Trong cuộc sống đức tin của chúng ta, đôi khi chúng ta đầu hàng tình huống và điều kiện xung quanh, dẫn đến rơi vào điều kiện khó hơn nữa. Khi chúng ta không thắng nổi khó khăn trong phút chốc, mà lại đầu hàng tình huống ấy, thì tấm lòng chúng ta sẽ bị tổn thương và đức tin sẽ bị sụp đổ. Đây chính là khủng hoảng lớn trong cuộc sống đức tin.
Mỗi chúng ta cần phải trung tín trong thế giới nội tâm, sở hữu đức tin và tinh thần mạnh mẽ thì đương nhiên có thể chiến thắng mọi điều kiện khó khăn, và tuyệt đối không được quên tư thế truyền đạo cùng tinh thần hướng về Đức Chúa Trời trong bất cứ tình huống và điều kiện nào.
Tôi sẽ kể câu chuyện về một chị em của chúng ta. Một ngày nọ, vì có việc gấp, chị em ấy đã gửi con nhỏ cho Hội Thánh, rồi đi làm công chuyện. Khi quay trở về chị em ấy thấy người nhà trông trẻ cho con mình ăn bánh qui cao cấp đắt tiền, còn cho con của chị em ấy ăn bánh qui không ngon lại rẻ tiền. Thường ngày, chị em ấy là một người có đức tin, thế nhưng vì nghĩ rằng con chị em ấy đang bị đối xử tệ, nên đã không suy xét tình hình trước sau, mà đùng đùng nổi giận vì bị tổn thương.
Thực ra, người nhà trông trẻ đã mua cả bánh qui với tấm lòng vui vẻ rồi chia cho con của chị em ấy nữa, thế nhưng con của chị em ấy không thích bánh qui cao cấp, thế nên người nhà trông trẻ đành phải đổi bánh qui cho con chị em ấy ăn, còn cho con mình ăn bánh qui cao cấp đầu tiên. Đúng lúc ấy, chị em ấy trở về và trông thấy cảnh này, không kiểm soát nổi cảm tính trong chốc lát, chị em ấy đã làm sụp đổ mĩ đức của tình yêu thương giữa anh chị em mà mình đã học và thực tiễn cho tới khi đó.
Tôi nghĩ rằng trường hợp này không chỉ xảy ra cho riêng chị em ấy, mà còn cho cả chúng ta nữa. Trong khi đi con đường Tin Lành, nếu bị lôi kéo bởi hoàn cảnh và điều kiện bên ngoài thì chúng ta cũng không thể kiểm soát nổi bản thân.
Không có tín ngưỡng nào nguy hiểm bằng tín ngưỡng bị lung lay theo tình huống. Người dễ dàng bị lung lay bởi tình huống sẽ có thể bị mắc phải hầm bẫy mà ma quỉ giăng ra vào bất cứ giây phút nào đó. Ngược lại, nếu là người không hề lung lay trọng tâm, kiểm soát tốt thế giới nội tâm mà không bị chi phối bởi điều kiện bên ngoài, thì bất cứ tình huống và lý luận bên ngoài nào cũng không gây bất cứ ảnh hưởng nào cho người ấy.
Dù làm tốt trong điều kiện tốt, nhưng khi không có điều kiện tốt như vậy, mà lại dễ dàng từ bỏ thì tín ngưỡng ấy không phải là tinh thần “truyền đạo của sứ đồ Phaolô” mà Đức Chúa Trời giao phó. Ngay cả trong bất kỳ tình huống xấu nào, sứ đồ Phaolô cũng chuyển đổi thành môi trường có ích cho Tin Lành. Trong khi hiểu ra cuộc đời ấy của sứ đồ Phaolô, chúng ta cũng phải trở thành những người sở hữu đức tin chín chắn giống Phaolô.
“Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục vụ mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn. Với người Giuđa, tôi ở như một người Giuđa, hầu được những người Giuđa… với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không có luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp, hầu được những người không luật pháp… tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó…” I Côrinhtô 9:19-27
Phaolô đã ở trong rất nhiều hình dáng khác nhau đối với nhiều người để cứu rỗi được nhiều người. Nghĩ đến tư thế đức tin của sứ đồ Phaolô, chúng ta cũng phải làm hết sức mình trong vị trí và tình huống mà mỗi chúng ta đang được đặt vào.
