Sức mạnh lớn của hành động nhỏ

4961 Xem

Dạo này, khi mùa đông dài qua đi và mùa xuân đến, nhiều người hạ quyết tâm sẽ đón nhận những thử thách mới như thể thức dậy từ giấc ngủ đông. Sinh viên đại học bắt đầu học ngoại ngữ hoặc chứng chỉ để tiến thêm một bước gần hơn với ước mơ của mình, còn nhân viên văn phòng vốn bận rộn mỗi ngày cũng dành thời gian để phát triển bản thân.

Ngay cả khi quyết tâm không nổi ba ngày, việc lập mục tiêu và kế hoạch của riêng mình rồi thử làm thôi cũng có ý nghĩa rất lớn. Đó là bởi thường xuyên xảy ra trường hợp người ta không biết phải làm gì, hoặc dù có việc muốn làm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào, thậm chí dẫn đến việc không dám bắt đầu.

“Thế hệ Maybe” trôi dạt trên đại dương bất định

“Ước mơ của tôi là gì? Có điều gì tôi thực sự muốn làm không? Bây giờ tôi phải làm gì cho cuộc đời mình?”

Người ta thường nói bất cứ ai cũng giỏi một điều gì đó hoặc có một lĩnh vực mà mình yêu thích, nhưng thật ngạc nhiên là có rất nhiều người khổ tâm trong việc tìm kiếm tài năng và sở thích của bản thân. Họ so sánh bản thân, người không làm được bất cứ điều gì, với những người có cuộc sống bận rộn và thành công, rồi thở dài và nhún vai trong cảm giác xấu hổ rằng “Tại sao chỉ có mình tôi như thế này?”.

Oliver Jeges, một nhà báo gốc Áo, đã gọi những người hiện đại có nỗi lo lắng như vậy là “Thế hệ Maybe (Maybe generation)”1. Họ được gọi như vậy là vì họ luôn trả lời “có lẽ”, “biết đâu” cho mọi câu hỏi bởi không có niềm tin chắc chắn vào bản thân cũng như không có tự tin trong suy nghĩ hay việc làm của mình.

1. Oliver Jeges giải thích rằng Thế hệ Maybe là “những thanh niên được giáo dục tốt, có mối quan hệ rộng, thông thạo nhiều ngôn ngữ và có tư duy toàn cầu, nhưng bị ám ảnh bởi tư tưởng rằng dù không làm bất cứ điều gì cũng được”.

Trong thời đại mà chỉ cần bật tivi lên thì các chương trình truyền hình với chủ đề “Không có gì là không thể!” tràn lan, lại cũng có vô số cuốn sách phát triển bản thân hô hào “Bạn cũng có thể làm được!”, tại sao hiện tượng này lại nổi bật đến vậy?

Một trong những trở ngại khiến trì hoãn lựa chọn và hành động là tốc độ thay đổi của thời đại. Cuộc cách mạng kỹ thuật số được quy cách hóa cùng với sự phổ cập của Internet đã biến ngôi làng toàn cầu thành thế giới trực tuyến chỉ trong vài thập kỷ. Theo đó, tính đa dạng ngành nghề gia tăng bùng phát, nhưng ngược lại, tính bền vững giảm đi rõ rệt. Trong tình huống tương lai không rõ ràng, thật khó để phán đoán mình phải làm gì hay muốn làm gì, nên việc lựa chọn và hành động cứ bị trì hoãn. Điều này được gọi là “thiếu quyết đoán”.

Sự giải trí tăng lên ngoài sức tưởng tượng càng khiến thiếu quyết đoán hơn. Nếu cứ mải mê với trò chơi internet tinh vi đến mức có thể nhầm lẫn với hiện thực hoặc môn thể thao cảm giác mạnh thì sẽ tạm thời quên đi những lo lắng trong đầu. Bạn có thể lưu trữ nhiều bộ phim điện ảnh hay truyền hình trên máy tính để xem mỗi khi có thời gian, nhiều đến mức cả đời cũng không thể xem hết, âm nhạc cũng như vậy. Trên tivi, hàng trăm kênh truyền hình chờ đón khán giả suốt 24 giờ. Bầu không khí xã hội mà trong đó văn hóa trò chơi kích thích phát triển, mọi người cảm thấy muốn quên đi mối quan tâm của mình và trì hoãn hành động.

