Kinh Thánh làm chứng rằng các con cái của Đức Chúa Trời sẽ được nhận sự cứu rỗi là công dân trên trời (Tham khảo: Philíp 3:20). Là công dân trên trời thì đương nhiên phải để tâm tới những việc thuộc về trời hơn là những việc thuộc về đất. Đức Chúa Trời cũng không mong các con cái sống mà bám víu lấy chỉ riêng cuộc sống thể xác. Đức Chúa Trời đã giáo huấn để chúng ta có thể sống vì cuộc sống vĩnh cửu trên trời mà sẽ được hưởng khi trở về Nước Thiên Đàng.
Giống như trên đất này, là công dân của một nước thì cũng phải có quyền lợi và nghĩa vụ tùy theo nước ấy, công dân trên trời cũng như vậy, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách là công dân trên trời. Hãy tìm hiểu xem cuộc sống trên trái đất này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, và hiện giờ chúng ta phải làm gì cho cuộc sống vĩnh cửu sẽ được ban cho chúng ta.
Loài người đang sống trong không gian giới hạn là trái đất này, và sống trong khoảng thời gian giới hạn là cuộc đời nhân sinh. Cho nên, loài người tưởng rằng thế giới thấy được là toàn bộ, đặt cược tất thảy mọi thứ của mình như tuổi trẻ, nhiệt tình, nỗ lực v.v… mà cắm đầu chạy vì cuộc sống trên trái đất này. Song, Kinh Thánh cho biết rằng thứ đó không phải là toàn bộ, mà còn có tồn tại thế giới vĩnh cửu không thấy được, vượt quá giới hạn của không gian và thời gian.
“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.” II Côrinhtô 4:16-18
Thế giới thấy được chỉ là tạm thời thôi. Cho dù cuộc sống chỉ tin vào sự thấy được và cắm đầu chạy vì sự tạm thời trông có hoa lệ ngay tức thời, song nó sẽ bị phai mờ và bị biến mất theo dòng chảy thời gian, và đến lúc cuối cùng, tất thảy mọi thứ ấy chẳng thể để lại gì ngoài sự trống rỗng hư không và vô nghĩa.
Đức Chúa Trời đã cho chúng ta biết rằng thế giới không thấy được mới chính là thế giới chân chính và là thế giới vĩnh cửu. Là con cái của Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải trông cậy lời phán của Đức Chúa Trời, nhìn trông thế giới không thấy được, và sống vì sự vĩnh cửu. Chúng ta cần phải luôn nhìn lại hình ảnh của bản thân mình xem mình có đang say sưa với sự tạm thời mà đánh mất sự đời đời không, hay mình có đang sử dụng thời gian tạm thời một cách có ích cho sự đời đời không.
Sở dĩ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta cuộc đời nhân sinh ngắn ngủi trên trái đất này cũng là để cho chúng ta biết về sự vô thường của cuộc đời nhân sinh chẳng qua chỉ là tạm thời, và để hầu cho chúng ta tiến đến thế giới vĩnh cửu bằng cách làm chúng ta thức tỉnh về giá trị thật sự của sự đời đời mà không thể trông thấy bằng mắt của loài người. Sách Truyền Đạo trong Kinh Thánh đã bày tỏ rõ về lời dạy dỗ rằng hãy thoát khỏi cuộc sống hư không và vô nghĩa thiên về sự tạm thời mà hãy sống vì thế giới vĩnh cửu với tấm lòng khát khao sự đời đời.
Người coi tài sản là có giá trị lớn nhất, sẽ cống hiến cả cuộc đời để thu gom tài sản. Hơn nữa, người coi học thức là có giá trị lớn nhất, sẽ cống hiến cả cuộc đời để tích lũy học thức cao hơn người khác. Song, Salômôn, người ghi chép sách Truyền Đạo, đã nói rằng những thứ đó chẳng qua chỉ là sự tạm thời, chứ không phải sự đời đời, nên tất thảy mọi điều đều hư không.
Salômôn, con trai của Đavít, là vị vua thứ ba của nước Ysơraên. Salômôn nổi tiếng là người có phú quý và vinh quang đạt đến mức tuyệt đỉnh, có sự khôn ngoan và học thức xuất chúng hơn bất cứ người nào trên thế gian. Ông ấy đã sở hữu nhiều người hầu và gia súc, cũng có tài sản dư dật, lại cũng đã xây dựng cung điện hoa lệ và có nhiều phi tần xinh đẹp nữa. Ông đã thử làm tất thảy mọi điều mình muốn tới mức nói rằng “Ta chẳng từ điều gì mắt mình ước ao, cũng chẳng cấm điều gì lòng mình ưa thích.” song cuối cùng ông đã thổ lộ rằng tất thảy mọi lao khổ đều là hư không và là sự mệt mỏi, và rằng “mắt không hề chán ngó, tai chẳng hề nhàm nghe” (So sánh: Truyền Đạo 2:3-10, 1:8).