Khi xem lại hành trình Xuất Êdíptô trong quá khứ, chúng ta thấy rằng đức tin và nhiệt tình đức tin của người Ysơraên lúc họ tiếp cận với điều kiện bên ngoài, là đồng vắng, đã quá khác so với lúc họ bắt đầu khởi hành từ xứ Êdíptô. Trong số hơn sáu mươi vạn nam đinh, chỉ có hai người đã không hề lung lay bởi hoàn cảnh bên ngoài, và đã được vào xứ Canaan theo lời hứa của Đức Chúa Trời, tất thảy số còn lại đều có trọng tâm sụp đổ, không được vào xứ Canaan mà bị ngã nằm trong đồng vắng.
Tại nơi không có nước, họ không ngừng phát ra lời bất mãn, lằm bằm và bất bình, lại mỗi khi gặp phải hoàn cảnh hoặc điều kiện khó khăn một chút, thì họ đều đánh mất trọng tâm và sụp đổ đức tin. Đức Chúa Trời, là Đấng sáng tạo tất thảy mọi thứ, có thể dịch chuyển đám mây một chút để làm ra mưa, cũng có thể giáng đồ ăn như mưa xuống trên đồng vắng, thế mà họ đã không duy trì được tấm lòng đức tin vào Đức Chúa Trời, lại lằm bằm và bất mãn nên đều đã bị huỷ diệt (I Côrinhtô 10:5-11).
Tuy nhiên, trong cùng một hoàn cảnh ấy, chỉ Giôsuê và Calép đã kêu lên rằng “Đừng sợ dân của xứ, vì dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta, bóng che chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Giêhôva ở cùng ta.” (Dân Số Ký 14:8-9). Vì trông cậy và tin tưởng trọn vẹn vào Đức Chúa Trời, nên Giôsuê và Calép đã có thể được nhận phước lành.
Sứ đồ Phierơ cũng là người hiểu rõ ý nghĩa nội tâm, nên không hề bị lung lay trước bất cứ hoàn cảnh bên ngoài nào. Phierơ là môn đồ đã phải nghe từ Đức Chúa Jêsus nhiều lời khiến dễ bị thử thách nhất. Thậm chí Phierơ còn bị Đức Chúa Jêsus gọi là Satan nữa, mặc dù không phải ông đã phạm lỗi lầm rất nghiêm trọng nào đó.
“Từ đó, Đức Chúa Jêsus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giêrusalem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. Phierơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu! Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phierơ rằng: Ớ Satan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.” Mathiơ 16:21-23
Khi Đức Chúa Jêsus phán về việc Ngài sẽ bị người ngoại bang bắt đi, sẽ phải hy sinh trên thập tự giá, Phierơ trung thành đã bày tỏ lòng phẫn nộ chính đáng và nói rằng “Hỡi Chúa, Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu! Ai dám gây ra điều đó cho Chúa? Tôi sẽ đứng ra….” Nhưng, Phierơ đã phải nghe lời trách móc rằng “Ớ Satan, hãy lui ra đằng sau ta!” thay vì lời khen ngợi, vậy ông đã bị sốc biết bao nhiêu! Tuy nhiên, Phierơ đã tin chắc sự thật rằng vì Đức Chúa Jêsus yêu thương và nâng niu mình nên mới nói vậy để giáo huấn mình điều gì đó, và Phierơ đã theo Đức Chúa Jêsus cho đến cuối cùng.
Nửa đêm, trông thấy Đức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển, tất thảy các môn đồ khác đều ngờ là ma, chỉ biết ngồi run rẩy tại một góc thuyền, thế nhưng Phierơ đã dũng cảm hỏi rằng “Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.” Được Đức Chúa Jêsus cho phép, Phierơ đã đi bộ trên mặt nước biển. Tuy nhiên, khi thấy gió thổi, thì Phierơ sợ hãi, hòng sụp xuống nước. Lúc này, Đức Chúa Jêsus đã trách mắng Phierơ rằng “Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?” (Mathiơ 14:22-33) thay vì khen ngợi rằng “Đức tin của ngươi là tốt nhất trong mười hai môn đồ!”