Những xiềng xích nội tâm giữ chân hành động

Giả sử bạn đã vượt qua được sự cám dỗ của môi trường bên ngoài bất lợi và quyết định được điều mình muốn làm. Nhưng chỉ quyết định thôi thì việc đó không thể tự động được tiến hành đâu. Trái lại, ngay từ giây phút bước những bước đầu tiên, bạn sẽ phải đối mặt với nỗi bất an về những sai lầm không biết khi nào sẽ xảy ra, và với nỗi sợ hãi rằng những việc muốn làm sẽ thất bại.

Nếu môi trường bên ngoài như xã hội thay đổi nhanh chóng hay sự giải trí đa dạng đã khiến sản sinh ra Thế hệ Maybe, thì những cảm xúc nội tâm như bất an và sợ hãi chính là xiềng xích giữ chặt chân họ lại. Không ai thích sai lầm và thất bại, nhưng sự phản cảm mơ hồ về chúng lớn hơn chúng ta nghĩ. Khi nghe về những trải nghiệm khó khăn và vất vả của người khác do một sai lầm không mong muốn, bạn có thể bỏ qua mà rằng “Có gì to tát đâu!”, nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi nếu đó trở nên câu chuyện của bản thân. Khi một người bạn nói đạt được điểm dưới trung bình trong bài kiểm tra ngoại ngữ, bạn có thể nói “Cũng có thể như vậy mà” và cho qua, nhưng nếu là trường hợp của bản thân, thì lại nản lòng mà rằng “Tôi xấu hổ đến mức không thể ngẩng mặt lên được!”.

Tiến sĩ Robert Ronstadt của Đại học Babson, Mỹ đã khảo sát xem những sinh viên đã tốt nghiệp khóa MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh) có thành công trong kinh doanh hay không, nhưng số người thành công chưa đến 10%. Điều chi phối sự thành công của họ là “hành động”. Những người thành công đã bắt đầu công việc kinh doanh trên “thực tế”, nhưng 90% còn lại trả lời rằng họ “đang chờ”.

Không chỉ riêng 90% nhân tài của trường đại học danh tiếng đâu. Như cái tên Thế hệ Maybe đã chứng minh, có một lượng đáng kể những người chỉ chờ đợi tình huống hoàn hảo được tạo ra hoặc trì hoãn hành động trong khi nói rằng họ sẽ thử sức nếu đến thời điểm thích hợp nhất để kết quả được bảo đảm chắc chắn. Những người có kiểu tư duy này thường đưa ra viện cớ và biện minh như “Vì bây giờ tôi không có thời gian, vì vẫn chưa đến lúc” và cố tránh vô số cơ hội dù tình huống có trở nên tốt hơn.

Thế thì phải làm thế nào để có thể vượt qua tất cả những chướng ngại vật này và hành động?

Điểm xuất phát của hành động, hai loại tư thế tấm lòng

Để “hành động ngay” cần phải có hai loại tư thế tấm lòng. Đầu tiên, tư duy coi sai lầm và thất bại là những người hàng xóm thỉnh thoảng sẽ gặp chứ không phải là những tên côn đồ không bao giờ nên chạm trán. Thứ hai, thái độ cho rằng “không có tình huống nào hoàn hảo hơn bây giờ nên không cần do dự”.

Giống như lời của Al Franken, nhà văn-chính trị gia, rằng “Sai lầm là một phần của con người. Những bài học quý giá trong cuộc sống chỉ có thể học được thông qua con đường khó khăn.”; sự lặp lại những sai lầm, trưởng thành và phát triển chính là cuộc đời. Thất bại cũng vậy. Thất bại rõ ràng là trải nghiệm đau đớn, nhưng đôi khi thứ nhận được lại nhiều hơn thứ bị mất đi. Vì thất bại tạo ra khả năng chịu đựng đau đớn và giúp chúng ta tiến về phía trước theo hướng tốt hơn dựa trên kinh nghiệm ấy.