“Lời của người truyền đạo, con trai của Đavít, vua tại Giêrusalem. Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không. Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi?… Muôn vật thảy đều lao khổ, loài người không thế nói ra được; mắt không hề chán ngó, tai chẳng hề nhàm nghe. Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời. Nếu có một vật chi mà người ta nói rằng: Hãy xem, cái nầy mới, vật ấy thật đã có rồi trong các thời đời trước ta. Người ta chẳng nhớ các đời trước, và các đời sau những người đến sau cũng sẽ chẳng nhớ đến nữa. Ta là người truyền đạo, đã làm vua Ysơraên tại Giêrusalem. Ta chuyên lòng lấy sự khôn ngoan mà tra khảo mọi việc làm ra dưới trời; ấy là một việc lao khổ mà Đức Chúa Trời đã giao cho loài người để lo làm. Ta đã xem thấy mọi việc làm ra dưới mặt trời; kìa, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi…” Truyền Đạo 1:1-18
Vào cuối đời mình, Salômôn, người đã từng sống cuộc đời mà thế nhân ước ao nhất, cũng đã đưa ra kết luận về cuộc đời nhân sinh rằng tất thảy mọi sự trên trái đất này chỉ là hư không và vô nghĩa mà thôi. Đó là bởi ông đã nhận biết ra sự thật rằng kể cả phú quý vinh hoa mà bản thân mình đã hưởng suốt đời cũng không đời đời mà chỉ là sự tạm thời thôi, và khi thời gian trôi qua thì tất thảy mọi điều đều chẳng là gì, và đều hư vô cả.
Loài người không biết về thế giới vĩnh cửu, chỉ tưởng cuộc sống trên trái đất này là toàn bộ, chỉ chăm chú vào giây phút hiện giờ mà chạy như tên bắn hướng về sự cuối cùng, song khi nhìn lại cuộc đời nhân sinh mình đã trải qua và giây phút cuối của cuộc đời, thì sẽ nhận ra được rằng tất thảy mọi lao khổ dưới mặt trời đều chẳng là gì cả. Nếu Đức Chúa Trời đã không cho chúng ta biết về sự thật này, thì chúng ta cũng đã giống như những người thế gian, cứ bám víu lấy sự tạm thời, không biết đến thế giới vĩnh cửu mà tiêu phí hết thảy khoảng thời gian có giá trị, là cuộc đời nhân sinh.
Song, Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta đến Siôn, cho chúng ta nhận biết về sự tồn tại của thế giới vĩnh cửu có thể hưởng hạnh phúc lớn hơn, hòa bình lớn hơn, niềm vui lớn hơn và sự thích thú lớn hơn so với những điều mà chúng ta theo đuổi suốt cả cuộc đời trên trái đất này. Hơn nữa, Đức Chúa Trời cũng cho chúng ta biết rằng phải sống như thế nào mới là cuộc sống khôn ngoan nhất, và cũng đã chuyển đổi cuộc sống vốn chỉ sống vì sự tạm thời của chúng ta, thành cuộc sống chuẩn bị cho thế giới vĩnh cửu.
Salômôn cuối cùng cũng đã nhận ra giá trị mà loài người phải ưu tiên trước hết, và đã làm chứng như thế này trong phần cuối của sách Truyền Đạo.
“Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng… vì bấy giờ người đi đến nơi ở đời đời của mình, còn những kẻ tang chế đều đi vòng quanh các đường phố: Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng; và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó. Kẻ truyền đạo nói: Hư không của sự hư không; mọi sự đều hư không… Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy.” Truyền Đạo 12:1-14
Trong sách Truyền Đạo chương 20, “những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng” chỉ ra thời kỳ hoàng hôn của nhân sinh, còn sự “người đi đến nơi ở đời đời của mình, còn những kẻ tang chế đều đi vòng quanh các đường phố” chỉ ra thời điểm sau khi loài người kết thúc cuộc đời. Những lời này giải thích rằng rốt cục khi nhìn lại trước sự chết thì sẽ thấy tất thảy mọi lao khổ vì cuộc sống trên trái đất này đều hư không và chẳng khác nào theo luồng gió thổi cả.