Hãy giả định rằng chúng ta được nghe lời như vậy từ Đức Chúa Jêsus. Ngay cả nếu nghe lời như vậy từ một mục sư thì chúng ta cũng cảm thấy thất vọng rồi, thế mà nếu nghe lời như vậy trực tiếp từ Đức Chúa Jêsus thì sẽ ra sao? Phierơ đã được nghe lời như vậy trực tiếp từ Đức Chúa Jêsus. Dù vậy, Phierơ vẫn coi lời của Đức Chúa Jêsus là phải lẽ. Vì không bị lung lay trước bất cứ điều kiện bên ngoài nào, nên Phierơ đã được nhận chìa khoá Nước Thiên Đàng và được nhận phước lành trở thành nền của Hội Thánh.
“Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phierơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó. Ta sẽ giao chìa khoá nước thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời.” Mathiơ 16:18-19
Từ bây giờ, chúng ta cũng phải có đức tin lớn như núi Thái Sơn, tiếp nhận những hoàn cảnh bên ngoài có ảnh hưởng tốt với linh hồn chúng ta, song biết từ chối những hoàn cảnh bên ngoài không có ích lợi cho chúng ta. Vì lo sợ trọng tâm của mình bị sụp đổ, ngày ngày sứ đồ Phaolô đều tự đôn đốc bản thân, và luôn phục tùng Đấng Christ. Chúng ta cũng phải học tập đức tin của sứ đồ Phaolô, luôn tiên phong trong việc giữ vững trọng tâm của mình ngay cả trong cuộc sống đức tin.
Lúc đầu bước đi trên con đường đức tin, hầu hết mọi người đều tích cực và có tấm lòng nhiệt huyết. Ban đầu, kể cả Giuđa Íchcariốt, lẫn Saulơ, vua đầu tiên của nước Ysơraên, cũng đều có đức tin lớn vào Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, giữa chừng họ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, nên đều bị ngã sụp và không giữ được đức tin.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh và bầu không khí nào, thì chúng ta cũng đừng quên rằng chúng ta đã được nhận sứ mệnh cùng với Đấng Christ đi tìm kiếm và nhóm lại những anh chị em bị lạc mất. Dù điều kiện bên ngoài có thay đổi, thì chúng ta cũng tuyệt đối không nên thay đổi trọng tâm hướng về Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chúng ta nhất định phải giữ nguyên nhiệt huyết lúc mới bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời, để có thể đi vào Nước Thiên Đàng vĩnh cửu.
Giống như sứ đồ Phaolô luôn tạo ra tình huống có thể truyền đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải làm ra điều kiện để có thể rao truyền Tin Lành cho người thế gian dù gặp phải bất kỳ hoàn cảnh không lường trước nào.
Có một chị em chúng ta, trong khi nấu ăn ở nhà chồng vào ngày lễ tết, đã nói rằng “Em dâu, hãy thử ăn món này đi!” rồi bón đồ ăn vào miệng em dâu. Hành động này đã giúp chị em ấy truyền đạo cho em dâu và kết trái. Tuy không phải là tình huống mở Kinh Thánh để truyền lời trực tiếp, nhưng cứ truyền đạo tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người như chị em ấy thì sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Đối với những người luôn nhìn bằng tầm mắt truyền đạo dù được ban cho các hoàn cảnh khác nhau, thì tất thảy mọi hoàn cảnh đều là hoàn cảnh truyền đạo.
Tổng giám đốc của một doanh nghiệp lớn nọ đã nói rằng nhìn thấy tất thảy mọi thứ đều thành tiền bạc khi lái xe đi trên đường phố. Và ông ấy lấy làm lạ vì trên đường phố đầy dẫy những thứ có thể kiếm ra tiền, sanh ra lợi nhuận mà tại sao người ta lại không nhặt lấy. Chẳng phải vì luôn đầy ắp suy nghĩ rằng “Nếu dùng cái đó mà làm thế này thế kia thì sẽ kiếm được thật nhiều tiền…” nên ông ấy đã trở thành một tổng giám đốc nổi tiếng của tài chính thế giới sao?
Mong rằng tất thảy mọi người nhà trong đức tin cũng có tầm nhìn như vậy đối với Tin Lành. Như thế thì ngay cả khi đi đường, chúng ta cũng tự dưng phát ra lời rằng “Ồ! Tất thảy đều là những đối tượng truyền đạo!” Đức Chúa Trời đã phán rằng hãy rao truyền Tin Lành cho muôn dân trong thiên hạ, nên chẳng phải tất thảy loài người đều là đối tượng truyền đạo hay sao? Tôi mong tất thảy các anh chị em đừng viện cớ hoàn cảnh, mà hãy biết làm ra hoàn cảnh truyền đạo.