Khi đón nhận sai lầm và thất bại một cách tích cực, tất cả những điều này sẽ trở thành “quá trình” để phát triển và trưởng thành. Tuy nhiên, nếu dễ dàng từ bỏ hoặc thậm chí không bắt đầu thì ấy sẽ trở nên thất bại thực sự. Nhà văn J. K. Rowling đã bị các nhà xuất bản từ chối mười hai lần trước khi xuất bản “Harry Potter”, bộ truyện bán chạy nhất trong lịch sử. Nhưng bây giờ không ai nhớ rằng Rowling là nhà văn từng thất bại mười hai lần. Nếu đã bỏ cuộc ở lần thứ bảy hoặc thứ tám thì có lẽ Rowling sẽ thực sự trở thành nhà văn thất bại.

Tốt nhất là chúng ta nên sẵn sàng chấp nhận thử và sai một cách khiêm tốn, rồi bắt đầu với tình huống mà bản thân gặp phải chứ không phải với điều kiện mà bản thân mong muốn. Ngay bây giờ, dù đã dự đoán được kết quả xấu bởi điều kiện bất lợi và khó khăn, nhưng một khi bắt đầu thì bạn có thể thấy được con đường khác hay gặp được vận may không ngờ tới. Điều quan trọng là phải làm thử thì mới biết được kết quả. Nếu bạn không tự mình bỏ cuộc thì cánh cửa cơ hội luôn rộng mở.

Nếu bạn thực sự quyết tâm muốn hành động, hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Thực tiễn từ những việc rất nhỏ đến mức tự hỏi rằng “Chừng này thì có thể giúp ích gì chứ?” nhưng việc nhỏ ấy không chịu nhiều ảnh hưởng từ hoàn cảnh, và gây ra ít gánh nặng hay nỗi sợ hãi trong lòng. Nếu chỉ đặt ra mục tiêu lớn một cách bốc đồng thì sẽ nhanh chóng cảm thấy kiệt sức bởi sự khác biệt giữa hiện thực và lý tưởng.

Hãy lấy việc học tiếng Anh làm ví dụ. Nếu muốn giỏi tiếng Anh, thay vì lập mục tiêu hoành tráng và mơ hồ rằng “Tôi sẽ học để đạt được tiêu chuẩn như người bản xứ trong năm nay!”, tốt hơn là bạn nên lập kế hoạch nho nhỏ rằng “Tôi sẽ học thuộc lòng 5 từ vựng hoặc 1 câu mỗi ngày!” và thực hiện ngay lập tức. Sau khi đã quen dần ở một mức độ nhất định, nếu tăng khối lượng kiến thức và thời gian thì thực lực tiếng Anh sẽ phát triển nhanh chóng lúc nào không hay.

Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể làm mà không cần có quyết tâm to lớn hay động lực mạnh mẽ, miễn là chúng ta đẩy lùi được sự biếng nhác dù chỉ một chút thôi. Nếu bạn lặp lại những hành động dường như không có gì đặc biệt ngay bây giờ thì không biết chừng sau này bạn sẽ tìm được món quà vượt quá sức tưởng tượng. Ngược lại, dù có tha thiết mong muốn đến mức nào, nhưng nếu bạn không thực hiện ngay cả một hành động nhỏ thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra cả. Điều làm thay đổi cuộc đời chúng ta không phải là suy nghĩ lớn mà là hành động nhỏ.

Ước mơ và hy vọng trong Tin Lành sẽ được hoàn thành bởi những hành động và thực tiễn nhỏ

Theo như lời tiên tri rằng “Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân” (Mathiơ 24:14), Tin Lành giao ước mới đang được truyền bá nhanh chóng. Hiện nay, dưới sứ mệnh “Vận động truyền đạo cho nhân loại khắp thế giới”, số lượng người tìm kiếm Siôn từ khắp nơi trên toàn thế giới đang tăng theo cấp số nhân. Những “Êlôhist” ở trung tâm của lời tiên tri muốn sống không hối hận đang làm những công việc có ý nghĩa để hoàn thành Tin Lành.