Cuộc đời nhân sinh tưởng chừng rất dài, tưởng chừng là đời đời, song chẳng qua chỉ là sự tạm thời khi thời gian trôi đi thôi. Cuộc sống bám víu lấy sự tạm thời này thì không thể không hư vô và vô nghĩa được. Những anh hùng hào kiệt như Alexander Đại đế và Napoleon cũng đã để lại những lời giống hệt với nội dung mà Salômôn đã làm chứng, vào giây phút cuối cùng của cuộc đời họ. Đó là họ đã giong ruổi suốt cả cuộc đời vì ước mơ và khát vọng của bản thân song tất thảy mọi điều đều hư không và vô nghĩa.
Khi sự chết đến gần, Alexander Đại đế đã nhìn lại cuộc sống của mình, nhận ra rằng khoảng đất mà mình sẽ chiếm giữ chỉ là nấm mồ chưa đầy ba mét vuông giữa vùng lãnh thổ rộng lớn mà mình giành được do đặt cược cả cuộc đời, trong khi sát thương nhiều mạng người, chinh phục nhiều quốc gia, nên ông ấy đã than thở sâu sắc. Cho nên, ông ấy đã để lại lời trăn trối rằng khi mình chết đi và bị chôn trong lòng đất, thì hãy để bàn tay mình ra ngoài quan tài để mọi người có thể trông thấy. Đó là bởi ông ấy đã rất muốn cho mọi người biết rằng kể cả người đã nắm trong tay cả thiên hạ cuối cùng cũng phải trở về với bàn tay trắng, ấy là cuộc đời nhân sinh.
Như vậy, duy chỉ người tiến gần tới kỳ cuối cùng của cuộc đời nhân sinh mới có thể khẩn thiết nhận ra sự vô thường và hư không của cuộc đời nhân sinh sống vì sự tạm thời trên trái đất này. Song, trước khi chúng ta tiến tới sự cuối cùng của cuộc đời nhân sinh hư không giống như họ, Đức Chúa Trời đã khiến cho sự đời đời ở nơi lòng chúng ta, và đã làm thức tỉnh chúng ta về sự thật rằng phận sự của nhân sinh là kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài, nhờ đó có thể nhận được sự sống đời đời và đi đến thế giới vĩnh cửu.
Để dẫn dắt chúng ta vào thế giới vĩnh cửu không hư không và vô nghĩa, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta phước lành quý báu là “sự sống đời đời”. Hơn nữa, Đức Chúa Trời cũng đã dạy cho chúng ta phương pháp có thể sống cuộc đời không hư không và vô nghĩa kể cả trên trái đất này nữa. Đó chính là “cuộc sống của người truyền đạo” rao truyền lẽ thật mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ cho chúng ta.
Truyền đạo là công việc phụng sự và hy sinh vì thế giới vĩnh cửu, và để cứu sự sống của người khác chứ không phải của bản thân mình. Khi có tinh thần phụng sự và hy sinh vì người khác, khi cầu nguyện khẩn thiết lên Đức Chúa Trời cho linh hồn đó, khi hạ thấp bản thân mình và yêu thương linh hồn đó bằng tấm lòng của Đức Chúa Trời, thì chính lúc ấy, truyền đạo ân huệ mới được hoàn thành, và mới có thể dẫn dắt được một linh hồn tới sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời đẹp lòng với truyền đạo như vậy.
“Vì sự giảng đạo của chúng tôi chẳng phải bởi sự sai lầm, hoặc ý không thanh sạch, cũng chẳng dùng điều gian dối. Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi.” II Têsalônica 2:3-4
Tin Lành là công việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Và Tin Lành này là công việc duy chỉ “những người mà Đức Chúa Trời xét là xứng đáng” mới có thể làm được. Vì là công việc rao truyền về thế giới vĩnh cửu, và dẫn dắt loài người đến thế giới ấy, nên có thể nói rằng chính người rao truyền Tin Lành mới là người sống vì sự đời đời.
