giá trị giữa dân tộc Amaléc và các thú vật, nhưng để lại những bò và chiên, các thú béo và chiên đực – mọi vật tốt nhất.
Khi đấng tiên tri Samuên chỉ ra lỗi lầm của vua, ông đã biện minh rằng “Dân sự có chọn trong của cướp, chiên và bò, là vật tốt nhứt về của đáng tận diệt, đặng dâng cho Giêhôva Đức Chúa Trời của ông tại Ghinhganh.” Lúc đó, đấng tiên tri Samuên đã truyền lời rằng “Đức Giêhôva há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Samuên 15:21-23).
Đức Chúa Trời dạy chúng ta rằng sự bội nghịch trước lời của Đức Chúa Trời giống như tội tà thuật, và sự cố chấp với suy nghĩ riêng của mình hơn nghe theo lời Đức Chúa Trời giống như tội trọng cúng lạy hình tượng. Chúng ta phải biết rằng sự không vâng theo và cứng lòng là phạm tội thờ hình tượng.
Chúng ta phải luôn chuẩn bị đức tin có thể vâng phục mỗi khi lời của Đức Chúa Trời được ban cho mình. Khi làm như vậy thì chúng ta mới có thể đi theo bất cứ nơi nào Chiên Con dẫn dắt. Việc không thể đi theo nơi mà Chiên Con dẫn dắt có nghĩa rằng chúng ta nghĩ bản thân mình công bình hơn Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể đi theo Đức Chúa Trời tại vì nghĩ rằng “Tôi nghĩ Đức Chúa Trời phải làm như thế này. Ngài không nên làm theo cách kia đâu, đúng không?”.
“… Họ có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn. Bởi họ không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Đức Chúa Trời.” Rôma 10:2-3
Loài người ngu dại đến nỗi không thể thấy trước việc gì sẽ xảy ra dù chỉ một giây lát sau. Chúng ta không biết liệu kẻ thù ma quỉ có đặt hầm bẫy và chực chờ chúng ta trên bước đường chúng ta đi hay không bởi vì nhìn trông bề ngoài vẫn tốt đẹp. Giả sử Đức Chúa Trời, Đấng biết mọi sự, phán lệnh chúng ta hãy đi đường vòng, nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng suy nghĩ của mình là đúng, thì chúng ta không còn có thể quan tâm đến lời Đức Chúa Trời thêm nữa. Trong khi nghĩ rằng suy nghĩ của cá nhân chúng ta là công bình hơn của Đức Chúa Trời và cố chấp đi con đường của mình mà không vâng phục Ngài, thì chúng ta sẽ mắc bẫy của ma quỉ.
Hành vi nêu ra sự công bình của riêng mình mà không biết đến sự công bình của Đức Chúa Trời, là hình tượng lớn biết bao? Hình tượng mà chúng ta – những người ở trong lẽ thật của Đức Chúa Trời, phải luôn tự cảnh giác cao nhất chính là việc xem ý tưởng và phán đoán của mình là đúng đắn nhất. Đã được chép rằng “Nếu có ai tưởng mình biết điều gì, thật người ấy chưa biết như mình nên biết.” (I Côrinhtô 8:2). Thật vậy, những gì chúng ta biết thật quá ít ỏi. Do đó, chúng ta phải luôn luôn khiêm nhường. Chúng ta không thể trở nên khiêm nhường chỉ bởi sự bề ngoài ra vẻ khiêm tốn. Khi nhận ra sự chúng ta thiếu thốn là nhiều biết bao và chúng ta ngu dốt biết bao thì mới có thể suy nghĩ khiêm nhường và cư xử khiêm nhường. Nói cách khác, chúng ta phải biết bản thân mình. Chúng ta có thể xem thấy Đức Chúa Trời đúng đắn khi biết ra vị trí của mình, tình huống và hoàn cảnh của mình. Và chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời. Kính sợ có nghĩa là tôn kính và run sợ. Nếu chúng ta không kính sợ Đức Chúa Trời, thì chúng ta trở nên hỗn nghịch và kiêu ngạo. Rồi tâm linh chúng ta bị lấp đầy bởi các hình tượng, và sẽ rời bỏ Đức Chúa Trời mà chỉ đi đến gần ma quỉ. Nếu tôi to lớn, thì Đức Chúa Trời – Đấng làm việc trong tôi trở nên nhỏ bé; nếu tôi nhỏ bé, thì Đức Chúa Trời – Đấng làm việc trong tôi trở nên to lớn. Khi hiểu ra sự thật này, chúng ta phải trở nên “chiên nhỏ hơn Chiên Con” để có thể đi theo bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời dẫn chúng ta đi.
3. Quan điểm về hình tượng
Hình tượng là những thứ mà chúng ta yêu hơn Đức Chúa Trời, đồng thời cũng là mọi suy nghĩ và tư tưởng được tạo ra nhằm mục đích khiến chúng ta không được đi vào Nước Thiên Đàng.
Chúng ta phải luôn quan sát xem liệu xung quanh chúng ta có những yếu tố mang tính hình tượng hay không, tức là những thứ khiến chúng ta rời xa khỏi Đức Chúa Trời. Xung quanh chúng ta có vô số hình tượng thấy được và không thấy được; có loại hình tượng mà chúng có thể thấy được bằng mắt, cũng có loại tồn tại như là giáo lý hoặc là những điều chiếm hữu trong lòng mình. Chúng ta hãy loại bỏ mọi loại hình tượng ấy và bước đến với Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Từ thời đại Cựu Ước cho đến thời đại Tân Ước, việc tôn kính hình tượng bị coi là hành vi làm điều ác trước mặt Đức Chúa Trời.
“… Kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: Đó là sự chết thứ hai.” Khải Huyền 21:8
Những người dân của Siôn được trở thành con cái của Đức Chúa Trời bởi giao ước mới, cần phải luôn cảnh giác nhìn xung quanh hoặc cả trong tấm lòng mình xem liệu mình có đang tôn thờ hình tượng hay chăng và phải hết sức nỗ lực để hầu việc duy chỉ Đức Chúa Trời.
“Hỡi kẻ yêu dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng. Tôi nói với anh em cũng như nói với những kẻ thông minh; chính anh em hãy suy xét điều tôi nói. Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước há chẳng phải là thông với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao? Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh…” I Côrinhtô 10:14-22
Chúng ta được trở thành một thân thể với Đấng Christ thông qua Lễ Vượt Qua giao ước mới và trở nên là đền thờ mà Thánh Linh ngự. Vì vậy, trong thư sứ đồ Phaolô gửi cho Hội Thánh tại thành Côrinhtô, ông đã chép rằng “Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống.” (II Côrinhtô 6:16).
Quan điểm của các thánh đồ và các sứ đồ thời đại Hội Thánh Sơ Khai đối với việc tôn kính hình tượng đã trở nên sách hướng dẫn và tấm gương cho chúng ta, là những người đang sống vào thời đại cuối cùng này, để chỉ cho biết con đường Nước Thiên Đàng. Nếu như trong chúng ta có hình tượng hoặc đang thờ lạy hình tượng, thì Thánh Linh của Đức Chúa Trời không thể ngự cùng mà sẽ rời khỏi chúng ta, và ác thần sẽ xâm chiếm linh hồn chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải tránh xa hình tượng. Khi chúng ta loại bỏ tất thảy mọi tồn tại mang tính hình tượng trong chúng ta – đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Thánh Linh sẽ lấp đầy và dẫn dắt chúng ta được đi vào Nước Thiên Đàng một cách rộng rãi.