Những thánh đồ thanh niên của chúng ta, những người nhập ngũ, dù là binh nhất nhưng cũng rất nổi tiếng trong doanh trại. Vào kỳ nghỉ phép ngắn ngủi, họ đã dẫn dắt nhiều đồng đội đến với Đức Chúa Trời, nên có thể thấy rằng trọng tâm của các thánh đồ lính thật là nhiệt huyết. Khi binh lính trên cấp trách mắng về việc truyền đạo, thì thanh niên lính của chúng ta lại rao truyền lời cho binh lính ấy, nhờ đó làm ra kết quả ân huệ là dẫn dắt được nhiều đồng đội tiếp nhận lẽ thật.
Trước đây, suy nghĩ “Không truyền đạo được” đã cản trở Tin Lành của Đức Chúa Trời thì giờ đây tất thảy chúng ta phải rao truyền tự do trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào giống như Phaolô. Suy nghĩ rằng “Tin Lành không thể được rao truyền ở địa điểm nào đó” chẳng qua chỉ là quan điểm cố hữu mà thôi. Nếu phá tan suy nghĩ ấy thì tất thảy mọi thứ đều có thể được hoàn thành. Chẳng phải Tin Lành đang được rao truyền ở quốc gia Phật giáo, cũng được rao truyền ở quốc gia Hồi giáo, và thậm chí còn được rao truyền nhiều hơn kể cả ở các quốc gia chủ nghĩa cộng sản hay sao?
Chúng ta tuyệt đối không nên quên rằng Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng có thể làm thay đổi lòng của loài người dù họ sanh ra trong gia đình Nho giáo, hoặc gia đình Phật giáo. Nếu chúng ta cố gắng làm thay đổi lòng người bằng sức lực của mình, và trông cậy vào bản thân mình mà truyền đạo thì sẽ sợ hoàn cảnh xung quanh và bị ràng buộc bởi suy nghĩ rằng “Không truyền đạo được.”
Vậy hãy tìm hiểu xem sứ đồ Phaolô đã rao truyền Tin Lành với trọng tâm như thế nào.
“… Kìa, nay bị Đức Thánh Linh ràng buộc, tôi đi đến thành Giêrusalem, chẳng biết điều chi sẽ xảy đến cho tôi ở đó; duy Đức Thánh Linh đã bảo trước cho tôi rằng từ thành nầy sang thành khác dây xích và hoạn nạn đương đợi tôi đó. Nhưng tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus, để mà làm chứng về Tin lành của ơn Đức Chúa Trời.” Công Vụ Các Sứ Đồ 20:20-24
Vì tinh thần truyền đạo của sứ đồ Phaolô tích cực như trên, nên Đức Chúa Trời rất vui lòng mà ban cho ông thật nhiều trái, hầu cho ông dựng nên nhiều Hội Thánh ở khắp mọi nơi. Đó là bởi dù đi bất cứ nơi nào, sứ đồ Phaolô cũng làm ra hoàn cảnh truyền đạo ở nơi ấy. Ông còn coi việc bị trói buộc, bị nhốt trong ngục là điều đương nhiên. Rồi khi bị nhốt trong ngục, ông đã truyền đạo cho người đề lao và những tù phạm và khiến họ hối cải, ăn năn.
Dù đứng trước những tù phạm trong ngục, dù đứng trước vua và các vương tộc, bất luận thời gian và địa điểm, môi miệng Phaolô đều dạn dĩ thốt ra những lời về Đấng Christ. Dù ma quỉ huỷ báng truyền đạo của Phaolô đến thế nào đi nữa thì Phaolô cũng không hề lung lay. Dù bị giam cầm ở nơi này nơi khác, thì tù ngục cũng tuyệt đối không thể ngăn chặn được môi miệng của Phaolô. Đó là bởi vì ông có đức tin và tinh thần rất có thể được tự do ngay cả trong tù ngục. Vì suy nghĩ rằng toàn bộ thế gian này là nơi truyền đạo, và tất thảy loài người đều là đối tượng truyền đạo, nên dù bị rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào, sứ đồ Phaolô cũng biến đó thành hoàn cảnh truyền đạo.