Chúng ta đừng yên lặng mà hãy cho nhiều người xung quanh biết về Tin Lành, và hãy hết sức nỗ lực để cuộc sống của chúng ta trở nên cuộc sống vì sự đời đời, chứ không phải là cuộc sống vì sự tạm thời. Bắt bớ và sự sỉ nhục của những người xung quanh trong quá trình chúng ta rao truyền Tin Lành, chỉ là một chốc một lát mà thôi. Sự này là huân chương mà chúng ta sẽ được nhận khi đi vào vương quốc trên trời vĩnh cửu, và sẽ trở thành lý lịch tỏa sáng rằng chúng ta đã đồng tham vào sự khổ nạn vì vương quốc Đức Chúa Trời. Hơn nữa, trong cuộc sống trên trái đất này, sự này chỉ là tạm thời thôi, song ở trên vương quốc Đức Chúa Trời, sự này sẽ trở thành câu chuyện để chúng ta khoe khoang mãi mãi.
Cho nên, đấng tiên tri Đaniên cũng đã ghi chép trong Kinh Thánh rằng “những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi.” Chúng ta hãy bỏ đi suy nghĩ ngốc nghếch muốn từ bỏ Tin Lành vì không chịu nổi khó khăn một chốc một lát, mà hãy nghĩ đến huân chương sẽ được nhận trên vương quốc trên trời vĩnh cửu, trở thành các con cái của Đức Chúa Trời tiếp nhận một cách ân huệ ý muốn mà Đức Chúa Trời đẹp lòng rồi rao truyền Tin Lành.
“Ngài bèn phán cho họ lời thí dụ nầy: Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai; đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất. Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn.” Luca 15:3-7
Đức Chúa Trời đã phán rằng sự làm cho một tội nhân ăn năn còn có thể dâng lên Đức Chúa Trời niềm vui lớn hơn so với niềm vui mà chín mươi chín người công bình có thể dâng lên. Sự cứu rỗi một linh hồn, một linh hồn, là công việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời đến mức ấy, và cũng là công việc vì sự đời đời.
Các anh chị em sẽ sống thiên nhiều hơn về sự thích thú tạm thời sẽ được hưởng trên trái đất này, hay sẽ sống thiên nhiều hơn về phước lộc đời đời sẽ được hưởng trên vương quốc Đức Chúa Trời đây? Sự lựa chọn là phần việc của các anh chị em. Song, sự lựa chọn trong chốc lát ấy sẽ quyết định cho sự đời đời.
Hiện giờ, chúng ta có cơ hội có thể tích lũy phước lành cho sự đời đời, song khi trở về vương quốc Đức Chúa Trời, thì không thể nào hoán đổi với tất thảy thời gian và năm tháng đã trải qua trên trái đất này, với những dấu vết đã để lại trên trái đất này. Trong khoảng thời gian của cơ hội quý báu này mà Đức Chúa Trời ban cho, mong tất thảy các anh chị em đều lựa chọn hợp ý muốn của Đức Chúa Trời, và hãy sống cuộc sống đẹp đẽ sống vì sự đời đời, chứ không phải cuộc sống hư không và vô nghĩa sống vì sự tạm thời.
“Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” I Côrinhtô 15:58
Salômôn đã nói rằng các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời thảy đều hư không và hư không. Song, sứ đồ Phaolô đã nhấn mạnh rằng sự lao khổ gắng sức và nỗ lực hơn nữa vì công việc của Đức Chúa Trời, tuyệt đối không hề hư không.
Chúng ta, vốn đang sống mà bị giam lỏng trong khung của sự tạm thời. Rồi bất chợt một ngày nọ, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta đã được ngước nhìn lên trời và được trông thấy sự đời đời ở trên đó. Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta chia sẻ sự nhận biết này cho kể cả những người khác để cứu rỗi họ chứ không chỉ riêng bản thân chúng ta. Và, Đức Chúa Trời cũng mong tất thảy đều trở thành các con cái gắng sức hơn nữa vào công việc của Đức Chúa Trời bằng tấm lòng xâm chiếm, hãm ép, để tất thảy đều cùng nhau đạt tới vương quốc Đức Chúa Trời.
Mong tất thảy người nhà Siôn hãy trở thành những người giúp việc của giao ước mới đẹp đẽ, rao truyền vinh hiển của Giêrusalem Mới và Tin Lành giao ước mới ra khắp thế gian, để sống vì niềm vui của Đức Chúa Trời và sự đời đời. Mong tất thảy đều trở thành những nhân chứng đẹp lòng Đức Chúa Trời, cung cấp cơ hội có thể sống vì sự đời đời và nhận biết Nước Thiên Đàng vĩnh cửu, cho nhiều linh hồn đang sống chỉ vì sự tạm thời giống như khi chúng ta đã thuộc về thế gian trong quá khứ.