Dầu có tấm lòng nhưng một số người có thể cảm thấy mờ mịt vì không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Điều quan trọng là bắt đầu từ những việc nhỏ trước chứ không phải là đắm chìm trong suy nghĩ và lo lắng. Nếu thiếu sự xác tín và dũng khí để đảm đương sứ mệnh Tin Lành, thì trước hết chỉ cần bắt đầu hành động để lấp đầy phần bị thiếu đó. Vì được chép rằng “đức tin đến bởi sự người ta nghe” nên chúng ta hãy nghe lời lẽ thật và đọc Kinh Thánh hàng ngày. Vì Đức Chúa Trời đã phán rằng “Hãy xin bất cứ điều gì, thì sẽ được ban cho” nên chúng ta hãy dâng lời cùng một lời cầu khẩn vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Dù điều này có thể gây thất vọng vì là bí quyết quá tầm thường, không có gì đặc biệt và mang tính học thuyết. Bạn cũng có thể sẽ nghĩ rằng “Bằng chừng ấy thì khó có thể làm được việc gì…”. Nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại thì chắc chắn sẽ có sự thay đổi từng chút một. Hơn bất cứ điều gì, Đức Chúa Trời coi những nỗ lực và nhiệt thành nhỏ bé là lớn lao và ban cho talâng lớn hơn nữa.

Phierơ và Giăng vốn là người đánh cá, Mathiơ là người thâu thuế và Simôn gọi là Xêlốt. Điểm chung của các môn đồ và các sứ đồ đi theo Đức Chúa Jêsus và rao truyền Tin Lành giao ước mới vào 2.000 năm trước là họ đã không có năng lực hay tri thức gì đặc biệt. Họ đã chỉ chuyển lời phán “Hãy theo ta” thành hành động, và nhờ đó sau này Tin Lành đã vượt qua hàng rào Ysơraên và được rao truyền đến Côrinhtô, Galati, Philíp, Rôma chỉ trong nháy mắt.

“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn.” Luca 16:10

Điều cần thiết là hành động nhỏ. Nếu nuôi dưỡng sức mạnh của đức tin bởi việc lặp đi lặp lại những hành động nhỏ thì chúng ta sẽ nhanh chóng có sức mạnh để bật dậy và tiến bước. Trong khi thử sức với những công việc cần dũng khí và đức tin hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy hình ảnh bản thân đang chạy hướng về điểm đích của Tin Lành lúc nào không hay. Cho đến khi đạt được điều đó, sẽ có thử và sai, hay những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực làm lung lay tấm lòng. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận sai lầm và thất bại như là quá trình có thể xảy ra, rồi bắt đầu từ hành động nhỏ dù nỗi bất an và sợ hãi theo sau; thì chúng ta sẽ nhận lãnh được những kết quả ngoài sức tưởng tượng trong Đức Chúa Trời. Thêm vào đó, bây giờ là thời đại của lời tiên tri mà sự hoàn thành Tin Lành đang ở ngay trước mắt. Điều gì sẽ xảy ra nếu những hành động nhỏ của chúng ta được tiếp sức nhờ dòng chảy của lời tiên tri? Những việc đáng ngạc nhiên mà chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến chúng ta hồi hộp sẽ xảy ra, phải không?

“Dẫu ban sơ ông vốn nhỏ mọn, Thì sau rốt sẽ nên trọng đại.” Gióp 8:7

Tham khảo
Generation Maybe: Die Signatur einer Epoche (Thế hệ Maybe: Dấu ấn của kỷ nguyên), tác giả Oliver Jeges, NXB Haffmans & Tolkemitt, 2014
惱み方の作法 (Kỹ năng lo lắng để cuộc sống trở nên đơn giản), tác giả Hideki Wada, NXB Discover 21, 2012
How to Be an Imperfectionist: The New Way to Self-Acceptance, Fearless Living, and Freedom from Perfectionism (Để trở thành người không cầu toàn: Phương pháp mới để chấp nhận bản thân, sống không lo sợ và giải phóng khỏi chủ nghĩa cầu toàn), tác giả Stephen Guise, NXB Selective Entertainment, LLC, 2015
나는 고작 한 번 해봤을 뿐이다 (Tôi chỉ thử một lần thôi), tác giả Kim Min Tae, NXB Wisdom House, 2016