Thế nên, Phaolô đã truyền đạo được cho dù ông gặp bất cứ ai. Khi gặp người Do Thái, Phaolô đã suy xét trên lập trường và suy nghĩ của người Do Thái mà rao truyền Tin Lành, khiến họ trở thành Cơ đốc nhân. Khi gặp người ngoại bang, Phaolô đã biến đổi đặc thù và hoàn cảnh của người ngoại bang thành hoàn cảnh có thể rao truyền Tin Lành, và khiến họ trở thành Cơ đốc nhân. Trong tấm lòng sứ đồ Phaolô không hề tồn tại suy nghĩ rằng “Vì họ là người Do Thái dấn sâu vào chủ nghĩa luật pháp nên không thể truyền đạo cho họ được.” hoặc “Vì họ là người tôn kính hình tượng, và tin ngoại đạo, nên không thể truyền đạo cho họ được.”
Chúng ta cần phải hiểu rõ về việc truyền đạo như vậy của sứ đồ Phaolô. Vì gọi là truyền đạo theo cách của sứ đồ Phaolô, có người nhà không học tập tư thế truyền đạo theo lẽ tự nhiên, nhưng lại nói rằng sẽ tìm đến những nơi người thế gian hưởng thụ trò tiêu khiển và sở thích, hoà đồng với họ để truyền đạo. Ấy thực sự không phải là truyền đạo của sứ đồ Phaolô. Giả sử anh chị em của chúng ta thường ngày không có điều kiện để truyền đạo, nhưng bởi người nhà hoặc đồng nghiệp mà được đến những nơi giải trí như vậy, và truyền đạo ngay cả trong tình huống ấy, thì đó mới được gọi là truyền đạo của sứ đồ Phaolô.
Phaolô cũng làm công việc của mình, và mỗi khi gặp người liên quan đến công việc, Phaolô đều rao truyền lời của Đức Chúa Trời cho người đó. Trung tín với công việc của bản thân mình chính là truyền đạo của sứ đồ Phaolô. Có thể nói rằng truyền đạo bằng tấm lòng cứu rỗi linh hồn dù chỉ là một, dẫu được đặt trong bất kỳ lập trường nào, vị trí nào, như công sở, trường học hoặc doanh trại v.v… chính là truyền đạo của sứ đồ Phaolô.
Khi gặp những người Do Thái, Phaolô trở thành như người Do Thái trong hoàn cảnh của họ để cứu rỗi họ, khi gặp người ngoại bang, Phaolô lại trở nên giống người ngoại bang để cứu rỗi họ. Tuy nhiên, Phaolô không hề mượn cớ truyền đạo mà tham gia vào tế lễ của người ngoại bang, cũng không ăn của cúng thần tượng. Hơn nữa, nếu không phải bởi việc truyền đạo, Phaolô cũng không hề gặp gỡ người Do Thái hoặc người ngoại bang. Vì có trọng tâm không lung lay và luôn hướng về Đức Chúa Trời, nên Phaolô đã có thể dạn dĩ truyền đạo mà không hề quan tâm tới những điều kiện bên ngoài đang cản trở việc truyền đạo và nguy hiểm đến tính mạng của bản thân.
“Người đến thăm chúng ta, rồi lấy dây lưng của Phaolô trói chân tay mình, mà nói rằng: Nầy là lời Đức Thánh Linh phán: Tại thành Giêrusalem, dân Giuđa sẽ trói người có dây lưng nầy như vậy, mà nộp trong tay người ngoại đạo. Khi đã nghe bấy nhiêu lời, thì các tín đồ nơi đó và chúng ta đều xin Phaolô đừng lên thành Giêrusalem. Nhưng người trả lời rằng: Anh em làm chi mà khóc lóc cho nao lòng tôi? Vì phần tôi sẵn lòng chẳng những để bị trói thôi, lại cũng sẵn lòng vì danh Đức Chúa Jêsus chịu chết tại thành Giêrusalem nữa.” Công Vụ Các Sứ Đồ 21:11-13
Bây giờ là thời đại phải truyền đạo giống như sứ đồ Phaolô. Cho đến giờ nếu hình thái truyền đạo của chúng ta là thống nhất, thì vào thời đại này, là thời đại rất nhiều người nhà từ khắp mọi nơi trên thế giới đang nhóm lại tại Siôn, chúng ta phải truyền đạo trong khi hiểu rõ văn hoá của những người nhà nước ngoài. Đó là lý do tuyên bố truyền đạo giống như sứ đồ Phaolô.
Đức Chúa Trời đã cho chúng ta xem thấy trước kết quả rồi. Vì Đức Chúa Trời đã hoàn thành tất thảy mọi việc, nên chúng ta chỉ còn chờ chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên tri cuối cùng mà thôi. Nếu là người vừa muốn nhận được thật nhiều phước lành của Đức Chúa Trời vừa sống trong dự định của Đức Chúa Trời, thì phải thay đổi tất thảy hình thái tín ngưỡng của bản thân, suy nghĩ và cảm tính hiện tại của bản thân, và phải suy nghĩ xem mình có đang dựng nên thế giới theo ý muốn của Đức Chúa Trời hay không.
Việc rao truyền Tin Lành là chức vụ quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời giao phó cho chúng ta. Không phải cứ trực tiếp đi ra truyền đạo mới là thực hiện công việc của người truyền đạo đâu. Học sinh có thể truyền đạo ở trường học, công nhân viên có thể truyền đạo ở công sở, nhà doanh nghiệp tư nhân có thể truyền đạo ở doanh nghiệp mình. Luôn luôn gắng sức truyền đạo ở bất cứ nơi nào, bất luận gặp thời hay không gặp thời, chính là sứ mệnh tối cao nhất mà chúng ta phải thi hành trên trái đất này.
“Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời… Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ. Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.” II Timôthê 4:1-8
Hãy thử nhìn vinh hiển Nước Thiên Đàng và mão triều thiên của sự công bình mà sứ đồ Phaolô mong ngóng. Chúng ta tuyệt đối không nên bị đưa đẩy bởi tình huống và lý luận xung quanh. Con cá chết bị xô đẩy xuống hạ nguồn theo dòng nước, còn con cá sống bơi ngược lên dòng nước ấy. Chúng ta đừng bị cuốn trôi bởi thuỷ triều của thế gian, mà hãy giữ vững đức tin và sự công bình trong tình huống ấy.
Hãy nghĩ đến người công bình trong Kinh Thánh như Nôê, và Lót. Trong khi tất thảy loài người bị cuốn trôi bởi tình huống xung quanh, thì Nôê và Lót không hề lung lay mà luôn kính sợ Đức Chúa Trời nên được ca ngợi là đấng tiên tri của đức tin trong Kinh Thánh. Ngay cả trong khi tất thảy người dân trong thành Sôđôm và Gômôrơ đam mê cuộc sống hoa lệ và quên đi Đức Chúa Trời, thì Lót đã không hề quên Đức Chúa Trời. Điều kiện bên ngoài đã không thể làm lung lay hoặc phá huỷ đức tin trông cậy vào Đức Chúa Trời của Lót. Phaolô cũng như vậy, và Phierơ cũng như thế.
Khi xem Kinh Thánh, chúng ta hãy ghi khắc sâu sắc trong lòng những điểm này, và phải trở thành các con cái khôn ngoan của Đức Chúa Trời khắc phục và chiến thắng một cách khôn ngoan dù gặp phải bất cứ tình huống nào. Nếu trọng tâm của chúng ta hướng về Đức Chúa Trời một cách đúng đắn, thì chúng ta sẽ giống như Đaniên, được đề cao được nhận tôn quí ngay cả khi sống cuộc đời phu tù. Tuy nhiên, người có trọng tâm lung lay, thì sẽ giống như Giuđa Íchcariốt, sẽ trở thành linh hồn đáng thương thoả hiệp với tình huống dù điều kiện bên ngoài có hơi bất lợi một chút, và để tuột mất vinh hiển Nước Thiên Đàng. Chúng ta không nên lung lay trọng tâm trong bất cứ điều kiện bên ngoài nào, mà giống như hoa hướng dương di chuyển theo mặt trời, chúng ta cũng hãy trở thành mười bốn vạn bốn ngàn thánh đồ luôn luôn đi theo bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời dẫn dắt.
Hãy nhìn xung quanh chúng ta. Cho đến cùng trái đất này đều là nơi truyền đạo của chúng ta. Tất thảy sáu tỉ dân số đều là đối tượng truyền đạo của chúng ta. Trong Hàn Quốc, cũng như ở nước ngoài, hãy mang theo talâng mà mỗi chúng ta đã được nhận, nỗ lực hết sức chạy đua kiếm tìm nhanh chóng các anh chị em bị lạc mất. Và tôi mong tất thảy các anh chị em Siôn hãy cùng truyền đạo một cách trung thành và tuyệt vời theo cách của sứ đồ Phaolô, mà Đức Chúa Trời đã phán dặn.